Dế Mèn và Ve Sầu
Truyện ngắn. Hồ Điệp
Minh họa: Minh Thư
Một mùa hè nữa lại sắp sang khi cánh hoa cuối cùng của cây đào muộn hoàn thành chuyến du hành về với đất mẹ. Cây cối như xanh hơn và từ dưới mặt đất họ nhà Ve bắt đầu rủ nhau bò lên để chuẩn bị cho một mùa lễ hội mới. Nhác thấy chị Ve Sầu đầu tiên, anh Dế Mèn thở dài thườn thượt. Từ trong cái tổ của mình bên cạnh bụi thuỷ tiên phơn phớt hồng, anh nói vọng ra:
“Này cái nhà chị kia!”
Ve Sầu giật mình suýt nữa thì rơi tọt xuống dưới. Chị ngơ ngác nhìn tới nhìn lui một hồi mới thấy anh Dế Mèn lấp ló ở đằng xa. Chị lễ phép hỏi:
“Ơ! Anh Dế gọi em ạ?”
“Tôi chả gọi chị thì gọi ai. Chị Ve Sầu này! Tôi hỏi thật nhé. Họ nhà chị vừa đông lại vừa hát to hát khoẻ, sao không kéo nhau ra thành phố sầm uất biểu diễn mà mùa hè nào cũng ở vùng quê nhỏ bé này tranh biểu diễn với họ nhà Dế chúng tôi?”
Ve Sầu lúng túng:
“Dạ… dạ… họ nhà Ve chúng em đâu có ý muốn tranh giành gì đâu ạ. Tự bao đời nay chúng em ca hát là để giữ gìn “lễ hội mùa hè” và phát huy truyền thống mà cha ông đã để lại thôi ạ.”
“Chị nói nghe hay lắm. Thế sao họ nhà chị không ra thành phố mà tổ chức lễ hội?”
“Dạ… dạ… lễ hội vốn được tổ chức ở đây mà…”
“Tóm lại là họ nhà chị cố ý tranh giành biểu diễn với họ nhà tôi. Năm nay tôi sẽ đòi lại “sân khấu” cho các ca sĩ Dế Mèn.”
Dứt lời, Dế Mèn “hừ” mạnh một tiếng rồi tức tốc đi tìm sự ủng hộ. Anh đi đến bờ ao, gặp Đom Đóm bố đang sửa sang ngọn đèn lồng, bèn bảo:
“Cháu chào chú. Chú ơi họ nhà Ve lại sắp mở “lễ hội mùa hè”. Cái lễ hội ấy bao giờ cũng ra rả suốt ngày đêm khiến chú cháu ta đau đầu, mất ngủ. Chú hãy tập hợp mọi người, cùng cháu kiến nghị bỏ ngay cái lễ hội ấy đi. Chỉ có như thế vùng quê của chúng ta mới được yên bình.”
Đom Đóm bố gật gù hưởng ứng.
Dế Mèn đi tiếp đến vườn vải, gặp bác Xén Tóc đang cắt tỉa lá cây và lặp lại câu đã nói với chú Đom Đóm ban nãy. Bác Xén Tóc suy nghĩ một lát rồi cũng đồng tình với anh Dế Mèn.
Dế Mèn tiếp tục đi qua vườn rau, bụi tre, mương nước… gặp Châu Chấu, Kiến Đen, Ong Nâu, Bướm Vàng, Bọ Xít, Cánh Cam… và giành được rất nhiều sự ủng hộ.
Tờ mờ sáng hôm sau họ nhà Ve đã thoát xác, trút bỏ lớp vỏ thô ráp, xù xì để trở thành những ca sĩ trẻ trung, tràn đầy sức sống. Cả họ tập hợp tại cây mít cổ thụ trong vườn. Anh trưởng họ cổ thắt cái nơ xanh làm từ lá cỏ voi chuẩn bị cất lên tiếng hát đầu tiên khai mạc lễ lội thì bỗng từ bốn phương tám hướng các cư dân của vùng quê nhỏ ùn ùn kéo đến. Đám đông các loài vật mà đại diện là anh Dế Mèn bước lên phía trước, hùng hổ nói:
“Hôm nay chúng tôi đến đây là muốn đề nghị họ nhà Ve các anh bỏ ngay cái lễ hội này đi. Lễ hội chẳng đem lại lợi ích gì và còn khiến chúng tôi mất ăn mất ngủ, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến cuộc sống của chúng tôi.”
“Phải đó.”
“Dế Mèn nói chí phải!”
“Dẹp ngay đi.”
“Dẹp đi.”
…
Đám đông nhao nhao hưởng ứng. Anh Ve Trưởng Họ định nói gì đó nhưng bị đám đông gạt phắt đi. Họ nhà Ve buồn bã nhìn nhau, rơm rớm nước mắt. Trước sự kiên quyết không nhượng bộ của hàng xóm, họ nhà Ve đành lủi thủi kéo nhau trốn thật sâu vào trong hang hốc.
Dế Mèn hả hê lắm.Vậy là mùa hè năm nay họ nhà Dế tha hồ mà biểu diễn, chẳng có ai tranh. Ban ngày có ánh mặt trời rực rỡ làm nền, có Ong, Bướm dập dờn phụ hoạ. Ban đêm có trăng sao chiếu rọi, có màn múa đèn lồng của vũ công Đom Đóm. Nghĩ vậy Dế Mèn vui vẻ về tổ và hăng say tập luyện.
***
Những ngày sau đó vì chẳng nghe thấy tiếng ve báo hiệu nên Thần Mùa Hạ vẫn thong thả ở miền xa, phượng vĩ quên trổ bông còn bằng lăng chẳng thèm hé nụ. Mít không buồn chín và vải cũng quên tiệt việc ra hoa.
Một chiều Đom Đóm con hỏi Đom Đóm bố:
“Bố ơi bao giờ mới đến lễ hội đèn lồng? Con mong đến lễ hội để được múa đèn cùng các anh chị quá.”
“Bao giờ Ve Sầu hát vang là đến lễ hội đó con.” – Đom Đóm bố âu yếm xoa đầu con trai xong mới sực nhớ ra là năm nay sẽ chẳng có tiếng ve nào nữa.
“Không có tiếng hát của ve thì có mùi thơm lừng của mít chín. Bao giờ ngửi thấy mùi mít chín thì lúc ấy là thời gian diễn ra lễ hội đèn lồng.” – Đom Đóm bố nghĩ thế và yên tâm chờ đợi.
Bẵng đi một thời gian,trên tán cây vải bỗng lao xao, rì rầm. Thì ra là họ nhà Tú Hú kéo nhau đến ăn vải. Nhưng lạ thay! Vải còn chưa ra hoa thì làm sao có quả chín? Đom Đóm bố tò mò ngước lên hỏi Tu Hú:
“Chị Tu Hú ơi sao năm nay họ nhà chị đến sớm thế? Vải còn chưa ra hoa nữa mà.”
“Không sớm đâu chú Đom Đóm ơi. Mọi năm chúng tôi đến đây khi chiếc lông vũ đầu tiên bên cánh trái rơi rụng. Năm nay rụng cái thứ hai rồi họ nhà tôi mới có mặt đấy.” – Chị Tu Hú nhìn những tán vải xanh ngắt, buồn bã - “Chắc năm nay mất mùa rồi!”.
Đom Đóm bố hoang mang trở về nhà. Dọc đường gặp được bà Gió. Chuyện trò một hồi mới hay tin vì Thần Mùa Hạ chưa trở lại nên rất nhiều cây cối “quên” đơm hoa kết quả, nhiều lễ hội bị trì hoãn và mọi thứ đang rối tung lên. Còn lí do vì sao thần về trễ? Là bởi vì vắng bặt tiếng ve. “Lễ hội mùa hè” chính là nghi lễ gọi thần trở về đó.
Đến lúc này Đom Đóm bố mới biết được bản thân đã góp phần không nhỏ trong việc gây ra mớ rắc rối to đùng. “Cần phải làm gì đó để sửa sai”. Đom Đóm bố nghĩ. Và ngay lập tức Đom Đóm bố nhờ bà Gió đi tập hợp mọi người còn mình thì đi gặp Dế Mèn. Dế Mèn đang hào hứng trang trí sân khấu cho buổi biểu diễn tối nay thì thấy Đom Đóm bố đứng lù lù trước mặt, bèn tươi cười bảo:
“A. Chú Đom Đóm đấy ạ! Tối nay họ nhà cháu có buổi biểu diễn hoành tráng lắm.”
Đáp lại Dế Mèn là khuôn mặt nhăn nhó và câu trả lời như sét đánh ngang tai:
“Chúng ta gây ra chuyện lớn rồi Dế Mèn ơi! Phải đi tìm họ nhà Ve ngay. Chỉ có họ mới giúp chúng ta sửa chữa được lỗi lầm!”
***
Dế Mèn dẫn các cư dân của vùng đến gốc cây hồng xiêm cổ thụ - nơi họ nhà Ve đang ẩn nấp. Khí thế hùng hổ, áp bức không còn nữa mà thay vào đó là những cái cúi đầu thật sâu. Dế Mèn gọi:
“Anh Ve Trưởng Họ, chị Ve Sầu ơi!”
Họ nhà Ve lục tục kéo nhau ra ngoài.
“Lại có chuyện gì vậy? Có ai trong chúng tôi “trộm” hát ư?”
“Dạ không! Không! Chúng tôi đến đây để xin lỗi. Chúng tôi đã sai rồi. Không có họ nhà Ve và “lễ hội mùa hè” thì mùa hạ cũng biến mất. Xin mọi người hãy tha thứ cho chúng tôi. Xin hãy cất lên những ca từ rộn ràng nhất để chào đón thánh thần!”
“Xin nhờ mọi người!” – các cư dân đồng thanh.
Anh Ve Trưởng Họ bất ngờ và xúc động. Anh nhìn mọi người. Mọi người gật đầu. Anh bay lên ngọn cây hồng xiêm và cất lên tiếng ca trong vắt, vang vọng nhất của loài Ve Sầu. Sau tiếng ca ấy bỗng dưng mít chín thơm lừng, phượng nở đỏ rực và thần mùa hạ vén mây ghé xuống. Mọi người vui sướng nhảy múa và ôm chầm lấy nhau. Cuối cùng hạ đã về!
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...