Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
17:35 (GMT +7)

Đầu tư quảng bá du lịch Việt ít hiệu quả

VNTN - Theo số mới ra của tạp chí Forbes, hiện mức đầu tư cho quảng bá du lịch của Việt Nam vào khoảng 2 triệu USD/năm. Con số này chỉ bằng 2,9% kinh phí đầu tư của Thái Lan, 2,5% của Singapore và 1,9% của Malaysia. Không những ít tiền mà việc đầu tư còn dàn trải thiếu hiệu quả…


Forbes nhận định, mức kinh phí 2 triệu USD/năm đối với việc quảng bá du lịch trên phương diện quốc tế là không đủ để quảng cáo thường xuyên trên những kênh truyền hình nổi tiếng thế giới như CNN. Mặc dù, hiện tại du lịch đã và đang trở thành một ngành công nghiệp quan trọng đối với Việt Nam. Lĩnh vực này cũng đã được Ngân hàng Thế giới xác định là mảng quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020. Vậy mà ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa được chú trọng để có những đầu tư xúc tiến quảng bá thích đáng.

Du lịch Việt ít được đầu tư đến nơi

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, không chỉ mang đến doanh thu trực tiếp từ các lĩnh vực dịch vụ như khách sạn, tour tuyến, điểm tham quan mà còn tạo nguồn thu, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề liên quan khác như giao thông, ăn uống, giải trí, thương mại và một số dịch vụ phụ trợ khác (thông tin liên lạc, ngân hàng...).

Với mức 6,6% đóng góp cho GDP, du lịch Việt đứng thứ 40/184 nước về quy mô đóng góp trực tiếp vào GDP và xếp thứ 55/184 nước về quy mô tổng đóng góp vào GDP quốc gia. Đây là những con số từ Báo cáo thường niên Travel & Tourism Economic Impact 2016 Việt Nam (WTTC) của Hội đồng Du lịch & Lữ hành thế giới công bố hồi tháng 3/2016.

Nhưng đóng góp là thế, mà khoản đầu tư vào lĩnh vực du lịch năm 2015 chỉ đạt 113.497 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng đầu tư cả nước. Ngay như việc đầu tư xúc tiến quảng bá cho ngành du lịch Việt ở nước ngoài với số tiền trung bình 2 triệu USD/năm cũng là một khoản tiền quá “bèo” so với các quốc gia trong khu vực: Cơ quan du lịch các nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia đều đầu tư khoảng hơn 100 triệu USD/năm cho hoạt động của cơ quan du lịch quốc gia với chức năng chính là xúc tiến quảng bá du lịch. Đồng thời có mạng lưới văn phòng đại diện rộng khắp tại các thị trường du lịch trọng điểm.

Với mức đầu tư như hiện tại, hình ảnh Việt Nam được quảng bá ra nước ngoài chủ yếu là qua những lần tham gia hội chợ du lịch quốc tế ở các thị trường trọng điểm và tiềm năng; hoặc là tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo du lịch ở nước ngoài. Con số 2 triệu USD không đủ để quảng bá thường xuyên trên Star Movies, HBO, AXN… như cách người Malaysia đang làm (chương trình Truly Asia), quảng cáo dài kỳ trên YouTube, như người Singapore (chương trình Your Singapore), hay làm clip quảng cáo cuốn hút người xem của một công ty du lịch Hàn Quốc.

Ngay như trong năm 2016, cho đến qua nửa năm đầu, vẫn chưa thấy một kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch Việt nào ra nước ngoài, ngoài những cuộc tiếp xúc từ đầu năm có vẻ lạc quan khi các đoàn làm phim của Hollywood, của Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản vào Việt Nam làm phim. Điểm lại kế hoạch quảng bá trên truyền thông của nước ngoài, từ năm 2015 cho đến nay, ngoài một clip của Bộ Ngoại giao Việt Nam: “Welcome to VietNam” thì cũng chỉ có một Dự án EU thực hiện clip 30 giây để phát ở trên các kênh truyền hình quốc tế, hiện đã hoàn thành 10/2015 và dự định ký hợp đồng phát sóng clip này 300 lần trên kênh truyền hình Channel của Anh... Cục Điện ảnh cũng đã đầu tư một clip hơn 20 phút rất công phu nhưng tới giờ chưa thấy phát hành rộng rãi để quảng bá hình ảnh và du lịch Việt.

Trong năm 2015, sự kiện du lịch quan trọng nhất là Expo Italia thì du lịch Việt Nam đã không hoàn thành nhiệm vụ quảng bá bởi nhiều lý do mà truyền thông đã mổ xẻ. “Bắt bệnh” tính hiệu quả của việc tham gia các hội chợ du lịch quốc tế của Việt Nam chưa cao là vì lâu nay vẫn làm theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”. Cơ quan nhà nước thông báo kế hoạch tham gia gấp rút, làm doanh nghiệp “vắt chân” chạy theo. Còn doanh nghiệp thì quá thụ động trong việc tổ chức và chưa dành ra quỹ riêng để đầu tư cho việc xúc tiến quảng bá du lịch. Đến lúc gần diễn ra mới nháo nhào vì vé máy bay, hay thắc mắc vì vị trí gian hàng của doanh nghiệp không được thuận lợi, đó là những sai sót vẫn thường gặp trước mỗi hội chợ…

Du khách nước ngoài tới thăm Huế     Ảnh: Q.K

Làm gì để ít tiền mà hiệu quả?

Năm 2016, Cộng đồng kinh tế, chính trị, an ninh ASEAN được hình thành, mở ra rất nhiều cơ hội cũng như thách thức cho ngành du lịch. Chúng ta nên tận dụng cơ hội cũng như đối mặt với thách thức từ sự kiện này như thế nào?

Hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch đã có nhiều cố gắng, nhưng cách quảng bá cho đến thời điểm này, thực sự là chưa gây được hiệu quả. Ta thiếu bài bản trong xúc tiến quảng bá, nguồn lực xúc tiến quảng bá cũng không nhiều, việc phối hợp kênh thông tấn lớn thế giới để làm ra tư liệu giới thiệu về Việt Nam vẫn chưa được triển khai nhiều. Hiện chúng ta cũng thiếu chuyên gia, thiếu nguồn lực có trí tuệ, kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Và cũng có tình trạng có nhiều người giỏi nhưng không được sử dụng, không được lắng nghe, đây là nguyên nhân quan trọng khiến cho quảng bá du lịch thiếu sự bài bản.

Cơ hội mở ra là các thủ tục rào cản trong việc đi lại giữa 10 nước ASEAN sẽ được gỡ bỏ giúp khách có thể tự do đi lại. Vì vậy, luồng khách từ các thị trường đi du lịch lẫn nhau sẽ gia tăng. Đây là cơ hội cho ngành du lịch phát triển, nhưng cũng là thách thức khả năng đáp ứng của ngành, bởi các nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan... có lực lượng lao động chuyên nghiệp hơn. Đội ngũ nhân lực du lịch của Việt Nam dù đã trưởng thành, nhưng không nỗ lực để nâng cao tính chuyên nghiệp, kỹ năng, thái độ phục vụ... thì sẽ bị cạnh tranh mạnh mẽ. Chính vì vậy, ngành du lịch phải có những chiến lược rõ ràng, tăng cường đào tạo lao động theo hướng chuyên nghiệp; đồng thời các doanh nghiệp phải chủ động tổ chức đào tạo để nhân viên của mình đáp ứng được yêu cầu làm việc trong tình hình mới và người lao động cũng phải tự nâng cao trình độ để tránh mất việc làm.

Biết là ít tiền để đầu tư quảng bá du lịch, nhưng vẫn có thể “liệu cơm gắp mắm” nếu biết lợi dụng những lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có ưu điểm như Việt Nam.

Trên thực tế Việt Nam muốn đuổi kịp chỉ tiêu về số lượng khách du lịch ở các quốc gia trong nhóm đầu khu vực chỉ là không tưởng. Số liệu từ Tổng cục Du lịch cho thấy Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong các nước ASEAN về số lượng khách du lịch quốc tế với 7,94 lượt/ năm (2015). Tuy nhiên, con số này chỉ bằng 27% số lượng khách của Thái Lan; bằng 31% so với Malaysia; 52% so với Singapore. Trong khi Thái Lan và Singapore có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ lần lượt 12%/năm và 10%/năm thì Việt Nam tăng trưởng chậm 7%/năm. So với các nước thuộc nhóm dưới, Việt Nam cũng có tốc độ tăng trưởng trung bình thấp hơn so với Philippines (8%), Lào (15%) và Myanmar (51%).

Vậy thì ta phải tìm cách tăng từ hướng khác mà Việt Nam là lợi thế. Ví dụ tại sao không tăng số quốc gia được miễn thị thực vào Việt Nam như Indonesia, để đạt mục tiêu đón 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2019, từ đầu tháng 3/2016, Indonesia miễn thị thực cho công dân 169 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong khi tính đến 6/2016, các nước có công dân mang hộ chiếu phổ thông được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam chỉ dừng lại ở 22 nước.

Tổng thống Obama sang Việt Nam và ghé ăn bún chả Hà Nội - đồng thời là nhân vật trong một chương trình quảng bá ẩm thực của một kênh truyền hình quốc tế nổi tiếng, đây xem như một dịp may hiếm có để giới thiệu ẩm thực Việt Nam, mà nhiều lần các chuyên gia xúc tiến du lịch quốc tế đã gợi ý: Việt Nam là bếp ăn thế giới. Nhiều tạp chí du lịch thế giới cũng luôn quảng bá ẩm thực Việt như một sự khám phá? Ta có nhiều di sản thế giới, và đây cũng chính là kênh quảng bá hữu hiệu nhất nếu biết khai thác, ví dụ như với “sự kiện Sơn Đoòng”.

Đối với cách thức quảng bá du lịch Việt tại thị trường nước ngoài, việc tham gia các hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài mang ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao nhận biết về hình ảnh, định vị và thông điệp của du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm theo từng giai đoạn và đặc biệt là tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch tiếp cận, mở rộng thị trường, thúc đẩy lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Vì vậy công tác tổ chức các hội chợ cần chuyên nghiệp hơn; hợp tác tổ chức xây dựng gian hàng chung với các bên liên quan phải có tính ổn định và kế hoạch dài hạn, sản phẩm du lịch tại các gian hàng thực sự phong phú, hấp dẫn.

Cần tăng cường hoạt động hiệu quả hơn việc quảng bá du lịch Việt trên mạng internet Youtube/ vietnamtourismmedia ngoài mục đích công bố những sản phẩm  du lịch đã thực hiện, khuyến khích các tập thể, cá nhân gửi những clip về du lịch Việt tại địa chỉ này. Và cũng là một kênh quảng bá du lịch khác mà hiện nay Tổng cục Du lịch đã thực hiện, trang quảng bá du lịch Việt Nam trên mạng xã hội facebook.

Hoài Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy