Độc đáo chữ cổ Pà Thẻn
VNTN - Nói đến người Pà Thẻn (còn gọi là Pà Hưng, Mèo Lài, Mèo Hoa, Mèo Ðỏ, Bát Tiên tộc...) mọi người thường nhớ đến nghi lễ nhảy lửa độc đáo mang màu sắc tâm linh, mà không mấy người biết người Pà Thẻn còn có một hệ thống chữ viết độc đáo.
Năm 1908 Bonyfacy, sĩ quan Pháp, công sứ Hà Giang 1911, cộng tác viên của Viện Viễn Đông Bác Cổ (1902-1903) đã nghiên cứu về chữ viết của người Pà Thẻn. Bonyfacy đã chụp được ảnh con dấu của người Pà Thẻn ở vùng thượng lưu sông Lô, dùng trong những cuộc khởi nghĩa chống lại bọn thống trị địa phương và thực dân. Trên con dấu ngoài sáu chữ Hán (đây có lẽ là trường hợp ngoại lệ duy nhất), còn có hình vẽ những con vật bốn chân và hai chân, là chữ viết hình vẽ của người Pà Thẻn.
Trước năm 1960 giáo sư sử học Lê Trọng Khánh, nguyên giảng viên trường Đại học Tổng hợp đã dày công điền dã, sưu tầm tại một số huyện của hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, nơi có đông người Pà Thẻn sinh sống. Giáo sư đã có những kết luận quan trọng về hệ thống chữ viết của người Pà Thẻn. Trước hết chữ viết của người Pà Thẻn là chữ viết hình vẽ không giống với chữ Hán, chữ Việt, chữ Thái… Người Pà Thẻn có truyền thuyết: “Xưa người Pà Thẻn có chữ, tất cả đàn ông đều có quyền học nhưng thiên tai địch họa liên tiếp xảy ra. Người Pà Thẻn phải dắt díu nhau đi tìm miền đất hứa. Trước khi đi mọi người đồng lòng đốt sách lấy than hòa vào nước chia cho mọi người uống và nguyền rằng không bao giờ dùng chữ nữa mà chỉ ghi nhớ”. May thay, vì những lý do nào đó vào trước năm 1960 vẫn còn lại một số tài liệu về chữ viết trong dân gian ghi lại những bài cúng ma, một số thày mo cao tuổi vẫn đọc được một phần và giáo sư Lê Trọng Khánh sưu tầm được một tập tài liệu dày 64 trang ghi lại những bài cúng ở Thượng Minh, Chiêm Hóa, Tuyên Quang, một tập dày 32 trang ghi lại những bài cúng của đồng bào Bắc Vì, Bắc Quang, Hà Giang.
Các chữ viết hình vẽ ở hai nơi trên có một số điểm khác nhau, ví dụ trong tập ở Thượng Minh hình người tay dính liền với đầu, còn ở tập tài liệu ở Bắc Vì, hình người tay đã xuống vai. Ở Thượng Minh hướng hành động của sự việc chen vào giữa các hình vẽ, tách các hình vẽ thành các khái niệm cụ thể, trong khi ở Bắc Vì hướng hành động của sự vật lại đưa xuống dưới các chữ viết hình vẽ.
Trong hệ thống chữ viết hình vẽ được tìm thấy, mỗi hình vẽ biểu thị một sự vật hay hiện tượng hầu hết có trong đời sống hàng ngày như: mặt trời, con người, rừng cây, đôi gánh, xa kéo sợi... một phần do trí tưởng tượng như ma, thiên đường... (những hình vẽ này cũng rất gần với hình dáng con người). Những sự vật giống nhau đều được biểu thị bằng những hình vẽ giống nhau. Khi biểu thị sự vật có khi chỉ dùng một hình vẽ nhưng cũng có khi tập hợp nhiều hình vẽ. Đặc biệt mỗi hình vẽ đều cách nhau bởi ký hiệu chỉ hướng của sự vật.
Chữ viết hình vẽ của người Pà Thẻn sắp xếp từ phải sang và cũng đọc từ phải sang trái. Trong tập tài liệu đã tìm được tuy mất một số trang song vẫn còn tới 538 lượt hình, trong đó có 290 hình biểu thị một sự vật, một hiện tượng. 81 hình tập hợp nhiều sự vật, 209 hình biểu thị một sự vật. Ví dụ: khi biểu thị chỗ chăn nuôi gà, vịt, lợn, ta thấy nhiều hình vẽ mô phỏng những con vật đó xếp liền nhau. Hoặc hình vẽ biểu thị chỗ rửa chân cho ma thiên đường (Người Pà Thẻn quan niệm có ma tốt và ma xấu) có một tập hợp hình vẽ liên tiếp những hình giống người và có ranh giới giữa đất với trời... Còn với những hình vẽ biểu thị một sự vật thường đơn giản, mô phỏng thực tế sinh hoạt đời sống như: dấu X là đường rẽ, cối giã gạo, xa kéo sợi, bếp lửa... đều là những hình vẽ mô phỏng hình ảnh thực.
Giáo sư Lê Trọng Khánh đã thống kê được tần xuất xuất hiện hình vẽ đã giải mã được một số gồm: chỗ thờ ma nhà xuất hiện 35 lần, Con người và hành động kèm theo xuất hiện 37 lần. Các loại cây khác nhau xuất hiện 20 lần. Đường rẽ xuất hiện 19 lần. Cổng ra vào xuất hiện 15 lần. Cửa nhà xuất hiện 15 lần. Cổng chào xuất hiện 15 lần. Gốc cây đa xuất hiên 10 lần. Thùng nhuộm vải xuất hiện 3 lần. Xe xuất hiện 2 lần. Bếp lửa xuất hiện 2 lần. Bãi ra dớn xuất hiện 2 lần. Đường lên dốc xuất hiện 2 lần. Guồng quay sợi xuất hiện 2 lần. Ruộng bậc thang xuất hiện 7 lần. Còn chỗ nghỉ uống nước, chỗ cọp bắt người, bến đò, nhà mẹ mặt trời, chỗ rửa chân của ma, cái dần gạo, cái sàng gạo mỗi thứ xuất hiện 1 lần. Còn 267 hình chưa giải mã được.
Tuy số lượng hình vẽ giải mã được chưa nhiều nhưng có thể thấy những chữ viết hình vẽ của người Pà Thẻn không chỉ dùng để ghi lại đời sống sinh hoạt hàng ngày, những bài cúng mà còn có thể có sự giao lưu với các vùng khác nhau. Thông qua đó ta còn hiểu về quan niệm về vũ trụ, về ba tầng thế giới thông tỏ và giao cảm của người Pà Thẻn. Điều độc đáo trong hệ thống chữ viết hình vẽ của người Pà Thẻn là có nhiều hình vẽ biểu thị tính âm dương rõ dệt như: người có đôi nam nữ, con vật, hoa... cũng có đôi mang tính đực - cái (những chữ viết hình vẽ này còn được thể hiện trên trang phục của người Pà Thẻn như những hoa văn, họa tiết). Điều đó thể hiện khát vọng sinh sôi nẩy nở vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Điều đó cũng không khó lý giải khi ta biết người Pà Thẻn xưa sống chủ yếu bằng canh tác nương rẫy. Phương thức canh tác là phát đốt rồi chọc lỗ, tra hạt. Cây trồng gồm lúa, ngô và các loại rau, đậu, khoai sọ, khoai môn… Công cụ sản xuất là rìu, cuốc, dao, sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên, lại phải luôn đoàn kết chống lại kẻ thù hai chân và bốn chân.
Chữ viết ra đời là một trong những thành tựu lớn có được khi xã hội phát triển đến một trình độ văn minh nhất định, kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo, luật tục đã đạt một trình độ khá cao... Chữ viết hình vẽ của người Pà Thẻn tuy là hình thức tiền văn tự nhưng phản ánh được phong tục, tập quán và mọi mặt đời sống văn hóa, xã hội, tâm linh… giúp chúng ta hiểu thêm về một nền văn hóa đậm đà bản sắc còn ẩn sâu trong dân gian như trầm tích.
Hiện nay mới có một số công trình nghiên cứu về người Pà Thẻn như: “Hôn nhân của người Pà Thẻn ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang”, khoá luận tốt nghiệp đại học chuyên ngành Dân tộc học của Lê Thị Thanh, 2004, “Trang phục của người Pà Thẻn ở Tỉnh Hà Giang” của TS Nguyễn Thị Huyền Nhung, 2016… nhưng chưa có công trình nghiên cứu về ngôn ngữ, trong khi những người cao tuổi hiểu về chữ của người Pà Thẻn ngày một mất dần. Ngày nay người Pà Thẻn học chữ phổ thông nhưng những chữ viết hình vẽ còn đó như một câu hỏi lớn với những cơ quan, ban ngành, những người làm công tác nghiên cứu, trước hết của hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang trách nhiệm bảo tồn chữ viết, một trong những tinh hoa văn hóa của người Pà Thẻn, một tộc người trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam trong khi chưa quá muộn. Bảo tồn được chữ viết của người Pà Thẻn dù chỉ những nét cơ bản, góp phần to lớn trong việc thực hiện chính sách dân tộc, người Pà Thẻn thêm hiểu biết về dân tộc mình, thêm yêu quê hương, đất nước.
Trần Vân Hạc
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...