Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
02:28 (GMT +7)

Dịu dàng, đằm thắm hoa hồng cổ

VNTN - Dịu dàng, đằm thắm, hương thơm tinh tế, quyến rũ… hoa hồng đã được mệnh danh là chúa tể của các loài hoa. Hơn thế nó còn tượng trưng cho tình yêu, sắc đẹp. Những năm gần đây, bên cạnh việc du nhập các giống hồng ngoại (hoa hồng giống mới), nhiều người Việt bắt đầu tìm lại tình yêu với hoa hồng cổ (hoa hồng giống xưa).

Hồng leo cổ Hải Phòng với vẻ đẹp đằm thắm, quyến rũ

Hồng cổ lên ngôi

Theo lời kể của những người chơi hồng lâu năm, hiện chưa xác định được chính xác thời gian xuất hiện hồng cổ. Chỉ biết rằng, những giống hồng này được người Pháp bản xứ mang sang trồng ở Việt Nam. Sau đó, người Việt chọn lọc, thuần dưỡng hàng trăm năm nay.

Từ năm 2014, phong trào chơi hồng cổ bắt đầu rộ lên khiến các giống hồng cổ vốn đã tồn tại từ lâu bỗng trở nên đắt giá. Các nhà vườn lớn nhỏ đi khắp nơi sưu tầm, săn tìm hồng cổ. Để thỏa mãn thú chơi nhiều người sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng để có được một gốc hồng cổ như ý.

Thái Nguyên cũng không nằm ngoài cơn sốt những loại hồng này khi có một số nhà vườn chuyên trồng, chăm sóc và cung cấp các giống hoa hồng cổ cho thị trường. Các loại hồng cổ được người chơi ưa chuộng đều là giống cổ, quý ở Việt Nam như hồng cổ Sapa, hồng cổ Hải Phòng, hồng cổ Vân Khôi, hồng Quế, hồng bạch, bạch xếp hồng đào...

Vẻ đẹp tinh tế, dung dị mà không kém phần đài các của loại hoa này có sức hút mạnh mẽ với người chơi. So với các dòng hoa nội địa khác, hồng cổ có giá đắt hơn gấp nhiều lần.

Theo các chủ nhà vườn, hiện nay có nhiều gia đình sở hữu hồng cổ nhưng lại chưa biết đến giá trị của loại hồng này. Họ thường chặt bỏ hoặc bán với giá rẻ. Tuy nhiên, sau khi được các nhà vườn thu mua và thuần dưỡng thì giờ đây giá của những cây này dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Thậm chí, có gốc lâu năm được người sành chơi trả giá đến 40 - 50 triệu.

Hồng cổ chinh phục người chơi trước hết bởi sắc dịu dàng, đằm thắm vẻ đẹp kiêu sa xen lẫn chút hoang dại. Kết cấu cánh hoa khá đặc biệt, các cánh hoa mềm mại được xếp chồng lên nhau theo hình hoa thị. Những cánh mỏng bên trong dịu dàng khéo léo ôm lấy tâm hoa. Giữa bụi hồng cổ gai góc, len lỏi những nụ hồng e ấp cùng những đóa hoa thắm sắc, viên mãn, đầy sức sống.

Phong phú về chủng loại, có cây, lá đẹp, nở liên tục nhiều lần trong năm, hương thơm quyến rũ, sức sống lâu bền, kháng bệnh, không bị thoái hóa… hồng cổ hội tụ quá nhiều ưu điểm để hút người chơi. Là người mới biết đến hồng cổ được 1 năm, nhưng chị Tạ Thị Thảo (phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên) đã “bị” loại hồng này mê hoặc. Tình cờ biết đến những giống hồng cổ qua một diễn đàn hoa hồng trên mạng, bất ngờ trước vẻ đẹp của hồng cổ, chị Thảo bắt đầu chuyển từ thú chơi hồng ngoại sang tìm hiểu rồi yêu hồng cổ từ lúc nào không biết. Chị tâm sự, chị yêu hồng cổ vì loài hoa này không quá cầu kỳ, phô trương như hồng ngoại, nhưng chúng mang vẻ đẹp thuần khiết, dung dị, hương thơm tinh tế, đặc biệt là có sức sống mãnh liệt, có thể ra nụ đơm bông bất chấp thời tiết khắc nghiệt.

Chị Thảo chăm sóc cây hồng đào cổ

Chuyện hoa, chuyện người…

Nhắc đến thú chơi hoa hồng cổ ở Thái Nguyên hẳn nhiều người biết đến vườn hồng của ông Dũng (xóm Đồng Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ). Chiêm ngưỡng vườn hồng nhà ông, sẽ cắt nghĩa được vì sao loài hoa này có sức mê hoặc người chơi đến vậy.

Cả khu vườn dễ đến vài trăm m2 ngập hương sắc của hàng nghìn bông hồng cổ đủ loại khoe mình dưới nắng xuân. Cũng là màu đỏ nhung thường thấy ở một vài loại hồng khác, nhưng sắc đỏ của hồng Hải Phòng cổ có ánh tuyết nhung mà các loại hồng khác không dễ có được. Dưới ánh ban mai, cánh hoa còn đọng sương đêm, sáng lấp lánh như gắn hàng triệu viên kim cương. Hồng cổ Sa Pa thì cánh hoa mỏng manh, kiều diễm như nàng công chúa đang ngủ quên trong lâu đài xanh mướt của tán lá… Trong không gian đượm hương sắc, được ngồi nhâm nhi tách trà ướp hoa hồng thơm ngọt, ngắm những bông hồng cổ khoe sắc trong vườn, quả thật không thú nào bằng.

Qua lời kể của ông Dũng mới biết thêm ngoài vẻ đẹp khiến nhiều người mê đắm, hồng cổ còn có nhiều công dụng khác nhau. Bạch hồng có mùi thơm dịu nhẹ, cánh hoa còn dùng để chữa ho rất hiệu quả. Hay Bạch Trà hoa trắng muốt và dùng để ướp hương trà. Ngoài ra, cánh hoa hồng cổ có thể pha với nước ấm để rửa mặt, tắm…

Là người mới tìm lại được nhiều giống hồng cổ từ 2 năm trở lại đây, hiện trong khu vườn của ông Dũng có tới hàng trăm gốc hoa hồng cổ đủ loại. Ông đã kỳ công đẩy hàng trăm xe cải tiến đất màu để bồi lên thành vườn hồng như hiện nay. Cứ mỗi chuyến đi công tác, ông Dũng không quên tìm các giống hồng cổ mang về để góp thêm vào bộ sưu tập hồng. Từ những cây hồng cổ mua về, ông Dũng mày mò tìm học cách nhân giống ra thành các cây con. Đến nay, vườn của ông đã có khá nhiều dòng hồng cổ.

Ông Dũng tâm sự: “Dù bận bịu với công việc ở cơ quan, nhưng sáng nào cũng phải ra vườn ngắm từng bông hoa, từng chồi lá, rồi tỉa tót, tạo kiểu, nâng niu từng cây hoa như chăm sóc cho người mình yêu, không ra là lại thấy nhớ”. Sáng nào chưa kịp ra vườn là ông Dũng lo lắng gọi điện về nhà hỏi thăm, nhất là khi gặp thời tiết giá rét hay những đợt nắng nóng kỷ lục. Bằng niềm đam mê của mình, ông Dũng đã truyền tình yêu hoa hồng cổ tới gia đình, xóm giềng, bạn bè. Với những người cùng thú chơi, ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, thậm chí tặng lại những cây hồng cổ mà ông cất công tìm kiếm và chăm sóc.

Đam mê với hoa hồng, chị Linh Trang (ngõ 882, đường Dương Tự Minh, TP Thái Nguyên) đã gây dựng lên cả một khu vườn rộng hơn 3.000 m2. Sau 6 năm trồng hồng, vườn của chị hiện tại có khoảng vài nghìn gốc. Bên cạnh hồng ngoại, chị Trang cũng không quên dành một phần trang trọng nhất trong vườn cho các giống hồng cổ. Khi hồng nở, khu vườn của gia đình chị rực rỡ với hàng chục loại hồng cổ đua sắc. Ngoài việc trồng hồng vừa chơi vừa kinh doanh, chị Trang cũng lập một trang facebook để các thành viên yêu hoa hồng trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên có thể cùng nhau chia sẻ tình yêu và thú chơi hồng cổ và tư vấn những vấn đề liên quan đến hoa hồng, từ việc nhánh cây mới nhú, cái nụ mới đâm, bông hoa mới nở… đến các dấu hiệu bệnh, cách chăm sóc, trị bệnh...

Cũng từ tình yêu với hồng cổ, nhiều người đã từng lặn lội, cất công đến Đà Lạt, Yên Bái, Sa Pa, Nam Định, Hải Phòng… để tìm hiểu và đưa những giống hồng về trồng, phát triển và nhân giống. Hành trình để đưa hồng về cũng thật lắm gian nan và công phu. Từ việc đánh, đảo thuần dưỡng (đánh cây về trồng ở một địa bàn khác có điều kiện khí hậu không chênh lệch quá nhiều so với nơi cũ, để cây dần thích nghi và sống sót) đến khi về được Thái Nguyên, hồng cổ phải trải qua hành trình vài năm.

Dạo qua một vài vườn hồng cổ ở Thái Nguyên mới thấy sức chinh phục của hồng cổ và niềm đam mê dường như không giới hạn từ những người đã trót yêu và nặng lòng với nó. Và chính những người chơi như ông Dũng, chị Trang, chị Thảo… đã âm thầm góp phần khôi phục, bảo tồn những giống hồng cổ như lưu giữ giá trị tinh thần quý giá của cha ông.

Linh Chi

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy