Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
07:53 (GMT +7)

Để khu di tích Lịch sử TNXP Đại đội 915 phát huy giá trị

VNTN - Sáng 30/5, UBND tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và Hội cựu Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đại đội 915 anh hùng - Chiến công và sự hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc”.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 33 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nhà quản lý các nhân chứng lịch sử, cựu TNXP...

Các tham luận tập trung luận giải, làm sáng tỏ thêm ý nghĩa, khẳng định giá trị lịch sử của sự kiện và những chiến công của 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái đã anh dũng hy sinh khi đang làm công tác bốc dỡ hàng tại khu vực ga Lưu Xá, phường Gia Sàng thành phố Thái Nguyên ngày 24/12/1972;  đặc biệt là đề xuất những giải pháp, bài học kinh nghiệm, cách làm hay giúp tỉnh Thái Nguyên khai thác, phát huy  có hiệu quả giá trị của Khu Di tích lịch sử TNXP Đại đội 915.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham luận “Suy ngẫm về bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch của Thái Nguyên” của PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhấn mạnh: Việc thay đổi nhận thức để phát huy thế mạnh cạnh tranh trong việc bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch của Thái Nguyên là một yêu cầu cấp thiết.

Trong hệ thống di tích lịch sử - địa chí liên quan tới những chiến công vang dội của lực lượng TNXP trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nổi bật lên 4 điểm di tích quan trọng là: Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc - Hà Tĩnh, di tích Truông Bồn - Nghệ An, di tích Hang Tám cô - Quảng Bình và di tích Đại đội TNXP 915 - Thái Nguyên. Các di tích này đều gắn với những sự kiện, câu chuyện huyền thoại thiêng liêng của không chỉ của địa phương mà của cả nước. Việc trùng tu, tôn tạo Khu di tích TNXP Đại đội 915 ở Thái Nguyên được đẩy mạnh thực hiện muộn hơn, vì thế tỉnh có điều kiện tham khảo hướng đi, phương thức thực hiện từ các di tích trên. Có thể xây dựng thành một quần thể công cộng, du lịch tâm linh, văn hóa, lịch sử trọng điểm của tỉnh.

Cũng theo ông Đặng Văn Bài: Bản thân các di tích lịch sử - văn hóa cũng là những tài sản vật chất to lớn, là một tiềm năng lớn của địa phương mà chúng ta được thừa hưởng từ cha ông. Phát huy được giá trị của các di sản văn hóa không những tạo ra giá trị tinh thần mà còn mang về cả lợi ịch vật chất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cách làm tối ưu nhất là kết hợp với du lịch. Hiện nay, du lịch ở Thái Nguyên chưa thật sự phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có. Cần có sự phối hợp đa ngành và liên ngành để sáng tạo ra nhiều loại hình du lịch cũng như hình thức du lịch khả dĩ đáp ứng nhu cầu của du khách; kết nối tạo ra nhiều tuyến, điểm du lịch trong tỉnh gắn với các tuyến, điểm du lịch của các tỉnh lân cận mới mong tạo ra được sức sống mới mang tính đột phá của du lịch Thái Nguyên. Khi đó, gắn Khu di tích TNXP Đại đội 915 vào các tour, tuyến du lịch này sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Xuất phát từ trách nhiệm của công dân, người từng làm báo ở tỉnh Thái Nguyên, Nhà báo Phan Hữu Minh, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất, giải pháp cụ thể: Đầu tư khang trang cho các cơ sở thờ tự trong khuôn viên để Khu di tích bớt hiu quạnh, thu hút nhiều hơn du khách đến dâng hương, tỏ lòng thành kính; đẩy mạnh thực hiện công tác quảng bá hình ảnh và sự kiện 915 rộng rãi hơn nữa, bởi trong chiến tranh chống Mỹ, tỉnh Bắc Thái nằm sâu trong hậu phương, không được biết đến nhiều như ở các tuyến lửa tại Nghệ An, Hà Tĩnh; Có thể lấy tên Đại đội 915 đặt cho một số trường học, tuyến đường...; Ngành giáo dục nên có những bài học ngoại khóa về sự kiện này; tỉnh đầu tư làm một bộ phim truyện độc đáo như: Ngã ba Đồng Lộc, Mùi cỏ cháy...

Những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã ưu tiên đầu tư nhiều nguồn lực để tôn tạo, phát huy Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc bằng biện pháp quy hoạch đồng bộ, xây dựng nhiều hạng mục khang trang, hoành tránh tạo nên một tổng thể hạng mục di tích đăng đối, hài hòa, trở thành điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, thu hút bình quân mỗi năm gần 400.000 lượt du khách trong nước và quốc tế. Chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh mình, Phó Giám đốc sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Cảnh Thụy đã đưa ra một vài đóng góp: Cần quan tâm trước hết đến việc nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các cán bộ làm công tác văn hóa và quần chúng nhân dân về di sản văn hóa và vai trò trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ, phát huy di sản văn hóa; tạo cơ chế linh hoạt để huy động tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, chú trọng công tác xã hội hóa; tập trung củng cố, hoàn thiện bộ máy quản lý di tích, đầu tư xây dựng nguồn lực con người.

Được sự ủy quyền của lãnh đạo tỉnh, đồng chí Phạm Thái Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thái Nguyên đã cảm ơn và tiếp thu những ý kiến đóng góp, tham luận tâm huyết của các đại biểu tham gia Hội thảo; đồng thời cùng cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu phương pháp xây dựng hình ảnh; tham mưu với cấp trên tìm ra những hướng đi linh hoạt, hiệu quả trong việc tôn tạo, phát huy giá trị của Khu di tích TNXP Đại đội 915, để xứng tầm di tích lịch sử quốc gia, góp phần tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Anh Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 2)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 1)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Phối hợp triển khai sáng tác văn học về Đại đội 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 2 năm trước

Tiếp tục tuyên truyền có điểm nhấn về Đại đội TNXP 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Những nụ cười vẫn sáng lên

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Họ đã tham gia cuộc chiến như thế

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Nhật ký cô văn thư

Xem tin nổi bật 5 năm trước