Thứ hai, ngày 11 tháng 11 năm 2024
04:45 (GMT +7)

Điềm Mặc – vùng đất giàu tiềm năng di sản

KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY BÁC HỒ VỀ ATK ĐỊNH HÓA - THÁI NGUYÊN - LÃNH ĐẠO CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (20/5/1947 - 20/5/2017)


VNTN -  Cách trung tâm huyện Định Hóa khoảng 16 km, xã Điềm Mặc là một trong những nơi có người Tày sống tập trung và là một trong những vùng quê giàu truyền thống lịch sử văn hóa.


Nằm trong vùng trung tâm của khu ATK Định Hóa - địa danh lịch sử nổi tiếng của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), cùng với bề dày lịch sử và bề dày văn hóa, nhân dân xã Điềm Mặc nói riêng và nhân dân huyện Định Hóa nói chung đã lập nên truyền thống anh hùng bằng những trang sử vẻ vang trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, góp phần làm nên lịch sử đấu tranh giữ nước hào hùng của cả dân tộc.

Trình diễn hát ví trên đồi cọ, rừng chè của người Tày xã Điềm Mặc 

“Vui sao một sáng tháng năm/ Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ”, vinh dự thay cho nhân dân các dân tộc xã Điềm Mặc được Trung ương Đảng chọn làm nơi ở, làm việc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đồi Khau Tý, xóm Bản Quyên vào ngày 20 tháng 5 năm 1947. Tại đây, Bác Hồ đã từng viết tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc và sáng tác bài thơ Cảnh khuya nổi tiếng. Nội dung bài thơ nói lên cảnh đẹp nên thơ, hữu tình của núi rừng Việt Bắc. Bài thơ là một trong những áng thơ hay nhất của Người: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.

Đến với Điềm Mặc là đến với vùng đất dày đặc các di tích lịch sử, bởi đất và người nơi đây trước từng là cơ sở cách mạng vững chắc, nơi có con người với phẩm chất trung kiên cách mạng, có núi rừng hiểm trở, vì vậy Bác Hồ đã căn dặn các đồng chí ở Trung ương đi chọn làm căn cứ An toàn khu. Từ địa bàn xã Điềm Mặc có thể dễ dàng các cơ quan di chuyển được đến các xã ATK khác, đặc biệt từ đây có thể di chuyển sang vùng rừng núi xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, nơi đã từng có mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào đi vào lịch sử trước Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Ngày nay, đến Điềm Mặc về với cội nguồn cách mạng, chúng ta có thể đến thăm nơi đóng chân của các cơ quan, các lãnh tụ Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân đội, các tổ chức đoàn thể, xã hội ở địa phương như: nơi ở, làm việc của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh (1948) ở xóm Phụng Hiển; nơi ở, làm việc của đồng chí Tôn Đức Thắng, đồng chí Hoàng Quốc Việt ở đồi Khẩu Goại; nơi ở là việc của đồng chí Hoàng Văn Thái, đồng chí Võ Nguyên Giáp (1947) ở Khẩu Hấu, Khẩu Tràng; cơ quan Ủy ban kiểm tra Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam (1950) ở xóm Roòng Khoa, nơi ở và làm việc Hội Phụ nữ Việt Nam ở Bản Quyên, cơ quan Nông vận Trung ương và Hội Nông dân Cứu quốc Việt Nam, nơi khai sinh ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam (1952) ở Đồi Cọ, Bản Bắc.

Theo số liệu tại Quyết định số 48/2014/QĐ - UBND, ngày 11/11/2014; QĐ bổ sung của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên: Hiện xã Điềm Mặc có tới 14 điểm di tích lịch sử, 7 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 5 điểm đã được Chính phủ xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt vào năm 2012, 2 điểm đã được xếp hạng cấp tỉnh, 7 di tích chưa xếp hạng trong đó có 4 điểm đã được xây dựng bia, nhà bia ghi sự kiện lịch sử.

Thăm các di tích lịch sử, chúng ta còn được hòa mình vào một không gian phong cảnh hùng vĩ của dãy Núi Hồng sừng sững phía trước mặt, ngắm rừng cọ, đồi chè... Điều thú vị nữa, ở Điềm Mặc còn có Làng Văn hóa dân tộc Tày Bản Quyên. Có thể nói đây là một không gian bảo tàng bảo tồn tại chỗ về văn hóa của người Tày. Tại đây nhân dân Bản Quyên còn bảo tồn, gìn giữ được 32 ngôi nhà sàn truyền thống. Trong đó, có 15 ngôi nhà sàn tiêu biểu của 15 hộ đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên đầu tư tu bổ, tôn tạo nhằm bảo tồn và phát huy làm mô hình Làng văn hóa gắn với phát triển du lịch. Năm 2017, thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020” Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất cảnh quan khu vực thuộc xóm Bản Quyên và hỗ trợ cải tạo thí điểm 3 cụm nhà để thực hiện thí điểm xây dựng và vận hành mô hình du lịch cộng đồng. Đây cũng là mô hình đầu tiên của tỉnh về việc đầu tư xây dựng Làng văn hóa các dân tộc nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc về mô hình du lịch cộng đồng. Càng vui hơn, vừa qua, ngày 17/4, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Quyết định số 909/ QĐ - UBND về vệc xếp hạng di tích lịch sử - danh thắng Làng văn hóa dân tộc Tày Bản Quyên đã góp phần thêm cơ sở để bảo tồn, gìn giữ và phát huy Làng văn hóa dân tộc Tày.

Kết quả sưu tầm, nghiên cứu các tài liệu như Thần tích, thần sắc (1938), Khoán bạ xã Điềm Mặc (1942), Văn bản bầu hào mục ở thế kỷ XIX, XX, thì xã Điềm Mặc còn có đầy đủ yếu tố về một làng xã truyền thống. Qua các tài liệu trên có thể thấy Điềm Mặc có tiềm năng về di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng trong đó là các di sản văn hóa phi vật thể là các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian như: hát then, đàn tính, hát lượn, hát ví. Hiện nay ở địa phương đang có một đội văn nghệ quần chúng do chính người dân ở đây tham gia. Đội văn nghệ này có sự tham gia của Bí thư Chi bộ (ông Ma Đình Phụng), Trưởng xóm (ông Ma Đình Hiệu) trực tiếp chỉ đạo biểu diễn trong các cuộc sinh hoạt. Tới đây, khi Làng văn hóa được hoàn thiện đi vào hoạt động đón khách du lịch, đội văn nghệ quần chúng Bản Quyên sẽ được củng cố, quan tâm nâng cao để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đội văn nghệ của địa phương thì phường múa rối cạn; câu lạc bộ hát dân ca của các xã khác ở Định Hóa cũng thường về Nhà văn hóa cộng đồng Bản Quyên biểu diễn, giao lưu.

Đến với Điềm Mặc, điều mà khách thập phương không thể bỏ qua là văn hóa ẩm thực. Làng văn hóa dân tộc Tày là mô hình trọng tâm tới đây sẽ tiếp tục được đầu tư để đón khách du lịch. Bằng những món ăn dân tộc, những sản phẩm do chính tay mình làm ra, người Tày và các dân tộc khác ở địa phương sẽ quảng bá được với du khách thập phương những đặc trưng vốn có của dân tộc như: xôi ngũ sắc, trám đen, măng rừng, sâu cọ, cốm nếp, canh gà Việt Bắc... từ đó sẽ phát huy vốn di sản dân tộc.

Nhà sàn - nét đẹp truyền thống của người Tày xã Điềm Mặc

Với cảnh quan thiên nhiên, đất và người xã Điềm Mặc, đã trở thành “địa chỉ đỏ” quê hương giàu truyền thống cách mạng, là tiềm năng di sản vô cùng quý giá của nhân dân Điềm Mặc nói riêng, huyện Định Hóa nói chung. Các giá trị di sản văn hóa ở đây như một bảo tàng sống tại chỗ đang được đánh thức nhằm mục đích bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa bản địa và để phục vụ nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội xứng đáng là một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, giàu tiềm năng di sản.

 

Nguyễn Đình Hưng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy