Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
16:10 (GMT +7)

Đầu tư cho sân khấu: Bây giờ… hay bao giờ?

VNTN - Vừa mới sáng đèn trở lại sau làn sóng thứ nhất của dịch COVID-19, thì nay hàng loạt các nhà hát, sân khấu... lại buộc phải đóng cửa trước sự quay trở lại của làn sóng Covid thứ hai.

Sân khấu rơi vào tình trạng khó khăn chồng chất khó khăn, khi phải đối mặt không chỉ với dịch bệnh mà còn là sự cạnh tranh của nhiều phương tiện truyền thông giải trí, chưa kể sự thiếu thốn về cơ sở vật chất đã khiến cho nhiều đơn vị nghệ thuật, nhà hát tuyên bố phá sản.

Để ổn định đời sống sân khấu và nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị nghệ thuật, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có những hỗ trợ cụ thể như: tổ chức các suất diễn, đặt hàng các vở diễn và đề xuất ý tưởng xây dựng Nhà hát online. Tuy nhiên, sân khấu cần sự đầu tư bài bản, dài hơi chứ không chỉ là những ý tưởng chung chung ở thì tương lai.

Sức ép thời hội nhập

Xã hội hóa (XHH) sân khấu ngoài mặt tích cực là có thêm nhiều nguồn lực để sân khấu phát triển, đồng thời là con đường ngắn nhất để đưa nghệ thuật đến với công chúng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những người làm sân khấu sống bằng chính tiền bán vé cho khán giả. Ban đầu, nhiều người quan ngại khi cho rằng, XHH các loại hình nghệ thuật nói chung, sân khấu nói riêng nếu không được thực hiện nghiêm túc rất dễ trở thành con dao hai lưỡi. Một mặt thương mại hóa nghệ thuật, mặt khác sẽ là công cụ đem lại nhóm lợi ích. Nhưng, những lo lắng kể trên đã nhanh chóng được hóa giải, khi XHH các loại hình nghệ thuật, sân khấu đã được diễn ra khá suôn sẻ, do công tác kiểm duyệt và bản thân những người làm nghệ thuật đều gắn bó và rất tâm huyết với nghề. Với họ, sân khấu sáng đèn, khán giả chờ đợi đêm diễn chính là “sự sống còn” của đơn vị nghệ thuật.

 

Cảnh trong vở “Điều còn lại” do Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng

Và để kéo khán giả trở về với sân khấu, nhiều đơn vị nghệ thuật đã làm mới sân khấu, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại, không ngừng đầu tư cho các vở diễn mới. Cùng với sự tự thân vận động của từng nhà hát, đơn vị nghệ thuật, chủ trương sáp nhập các đơn vị nghệ thuật yếu kém, các đoàn nghệ thuật riêng lẻ thành một đoàn nghệ thuật trực thuộc tỉnh, nhà hát quy mô lớn đã được hình thành, khiến cho đội ngũ những người làm nghệ thuật chụm hơn và nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước hơn (nếu có). Bên cạnh sự sáp nhập, nhiều đoàn nghệ thuật mới cũng ra đời. Tuy nhiên, trước sự xâm nhập mạnh mẽ của nhiều luồng văn hóa và loại hình nghệ thuật cùng sự phát triển ngày càng tiến bộ hơn của thông tin truyền thông đã vượt quá khả năng kiểm soát nội dung cũng như hình thức biểu diễn, chênh lệch giữa định hướng và thị trường ngày càng bị giãn cách rộng khiến cho sân khấu rơi vào tình trạng khủng hoảng. Và để cân bằng đời sống sân khấu, không để các loại hình nghệ thuật bị lãng quên, những hội diễn, liên hoan liên tục được tổ chức với mong muốn đánh thức niềm đam mê nghệ thuật vốn đang bị ngủ quên trong khán giả hiện nay.

Theo NSND Trần Ngọc Dầu, sự co cụm này có một phần nguyên nhân từ chính những người làm nghệ thuật. Trước nay, trại sáng tác sân khấu thường hướng đến các đề tài phục vụ thiết thực nhiệm vụ chính trị, tư tưởng. Nhưng hiện nay, với tình hình mới, mọi nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đã khác, thì giờ sáng tác cho sân khấu cần phải thay đổi, phải đáp ứng được yêu cầu về giải trí của công chúng. Lâu nay, chúng ta hay chú trọng đến vấn đề nội dung và tư tưởng, ít xem trọng giá trị giải trí, cho nên một số tác phẩm đoạt được giải thưởng nhưng bị lãng phí khi không đến được với công chúng.

Hài hòa giữa giải trí và giá trị nghệ thuật

Theo NSND Chí Trung, để sân khấu sáng đèn trở lại, diễn viên, nhà hát có thể sống bằng tiền bán vé, điểm mấu chốt là hãy cố làm tốt nhất trong khả năng có thể để cho ra đời những sản phẩm văn hóa đáp ứng được mong muốn của người xem. Để kéo công chúng trở lại với sàn diễn, việc nâng cao chất lượng sản phẩm vẫn là giải pháp hữu hiệu và bền vững nhất. Ngoài ra, nỗ lực tìm kiếm sự chung sức đồng hành của các doanh nghiệp cũng sẽ khiến áp lực kinh tế nặng nề của nhà hát được giải tỏa phần nào.

Trên thực tế, không phải Nhà hát hay đơn vị nghệ thuật nào cũng có cơ ngơi đáng mơ ước như Nhà hát Tuổi Trẻ để có thể “sẵn nong, sẵn né” tổ chức hoạt động biểu diễn, nhiều đơn vị nghệ thuật phải tự tìm kiếm nguồn kinh phí để chi trả cho các hoạt động: dựng vở diễn, thuê địa điểm... nên rất khó để có thể cân bằng được thu chi trong quá trình biểu diễn, chưa kể vở diễn có hay không thu hút được khán giả.

Sự khó khăn của sân khấu nói chung, các loại hình nghệ thuật truyền thống nói riêng đã và đang buộc các nhà hát, đơn vị nghệ thuật phải tự đổi mới. Thay vì hoạt động nghệ thuật theo kiểu cầm chừng, nhiều đơn vị nghệ thuật đã mạnh dạn đầu tư cho những vở diễn mới, công tác quảng bá vở diễn cũng được chú trọng. Đây cũng được xem là bước đi cụ thể giúp các đơn vị nghệ thuật dần thích ứng với sự cạnh tranh của loại hình nghệ thuật trực tuyến đón đầu hậu Covid, do người xem ngại đám đông không muốn tới rạp.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Nghệ sĩ Sân khấu, trong khoảng 3 đến 5 năm trở lại đây, không chỉ với 12 Nhà hát của Bộ mà ngay cả các đơn vị nghệ thuật ở các tỉnh, thành phố cũng đã gặp phải khó khăn khi buộc phải giải bài toán: diễn cái gì? diễn cho ai? có bán được vé hay không? Chưa nói đến việc, nhiều môn nghệ thuật dân gian dân tộc truyền thống cũng như một số bộ môn nghệ thuật khác rất kén khán giả, bán vé không có người mua thường chỉ được diễn phục vụ sự kiện, hội nghị.

Thực tế nói trên buộc các nhà quản lý phải có cái nhìn trực diện vào đời sống sân khấu hiện nay để có những quyết sách cụ thể cho quá trình đổi mới. Một mặt đổi mới để đáp ứng công chúng chung, mặt khác, người làm nghề phải có sự quay trở lại với những mẫu mực để giới thiệu tinh hoa, tinh túy của sân khấu truyền thống đến khán giả. Đồng thời tăng cường đầu tư xây dựng nhà hát và các đơn vị xã hội hóa sẽ luân phiên biểu diễn để có điều kiện trang trải kinh phí dàn dựng. Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung thừa nhận: “Không riêng gì các đơn vị xã hội hóa mà ngay cả các đơn vị công lập cũng rất vất vả khi cơ sở vật chất xuống cấp, không đủ chuẩn cho biểu diễn”. Nữ nghệ sĩ Cát Tường, cũng cho biết, trong bối cảnh hiện tại, nhiều nghệ sĩ đã phải đi tìm công việc khác để mưu sinh, nhưng niềm trăn trở với sân khấu chưa bao giờ nguôi. “Nhiều người làm kênh YouTube riêng thành công và kinh tế bắt đầu ổn định, lý do gì khiến họ cứ phải đau đáu mong được diễn và được sáng đèn? Đó là vì tình yêu với nghệ thuật”.

 

Nhà hát Bolshoi của Nga thành công với những buổi diễn online thu hút đông đảo người xem

Lấy nghề tay trái để nuôi nghệ thuật chân chính, hay đứng ra thuê rạp hát để các đơn vị nghệ thuật có thể thuê để biểu diễn là một hướng đi của không ít nghệ sĩ nhằm hỗ trợ đồng nghiệp, giúp họ tiếp tục với đam mê và có thể sống chết với nghề. Song song với sự nỗ lực từ phía các đơn vị nghệ thuật, cá nhân nghệ sĩ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã bắt tay khởi động dự án Nhà hát online, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Nguyễn Quang Vinh cho biết, Bộ chủ trương sẽ không làm theo mô hình Nhà hát truyền hình là bê nguyên một chương trình lên Nghệ thuật online, khán giả chắc chắn sẽ không có nhiều thời gian để xem một vở diễn dài hàng tiếng đồng hồ và dĩ nhiên cảm hứng mang lại cũng không thể được như thưởng thức trực tiếp tại rạp hát. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ hỗ trợ cho các đơn vị nghệ thuật xây dựng một kênh truyền thông về nghệ thuật biểu diễn. Có thể sẽ là một clip ngắn về những nét độc đáo của một chương trình mới được dàn dựng, có thể là một chương trình giới thiệu những sản phẩm nghệ thuật của một nhà hát, cũng có thể là một chương trình gồm tổ hợp các tiết mục hay, đặc sắc của từng loại hình nghệ thuật riêng biệt... Cũng có thể qua kênh online, các đơn vị nghệ thuật sẽ mời ê kíp sáng tạo tác phẩm, các nhà phê bình phân tích về sản phẩm nghệ thuật nào đó. Điều này sẽ rất có lợi cho việc tiếp cận và quảng bá về từng loại hình nghệ thuật, đặc biệt là các loại hình truyền thống như tuồng, chèo, cải lương... lâu nay vẫn khó tiếp cận với khán giả.

Thực tế, đã làm nghệ thuật thì phải được biểu diễn vì đó là khao khát chung của các nghệ sĩ. Không phần thưởng cao quý nào có thể sánh bằng sự đón nhận của công chúng đối với mỗi tác phẩm nghệ thuật được công diễn. Và chỉ khi những nghệ sĩ được trở lại với sân khấu, được diễn trước khán giả, họ mới thực sự là chính mình, với trái tim và niềm đam mê vẹn nguyên dành cho nghệ thuật. Và ngọn lửa nhiệt huyết ấy sẽ được truyền cho người xem, giúp lan tỏa những thông điệp nhân văn, cao đẹp. Và cũng chính vì lẽ đó, đầu tư cho sân khấu nói riêng, nghệ thuật nói chung chưa bao giờ là muộn.

Để hỗ trợ cho sân khấu, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xây dựng Dự án sân khấu học đường; Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, nghệ thuật chèo, nghệ thuật cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước giai đoạn 2016 - 2018; tăng cường đặt hàng tác phẩm chất lượng cao đối với các Nhà hát; xây dựng các đề án phát triển đối với từng loại hình nghệ thuật, đặc biệt là đối với sân khấu truyền thống. Ngoài ra, Bộ cũng đang xem xét đến việc cho ra đời Kênh Nghệ thuật online mang tính toàn cầu. Cụ thể, Cục biểu diễn nghệ thuật sẽ hỗ trợ để đảm bảo chất lượng ghi âm, ghi hình cho các sản phẩm đưa lên kênh. Cục cũng sẽ cùng các đơn vị nghệ thuật thẩm định các sản phẩm trước khi được giới thiệu công khai trên kênh Nghệ thuật online.

Trúc Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy