Độc đáo Lễ hội Hoàng Vần Thùng và Tết Khu Cù Tê của người La Chí
VNTN - Người La Chí sống định canh, định cư thành từng bản ở vùng núi phía Bắc từ rất lâu đời, sống chủ yếu ở các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần của tỉnh Hà Giang. Người La Chí có nhiều lễ hội, trong đó độc đáo nhất phải kể đến Lễ hội Hoàng Vần Thùng và Tết Khu Cù Tê.
Lễ hội Hoàng Vần Thùng và Tết Khu Cù Tê là Lễ hội dân gian truyền thống được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là Lễ hội tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng và sức lan tỏa đến cộng đồng các dân tộc La Chí, Tày, Nùng, Mông, Dao... trên địa bàn các huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, Quang Bình và Vị Xuyên. Đối với cộng đồng người La Chí, Tết Khu Cù Tê là dịp những người trong dòng họ gặp nhau, đến ngày Tết dù ở xa cũng trở về bên gia đình, dòng tộc cùng ăn uống hàn huyên tâm sự, thể hiện tinh thần gắn kết cộng đồng, cầu cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc...
Truyền thuyết xưa kể rằng, xưa kia, bà con nhân dân trong vùng sống du canh, du cư, nay đây mai đó, họ phát nương, trồng rẫy vài ba vụ đất bạc màu lại chuyển đi nơi khác, cứ như vậy, đời sống vô cùng cực khổ; mất mùa, đói khát triền miên. Một hôm, xuất hiện một người đàn ông cao to, khỏe mạnh, hướng dẫn nhân dân san núi thành ruộng bậc thang để trồng lúa nước; nuôi gà, lợn, dê; đánh đuổi giặc đến cướp bóc. Từ đó, cuộc sống của bà con dần ổn định, ấm no. Sau khi giúp dân làng đánh đuổi giặc, ông trở về núi Gia Long và bà con không còn thấy ông nữa. Từ đó về sau, người dân lập miếu thờ hương khói, cứ đến ngày Thìn, tháng Thìn hàng năm; dân làng lại tổ chức giỗ ông Hoàng Vần Thùng. Qua truyền thuyết trên cho thấy, Hoàng Vần Thùng được người La Chí coi là vị thần bảo vệ mùa màng và cuộc sống yên lành của dân bản trong vùng.
Thiếu nữ dân tộc La Chí trong ngày Tết Khu Cù Tê.
Tết Khu Cù Tê của người La Chí thường được tổ chức vào tháng 7 âm lịch hàng năm, khi cây lúa, cây ngô đã lên xanh tốt ngoài đồng ruộng. Tuy nhiên, việc tổ chức cũng phải tuân thủ những luật lệ chung của cộng đồng. Đầu tiên là việc bầu ra người chủ trì của cộng đồng La Chí, người này được gọi là “Mổ cóc”, là người có uy tín trong cộng đồng. Những người giúp việc cho “Mổ cóc” gọi là “So vé”. Ngày Tý được quy định là ngày mổ trâu của cộng đồng, thịt trâu là thực phẩm bắt buộc phải có để cúng Tổ tiên trong ngày Tết Khu Cù Tê. Mỗi dòng họ chung nhau mổ một con trâu, Trưởng họ sẽ là người giữ đôi sừng trâu. Sừng trâu là vật không thể thiếu trong lễ cúng của người La Chí. Sừng trâu được rửa sạch, đem phơi nắng, cưa ngắn bớt phần cuối sừng và khoan một lỗ tại phần nhọn của sừng, xỏ một dây để treo. Sừng trâu được treo cùng chiếc giỏ và một củ gừng ở gian giữa có bàn thờ Tổ tiên, sau đó Trưởng họ bắt đầu cúng gọi linh hồn Tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu, mời Tổ tiên uống nước cà đắng, ăn thịt trâu và uống rượu. Sau khi bài cúng kết thúc, chiêng, trống nổi lên, bà con mời khách gần xa cùng ăn thịt trâu mà dân bản nuôi được, cùng ăn xôi mà dân bản trồng được trên mảnh đất Bản Díu màu mỡ, cùng uống rượu ngọt như tấm lòng thảo thơm của người La Chí nơi đây. Tết Khu Cù Tê của người La Chí có ý nghĩa cầu mong Tổ tiên phù hộ cho ngô, thóc đầy bồ; trâu, bò đầy chuồng, béo tốt; con cháu khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, bản làng ấm no...
Lễ hội Hoàng Vần Thùng gắn với Tết Khu Cù Tê của cộng đồng người La Chí giữ một vai trò quan trọng, không thể thiếu trong việc gắn kết cộng đồng, củng cố tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc cùng chung sống trên địa bàn. Cùng với việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, nhân dân các dân tộc phía Tây của tỉnh vẫn luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; ra sức lao động sản xuất, xây dựng đời sống ấm no, quyết tâm bảo vệ vững chắc mảnh đất phên dậu của Tổ quốc.
Nguyễn Phương
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...