Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
04:33 (GMT +7)

Đi qua mùa nhung nhớ

VNTN - Bây giờ nhìn lại mới thấy, cuộc đời thật ưu ái cho tôi được sống ở nhiều thời điểm đặc biệt. Ví như là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh; ví như là người có tên trong Quyết định đầu tiên hình thành đội ngũ làm Báo Văn nghệ Bắc Thái (sau là Thái Nguyên). Đặc biệt hơn, cuộc đời còn dành cho tôi những người bạn mà mỗi khi nghĩ đến họ tôi thấy một mùa nhung nhớ theo về.

Ôi ngày xưa thân ái…

Tôi không quên những ngày “rậm rịch” chuẩn bị ra báo. Khoảng nửa cuối năm 1990, chúng tôi liên tục họp bàn, dự kiến đề tài, đi gặp cộng tác viên đặt bài. Việc của lãnh đạo thì nhiều và quan trọng hơn. Nào xin giấy phép xuất bản, duyệt măng séc, chuẩn bị tiền nong, tổ chức phát hành… Cuối cùng thì “đứa con” đầu lòng là số báo Văn nghệ Bắc Thái đầu tiên cũng được “sinh” ra vào tháng 6 năm 1991. Bộ máy làm báo chỉ có mấy người: Chú Hà Đức Toàn (53 tuổi), Chủ tịch Hội kiêm Tổng Biên tập; chú Lê Thế Thành (51 tuổi), Phó Tổng Biên tập kiêm Thư ký Tòa soạn; tôi (29 tuổi), biên tập viên; Thanh Hằng (27 tuổi) biên tập viên và Đặng Vương Hạnh (21 tuổi) trình bày báo. Các chú chẳng tỏ ra oai vệ “sếp siếc” gì, trong cuộc họp thì xưng “tôi”, gọi “các đồng chí”, ngoài cuộc họp gọi chúng tôi là “mày” xưng “tao”. Công việc ban đầu chậm rì rì, chúng tôi bị chú Toàn gọi vào phòng quát, dọa “viết giấy giới thiệu cho đi xin việc chỗ khác”. Thực ra mấy chị em tôi có lười đâu, nhưng “khai sơn phá thạch” mà trong tay không có cuốc, không có xà beng, không có gì cả, lại hăng hái làm liều thì còn nguy hại hơn. Trong khi mong muốn của chú Toàn cao lắm: Phải mở chuyên mục thu hút người đọc từ “nam phụ’ đến “lão ấu”; tờ báo phải “vào được” các trường đại học, trường cấp 3, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn… Ngày ấy cuộc sống xung quanh cứ kín bưng, muốn gặp ai thì đạp xe đi tìm, chứ gọi qua chiếc điện thoại để bàn duy nhất ở cơ quan có khi phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ. Những khái niệm “nhỏ xíu” như ma-két là gì? lên trang là gì? chuyên mục là gì? minh họa là gì? tia-ra là gì… chúng tôi đều chưa hiểu kỹ. Người có trí tưởng tượng tốt nhất cũng không thể nghĩ được đến một ngày những thứ chú cháu tôi “vò đầu bứt tai” thì “cụ” internet và “cụ” gu-gồ có thể hóa giải chỉ trong vòng “một nốt nhạc”.

 

Từ trái qua phải: Nhân viên đánh máy Nguyễn Phương Châm, Chủ tịch Hà Đức Toàn, Nhân viên Trị sự Nguyễn Thị Thu Huyền, Biên tập viên Nguyễn Minh Hằng và họa sĩ Thế Hòa (Ảnh chụp ngày 18.12.1992)

 

Trên “mâm cơm cúng” của số đầu tiên ấy, các món được chọn kỹ hơn cơm thường. Những cộng tác viên có bài đều là những cây bút cứng. Tôi nhớ họa sĩ Đỗ Tố (tôi gọi bằng chú) lại có thơ in. Bài thơ đậm chất họa có tên “Trước hình mẫu em”. Tôi nhớ nhà văn Vi Hồng đeo cái túi thổ cẩm bên người thỉnh thoảng ra chơi, mỗi lần đến phải ngồi thở một lúc mới nói chuyện được. Tôi nhớ nhà điêu khắc Hứa Tử Hoài, gương mặt hội viên đầu tiên do Thanh Hằng giới thiệu chân dung, lúc đó đang sáng tác ở đỉnh cao. Tôi nhớ Nguyễn Bình Phương, chàng bộ đội trẻ măng miệng cười chúm chím có truyện ngắn “Lam chướng” chững chạc. Có một điều hay là hầu hết các bài đăng ở số 1 là bài viết mới. Nghĩa là mọi người dành cho báo sự đầu tư trân trọng. Ngay như bài ký “Dòng sông quả núi và con đường” của Chủ tịch Hội Hà Đức Toàn cũng vừa ráo mực. Rồi không khí “đi đón” tờ báo in ở Hà Nội về, giây phút đầu tiên giở tờ báo ra ngắm, hồi hộp xúc động và nhớ mãi…

Bên những người tài hoa

Kỷ niệm về tờ báo Văn nghệ Bắc Thái số 1 luôn ùa về cùng kỷ niệm với những người cùng làm báo với tôi cho đến khi tôi rời khỏi Hội (1997).

Trước hết là “sếp nhất” của tôi, nhà thơ Hà Đức Toàn. Chú Toàn là người duy nhất (đến thời điểm này) tại vị chức Chủ tịch Hội đến 2 nhiệm kỳ. Từ ghế Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ sang ghế “đại trưởng cự” văn nghệ, chú “thoát vai” trịnh trọng rất nhanh. Mái tóc bồng, miệng tươi, cặp má đầy, lúc ấy chú đã là một cây bút lừng lững với 2 tập thơ “Đêm trăng nhà sàn” và “Thuở cho yêu”. Vừa là Chủ tịch Hội vừa là Tổng Biên tập, hai tay hai “súng” thơ và văn xuôi, chú viết mê mải. Hầu như hôm nào chú cũng khoe có bài mới. Hồi đó, chúng tôi thường xuyên đi giao lưu thơ. Các trường đại học, các đơn vị thành viên của Công ty Gang thép Thái Nguyên, các câu lạc bộ thơ trong tỉnh… đội ngũ làm thơ hùng hậu lắm. Mỗi khi chú Hà Đức Toàn bước lên đọc thơ, người nghe háo hức vỗ tay nồng nhiệt. Đến giờ tôi vẫn nhớ gương mặt hồng hào, giọng đọc sang sảng và hai tay vung vung phía trước mỗi khi chú đọc thơ.

Thơ chú Hà Đức Toàn đa tình và triết lý, càng già đọc càng thấm: Bỗng đâu mình lại trao tôi/ Ly đầy rượu mạnh cháy môi hỡi mình/ Phút say sóng sánh mắt tình/ Trao nghiêng vẫn thấy dáng hình đung đưa/ Vẫn nguyên nét mộng ngày xưa/ Vẫn trao cái sóng vào thơ nổi chìm/ Nhưng kìa đuôi mắt chân chim/ Trời ơi tuổi tác đã tìm đến ta… (Ly rượu mắt mình). Thỉnh thoảng tôi vẫn lẩm nhẩm đọc thơ của chú: Biết là người đã về hưu/ Biết là người vẫn chưa yêu bao giờ (Với người đứng tuổi). Em lăn lóc rồi em cao giá/ Em nát tan rồi, em lại trắng trinh /Kịch là thế còn đời thì không nhé/ Chỉ chờ mình một phút sa chân (Đời và kịch). Trong căn phòng nóng nực ở cơ quan, chú cặm cụi viết. Cặp kính trễ sống mũi, cái bút bi trên tay ngoáy lia lịa. Chữ chú Toàn xấu lắm nhưng không khó đọc lắm. Truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, ký… ra đời đều đặn. Chú hay hỏi tôi: Dạo này mày viết gì? Rồi chú khuyên: Phải viết cháu ạ. Không viết là tự triệt tiêu mình đấy. Hôm chia tay tôi sang cơ quan khác, chú nói giản dị: “Tâm trạng của tao lúc này giống như hôm tao tiễn con gái về nhà chồng”. Mỗi khi nhớ đến câu nói ấy tôi lại thấy lòng rưng rưng.

Hơn chục năm trước, tôi đến nhà chơi và đặt chú viết bài, chú lắc: Cái đầu chú nó không cho viết nữa rồi. Nỗi buồn thấm đẫm câu nói. Một người yêu viết đến thế mà đành buông bút. Con số 14 đầu sách xuất bản với vô vàn giải thưởng dừng lại ở đó, cũng là thiệt thòi cho chú và cho văn đàn Thái Nguyên.

Có một người cùng làm với tôi không lâu nhưng để lại nhiều kỷ niệm, đó là Dương Quốc Hải. Sau thời gian quăng quật ở bãi vàng, Hải về Báo đã có “lưng vốn” văn chương kha khá. Được nhận về tòa soạn giữa năm 1993, công việc của Hải là trình bày và phụ trách trang 4 (thay Đặng Vương Hạnh đi học). Hải kể: Ngắm cái “thước văn thước thơ” (sáng kiến vĩ đại của Đặng Vương Hạnh ngày đầu làm ma-két) em nghĩ bụng: Dễ ợt, mình làm ngon. Nhưng khi nhà in “đổ” chữ vào thì thừa lung tung cả. Em lẳng lặng “cắt xừ nó bớt”. Thế mà cấm thấy ai kêu. Ha ha… Nghĩ lại thấy mình liều thật.

 

Cán bộ, phóng viên Báo văn nghệ Bắc Thái đi thực tế tại Nhà máy chè Quân Chu ngày 5.6.1996

 

Nói đến Hải là tôi nhớ về một cậu trai lãng tử. Hải nhiều bạn và quý bạn, không ít lần mải bạn mà lỡ việc, bị sếp Toàn dọa cắt hợp đồng. Hải nhỏ nhẻ, nói năng hiền hiền, nhưng tác phẩm thì dữ dội. Dạo ấy, Hải viết truyện ngắn “Con thú” khiến văn đàn Thái Nguyên xôn xao, riêng tôi thì nhớ đến bây giờ. Truyện kể về 2 chàng thợ săn có tên là Nhân và Nghĩa cùng chú chó Xám vào rừng săn thú. Nhân và Nghĩa là đôi bạn thân, nhưng Nghĩa luôn biết mình thua kém Nhân nên ngầm ganh tị. Cả hai đều yêu một cô gái. Nhân đã rút lui nhường tình yêu cho bạn, nhưng cô gái lại nhất mực yêu Nhân, từ chối Nghĩa. Bề ngoài vẫn tỏ ra thân thiết với Nhân nhưng trong bụng Nghĩa chỉ mong Nhân bằng cách nào đó “biến mất”, để Nghĩa “là ánh sáng duy nhất chói lọi trên bầu trời” và chiếm trọn trái tim của cô gái kia. Cuộc săn thú trở nên căng thẳng khi họ phát hiện một con lợn rừng lớn. Phát súng của Nhân khiến con lợn bị thương song nó đã kịp đợp một phát làm hai cẳng chân con Xám gẫy lìa. Hai người tỏa đi hai hướng tìm kiếm, và Nghĩa phát hiện con lợn bị thương sau tảng đá, ngay trước mũi súng, chỉ cần 1 phát đạn là diệt gọn. Nhưng cũng đúng lúc ấy, ý nghĩ độc ác vụt đến, Nghĩa bò ra khỏi chỗ nấp, chỉ Nhân đến chỗ con lợn đang nằm. Theo tính toán của Nghĩa, Nhân chỉ cần nhô lên khỏi tảng đá là nằm trọn trong cú vồ của con lợn rừng khổng lồ. Và “rừng vẫn xanh như ngàn xưa và vẫn rì rào. Sẽ không ai biết cả…”. Nhưng Nghĩa không thể ngờ con Xám tuy gẫy 2 chân vẫn lặng lẽ bò theo Nhân. Trong tình thế cái chết trong gang tấc, Nhân đã được con Xám cứu bằng chính mạng sống của nó… Sau 30 năm đọc lại “Con thú” tôi vẫn thấy hay bởi ngôn ngữ sinh động, lãng mạn, vốn sống ăm ắp và cách thể hiện cứng tay. Năm 1996 truyện “Con thú” được trao giải Nhì cuộc thi trên Báo Văn nghệ Trẻ, số tiền thưởng lúc đó mua được 2 cây vàng. Cuối năm 1994, Hải lên làm Báo Hà Giang, 3 năm sau về Báo Bắc Kạn. Năm 2005 Hải sang Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn, giữ chức Phó Chủ tịch. Từ năm 2012 anh chuyển về làm Thư ký tòa soạn Tạp chí Lao động và Công đoàn (thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). Vẫn cách nói nhỏ nhẹ như ngày xưa, Hải tâm sự: Cái nghiệp trình bày và biên tập báo chí nó “vận” vào em từ ngày bước chân vào Văn nghệ Thái Nguyên đến giờ chị ạ. Sau 30 năm em vẫn nhớ cái “thước văn thước thơ”, vẫn nhớ chị đã khuyên em ở lại Thái Nguyên, nhưng “cái số” em nó thế. Riêng chú Toàn, lần nào lên Bắc Kạn cũng vào chỗ em chơi.

Vẫn biết Hải đã đi những bước dài cả về văn chương và sự nghiệp nhưng tôi vẫn tiếc lắm, tiếc một tài năng rời khỏi Thái Nguyên, tiếc một người bạn nhẹ nhõm chân tình mà phải chia xa.

Tôi còn có thể kể nhiều, rất nhiều nữa về những người làm báo Văn nghệ với tôi một thời như chú Lê Thế Thành, em Thanh Hằng, Vương Hạnh. Họ đều tài hoa và đáng nhớ lắm.

Những ngày tháng đầu tiên ngơ ngác, đầy va vấp ấy đã trở thành mùa nhung nhớ của tôi bây giờ.

 ­Minh Hằng

(Nguyên Thư ký Tòa soạn Báo Văn nghệ Bắc Thái)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy