Đình Ngọc Long – nơi kết nối tinh thần đoàn kết
Đình Ngọc Long nằm ở xóm Nam 1, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình, là một trong 4 di tích ở địa phương đã được UBND tỉnh Thái Nguyên xếp hạng tại quyết định số 2717/QĐ-UBND ngày 11/11/2010. Qua thời gian và lịch sử, ngôi đình đã bị xuống cấp, cần được trùng tu, tôn tạo. Với tinh thần trách nhiệm cộng đồng của nhân dân địa phương, 5 xóm: Nam 1, Nam 2, Giữa, Soi 1, Soi 2 cùng sinh hoạt chung ở đình đã chung tay, góp sức đầu tư tôn tạo, bảo tồn di tích. Có thể nói, đây là một trong những địa phương còn lưu giữ được nhiều di tích lịch sử văn hóa cổ và làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về gìn giữ, bảo tồn di tích văn hóa.
Đình Ngọc Long
1. Đình Ngọc Long tọa lạc trên khu đất cao rợp bóng cây xanh xen lẫn các cây cổ thụ với diện tích rộng 8.470m2 thuộc trung tâm làng Ngọc Long xưa. Di tích cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 25km về phía đông nam, cách thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) 6km về phía tây. Kết quả nghiên cứu mới đây, qua các tư liệu: sắc phong, văn bia ở đình Ngọc Long cho thấy: Đình xưa được nhân dân địa phương công đức xây dựng từ thế kỷ XVIII. Căn cứ văn khắc cột đá của đình cho biết: ngày lành, tháng 8 dưới triều nhà Lê, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 năm Bính Thìn (1736) dân 4 giáp quanh đình Hóa Long (Ngọc Long), xã Ngọc Sơn, huyện Tư Nông, phủ Phú Bình, xứ Thái Nguyên cùng nhau lập cột đá, bầu hậu thần là vợ chồng Hiệu sinh Dương Sỹ Long, vợ là Dương Thị Nhiên, người đã tự xuất tiền công đức cho làng mua cột đá dựng đình (cột đá hiện còn ở vườn đình, lâu ngày mưa gió bào mòn hết chữ).
Như vậy, có thể thấy đình Ngọc Long là công trình kiến trúc được hoàn chỉnh ở thế kỷ XVIII. Đến thời vua Lê Cảnh Hưng năm thứ 5 (1744) có một người chức sắc ở địa phương đã cúng 3 mẫu ruộng vào đình được dân địa phương bầu làm hậu thần (Bia đá Hậu thần bi ký đang dựng tại đình).
Hai thác bản dập cột đá và cột đá hiện tại đình Ngọc Long niên hiệu Lê Vĩnh Hựu 2 (1736)
Đình làng Ngọc Long nằm trên một khu đất rộng cao ráo, thoáng mát, xung quanh là cây cổ thụ tươi tốt. Địa thế của đình cao hơn hẳn xung quanh đã tạo nên một môi trường tĩnh mịch, trang nghiêm. Qua nhiều lần thăng trầm, ngôi đình Ngọc Long xưa không còn nữa. Năm 1930, ngôi đình được nhân dân trong làng công đức tiền của tôn tạo. Năm 1947, đình từng phải phá đi để “tiêu thổ kháng chiến” không cho quân Pháp làm nơi trú ngụ. Sau đó vào năm 1970 nhân dân địa phương xây dựng lại đình làm nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần.
Đình Ngọc Long chính diện quay về hướng nam. Đình được xây dựng trên bố cục kiến trúc từ ngoài vào qua cổng tứ trụ - sân đình - tiền tế và hậu cung. Ngôi đình có kiến trúc kiểu chữ “Đinh”, có 5 gian tiền tế và hậu cung, theo kiểu kẻ truyền, con chồng. Phía trước đình là cổng tứ trụ, cổng đình nối liền với sân đình. Nhà tiền tế đình có 5 gian rộng 75m2, cột bê tông, tường xây gạch đỏ quét sơn trắng, mái lợp ngói. Hậu cung rộng 35m2, tường xây gạch đỏ quét sơn trắng mái lợp ngói. Cảnh quan xung quanh ngôi đình ngày nay đã thay đổi khá nhiều, tuy nhiên, về cơ bản vẫn gìn giữ được những nét cổ kính, thâm nghiêm, là chốn linh thiêng của nhân dân.
Sắc phong niên đại Tự Đức thứ 33 (1879) của đình Ngọc Long phong cho thần Dương Tự Minh
Cũng như các ngôi đình nằm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đình Ngọc Long được nhân dân xây dựng để thờ vị anh hùng dân tộc Dương Tự Minh (Cao Sơn Quý Minh). Hiện tại, đình Ngọc Long còn lưu giữ được 8 sắc phong và nhiều đồ thờ tự cổ có giá trị. Trong đó 8 đạo sắc phong do các vua triều Nguyễn sắc phong cho đình, là một trong những hiện vật có giá trị đặc sắc của di tích. Sắc phong cho Cao Sơn Quý Minh Thượng đẳng thần, với các năm: một đạo phong vào năm Tự Đức năm thứ 33 (1880), một đạo phong vào năm Duy Tân năm thứ 2 (1908), ba đạo phong vào năm Khải Định năm thứ 2 (1917) và ba đạo phong vào năm Khải Định năm thứ 9 (1924). Đây là những hiện vật vô cùng quý giá được nhân dân và Ban quản lý di tích gìn giữ bảo vệ cẩn thận.
Sắc phong của vua Khải Định thứ 9 (1924) của đình Ngọc Long phong cho Dương Tự Minh
Bên trong hậu cung nơi thờ Thành hoàng làng được bài trí trang trọng với các đồ thờ như: Long đình rước sắc phong được trang trí cầu kì hình tứ linh, tứ quý; mũ thờ thành hoàng làng mạ kim tuyến; các bức tranh cổ vẽ chân dung Thành hoàng làng, bên văn, bên võ.
Tranh cổ vẽ màu nước hai bên: văn (trái) và võ (phải) thế kỷ XIX ở đình Ngọc Long
2. Ngôi đình Ngọc Long không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng mà còn là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử cách mạng, nơi giao lưu đoàn kết của các làng xã, cư dân trong vùng. Năm 1944, tại đình Ngọc Long là nơi diễn ra các cuộc hội họp của lực lượng vũ trang địa phương chuẩn bị tổng khởi nghĩa, đồng thời đình cũng là nơi bàn bạc, tiêu diệt bọn Việt gian bán nước và bọn tay sai. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nơi đây là trường bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ diệt giặc đói, giặc dốt... Vào thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nơi đây thường xuyên diễn ra các sự kiện tuyên truyền tăng cường chi viện cho miền Nam chống Mỹ cứu nước.
Từ sau khi được Nhà nước xếp hạng là di tích cấp tỉnh, nhân dân địa phương rất quan tâm duy trì bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di tích. Ngôi đình luôn là nơi sinh hoạt của các cụ người cao tuổi ở địa phương, duy trì các ngày lễ hội của đình, của làng. Mỗi độ xuân về tại đây thường tổ chức chúc thọ cho các cụ, động viên nhau trong cuộc sống. Thông qua các chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước, các cụ làm gương giáo dục con cháu làm ăn phát triển kinh tế gia đình.
Đặc biệt, các cụ ở địa phương rất quan tâm đến tu bổ, tôn tạo ngôi đình. Từ năm 2020, tổ chức Ban hương lão có ông Dương Văn Hải, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Úc Kỳ, về nghỉ hưu được nhân dân tín nhiệm bầu là Trưởng Ban hương lão miền Ngọc Long. Với tinh thần cộng đồng của nhân dân 5 xóm, ông Hải cùng 165 cụ ông là đại diện cho công dân đang sinh hoạt tại đình đã đồng tình, họp dân bàn chủ trương tu bổ, tôn tạo đình Ngọc Long. Nhân dân dự họp đã biểu quyết nhất trí cao về chủ trương và xác định nguồn kinh phí do nhân dân địa phương đóng góp.
Với việc làm trên, thực sự đây là một trong những địa phương có ý thức xác định rõ ràng, chủ động trong việc giữ gìn bảo vệ di sản văn hóa không trông chờ “rót kinh phí từ trên về” như một số nơi, do đó, việc dự định trùng tu tôn tạo đình làng được nhanh chóng triển khai. Sau một tuần họp làng, 100% người dân ủng hộ, con em, người địa phương đi làm ăn xa cũng công đức đóng góp kinh phí tu bổ tôn tạo đình. Chưa đầy hai tháng số kinh phí dự trù cho việc tu sửa đình đã thu được trên 1 tỷ đồng do nhân dân đóng góp. Ban hương lão địa phương đã phối hợp với Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng Việt Nam lập Dự án/ Báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ, tôn tạo di tích đình Ngọc Long trên cơ sở các quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy định hiện hành có liên quan.
Ngôi đình Ngọc Long mới được tu bổ, tôn tạo với kiến trúc truyền thống hình chữ “Đinh”, gồm 5 gian, 2 chái và 2 gian hậu cung với diện tích xây dựng là 237,5m2. Toàn bộ bộ khung nhà đình, cột, câu đầu, trụ, bẩy, xà, vì kèo, hoành làm bằng chất liệu bê tông cốt thép, sơn giả gỗ. Có 4 mái, 4 đầu đao, lợp ngói mũi hài màu đỏ, bờ nóc đắp nổi “Lưỡng long chầu nguyệt”. Hệ thống cửa chính chất liệu gỗ xoan, thiết kế kiểu thượng song, hạ bản; cửa sổ trổ hình chữ “Thọ”... Dự kiến, ngôi đình sẽ được phục hồi, bảo quản với tổng kinh phí lên đến hơn 2,8 tỷ đồng.
Sau một thời gian có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và được nhân dân địa phương nhiệt tình góp sức, Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Ngọc Long đã được khởi công, đang triển khai xây dựng các hạng mục theo thiết kế được phê duyệt. Đây là niềm vui của nhân dân xã Úc Kỳ nói riêng, và nhân dân huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên nói chung.
Trong tương lai, di tích đình Ngọc Long sẽ tiếp tục là trung tâm sinh hoạt văn hóa, giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng yêu quê hương, tinh thần đoàn kết của cư dân trong vùng.
Nguyễn Đình Hưng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...