Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
00:18 (GMT +7)

Đình và chùa Trung Đài - quần thể di tích lịch sử văn hóa lâu đời ở Đại Từ

Quần thể đình và chùa Trung Đài là di tích lịch sử văn hóa lâu đời ở huyện Đại Từ gắn bó với đời sống tinh thần của nhân dân địa phương và du khách. Di tích nằm cách Quốc lộ 37 (đoạn Thái Nguyên - Tuyên Quang) 2 km, cách UBND xã Cù Vân, huyện Đại Từ gần 2 km, cách trung tâm huyện khoảng 9 km, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 14 km. Từ Quốc lộ 37 đi vào di tích rất thuận tiện do đã có đường nhựa và đường đổ bê tông.

Đình và chùa Trung Đài - quần thể di tích lịch sử văn hóa lâu đời ở Đại Từ
Chính diện di tích đình Trung Đài

Đình, chùa Trung Đài hiện chưa rõ được nhân dân địa phương xây dựng từ khi nào. Căn cứ vào văn bia Hậu thần bi ký đang để tại đình và bài Văn ghi trên tường dưới thượng cung đình cho biết đình được nhân dân xây dựng vào đầu thời nhà Nguyễn. Văn bia Hậu thần bi ký ghi lại công đức của một số người ở địa phương đã bỏ tiền cho làng sử dụng vào việc công được bầu làm hậu thần lập bia đá biểu dương, bia lập vào năm “Gia Long thập niên thập nhất nguyệt, sơ lục nhật” (lập bia đá vào ngày mùng 6 tháng 11 năm Gia Long thứ 10 (1811). Bài văn ghi nhớ viết trên tường đình ghi (dịch nghĩa: “Đình Trung Đài khởi dựng từ năm Nhâm Thân (1812), năm 1932 (tức là 120 năm sau), đình được nhân dân tu tạo lại, đình tôn thờ các vị quản lý từ trước tới nay, sau đây kê ra những vị ấy người ở làng Trung Đài gồm…. ”.

Đình và chùa Trung Đài - quần thể di tích lịch sử văn hóa lâu đời ở Đại Từ
Bàn thờ Thủ lĩnh Dương Tự Minh trong di tích đình Trung Đài

Đình, chùa Trung Đài được xây dựng trên đỉnh một quả đồi cao, chính diện hướng về phía Nam, ba bên đều có đường chạy qua. Đứng ở trên đình, chùa có thể quan sát được toàn cảnh xã Cù Vân. Trước mặt nhìn ra xa là dãy núi Pháo (Pháo Sơn) là nơi Thủ lĩnh Đội Cấn - một trong những người lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 - 1918 đã huyết chiến với quân Pháp và anh dũng hy sinh tại đây năm 1918. Sát chân đồi là cánh đồng rộng sải dài, có nhiều con đường chạy qua như ô bàn cờ, tạo nên cảnh quan đẹp. Đường lên đình, chùa Trung Đài độ dốc thoai thoải, được xây bằng bê tông có từng bậc lên xuống, 2 bên có thể đi xe máy. Bước vào sân di tích, phía bên phải đình có Miếu Hai Bà - nơi thờ Công chúa Diên Bình và Thiều Dung, là hai người vợ yêu của Thủ lĩnh phủ Phú Lương Dương Tự Minh. Miếu có kiến trúc nhỏ, trong miếu có thờ 2 tượng Mẫu: áo đỏ (Diên Bình), áo xanh (Thiều Dung). Hai bà đã trở thành hai vị thánh mẫu linh thiêng phù hộ, độ trì cho dân khang vật thịnh. Hai bên cửa bên ngoài và bên trong đình có câu đối như sau:

“Trung Đài hữu miếu tiên giáng thế

Cao Sơn nhị vị tối linh thần”.

Dịch nghĩa:

Trung Đài có miếu thờ vị tiên giáng thế

Núi cao có hai vị thần tối linh thiêng.

Bên trong có câu đối:

“Duy nhạc giáng thần tiên hữu nhị

Đài hương hiển thánh nữ vô song”

Dịch nghĩa:

Núi thiêng có đôi tiên nữ giáng thần

Cũng như đài cao có thánh nữ vô song.

Trên bàn thờ có bức hoành phi ghi: Nữ tiên trung (Bậc tiên nữ trung thành).

Đối với hai người vợ của Dương Tự Minh, nhân dân Thái Nguyên cũng dành cho họ nhiều tình cảm, sự cảm phục về tài năng đức độ, phẩm chất trung thành của hai nàng công chúa lên rừng, làm tròn bổn phận của người con trung hiếu, người vợ hiền thảo. Cũng như nhân dân xóm Trung Đài, xã Cù Vân nhiều nơi trong tỉnh Thái Nguyên lập đền, miếu, nghè tôn thờ hai bà như bậc Thánh Mẫu của nhân dân. 

Đình và chùa Trung Đài - quần thể di tích lịch sử văn hóa lâu đời ở Đại Từ
Miếu thờ hai bà vợ Dương Tự Minh trong quần thể đình, chùa Trung Đài

Đình Trung Đài được xây dựng trước, chùa xây sau theo kiểu “tiền thần hậu Phật”. Đình có kiến trúc đơn giản là ngôi nhà có ba gian, kiến trúc bên trong khung gỗ kèo kìm, xà ngang gác trên tường trốn cột, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói móc hình chữ nhật. Mặt chính diện hướng nam, có sân lát gạch Bát Tràng rộng, vườn có nhiều cây cổ thụ. Đình mở ba cửa, kích thước bằng nhau, 2 bên có tượng lính canh, cửa chính giữa 2 bên có biển ghi chữ Hán: “Dĩ hoà vi quý” (lấy sự hòa thuận làm quý), 2 bên có câu đối:

“Đình Đài cao thượng dân mong phú,

  Thủy phái tiền đường tất hiển vinh”

Dịch nghĩa:

Đình Trung Đài ở nơi cao ngất dân cầu mong được giàu có thịnh vượng

Trước mặt đình có dòng nước chảy tất sẽ được hiển vinh thành đạt.

Trong đình gian giữa có trưng bày một bàn án gian cổ bằng gỗ cao 1,3m, rộng 1m, chiều dài 1,9m được chạm thủng rất cầu kỳ đẹp mắt với các hình cách điệu: hổ phù, tứ linh, tứ quý… theo phong cách nghệ thuật thời nhà Nguyễn (thế kỷ XIX). Trên bàn thờ bày các đồ thờ như bát hương, lọ hoa gỗ cổ. Trên cửa thượng có treo bức hoành phi: “Bảo an dân” (Bảo vệ cho dân được yên ổn). Thượng cung xây bệ làm bàn thờ tượng thành hoàng Dương Tự Minh. Tượng được tạc bằng gỗ, kích thước bằng người thật. Tượng có khuôn mặt bình thản “Râu hùm, hàm én, mày ngài”, đầu đội mũ, dái tai dài, người mặc áo long bào, cân đai đường bệ, hai tay đặt trên đầu gối, dáng vẻ oai phong, đường bệ, uy nghiêm.

Theo sử sách Dương Tự Minh, người làng Quan Triều, tỉnh Thái Nguyên. Vào thời nhà Lý nước ta, ông có công chiêu dân, dẹp được nhiều phe đảng nổi loại ở trong vùng được vua Lý phong làm Thủ lĩnh phủ Phú Lương. Năm 1127, vua nhà Lý đem Công chúa Diên Bình gả cho ông làm vợ. Năm 1144, do có công dẹp được giặc phỉ Đàm Hữu Lượng ở vùng biên viễn phía Bắc thuộc Cao Bằng nên ông lại được vua nhà Lý gả Công chúa Thiều Dung, phong Phò Mã lang (Phò mã Đô uý), được về kinh Thăng Long nhậm chức làm quan triều đình, cai quản một vùng rộng lớn tương đương với vùng đất các tỉnh thuộc Khu Việt Bắc ngày nay. Sau khi ông mất, ở vùng núi Đuổm, nhân dân có sớ tấu vào triều, vua Lý thương tiếc sắc cho dân trong vùng từ Thượng Đu Đuổm tới hạ Lục Đầu dựng đền thờ.

Bàn thờ Dương Tự Minh có ba bát hương chính giữa có bát hương cổ men da lươn gốm Thổ Hà cách ngày nay khoảng trên 200 năm hai bên là bát hương sứ trắng thời nhà Nguyễn, 2 cây đèn, đằng sau tượng thần có vẽ màu nước mô típ “Lưỡng long chầu nguyệt”, 2 con phượng múa tạo nên sự huyền ảo, linh thiêng. Hai bên bàn thờ có câu đối như sau:

“Thiên thai giáng thế phù Lý cứu dân sinh vi tướng,

  Địa dưỡng giới quan phá Tống tặc quốc hóa vi thần”

Dịch nghĩa:

Trời giáng thế bậc anh hùng phù giúp nhà Lý sinh ra danh tướng

Nơi đầu biên giới phá giặc nước Tống khi mất hóa thành thần.

Bên cạnh có câu đối cổ khắc trên gỗ gắn tường như sau:

“Phá tặc hữu tiên y hiển tích do truyền thái nhạc,

 Bảo dân khâm đế mệnh linh thanh trường phái”

Dịch nghĩa:

Phá giặc có áo tiên, hiển tích còn truyền vạn đại

Che chở cho dân, bảo vệ triều đình linh thanh còn mãi.

Câu đối đình Trung Đài đã khái quát được cả cuộc đời và sự nghiệp công đức của của vị thần Dương Tự Minh đối với dân với nước. Dưới thượng cung có bàn thờ Hậu thần, trên tường có ghi bài Văn được nêu ở trên nói về lịch sử đình và họ tên một số người ở địa phương có công đức tu bổ, tôn tạo đình gần đây năm Quý Mão (1993). Gầm bàn án gian có một giá chuông treo quả chuông gang cổ.

Bia Hậu thần bi ký được dựng ở sau đình. Bia cao 70cm, rộng 65cm, bằng một thanh đá nguyên khối, đỉnh bia có tạc hình mũ, trán bia hình bán cung, dưới khắc 4 chữ Hán bia khắc cả hai mặt. Mặt trước có 13 hàng, chữ khắc nông, trải qua trên 300 năm nên bia bị mờ, nội dung như đã nói ở trên.

Tiếp đình có ngôi chùa nhỏ kiến trúc như một Hậu cung thờ dọc, có hai gian khu gỗ tạp, mái lợp ngói hình chữ nhật (ngói móc), bàn thờ Phật gọi là Tam Bảo được bài trí nhiều tượng, bên trong hai bên có bàn thờ nhỏ, bên phải là tượng Đức Ông, bên trái là Thánh Tăng. Hai bên tường còn sót lại 2 câu đối cổ như sau:

 Từ vân … … chân thân hiện,

 Phương chi … y sơ lạc thành.

(Do chữ mờ không luận được nên chúng tôi không dịch nghĩa).

Đình, chùa Trung Đài là một quần thể di tích chứa đựng nhiều di vật, hiện vật có giá trị nghiên cứu về lịch sử, văn hóa như văn bia, câu đối ca ngợi vị thần thành hoàng được thờ ở di tích là danh tướng Dương Tự Minh, một trong những tướng tài ở thời nhà Lý (thế kỷ XII) của nước ta. Các di vật tại di tích có giá trị góp phần khẳng định rõ thêm về cuộc đời và sự nghiệp, công trạng của Dương Tự Minh đối với dân với nước. Chính vì có giá trị lịch sử - văn hóa đó, đình, chùa Trung Đài đã được UBND tỉnh quyết định xếp hạng từ năm 2008.

Đình và chùa Trung Đài - quần thể di tích lịch sử văn hóa lâu đời ở Đại Từ
Mặt trước bia Hậu thần bi ký (1811) đình, chùa Trung Đài

Cùng với nhiều di tích khác ở huyện Đại Từ, đình, chùa Trung Đài như tô điểm thêm cho bông hoa thêm nhiều màu sắc. Khách tham quan du lịch về vùng đất Đại Từ có thể vòng qua từ miền Văn Yên, Ký Phú dạo thăm danh lam thắng cảnh, di tích núi Văn, núi Võ, quê hương của Tể tướng Lưu Nhân Chú nức danh trong Khởi nghĩa Lam Sơn, ngút tầm mắt với những vạt chè hoa tay, tắm dòng nước mát lạnh ở xã Hoàng Nông, hưởng thụ các món đặc sản cá tầm, cá hồi ở suối Kẹm, xã La Bằng để cảm nhận những cái hay, cái đẹp những sản vật của quê hương Đại Từ, vùng đất giàu tiềm năng về kinh tế, văn hóa và du lịch.

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy