Thứ hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024
05:40 (GMT +7)

Đình – Đền – Chùa Cầu Muối khai mùa Lễ hội

“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, quan niệm ấy đã ăn sâu vào tâm thức người Việt. Ngụ ý rằng, mua muối đầu năm để cả năm làm ăn tấn tới, “mua may - bán đắt”, tình cảm gắn kết, đậm đà như vị của muối. 

Clip: Một số hình ảnh Khai hội Đình - Đền - Chùa Cầu Muối (huyện Phú Bình)

Từ quan niệm dân gian ấy mà cụm di tích Đình - Đền - Chùa Cầu Muối ở xã Tân Thành, huyện Phú Bình đã trở thành một trong những điểm không thể bỏ qua trong hành trình du Xuân của nhiều người. Hơn thế, đây còn là một di tích văn hoá và là địa danh gắn với những sự kiện lịch sử trong kháng chiến.

Hàng nghìn người dân “đổ” về trong ngày khai Hội

Đông đảo du khắp thập phương tham gia ngày khai Hội

Theo thông lệ, sáng 25/1/2023 (tức ngày 4 tháng Giêng năm Quý Mão), UBND huyện Phú Bình đã tổ chức Lễ khai hội Đình - Đền - Chùa Cầu Muối Xuân Quý Mão năm 2023. Đây cũng là một trong những lễ hội mở màn cho mùa lễ hội hàng năm trên địa bàn tỉnh.

Lễ khai hội Đình - Đền - Chùa Cầu Muối được tổ chức long trọng bởi đây chính là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi hoạt động Lễ hội năm 2023 của huyện Phú Bình sau 3 năm tạm ngưng vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Đây là dịp để sản phẩm "Gà đồi Phú Bình" được quảng bá đến đông đảo người tiêu dùng

Món gà bọc đất nướng 

Ngay từ sáng sớm, từ khắp các ngả đường, hàng nghìn lượt người và phương tiện đã đổ về cụm di tích để chiêm bái. Mặc dù, mật độ phương tiện tăng đột biến khiến quá trình di chuyển có phần chậm chạp hơn ngày thường, nhưng nhờ có sự phân luồng, điều tiết giao thông của lực lượng chức năng nên không xảy ra hiện tượng tắc đường hay mất an ninh trật tự.

Gà sau khi nướng chín được gỡ bỏ lớp đất, lộ ra lớp giấy bạc trong cùng. Giấy bạc có tác dụng giúp gà chín thấu và giữ nhiệt lâu hơn trong thời tiết giá lạnh

Đi kèm với đó, khu vực khuôn viên di tích các dịch vụ phục vụ du khách của người dân địa phương cũng “mọc lên” dày đặc. Tuy nhiên, đáng chú ý là hầu hết các sản phẩm đều được nhận định là có giá phải chăng, “thuận mua vừa bán”, không có hiện tượng chèo kéo hay “chặt chém” du khách.

Các mặt hàng được bày bán với giá phải chăng

Bà Nguyễn Hồng Lam, một du khách đến từ Hà Nội bày tỏ: Đầu năm tôi thường đi chiêm bái ở rất nhiều nơi. Nghe tiếng cụm di tích Đình - Đền - Chùa Cầu Muối rất linh thiêng nên hôm nay cả gia đình tôi đến đây trước là vãn cảnh sau là dâng lễ cầu mong một năm “tươi tốt” cho đại gia đình. Mặc dù mới đến đây nhưng tôi dành một điểm cộng cho nơi này vì giá của các dịch vụ từ viết sớ đến bán các vậy phẩm đều rất hợp lý.

Ví dụ như một gói muối gạo đựng trong chiếc túi nhỏ xinh có hoa văn rất đẹp mắt, lại kèm theo 1 chiếc bật lửa hoặc một bao diêm cũng chỉ có giá 10.000 đồng. Tôi đã từng phải mua một sản phẩm tương tự ở nơi khác với giá đắt gấp 3 lần. Mà, đã đi Đình – Đền – Chùa Cầu Muối thì thường ai cũng sẽ mua muối rồi, chưa kể lại gạo và bật lửa nữa, toàn những thứ tượng trưng cho may mắn, no đủ nên thường biết là đắt chút nhưng khách vẫn mua. Biết là mặt hàng thiết yếu với du khách khi đến di tích nhưng không vì thế mà đội giá. Việc nhỏ đó cũng khiến chúng tôi cảm thấy khá hài lòng khi  mới đặt chân đến đây.

Du khách tùy tâm công đức chứ không phải trả phí cho việc đặt viết sớ

Cũng cùng gia đình đến cụm di tích vãn cảnh và dâng lễ, song ông Đỗ Hồng An, du khách đến từ TP. Bắc Giang còn có một lý do khác. Ông chia sẻ: Ngày Xuân được đi vãn cảnh đình, đền, chùa dù ở đâu cũng khiến lòng mình thanh tịnh hơn. Gia đình tôi rất trân trọng điều đó. Riêng những di tích bên cạnh ý nghĩa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng cho nhân dân còn mang giá trị văn hóa, dấu ấn lịch sử như cụm di tích Đình – Đền – Chùa Cầu Muối thì càng ý nghĩa. Thông qua đó, còn giúp các thành viên trong gia đình tôi, nhất là các cháu nhỏ có thêm kiến thức và những bài học lịch sử trên quê hương.

Chốn tôn nghiêm

Sử sách còn ghi: Làng Cầu Muối, xã Tân Thành có từ thế kỷ 18 - Đời vua Lê Dụ Tông (giai đoạn 1705 - 1729), Đình - Đền - Chùa Cầu Muối được khởi dựng ngay sau khi có làng.

Theo tương truyền và nội dung bia khắc trên cây hương đá “Linh Sơn Tự”: Đình - Chùa - Cầu Muối được xây dựng vào năm 1719. Cụm di tích lịch sử Đình - Đền - Chùa Cầu Muối gồm có một ngôi đình, 2 ngôi đền và 1 ngôi chùa.

Đây là một trong những di tích nổi tiếng của huyện Phú Bình, được tỉnh Thái Nguyên công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2005...

Đình thờ Thần Hoàng Làng Dương Tự Minh hay còn gọi là Cao Sơn Quý Minh Đại Vương, người Tày, quê ở Quan Triều (nay thuộc TP. Thái Nguyên), là vị tướng tài ba trong suốt 3 đời vua nhà Lý. Ông có công dẹp tan bọn giặc cỏ, giữ yên một dải biên cương phía Bắc của nước Đại Việt vào thế kỷ 12…

Đền Công Đồng thờ Mẫu Liễu Hạnh, theo truyền thuyết trong dân gian nước ta, Mẫu Liễu Hạnh là một trong bốn vị thánh tứ bất tử của Việt Nam. Bà là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng đế, 3 lần giáng trần. Bà đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều Sắc, tôn phong là “Mẫu nghi thiên hạ - hay còn gọi là Mẹ của muôn dân” và cuối cùng quy y cửa Phật theo lối bán tu rồi thành đạo.....

Đền Thượng, thờ Mẫu Thượng Ngàn, là một vị thánh của đạo Tứ Phủ. Theo truyền thuyết ghi lại, Mẫu Thượng Ngàn là con gái đầu tiên của Ngọc Hoàng. Khi trưởng thành, tính tình thẳng thắng, cứng rắn nên được vua cha Ngọc Hoàng giao cho cai quản vùng núi rừng hoang vu.

Từ khi cai quản vùng này thì cây cối đều được tươi tốt, việc săn bắt cũng được nhiều hơn trước, cuộc sống của con người được cải thiện rất nhiều. Đặc biệt, bà còn dạy nhân dân cách dùng lửa và nấu ăn nên người dân hết lòng tôn kính, thờ phụng bà cho tới ngày nay......

Du khách bái lễ tại Đền Công Đồng

Chùa Cầu Muối là nơi thờ Phật. Tại đây bảo lưu được một số di vật có giá trị lịch sử mang phong cách nghệ thuật qua các triều Lê - Nguyễn như: Cây hương đá Tứ Diện “Linh Sơn Tự” được lập vào năm 1719, Chiêng đồng, chuông đồng, ngai thờ, cối đá, hương án chạm Tứ Linh, Tứ Quý... và nhiều đồ thờ khác là những cổ vật quý mà Cụm di tích lịch sử Đình - Đền - Chùa Cầu Muối còn lưu giữ được đến ngày nay....

Rất đông du khách chờ đợi phần Lễ chính kết thúc để được dâng Lễ cầu bình an, may mắn cho bản thân và gia đình trong năm mới

Đặc biệt, cụm di tích không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa của nhân dân và du khách thập phương, mà còn là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử của xã Tân Thành và huyện Phú Bình trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1948, Đình - Đền - Chùa Cầu Muối là nơi dạy chữ quốc ngữ cho nhân dân địa phương. Năm 1950, là nơi đóng quân của Đại đoàn 308 - Sư đoàn 304 huấn luyện phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ từ 1969 đến 1970...

Xin chữ - nét đẹp ngày Xuân

Lễ hội Đình - Đền - Chùa Cầu Muối được tổ chức vào ngày mùng 4 tháng Giêng hằng năm gồm 2 phần:

Phần lễ gồm các hoạt động cầu phúc, cầu lộc, cầu tài; Phần hội gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước.

Lễ rước do các thanh niên khỏe mạnh trong làng đảm nhận

Thông qua Lễ hội, địa phương còn nhằm quảng bá tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh và phát huy mạnh mẽ những giá trị văn hóa truyền thống có từ ngàn xưa. Đó là ước vọng lớn lao cầu cho “Quốc thái - Dân an”, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi; mong cho nhân dân và du khách thập phương đến với lễ hội Cầu Muối được mạnh khỏe, may mắn, nhà nhà hạnh phúc,…

Tại Lễ Khai hội, du khách thập phương còn được xem chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc (Dưới đây là một vài hình ảnh của Chương trình nghệ thuật).

Màn múa lân sư rồng mở màn cho Lễ hội

Du khách chăm chú theo dõi chương trình nghệ thuật

Tiết mục biểu diễn hát Quan họ thu hút sự theo dõi của đông đảo du khách

Các đại biểu tỉnh, các huyện, thành tham dự Lễ Khai hội

Các "liền chị" mời trầu du khách

Tiết mục "Cô Đôi thượng ngàn" làm không khí ngày Hội thêm phần sôi động

Kim Ngân và nhóm PV

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy