Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
04:46 (GMT +7)

Định mệnh

VNTN - - Ối, đau quá, đau quá!

- Nằm im! Cứ giãy giụa thế ai mà làm được! Chơi cho đã, rồi để hậu quả thế này, còn kêu nỗi gì!

- Ôi mẹ ơi, con chết mất thôi!...

Tiếng kêu la từ bên trong vọng ra khiến tay chân tôi run lập cập, hai hàm răng bập vào nhau liên hồi. Phải quyết tâm lắm tôi mới đủ gan bước vào nơi này. Lần trước, chỉ cách đây vài ngày, mặc dù tôi cũng đã hạ quyết tâm từ nhà, nhưng khi tấm biển “Phòng khám phụ sản” hiện ra trước mắt, thì chân tôi như bị ai chôn xuống đường. Chỉ còn vài chục mét nữa thôi, băng qua con đường và vỉa hè kia là tôi có thể bước vào đó, kết thúc tất cả. Tôi đã phải đi rất xa, bỏ qua hàng chục phòng khám phụ sản gần như giăng kín đoạn đường, để tới được đấy, vậy mà lại không dám vào. Toàn thân tôi ướt sũng. Có lẽ tại trời nóng mà tôi lại be bịt kín quá, chẳng hở chỗ nào, kể cả đôi mắt. Tôi sợ sẽ có người nhận ra mình. Và dẫu chẳng có ai thèm để ý đến tôi, thì suốt chặng đường, tôi vẫn cảm thấy mọi ánh mắt đều đang hướng vào mình, dò xét, hệt như họ biết tôi đang đi đâu và định làm gì vậy.

 

Tôi hít một hơi thật sâu, mím chặt môi đến bật máu, cảm nhận vị tanh nồng của sự đau đớn và chết chóc. Tôi lẩm bẩm: “Mẹ xin lỗi con, ngàn lần xin lỗi con!” và toan tăng ga, thì chuông điện thoại réo. Giọng mẹ lạc đi: “Mẹ... đau... đau... quá...”. Liền sau đó là tiếng cơ thể đổ xuống nền nhà lạnh cứng, tiếng điện thoại chạm gạch đá hoa nảy lên khô khốc. “Mẹ... mẹ ơi! Mẹ sao thế?...”. Đầu dây bên kia không có tiếng trả lời. Chỉ có tiếng ù ù, ken két của chiếc quạt cây đã khô dầu mà tôi chưa kịp thay vọng lại.

Tôi vội vã quay xe trở về nhà, bỏ lại đoạn đường mười mấy cây số đã đi, bỏ lại những tấm biển phòng khám phụ sản lùi dần phía sau rồi mất hút. Tôi đưa mẹ vào viện cấp cứu. Bà được chỉ định mổ gấp.

Tôi nhớ, hành lang ngoài phòng mổ hôm ấy, người đứng ngồi rệu rã, đi lại vạ vật, vẻ lo lắng toát ra trong cả hơi thở lẫn ánh nhìn. Trong đám người nhà lố nhố, mệt mỏi đó, chỉ có tôi và chị là không có ai đi cùng, cứ co ro một xó, gặm nhấm dần mòn sự chờ đợi và nỗi sợ mất mát vô hình.

- Sao lâu vậy nhỉ? Con chị vào 2 tiếng đồng hồ rồi! - Chị bắt chuyện với tôi như thế, không đầu không đuôi, rồi lại gục mặt vào hai đầu gối, mái tóc dài cháy nắng, xác xơ, được túm bởi sợi dây đã rão lòa xòa rủ xuống thân người như nhành củi khô, chỉ cần chạm nhẹ là tanh tách gãy dập.

Ngước đôi mắt trũng sâu như chỉ còn hai hố mắt lọt giữa khuôn mặt sạm đen, khô rám, cứ như bao nét khắc khổ được chạm cả lên đó, chị nói tiếp:

- Cháu nó còn nhỏ lắm! Vừa mới tròn tuổi thôi em à!

Hai hố mắt chị ăm ắp nước cứ chực tràn bờ theo mỗi lời chị kể. Con chị là bệnh nhân bé nhất đang nằm trong phòng mổ hôm nay, lại cũng là ca mổ phức tạp nhất, tim bẩm sinh. Tôi nhớ lúc đẩy mẹ từ phòng cấp cứu sang phòng mổ, thấy cô y tá bế một đứa bé đang khóc ngặt nghẽo trên tay. Nước mắt đứa bé giàn giụa chảy ra từ hai con mắt lồi to, ướt đẫm khuôn mặt như lon sữa bị đập dẹt, nhăn nheo, nước mũi rỉ ra từ hai lỗ mũi nhỏ tin hin, nước dãi rớt dài từ cái lưỡi cứ thè ra khỏi vòm miệng con bé, và theo từng tiếng gào của nó.

Chị kể: Ngày chị mới mang thai con, có đợt bác sĩ tình nguyện về thăm khám sức khỏe sinh sản cho cả vùng. Y tế xã đến động viên gẫy lưỡi, chị mới chịu nghỉ làm đi khám. Đó là lần đầu tiên trong đời chị biết đến siêu âm thai, đứa trước từ lúc chửa đến ngày đau đẻ mới vào bệnh xá.

Trên bàn khám, chị nằm im, cả người như bất động, mắt trợn tròn nhìn cái màn hình có màu, chứ không như chiếc ti vi đen trắng ở nhà. Ở đó, chị nhìn thấy một con chuột con khua khoắng liên hồi, càng nhìn càng thấy nó như đang múa vậy. Trông ngồ ngộ, mà cũng thật đáng yêu. Trong khi chị đầy phấn khích và lộ rõ vẻ sung sướng thì không hay biết trên khuôn mặt bác sĩ là một vẻ căng thẳng vô cùng.

Nửa tiếng sau, chị được mời riêng vào phòng tư vấn. Ở đấy, bác sĩ nói một tràng những thuật ngữ chuyên môn mà chị cố căng tai ra nghe cũng chẳng hiểu nổi. Cuối cùng ông ấy phải rút cây bút trong túi áo ra vẽ phác họa hình ảnh con chuột con ban nãy và giải thích đi giải thích lại rằng: “Chiều dày khoảng sáng sau gáy của thai nhi đo được là 4mm. Nghĩa là, con chị sinh ra có nguy cơ rất cao bị mắc bệnh down và tim bẩm sinh”. Chị đứng phắt dậy, nắm lấy tay bác sĩ, nói như mếu: “Bác sĩ ơi, bệnh con cháu có chữa được không? Cháu trăm nghìn lần, vạn nghìn lần cầu xin bác sĩ cứu lấy con cháu!...”. Đáp lại những lời cầu xin ấy, bác sĩ khuyên chị... phá thai.

Lúc nghe chị nói đến hai từ kinh khủng ấy, mồ hôi tôi túa lạnh, cái cảm giác gai ốc nhung nhúc mọc khắp người trước đó vài tiếng đồng hồ lại ập về.

- ... Là con mình, là khúc ruột, là máu thịt của mình, sao nỡ từ bỏ được phải không em! Anh nhà chị cũng bảo: “đừng giết con, mà tội nghiệp!”.

Từng chữ chị nói như những mũi dao chĩa thẳng về phía tôi, như kết án tôi tội giết con. Miệng tôi mấp máy như muốn thanh minh: Em không thể giữ đứa bé. Nhất là khi mẹ em đang thế này, nếu biết chuyện, chắc bà không đủ sức mà vượt qua bạo bệnh nữa, bà sẽ chết mất. Em chỉ còn mỗi mẹ là người thân duy nhất trên đời thôi! Chị không nghe thấy tiếng lòng tôi, nhưng cái run rẩy của tôi dường như chị cảm nhận được…

Sau ca mổ, mẹ tôi và con chị ở chung phòng hậu phẫu. Lúc này, chúng tôi mới có nhiều thời gian trò chuyện, và tôi mới biết tên chị là Đũi. Quê chị miền biển, hai vợ chồng sống bằng nghề đánh bắt cá thuê, ngày nhiều mới được đôi trăm, ngày ít chỉ được vài chục. Chị bảo, anh lên đây trước hôm cháu mổ một ngày, đưa cho hai mẹ con ít tiền rồi lại phải tất tả về ngay, cả nhà mấy cái miệng ăn trông chờ hết vào anh. Ở nhà chị còn hai cô con gái nữa. Đều mắc bệnh máu trắng. Có lúc tôi nghe chị nói chuyện điện thoại bằng con “cục gạch” 1102 cũ xì, bàn phím đã mờ tịt số: “Sao hai chị em không lấy cái gì ăn tạm? Sao lại nhịn đói đi học? Con phải biết bệnh của con và em chứ?...”. Rồi chị quay sang tôi, cổ họng nghẹn ứ: “Thương con quá em à. Nhà hết gạo, anh đi làm chưa về, hai đứa nhịn cơm trưa đi học. Con em đói lả ngất ở lớp”.

Dường như mọi thứ bi đát nhất trên đời đều đổ xuống người phụ nữ tiều tụy, khắc khổ này. Tôi tự hỏi, sao gia cảnh đã khốn khó đến vậy mà ngày bác sĩ khuyên bỏ cái thai, anh chị vẫn khăng khăng giữ lại? Một đứa bé mắc cả down và tim bẩm sinh thực sự là một gánh nặng. Chưa kể, chị còn hai đứa con bị ung thư máu nữa. Điều gì đã khiến chị đủ sức mạnh để bao bọc, che chở cho chúng? Tôi không hiểu. Thực lòng không hiểu. Chị bao dung, mạnh mẽ, hay chị quá mềm lòng và ngu ngốc chứ?

Rồi tôi lại nghĩ đến đứa con đang thành hình trong bụng - giọt máu của một kẻ bội bạc. Trước khi đi đến quyết định đáng sợ kia, và cả bây giờ nữa, đã biết bao lần đứng trên bục giảng, tôi thấy đôi chân mình lẩy bẩy, lòng như có hàng vạn tảng đá chỉ trực kéo tôi ngã khụy. Tôi sợ hãi hình dung ra cái ngày mà những ánh mắt học trò thơ ngây hóa sắc lẹm ném về phía tôi bởi hình tượng mình trong mắt chúng sụp đổ, miệng lưỡi thiên hạ với những lời cay độc nhất sẽ nhất loạt xối xả trút lên tôi và mẹ... Mẹ sẽ sống sao trong cảnh bẽ bàng đó?

Nếu tôi giữ đứa bé, đạp lên mọi búa rìu của thiên hạ mà sống, thì liệu không có cha con tôi có khổ? Giữ đứa bé đồng nghĩa với việc tôi phải đánh cược tương lai của mình, mà phần tốt đẹp thì dường như mờ mịt y như tên đàn ông bạc nghĩa bạc tình đã bỏ rơi tôi, mà cao chạy xa bay.

Mẹ tôi và con chị đều chuyển biến tích cực sau ca mổ. Mẹ khỏe dần lên, còn tôi thì bắt đầu ốm nghén. Tôi không ăn được mấy, nhìn thấy cái gì cũng ngán, ngửi thấy mùi gì cũng sợ, mùi thuốc, mùi bệnh viện càng khiến tôi lợm cổ, chỉ chực nôn thốc nôn tháo cả ngày. Nhưng để giấu mẹ tôi phải kìm nén chúng, mỗi lần cảm giác ứa lên tận cổ họng rồi tôi lại phải dìm nó xuống, bằng những cái nuốt vào ghê người, để lúc sau lén vào nhà vệ sinh, tôi sẽ lôi ra bằng sạch. Thậm chí nhiều lúc tôi đã ước trong mớ hổ lốn mà tôi nôn ra ấy, có cả cái bào thai tôi đang phải mang trong người. Có mấy ngày mà người tôi rạc đi trông thấy. Mẹ đau yếu thế vẫn còn nhận ra. Nhưng tôi viện cớ lạ nhà nên chẳng ăn, chẳng ngủ được.

Nhưng chị Đũi thì tôi không giấu nổi. Chị biết nên ngoài chăm con, chị chăm cả tôi hệt như chị gái lo cho đứa em vụng dại. Những lúc chỉ có hai chị em, chị hỏi tôi: “Em tính giấu mẹ đến bao giờ?”. Tôi lặng im không trả lời chị. Nhưng trong thâm tâm mình tôi đã quyết định bữa nay sẽ giải quyết nó!

Bên trong, tiếng cô gái trẻ vẫn không ngừng kêu la. Nhưng xen vào đó tôi nghe thấy cả tiếng kim loại xột xoạt đi vào cơ thể, điên cuồng cào bới, xé nát thứ mà cô gái trẻ kia muốn chối bỏ, muốn tống khứ - giống như tôi lúc này.

- Xong rồi đó!

- Cô ơi... cho cháu xin lại... cháu mang về chôn!

- Có bị điên không? Mang về để nó ám cho à?

Cửa phòng bật mở, cô gái trẻ loạng choạng đi ra, mặt mũi xanh lét, tóc tai bết rũ. Cùng lúc đó, tiếng y tá gọi: “Người tiếp theo, Nguyễn An Nhiên”.

Tôi giật mình, sợ đến cứng cả miệng, mãi mới đáp nổi một từ “Có”. Hai chân tôi như đeo chì đi mãi mà không tới nổi cánh cửa phòng phá thai.

- Vào nhanh lên đi! - Cô y tá mở cửa thò đầu ra bực dọc quát rồi quay ngoắt vào, đóng sập cửa.

- Vâng... chị. - Tôi lí nhí đáp, cố gắng lê đôi chân nặng nề tiến về phía trước. Tay tôi đã chạm nắm cửa phòng, chỉ cần đẩy nhẹ một cái là lọt vào trong, leo lên bàn, chịu đựng đau đớn chưa tới một giờ là tôi có thể trút bỏ được hết gánh nặng trong người. Trong cái khoảnh khắc gần như đã kết thúc đó chị chợt xuất hiện, nắm lấy tay tôi lôi đi xềnh xệch. Những tảng chì dường như cũng sợ chị, chúng biến mất ngay tức khắc, chân tôi nhẹ bẫng, lướt chạy theo chị. Ra khỏi phòng khám, không kìm nổi nữa, tôi ngồi thụp xuống vệ đường, nức nở:

- Sao chị biết em ở đây?

- Chị đã đi theo mày.

- Sao chị biết mà theo?

- Lúc mày gửi chị trông mẹ, chị đã thấy bất an rồi, y hệt lần đó.

- Lần đó?

Chị kéo tôi đứng dậy, bước qua vỉa hè, lựa hiên một ngôi nhà đóng cửa, hai chị em ngồi đó. Chị kéo tay áo thấm nước mắt cho tôi, giọng thật nhẹ:

- Chị chưa kể cho mày nghe chuyện con bé thứ hai nhà chị nhỉ? Khi anh chị quyết định giữ Hy Vọng thì vài tháng sau chị phải vác bụng bầu đưa đứa lớn xuống Hà Nội điều trị. Ở đó, chị gặp một cô gái trẻ măng, mặt búng ra sữa, dắt theo đứa con đã 5 tuổi đi khám. Người mẹ trẻ trông buồn bao nhiêu thì cô con gái bé như hột é lại lí lắc, hoạt bát bấy nhiêu. Nó cứ sà đến chỗ con gái chị cười đùa, vẻ thích con gái chị ra trò. Nó còn xoa bụng bầu chị bảo: “Sao bác ăn no thế?”. Con bé hồn nhiên và đáng yêu lắm. Thực sự rất đáng yêu. Vậy mà... - Chị ngước đôi mắt vô cùng hiền từ nhìn tôi, rồi lại khe khẽ - Khi cô ấy nhờ chị trông con giùm để chạy ra ngoài mua ít đồ, chị thấy đôi mắt cô ấy như khóc, cứ bịn rịn mãi mới rời con ra được. Lúc ấy, chị có một cảm giác rất lạ, bất an làm sao đó. Nhưng rồi chị lại gạt đi... và cuối cùng thì cô ấy đã không quay lại thật...

Lặng im một hồi, chị bảo:

- Có lẽ nghĩ con mắc ung thư máu không chạy chữa được, hoặc vì một lý do nào đó cô ấy đã bỏ con. Mẹ bỏ đi, con cứ bám theo mẹ con chị suốt, chẳng chịu theo một ai khác. Có lẽ nó là cái duyên. Nghĩ vậy, nên sau đợt điều trị cho cả hai, anh chị làm thủ tục nhận nuôi con.

Tôi cứng họng, cảm giác mình nhỏ bé vô cùng trước chị. Cố gắng lắm tôi mới bật ra nổi câu hỏi:

- Chị không thấy quá sức với mình sao?

Chị lắc đầu và cười:

- Con cái là một điều gì đó tuyệt vời lắm. Chúng đến với mình tựa như báu vật trời cho vậy. Tin chị đi!

Mới hơn một tuần, con bé Hy Vọng nhà chị đã được ra viện. Mọi người trong phòng gọi nó là siêu nhân. Nó bé nhất, ca mổ phức tạp nhất, thể trạng cũng đặc biệt nhất, vậy mà nó được xuất viện sớm nhất. Đêm trước ngày con ra viện, chị đặt vào tay tôi chiếc lắc bạc nhỏ, thủ thỉ:

- Chị biết quyết định giữ hay bỏ con là ở mày, nếu mày vẫn quyết định bỏ chị cũng không thể chạy đến can ngăn mày được nữa. Đây là chiếc lắc bạc của Hy Vọng - món quà anh chị chào đón con ngày ra đời. Chị thay Hy Vọng tặng lại cho mày, mong rằng mày sẽ dùng tới nó.

Ngày Hy Vọng ra viện, bố con bé dẫn cả hai cô chị gái trông như củ khoai dé xuống đón nó về. Hai đứa trẻ vừa thấy mẹ và em đã lao vào ôm ấp, hôn hít. Nhìn đứa lớn nựng em cười khanh khách, đứa bé rúc vào lòng mẹ, dụi dụi cái mũi như tìm hơi mẹ đã thiếu mấy ngày qua, bất chợt tôi đưa tay lên bụng, một cảm giác lạ chạm vào từng đầu ngón tay, lan tỏa lên từng ngóc ngách trong cơ thể. Tôi nhớ đó là lần đầu tiên con bé Hy Vọng nhà tôi máy.

Truyện ngắn. Nguyễn Bích Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước