Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
15:45 (GMT +7)

Đầu xuân nói chuyện truyền thống gia tộc ở Thái Nguyên

VNTN - Gia tộc là một trong những thành viên thuộc đại gia đình các dân tộc Việt Nam được hình thành từ thời thượng cổ. Trải qua suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, gia tộc truyền thống của nước ta nói chung và của tỉnh Thái Nguyên nói riêng đã góp một phần quan trọng trong cuộc đấu tranh và xây dựng, làm nên những trang sử oanh liệt, hào hùng. Vai trò, chức năng của gia tộc là cực kỳ quý báu, góp phần tạo nên truyền thống văn hóa bản sắc dân tộc Việt Nam.

Trong thời điểm hiện nay, việc chấn hưng văn hóa dân tộc lại càng được coi trọng và củng cố. Các gia tộc nước Việt Nam chúng ta lại có dịp để “ôn cố tri tân”, nhằm ôn lại truyền thống tốt đẹp, để duy trì tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Theo dòng lịch sử, ở tỉnh Thái Nguyên, từ xa xưa đã xuất hiện với nhiều gia tộc, dòng họ nổi tiếng đã đi vào lịch sử như dòng họ Dương với Dương Tự Minh, quê làng Quan Triều, phủ Phú Lương, Thái Nguyên. Ông là Thủ lĩnh phủ Phú Lương, là Phò mã lang được 2 lần vua Lý gả công chúa, người đã có công lớn trong việc bảo vệ vững chắc một dải đất biên cương phía Bắc nước Đại Việt dưới thời Lý ở thế kỷ XII. Dương Tự Minh đã được ghi trong nhiều sử sách của dân tộc, được nhân dân tôn thờ ở nhiều tỉnh như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang.

Đền Đuổm - nơi thờ Dương Tự Minh

Gia tộc họ Lưu với 2 cha, con là Lưu Trung và Lưu Nhân Chú ở xã Văn Yên. Gia tộc họ Phạm với tướng Phạm Cuống quê xã Văn Lãng đều ở huyện Đại Từ. Vào thế kỷ XV, 3 nhân vật trên đã có đóng góp to lớn tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống quân Minh xâm lược trong suốt 10 năm (1418 - 1428). Cả ba vị này đều được trọng thưởng những chức vụ cao trong triều, riêng với Lưu Nhân Chú là một trong 18 người thuộc bậc “khai quốc công thần”, là Tể tướng, vua Lê ban Quốc tính, sau khi mất được nhân dân lập đền thờ ở xã Văn Yên, Ký Phú, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa.

Gia tộc họ Dương ở Phú Bình, họ Trần ở Phổ Yên, họ Ma ở  Định Hóa, họ Lương ở Võ Nhai, họ Diệp ở Đồng Hỷ, họ Bàng ở thành phố Thái Nguyên,… đều là những gia tộc lớn có bề dày truyền thống tốt đẹp lâu đời. Một trong truyền thống nổi bật ấy có thể đúc kết là những tinh hoa bản sắc dân tộc được thể hiện trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm và truyền thống khoa cử. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú đã nhận định, Thái Nguyên thời xưa là miền thượng du còn nhiều khó khăn nhưng so với các xứ, thừa tuyên trong nước, các huyện trong xứ đều có người đỗ đạt. Thời hậu Lê (thế kỷ XV - XVIII) là thời đạt đến đỉnh cao của truyền thống khoa cử, tỉnh Thái Nguyên có 9 người đỗ Tiến sĩ trở lên. Các vị tiêu biểu có thể kể như: Nguyễn Đình Cấu quê làng Thanh Thù, nay thuộc phường Đồng Tiến, Phổ Yên, đỗ Tiến sĩ năm 1469, làm đến chức Thị vệ sứ, cầm quân bảo vệ kinh thành Thăng Long; Đỗ Cận quê làng Thống Thượng, nay là xã Minh Đức, Phổ Yên đỗ Tiến sĩ năm 1478, làm tới chức Thượng thư (tương đương với Bộ trưởng của một Bộ ngày nay); Phạm Nhĩ, quê xã Đồng Bẩm, nay thuộc thành phố Thái Nguyên, đỗ Tiến sĩ năm 1493, làm quan đến chức Phủ doãn Phủ Phụng Thiên; Đàm Sâm, quê xã Sa Kệ, nay thuộc xã Quyết Tiến, thành phố Thái Nguyên, đỗ Tiến sĩ năm 1511, làm quan tới chức Thượng thư; cũng thuộc dòng họ Đàm này còn có vị Đàm Chí, Tiến sĩ năm 1535, làm quan đến chức Thừa chính sứ, tước Văn Trai bá; Trịnh Bá, quê xã Cù Đàm, nay thuộc phường Cam Giá, thành phố Thái Nguyên đỗ Tiến sĩ năm 1514, làm quan đến chức Binh bộ Tả thị lang; Dương Ức, quê xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ đỗ tiến sĩ năm 1541, làm quan đến chức Thừa chính sứ; Đồng Doãn Giai, quê xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ đỗ Tiến sĩ năm 1736 làm quan đến chức Đốc đồng Lạng Sơn.

Kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học của các cụ ta, các con cháu thuộc các dòng họ tiêu biểu trên đã không ngừng học tập, phấn đấu, rèn luyện để đạt được vinh quang con đường sự nghiệp. Một số gia tộc, dòng họ có nhiều người đã đạt được nhiều thành tích tiêu biểu như: dòng họ Đỗ, họ Nguyễn, họ Phạm ở làng Phù Lôi, xã Thuận Thành, họ Nguyễn Viết ở phường Đồng Tiến, thị xã Phổ Yên đã trở thành một trong những làng nổi tiếng về truyền thống hiếu học; họ Đào, họ Hoàng ở xã Tân Đức, họ Dương Nghĩa ở xã Xuân Phương, Dương Văn ở làng Hanh, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình; họ Nông, họ Chu, họ Lâm ở xã Phấn Mễ, họ Phan ở xã Hợp Thành, họ Bàn ở xã Động Đạt, huyện Phú Lương, đặc biệt ở thành phố Thái Nguyên có nhiều gia tộc như gia tộc họ Nguyễn, họ Phạm quê tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, họ Vũ quê tỉnh Hải Dương và nhiều gia tộc ở các địa phương khác đều có nhiều người thành danh, đỗ đạt, giữ nhiều chức vụ cao trong xã hội, đem lại niềm tự hào, vinh hạnh cho dòng họ, gia tộc của mình.

Có thể nói trong số những nhân vật thời đương đại là con cháu hậu duệ của các gia tộc tiêu biểu được kể trên nhiều người thành đạt trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là các vị lãnh đạo, nhà quản lý tiêu biểu đã và đang công tác trong các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh Thái Nguyên.

Thái Nguyên là nơi sinh sống của 9 dân tộc là Kinh, Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Sán Chí, Sán Dìu, Hoa, Mông. Việc tôn vinh gia tộc, dòng họ ngày nay càng được coi trọng. Từ việc nhỏ là việc họp họ để tăng cường tính đoàn kết, củng cố mối quan hệ thân thiết trong gia tộc đến việc chạp họ thường được tổ chức vào cuối năm, tức là một năm các chi phái thuộc gia tộc, dòng họ gặp mặt nhau. Nhiều gia tộc tổ chức tảo mộ, ôn lại truyền thống dòng họ, nhận biết anh em, họ hàng, nhằm nhắc nhở con cháu hậu duệ không quên cội nguồn ông cha. Bên cạnh đó việc lập lại gia phả, đọc gia phả truy tìm cội nguồn rất được quan tâm, lưu ý. Tất cả việc đó thể hiện là một truyền thống đạo lý tốt đẹp của nhân dân ta.

Gia đình bốn thế hệ của cụ Nguyễn Văn Nhỡ, cán bộ tiền khởi nghĩa

ở tổ 12 phường Quang Trung, TP Thái Nguyên.

Cổ nhân thường có câu: “Con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn”… Những câu ca thật chí lý, khuyên nhủ, nhắc nhở con người phải nhớ cội nguồn, gốc rễ của mình. Người ta tâm niệm và nhủ con cháu mình rằng: ta có ông, bà tổ tiên, mới có bố, mẹ, mới có mình. Đây là điều tâm đắc nhất của người viết bài, cũng như mọi người đều có chung một suy nghĩ, một tâm niệm tốt đẹp như vậy

Nguyễn Đình Hưng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy