Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
10:05 (GMT +7)

Dẻo thơm mứt dừa “handmade”

Nhớ thuở bé, mỗi độ Tết đến, trong số những món mứt mẹ tự làm hay mua về, tôi mê nhất là món mứt dừa với những sợi dài, mỏng, lồng bồng như nắm len trắng rối của bà. Quên sao được cái mùi vị thơm béo, ngọt ngậy, dai mềm, cắn một miếng lại muốn cắn miếng thứ hai. Mấy năm nay, đồ ăn “handmade” ngày Tết lên ngôi, tôi cũng tập tành tự làm món mứt dừa đãi khách. Ngoài món mứt sợi truyền thống, tôi làm thêm món mứt dừa non - từng miếng mứt dừa mềm như kẹo dẻo, khiến cậu cu tí nhà tôi thích mê.

Dẻo thơm mứt dừa “handmade”
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Cứ giáp Tết độ một tuần, tôi sẽ bắt tay vào làm món mứt khiến tôi mê mẩn từ bé đến giờ ấy. Cái món mứt dừa này tuy không khó làm nhưng mà tốn thời gian lắm! Bắt đầu làm từ sáng sớm, có khi đến tối muộn mới xong. Nên buổi sáng hôm chọn làm mứt dừa, tôi phải dậy thật sớm, ra chợ mua nguyên liệu, nào: cùi dừa bánh tẻ, cùi dừa non, đường trắng, chanh tươi, lá dứa, bột cà phê, cam, củ dền. Trở về nhà với lịch kịch túi lớn, túi nhỏ, tôi bắt tay vào làm ngay mới kịp.

Đầu tiên là công đoạn sơ chế cùi dừa. Cùi dừa tôi chọn mua loại vừa mới bổ, còn nguyên lớp vỏ lụa nâu và phần cùi bên trong thì trắng ngần, để đảm bảo độ tươi của cùi dừa, quyết định nên độ ngon của mứt. Vậy là kì cạch ngồi nạo lớp vỏ lụa, xong thì đem nạo sợi cùi dừa bánh tẻ và thái miếng cùi dừa non.

Cùi dừa non tôi thái thành từng miếng dài bản to bằng ba ngón tay, rồi cắt chéo thành những miếng tam giác nhỏ vừa ăn. Còn cùi dừa bánh tẻ, tôi dùng nạo xoay ngang thớ theo vòng mà tạo ra những sợi dừa vừa mỏng vừa dài có khi tới cả mét. Thường lúc tôi nạo cùi dừa bánh tẻ, cậu cu tí sẽ táy máy ngồi bên cạnh, trong lúc mẹ không để ý là cầm ngay mấy sợi dừa dài quấn lên đầu lên cổ, y như tôi ngày xưa cứ chực mẹ gọt bòng, gọt bưởi là lại lấy vỏ đội lên đầu làm mũ hay đeo cổ làm vòng.

Cùi dừa sau khi được nạo sợi và thái miếng, sẽ được rửa sạch rồi mỗi loại tôi đem ngâm 30 phút với nước lạnh đã bỏ thêm chút muối, vắt chút chanh tươi giúp loại bỏ bớt dầu dừa cũng như giúp miếng dừa được trắng hơn. Tiếp theo là bắc một nồi nước lớn đun sôi để luộc qua dừa nhằm loại bỏ hoàn toàn dầu của dừa.

Dừa sợi và dừa miếng sau khi luộc qua, để ráo nước, tôi đem chia mỗi loại ra năm âu lớn ướp với đường và chút muối trong hai tiếng, đến khi đường tan hết, những miếng dừa chuyển từ màu trắng sang trong lại. Trong lúc chờ dừa ngấm đường, tôi đi sơ chế nguyên liệu tạo màu tự nhiên cho mứt. Lá dứa được rửa sạch, cắt khúc rồi bỏ vào máy xay xay nhuyễn, lọc lấy một bát con nước cốt tạo màu xanh. Củ dền gọt vỏ, rửa sạch, thái miếng rồi cũng bỏ vào máy xay xay nhuyễn, lọc lấy một bát con nước cốt màu đỏ tươi. Kế đến là vắt một bát con nước cam tạo màu vàng nhạt và bột cà phê tạo màu nâu cho mứt.

Sau hai tiếng ướp đường, tôi cho nước cốt lá dứa, củ dền, nước cam và bột cà phê vào từng âu dừa riêng biệt, đảo đều mỗi âu và ướp thêm một tiếng. Khi ấy tôi sẽ tranh thủ chợp mắt nghỉ trưa để lấy sức cho công đoạn cuối cùng cũng là công đoạn “cực nhất”, đó là sên mứt. Bởi tôi “tham” lắm, làm hai loại mứt và tới năm màu riêng biệt nên phải sên tới 10 mẻ, mà mỗi mẻ ít cũng phải hơn nửa tiếng đồng hồ.

Từng mẻ dừa tôi cho vào chảo đun với lửa vừa phải, đến khi sôi thì nhỏ bớt lửa, thỉnh thoảng đảo nhẹ tay để mứt dừa sợi không bị gãy, mứt dừa non không bị nát. Lúc này, thỉnh thoảng tay mới phải đảo mứt nhưng mắt thì không được rời chảo sên, bởi lơ đễnh một cái là xém đít, khê chảo mứt liền. Trông chảo mứt đến khi đường keo lại thì phải hạ lửa ở mức nhỏ nhất ngay và lúc này thì phải đảo mứt liên tục và đều tay, đảo từ dưới lên trên, mà lớp đường thì đang keo lại, khiến mứt dừa quện vào nhau nặng chịch, mỗi lần đảo là một lần “đánh vật” với chúng. Cứ đảo như vậy cho tới khi có một lớp đường mịn như bông màu trắng tinh, hay xanh non màu lá dứa, hồng phớt màu củ dền, vàng nhẹ màu cam và nâu màu cà phê bám vào mứt dừa khiến từng miếng mứt rời ra, đảo lên nhẹ hều tay là được. Trong suốt mấy tiếng sên mứt ấy, thỉnh thoảng mỏi tay quá tôi sẽ nhờ chồng vào bếp phụ sên giúp vài mẻ. Còn cậu cu tí chốc chốc sẽ lại chạy vào bếp ngó nghiêng, cứ mẻ mứt dừa non nào sên xong là lại bốc nhúp. Rồi thể nào cũng vừa ăn vừa gật gù: “Mứt ngon, màu đẹp mẹ ạ!” cùng cái miệng toe toét cười dính đầy bột đường.

Làm xong mứt dừa, tôi sẽ bớt mỗi loại một nửa, đóng vào 2 túi giấy, thắt thêm chiếc nơ đỏ, bỏ cùng đồ biếu Tết ông bà ngoại. Số còn lại, tôi cất vào hộp, đến ngày Tết sẽ tỉ mẩn bày mứt vào khay thành bông hoa năm sắc màu (trắng, xanh, vàng, hồng, nâu) kế bên là ấm trà ngon. Để khách đến chơi nhà, nhấp một ngụm trà nóng hổi, nhâm nhi miếng mứt dừa ngọt thanh, cái vị chát của trà quện với vị ngọt của mứt tạo nên dư vị ngọt dịu nơi cuống họng.

Và ông bà nội, ông bà ngoại cu tí trong khi tiếp mấy ông bà bạn - những người ở cái tuổi sợ đồ ngọt vì lo bệnh tiểu đường vẫn sẽ đon đả mời bằng được: “Ông, bà ăn thử miếng mứt dừa con dâu/ con gái tôi làm đi. Nó làm ít ngọt lắm, không nhiều đường khé cổ như đồ mua sẵn đâu. Nó kì cạch làm cả ngày trời đấy. Kì công lắm!”.

Tự tay làm món mứt dừa nhân dịp đón Tết cổ truyền, với tôi không chỉ là làm ra món mứt Tết đãi khách, thể hiện chút khéo léo của người phụ nữ trong gia đình mà còn là thứ quà biếu dẻo thơm, ngọt lành, gửi gắm tấm lòng của tôi tới bậc sinh thành.

Tết này, bạn nhớ đến nhà tôi thử món mứt dừa tự làm nhé!

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy