Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
22:28 (GMT +7)

Đền thờ một vị khoa bảng danh tiếng của Thái Nguyên

VNTN - Tại xóm Chợ, xã Phúc Trìu, thành phố Thái Nguyên có ngôi mộ cổ Tiến sỹ Đàm Chí được dòng họ Đàm, hiện nay là gia đình cụ Đàm Đức Lượng (96 tuổi) trú tại xã Quyết Thắng trông nom, thờ phụng. Năm 1998, ngôi mộ đã được cơ quan chức năng thuộc ngành văn hóa khảo sát đưa vào hồ sơ Danh mục quy hoạch di tích.

Tra cứu trong sử sách và các tài liệu như: Các nhà khoa bảng Việt Nam; Hồ sơ Tiến sỹ Văn Miếu Quốc Tử giám Hà Nội, Hồ sơ di tích Tiến sỹ Thái Nguyên, Địa chí Thái Nguyên, Đất và Người Thái Nguyên (tập 1)... đều có chép về thân thế sự nghiệp của Tiến sỹ Đàm Chí. Sách Các nhà khoa bảng Việt Nam cho biết, ông quê làng Sa Kệ, tổng Túc Duyên, huyện Đồng Hỷ, xứ Thái Nguyên. Khoa Tân Mùi, niên hiệu Đại Chính năm thứ 6 (1535), đời Mạc Đăng Doanh, ông thi đậu Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân. Kỳ thi của ông có Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm người huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Đàm Chí sau khi đỗ Tiến sỹ được bổ làm quan Tri huyện, trong đó có lần ông được cử lên huyện Phú Lương (nay thuộc địa bàn huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) sau đó được thăng chức và làm tới chức Thừa chính xứ, tước Văn Trai bá (Bá tước), một trong những chức cao thời bấy giờ (Công, khanh, bá, tử, nam).

Lễ khánh thành Đền thờ Tiến sỹ Đàm Chí ở xã Phúc Trìu

Bằng các căn cứ khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa đã xác định quê hương của Tiến sỹ Đàm Chí ngày nay thuộc xã Quyết Thắng (xưa là làng Sa Kệ) thành phố Thái Nguyên. Đàm Chí là 1 trong 9 vị Tiến sỹ đỗ đại khoa của tỉnh Thái Nguyên. Theo nhân chứng dòng họ Đàm xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên vẫn gìn giữ được ngày giỗ và Gia phả tổ tiên của mình trong đó có Tiến sỹ Đàm Chí.

Tổ tiên dòng họ Đàm vốn có quê gốc ở xã Ông Mặc, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc nay thuộc xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Dòng họ này nổi tiếng với truyền thống khoa bảng, nhiều người đỗ đạt làm quan to, thời Lê sơ có ông Đàm Thận Huy đỗ Tiến sỹ năm 1490 đời vua Lê Thánh Tông. Ông được vua cử đi sứ sang nhà Minh, sau làm quan đến chức Lễ bộ Thượng thư (tương đương chức Bộ trưởng ngày nay) Tri chiêu văn quán, Tú lâm cục kiêm Hàn lâm viện thị độc, Chưởng hàn lâm viện sự, Thiếu bảo, nhập thị kinh diên, tước Lâm Xuyên bá. Nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, ông đem binh về Bắc Giang làm việc cần vương, vì kém thế không địch nổi nhà Mạc ông đã tuẫn tiết cùng Nguyễn Tự Cường và Nguyễn Hữu Nghiêm, cả hai người này đều là học trò của ông. Mạc Đăng Dung trọng nghĩa khí cao của ông đã tặng tước Hầu, về sau thời Lê Trung Hưng xếp ông vào hạng Kiệt tiết dực vận, Tán trị công thần, phong làm phúc thần và được phép lập đền thờ ở làng, vua các triều đều ban sắc phong, ban cho biển đề là Tiết nghĩa từ.

Đầu thế kỷ XVI khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê thì một số người thuộc chi họ Đàm ở xứ Kinh Bắc cũng đã lên định cư ở Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng. Phát huy truyền thống của họ Đàm gốc, dòng họ Đàm ở Thái Nguyên cũng nổi tiếng là một dòng họ khoa bảng, có 2 vị Tiến sỹ đỗ đại khoa ở đầu thế kỷ XVI. Đó là Đàm Sâm, đỗ Tiến sỹ năm 1511 đời vua Lê Tương Dực, Đàm Chí đỗ Tiến sỹ năm 1535 đời Mạc, đều làm quan đến chức Thượng thư. Ngoài ra cũng phải kể đến hậu duệ họ Đàm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, cũng góp phần làm dạng danh dòng họ với các tên tuổi như Thượng tướng Đàm Quang Trung, vị tướng được Chủ tịch Hồ Chí Minh rèn luyện, là vị tướng xông pha nhiều trận mạc thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954); Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đàm Văn Ngụy; Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Đàm Đình Trại - họ đều là những vị lãnh đạo trưởng thành trong quân đội nhân dân Việt Nam từng làm việc ở Quân khu I Thái Nguyên.

Cụ Đàm Đức Lượng, vị trưởng họ Đàm xã Quyết Thắng năm 2015 đã vinh dự thay mặt dòng họ đi dự Hội thảo khoa học về Thân thế, sự nghiệp và những đóng góp của quan Tiết nghĩa Đàm Thận Huy ở Bắc Ninh và từ đó cụ đã quyết tâm đi sưu tầm, tìm tòi tư liệu và vận động con cháu dòng họ cùng nhân dân miền xóm Chợ, xã Phúc Trìu huy động tộc họ Đàm tỉnh Bắc Ninh, Cao Bằng cùng xây dựng ngôi đền thờ Tiến sỹ Đàm Chí trên đất Phúc Trìu.

Để bảo tồn và gìn giữ di tích mộ Tiến sỹ Đàm Chí, năm 2015, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên đã có văn bản chấp thuận chủ trương xây dựng đền thờ Tiến sĩ Đàm Chí. Sau khi làm đủ các thủ tục và chuẩn bị kinh phí để xây dựng ngôi đền, Ủy ban nhân dân xã Phúc Trìu và nhân dân địa phương cùng dòng họ Đàm trong nước đã hợp sức công đức xây dựng thành công ngôi đền thờ.

Đền thờ Tiến sĩ Đàm Chí có quy mô khá lớn được xây dựng theo lối kiến trúc cổ truyền, toàn bộ ngôi đền được làm bằng bê tông cốt thép sơn giả gỗ. Mặt đền hướng về phía đông ngoảnh ra đường liên xã, có kiến trúc 3 gian 2 dĩ, 4 đầu đao cong vút. Trước mặt đền có sân rộng để tổ chức các lễ hội truyền thống. Đền được xây xong tuy nhiên còn những hạng mục cần tiếp tục phải hoàn thiện như tượng thờ, đồ thờ, sân đền... cụ Đàm Đức Lượng lại cùng con cháu dòng họ Đàm và bà con địa phương dần thực hiện. Cho đến nay các việc đó đã hoàn tất.

Cụ Đàm Đức Lượng trả lời phỏng vấn

về sự kiện giành chính quyền Cách mạng tỉnh (20/8/1945)

Đền thờ Tiến sĩ Đàm Chí dựng lên trên đất Phúc Trìu nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trên quê hương tỉnh Thái Nguyên nói chung và thành phố Thái Nguyên nói riêng. Ngôi đền sẽ là nơi tưởng niệm Tiến sỹ Đàm Chí và các vị thần bản thổ. Ngôi đền ra đời đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân và dòng họ Đàm. Nhân dân xã Phúc Trìu, Quyết Thắng vui mừng vì Nhà nước đã quan tâm đến nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tâm linh, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân. Và việc xây dựng ngôi đền cũng là việc làm đầy ý nghĩa của sức mạnh đoàn kết trách nhiệm của đại diện dòng Đàm tỉnh Thái Nguyên trong đó có họ Đàm xã Quyết Thắng.

Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa vật chất, tinh thần gắn với các vị Danh nhân khoa bảng ở thành phố Thái Nguyên và tỉnh ta nói chung là một việc làm cần thiết nhằm giáo dục cho các thế hệ trẻ về truyền thống hiếu học của ông cha xưa, đồng thời góp phần phát triển kinh tế văn hóa xã hội cho địa phương, nơi có di tích lịch sử văn hóa.

 

 

Nguyễn Đình Hưng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy