Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
03:59 (GMT +7)

Đệ nhất danh thắng xứ Hàn

VNTN - Đền thờ Phật là một phần của phong cảnh Hàn Quốc, tạo nên sức lôi cuốn với du khách mỗi khi tới nước này. Phần lớn đền ở đây đều có ký tự cuối là sa (tự). Năm 372, thời vương quốc Goguryeo, đạo Phật mới du nhập xứ Hàn. Khi ấy Saman giáo đang là tôn giáo bản địa, để dung hòa người dân đã chọn núi - nơi ở của các vị thần mà xây dựng đền thờ Phật. Vì Saman giáo thờ ba vị tối cao là Sanshin, Toksong và Chilsong nên đạo Phật đã chấp nhận và dung nạp cả ba vị. Năm 375, Sosurim đã dựng lên hai đền thờ Phật đầu tiên ở Hàn Quốc là Seongmunsa và Ilbullanda. Phật giáo nhờ thế nhanh chóng trở thành quốc giáo, ngoài đền thờ hoàng gia còn có đền thờ dành cho dân thường, ở đó người dân được học kinh Phật và có thể xuất gia bất cứ lúc nào. Trong thời Silla thống nhất, Phật giáo cũng thịnh trị suốt 250 năm và đặc biệt vào đầu triều đại Goryeo, đã xuất hiện hàng loạt công trình mà phần lớn vẫn tồn tại đến nay.

 

Hiện giờ, ở Hàn Quốc có tới cả nghìn đền thờ Phật, trong đó được ngưỡng mộ bởi vẻ trang nghiêm, cảnh đẹp cũng như là đền thờ Phật lớn nhất thuộc phái Jogye của Hàn Quốc là Woljeongsa (Nguyệt Tĩnh Tự). Đền này đã đi vào huyền thoại với câu chuyện Manjushri Bodhisattva (Văn Thù Bồ Tát) chữa bệnh cho đức vua Sejo (Thế Tổ), một vị vua anh minh nhất trong lịch sử đất nước. Đồ rằng vua Sejo thời Joseon bị bệnh phong. Một lần, viếng cảnh đền, đã gặp một tiểu tăng khuyên vua hãy tắm trong ao sen mà khỏi bệnh. Khi vua muốn cảm tạ thì tiểu tăng biến mất. Ông biết mình đã gặp Văn Thù Bồ Tát, nên đã đẽo một tượng gỗ lớn đặt thờ tại điện Manjusuri đền Sangwonsa thuộc Woljeongsa.

Khó có đền đài thờ Phật nào ở Hàn Quốc độc đáo bằng Woljeongsa. Đền đã gần 1.400 tuổi, và ra đời vào thời hoàng Seondeok lừng danh trong các phim dã sử về sự nhân từ, bác ái. Các đại sư nổi tiếng xứ Hàn như Ja Jang yulsa, Hanam và Tanheo đều tu hành ở đây. Đại sư Ja Jang (590 - 658) là người có công đã đưa Phật giáo thành quốc giáo của vương quốc. Năm 636, ngài đến Trung Quốc và khi trở về được cao tăng nhà Đường ban cho các báu vật là một mảnh xương sọ Đức Phật, một bát xin ăn bằng gỗ, một tấm áo cà sa và 100 viên xá lị. Tất cả được giữ tại đền Woljeongsa và đền Tongdosa. Chuyện kể khi đại sư đến Trung Quốc mong gặp Bồ Tát Văn Thù, sau bảy ngày thỉnh cầu thành kính, ngài được một cao tăng cho biết Bồ Tát ngự trên Ngũ Đài Sơn mà theo tiếng Hàn là Odaesan nên khi về nước, đã tìm tới núi Odea nơi có năm cao nguyên lớn và cho dựng ở đây năm tu viện, ở giữa là Saja-am, phía đông là Kwanum-am, phía tây là Sujong-am, phía nam là Chijang-am và phía bắc là Miruk-am. Bấy giờ núi non hết sức hiểm trở, khắp nơi đầy sương khói nên khi leo đến lưng chừng núi ngài đã nghỉ lại và dựng một căn nhà lá mà ngày nay là đền Woljeongsa. Đền hiện nay có không gian cực kỳ thoáng đãng, nằm giữa một rừng thông xanh mát, bao quanh là 68 đền đài lớn nhỏ.

Trước khi vào Woljeongsa, du khách sẽ bắt gặp một cánh cổng rất lớn - Iljumun màu sắc sặc sỡ với hai tấm bia do chính đại sư đề bút. Từ giữa cổng và đại điện có một cổng nữa là Cheonwangmun (Thiên vương môn) khắc họa bốn vị đại hộ pháp của Phật giáo cầm kiếm, sáo, tháp và rồng trấn địa nhảy múa tưng bừng. Từ đây vào khoảng 800 mét là tới Seong-hwangdang (Đền Trình) thờ các thần bản địa. Là nơi du khách làm lễ tịnh tâm trước khi vào chiêm bái Phật.

Đi tiếp sẽ đến điện Josadang - thờ hòa thượng Ja Jang, rồi chính điện Jeokgwangjeon - nơi tổ chức các đại lễ, lầu Yonggeomnu - là đài trưng bày quà lưu niệm và gác Bojanggak để tàng kinh cùng các di vật văn hóa... Mỗi nơi đều có vẻ đẹp đặc sắc, với phong cách kiến trúc truyền thống kết hợp giữa đá và gỗ.

Ở Woljeongsa, mỗi công trình, mỗi hiện vật đều là tác phẩm nghệ thuật tinh xảo. Tiêu biểu trước chính điện là tòa xá lị bằng đá hình bát giác chín tầng - bảo vật quốc gia số 48 của Hàn Quốc. Trong đạo Phật, tháp được xem là một phần thân thể Phật, vì vậy luôn được đặt chính giữa đền. Nó được xây dựng từ thời Goryeo vào thế kỷ 10 bằng đá granit trắng, cao 15,2 mét trên đó có hình ảnh hoa sen, các vòng lửa và gồm ba phần: phần đế có hai lớp hình hoa sen thể hiện cho yên hoa, phần thân chín tầng thể hiện cho Đức Phật và phần ngọn thuôn nhọn biểu thị vũ trụ. Phía trước tháp là một bức tượng Phật ngồi mỉm cười cao 1,8 mét - bảo vật số 139 của tỉnh.

Trong chính điện lại có tượng Phật Dược sư cao đến 1,8 mét với dáng vẻ kỳ lạ, như tóc để xõa, đầu đội vương miện, cổ đeo vòng, tay đặt lên đầu một bé nam. Đây chính là hình ảnh của một vị vua, nhờ xuất gia mà thành Phật tại Ấn Độ. Ngài có thể chữa được bách bệnh nên được gọi là Phật Dược sư. Bức tượng đã ra đời từ thế kỷ 11 tại Hàn Quốc, song do chiến tranh nên được giấu xuống ao để tránh nạn và giờ được bày tại điện Phật.

Kế cận Woljeongsa còn có khá nhiều tu viện và ở mỗi nơi đều thấy những tháp để cốt của các trụ trì khi về cõi Niết bàn, thân thể được thiêu và thờ trong tháp. Đáng kể là 23 tháp cốt chạy dài 500 mét giữa quần thể Woljeongsa và là bảo vật số 42 của tỉnh. Tự viện Sangwonsa là nơi có câu chuyện về vua Sejo. Cách đền chính 9km, ở đây hiện còn giữ một bức tượng Bồ Tát trong dáng vẻ một cậu bé giống như trong chuyện xưa. Cũng có một quả đại hồng chung Brahma đồng, mỗi khi ngân vang từ nhiều kilômét vẫn nghe thấy. Một nơi tập trung nhiều tượng nhất cũng là công trình cao nhất trên đỉnh núi là tu viện Sajaam thờ 10 nghìn Bồ Tát. Cứ chiều tối ở Sajaam, các nhà sư và 100 phật tử lại đồng thanh tụng kinh, gõ mõ để cầu xin 10 nghìn vị phù hộ cho chúng sinh thoát khỏi khổ ải, phiền não.

 

Tại đền Woljeongsa từ lâu đã diễn ra rất nhiều hoạt động vui chơi và nhất là thực hành thiền cho mọi người thoát khỏi âu lo của cuộc sống.

Là người Hàn Quốc, ai cũng muốn đến Woljeongsa tu tâm dưỡng tính, thư giãn, ngắm cảnh và ôn lại lịch sử đất nước. Vì đền nằm trong núi nên khi đi thăm, phật tử và du khách được chiêm ngưỡng rất nhiều cảnh đẹp nên thơ, tĩnh tại. Ví dụ như hơn 30 đỉnh núi, 12 thác nước và hàng trăm loài vật quý hiếm. Riêng với ngôi đền nhờ không gian xanh bao la, ngát hương thông và sự cổ kính, trầm lắng từng giây phút khiến cho chốn này thêm linh thiêng.

Tại đền Woljeongsa từ lâu đã diễn ra rất nhiều hoạt động vui chơi và nhất là thực hành thiền cho mọi người thoát khỏi âu lo của cuộc sống. Nhà đền đã thực hiện việc này nhiều năm, hướng dẫn những người muốn học Phật pháp được tiếp xúc với đời sống tu hành và lĩnh hội Phật giáo. Việc học tập được bắt đầu vào một giờ chiều thứ Bảy và kết thúc vào Chủ nhật mỗi tuần. Lúc này, du khách sẽ được hướng dẫn thực hành thiền bắt đầu bằng việc đi một vòng quanh đền và khu rừng chân đất để cơ thể được tiếp xúc với tự nhiên và rồi rửa sạch trong dòng suối lạnh tịnh tâm. Sau đó tiếp tục đến với bốn bảo vật của nhà Phật tạo ra nhạc pháp gồm chuông, trống, cồng và mõ, mỗi thứ tượng trưng cho một sinh vật sống, và bằng việc chơi các nhạc khí con người sẽ hòa hợp với muôn vật và cất cao bài hát ca ngợi cuộc sống. Đến bữa ăn, ai nấy sẽ trải qua nghi lễ ăn chay balwoo-gongyang. Theo đó không được ăn thịt, cũng không ăn hành, tỏi - tránh sát sinh và gây xú khí. Từ Balwoo theo tiếng Hàn còn có nghĩa là một số lượng lương thực tối thiểu để nuôi sống cơ thể, vượt qua định lượng này sẽ là tham ăn, tục uống. Các chú tiểu sẽ mang tới cho mỗi người một bộ gồm bốn bát gỗ, một đôi đũa, một cái thìa bọc trong vải để ăn cơm. Thực khách sẽ ngồi ở thế hoa sen, khoanh chân vòng tròn, yên lặng và không quay ngang quay dọc. Sau khi chú tiểu mang cơm, canh và dưa kim chi ra, mọi người sẽ phải ăn hết định suất của mình, không được sót một chút nào. Đầu tiên mỗi người sẽ phải vệ sinh đồ đựng thật sạch như đổ nước vào bát và dùng khăn để lau sạch bát đũa, sau đó xới cơm vào bát lớn nhất, múc canh vào bát thứ hai, rau dưa vào bát thứ ba và đựng nước vào bát thứ tư. Bước thứ hai, gắp một mảnh dưa kim chi nhúng vào nước và đặt lên bát cơm, song không phải để ăn mà để khi ăn cơm xong sẽ dùng nó lau rửa các bát. Với người mới ăn chay nhà Phật thì quy trình này hơi khó vì hơi khắc khổ và nghiêm luật, song các nhà sư tin rằng ăn cũng là một cách thiền. Mọi người phải uống nước đã từng dùng để rửa bát. Số nước còn lại được rót lần nữa vào các bát để vệ sinh cho sạch, cuối cùng đổ vào hai xô lớn. Các nhà sư sẽ so sánh mức nước trong xô, nếu nhóm nào có xô nước bẩn hơn sẽ phải uống một thìa nước ở đó. Việc này thể hiện sự kính trọng đối với cuộc sống tu hành.

Buổi tối sau khi ăn ai nấy sẽ đi dạo, rồi đánh chuông, gõ đúng 33 cái, theo quan niệm của người Hàn Quốc là con số tốt lành. Trước khi gõ, mỗi người nên ước một điều gì đó cho người khác hoặc thế giới, chứ không ước cho mình.

Gõ chuông xong thì vào chính điện niệm Phật (Ye-bool). Đây là một nghi lễ tôn vinh Đức Phật Thích Ca và giáo lý của Ngài ở mọi đền thờ. Việc này được thực hiện mỗi ngày ba lần vào 3 giờ sáng, 11 giờ trưa và 6 giờ tối. Bắt đầu vào 2 giờ 40 phút sáng, chú tiểu sẽ gõ mõ đánh thức mọi người. Đến ba giờ thì nghi lễ bắt đầu và mọi người bỏ dép đi chân đất cầm nến bước vào chính điện, đi quanh một vòng, rồi cúi lạy ba lần trước ban thờ Phật trong khi các nhà sư tụng niệm.

Sau bữa sáng tất cả tập trung để làm lao động công ích (ulyeok) như quét sân, lau nhà... rèn luyện tính kỷ luật và lòng kiên nhẫn. Việc này hoàn toàn dễ hiểu và cũng theo luật thiền thì đối với người tu hành một ngày không lao động là một ngày không có cái ăn.

Qua những hoạt động như vậy, phật tử và du khách sẽ hiểu biết thêm và kính trọng đối với những triết lý và lối sống Phật giáo.

THỦY TRƯỜNG (sưu tầm, biên dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy