Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
09:52 (GMT +7)

Đất trở mình

Truyện ngắn. Phan Đình Minh

“Gớm, trông ở chính quyền xã có mà mục thất. Ba mươi năm nữa. Việc vưỡn để tơ hơ”.

Một lần, anh Bã - trưởng thôn, che mồm, nhìn trước nhìn sau, rồi xòa cái hơi hôi rình nước điếu vào tai anh Tuấn cành họ Vũ.

Việc nhớn, đó là chuyện bê tông hóa đường làng, nhất là con đường cái chính và đường ra bãi tha ma quàn các cụ. Đường cái chính thì sẽ ỉ vào huyện thôi, vì nó phơi phơi ra trước mắt ông chủ tịch, người thôn Giáp Cánh, mé vòng. Sáng ông đi, chiều ông về, thể nào… đường liên xã tạo trục, đường nhánh - dân đi hằng ngày, đường ra đồng chở lúa còn thiếu đầy, trống đầy ra.

- Đường ra bãi tha ma làng Trăng Có, có ai trên xã thèm nhòm đâu, quan ngại. Đơn đề nghị nhiều quá rồi, mà đơn làm gì cho tốn giấy mực. Bao năm, ước ao ò í e như tăm cá, bóng chim.

Anh Bã lại che miệng.

“Ha. Ví von hay” - Anh Tuấn, cành họ Vũ, lườm một cái.

… May, may thế.

Chuyện cũng đột xuất, là từ cái bữa anh Thức chủ doanh nghiệp trên mạn ngược, ra đồng cải tiểu cho ông bác ruột. Xe ô tô của anh chạy gồng ghềnh trên con đường ổ gà, ổ quạ. Anh Thức sợ cái tiểu vỡ làm tư. Một tay giữ tiểu, chân ga thì dẻo mềm tựa vũ ba lê. Toát cả mồ hôi. Đau rát bàng quang. Hai hồi, ba hồi, mãi anh Thức mới lái xe đưa được cái tiểu an toàn tới đầu bãi tha ma. Xong vụ cải tiểu ông bác ruột, anh Thức mặt bừng bừng, trở về làng gặp anh Bã trưởng thôn:

- Không hiểu các bố, cán bộ mà làm gì. Mấy chục năm làng cực, rước người chết trên con đường như đầy ải tù khổ sai thế hả.

- Chú không biết, có cụ tịch, để lâu ngày chờ con cháu về đông đủ. Mùi nặng, nhức óc. Đủn cái Đại dư, trao bên nọ, liệng bên kia. Gập ghềnh. Nước quan tài vãi ròng ròng.

- Ọe.

Anh Thúc ôm đầu, rồi một tay bịt miệng, một tay mở cốp xe túm bọc tiền 100 triệu mới cảo, dúi vào bụng anh Bã.

- Đây nhé. Tiền tươi. Bố trải con đường bê tông ra chỗ các cụ nằm, cho con nhờ.

Anh Bã cười hớ hớ.

Sau khi sẻ gói tiền làm đôi, ních căng vào hai túi quần sau. Cài cúc chặt tràng, anh Bã mới xoa xoa hai bàn tay có các ngón, móng sứt sẹo như mồm rắn.

- Trình chú. 100 triệu này, tính cạn công, vật liệu, mới dàn tới Bãi Nhọn - được nửa đường. Còn dấn thêm nửa nữa móc đâu ra. Không nhẽ để đất. Ồ ồ, mang tiếng chú Thức đại gia quá.

- Ơ, lão gù thỏng. Chỉ được cái khôn ăn người. Nửa nữa, Bố và bố Cập bí thư chân tre, tính sao thì tính. Không làm, trả tôi tiền.

Anh Bã như đỉa phải vôi, nhoi người một cái khi anh Thức đại gia thục tay vào một bên túi quần của anh.

- Ồi thôi. Đại gia sao nói hai lời. Chú nghỉ, mai ngược sớm. Đại diện cho làng, tôi cám ơn. Mấy tháng sau chú về, có ra tha ma. Đường sẽ nhẵn thín… à quên, thủi thui cái mồm tôi.

Nói xong, anh Bã vụt ngay ra ngõ, bỏ lại câu chửi tục của anh Thức đại gia tan trong gió leo pheo.

… Ba ngày sau, họp làng tắp lự.

Nghị sự, là việc bàn, kiếm đâu cho đủ số tiền thốn nốt đoạn đường đất từ Bãi Nhớn ra Bãi Váu - bãi tha ma quàn các cụ.

Đúng 8 giờ tối.

Sân kho đủ mặt mấy trăm hộ trong làng, ngồi sát sạt.

- Bao đời đưa các cụ ra đồng chỉ đi đường đất. Có chết ai mà giờ giở giăng giở đèn. Tiền để tiêu việc khác, người sống cần hơn. Chết, cần đếch gì. Khú khắm.

Chưa có mào đầu gì của anh Bã trưởng thôn, anh Cập bí thư, nhà Vững họ Cao Nhưng đã thủng thẳng. Mà thủng thẳng kiểu ngồi ở góc, nói vọng lên. Cái giọng gà tây, cà kếu. Sường sượng.

- Nói, thì phải xin phép chủ tọa đoàng hoàng. Không có kiểu đổng thế, ông Vững ạ.

Anh Bã ra nhời.

- Thì tôi phát đàng hoàng đó.

Ông Vững đứng phắt, cất giọng.

- Ông nghĩ việc bê tông đường ra bãi tha ma là chuyện của người chết, không phải chuyện người sống à?

Anh Bã dóng dả.

- Đường ra bãi tha ma không phục vụ người chết thì phục vụ ai?

Ông Vững đốp lời.

- Ha ha. Thế ông nhòm thấy người chết đi lại trên con đường đó hay là toàn người sống nhăn ra.

- Tôi thấy toàn người chết đi đấy.

- Thế, hằng ngày cái ông hai lần ra hót phưn trâu về nhào than, là người chết à?

Nói xong, anh Bã vuốt mũi một cái - khinh khi.

- Này, trưởng thôn kia. Đừng trù ẻo nhà ta thế nhé. Đây có hót phân về làm than đun bếp cũng không động chạm tới ai.

- Bây giờ tôi hỏi. Ông có hưởng ứng đóng tiền làm con đường ra bãi tha ma quàn các cụ không?

- Tôi không đóng.

- Thế thì đừng có đi đường ấy nhé.

- Thách ai cấm tôi đi.

Nói xong, ông Vững vùng vằng bước ra khỏi cuộc họp thôn.

Đi nửa sân kho, ông Vững quờ hòn gạch chỉ quăng đến tòm xuống cánh ao Chuông, làm mọi người giật thót cả mình.

Buổi họp, từ ấy nhạt.

Mà thực chất nói đến chuyện phải đóng tiền, mọi người không hưởng ứng đâu. Mấy hộ có cổng trực tiếp ở đầu làng, dính với con đường xem chừng hăng máu. Hô ầm ầm…

- Tôi đã nói anh, khi nào thu được kinh phí của những người ra ngoài, rồi cộng tất 100 triệu chú Thức cho. Hòm hòm ta mới họp. Mà, trước khi đưa ra dân, các bác phải vận động người cao tuổi, động viên mấy ông cựu chiến binh. Số này đồng lòng, coi như xong. Còn thì diễn. Xin bà con đóng thêm thêm.

Anh Tuấn nói váng điện thoại khi nghe anh Bã báo cáo kết quả các buổi họp thôn, thất bại.

- Ờ ờ. Chú cao mưu.

- Không phải mưu mô, là cách làm, cách vận động. Cán bộ mà không đầu óc thì nghỉ ngơi cho khoẻ. Dân lấy thóc trong bồ trả công, nuôi. Các ông không xấu hổ à.

- Chú mắng ai đấy?

- Là tôi nói chung chung.

Thế rồi không biết bao nhiêu lần anh Tuấn bon xe về quê. Không biết bao nhiều lần hai anh em họ bò toài trên phản nhà anh Bã, bên cạnh ấm nước trà đặc cắm tăm, để soạn lá thư. Trước tiên là thư ngỏ, làng gửi tới tận tay mấy chục người con xa quê dù mới xa dù đã lâu. Trừ các cháu sinh viên. Nội dung mào đầu là phần văn hoa, văn hóa. Truyền thống làng nước, nghĩa tình sâu đậm, cuối cuối có một câu chốt: Căn nguyên là nhờ ở tổ tiên. Mà tổ tiên nằm hết cả ngoài nghĩa địa rồi. Tức, rốt ráo con đường ra nghĩa trang làng, đương nhiên phải bề thế, nhẵn nhụi, quang đoãng. Nghĩa là phải trải bê tông. Rồi nhờ sự hảo tâm tùy vào mọi người. Nội dung bức thư rất chi nồng nàn, trách nhiệm. Khiến tất tật những người con ở xa ai đọc đều cũng bùi ngùi cay mắt. Rồi nồng nồng khí thế mồn một con đường đất gập gồ từ đầu làng ra đến bãi tha ma bỗng hóa thân ngay thành đường trải bê tông mát lìm lịm, bon bon ô tô chạy tận nơi các cụ tiên tổ đang nằm, khi có mình chung sức.

“Thế em góp bao nhiêu?”.

Bức thư ngỏ gửi đi chỉ vài ngày. Điện thoại bàn nhà anh Bã nóng cháy dây vì các cuộc điện đàm từ khắp mọi miền đất nước, gọi về.

“Đại để tùy tâm mọi người đối với các cụ thôi. Nhiều thì không xuể, ít, dăm triệu”.

Ai nấy, đều trả lời anh Bã một câu chắc cú:

“Sẽ”.

Ha há.

Mươi ngày sau, ngày nào anh Bã cũng hối hả lên bưu điện thị trấn nhận tiền mặt. Tiền tươi, cùng khắp. Có cả người đang ở nước ngoài, cũng gửi về.

Cuộc họp thôn lần này trang trọng.

Đại biểu xã xuống dự, ngồi bàn phủ khăn nhung.

Có loa đài hát mấy bài trong băng đĩa trước khi anh Bã trịnh trọng, dăm lời phi lộ.

- Thưa bà con, số tiền đóng góp của những người xa quê đã trĩnh. Chỉ còn thiếu tí chút để chúng ta đốt pháo, khởi công. À, đang cấm pháo. Ta sẽ rải con đường bê tông khang trang ra nơi các cụ an nghỉ. Tới dự buổi họp làng quan trọng này, tôi xin trân trọng kính giới thiệu có anh Cầu phó chủ tịch, phụ trách văn thể. Chị Lụa, hội trưởng phụ nữ xã…

Nhạc bài hát “Bài ca cây lúa” nổi. Vừa dứt thì mấy tiếng ồn ào trỗi dậy.

- Thiếu là thiếu bao nhiêu.

Vài giọng ở gần bàn đại biểu.

- Bổ đầu trong làng chỉ vài trăm một hộ. Thôi, tùy tâm. Nhiều thì không chừng, còn ít ba trăm một hộ.

Anh Cập, chắc nịch mấy câu.

- Nói luôn ba trăm cho nó xinh. Bí thư chân tre văn quá.

- Vâng, giáp ất mỗi hộ góp ba trăm nghìn là con đường sẽ xêm xêm.

Anh Bã cười hào hển.

- Chuyện tiền nong phải rõ ràng. Trưởng thôn với bí thư chân tre cứ thì thụt áo gấm đi đêm thế. Đường bê tông ra bãi tha ma lại thành gạch lát sân nhà các bố. Là nói phòng xa.

Lại một câu, giọng gà tây, ở mé sâu.

- Này ông Vững. Không đóng tiền cho làng thì đừng ý kiến phá quấy thế.

Anh Bã, chưởng luôn.

- Ai bảo không. Tôi đóng khi chân bước trên đường đó.

- À. Chân ông và đôi sọt bẹp…

- Này nhà Bã kia. Chưa là gì đâu nhé.

Cứ thế, không biết có thêm cuộc họp làng nào nữa. Và bao nhiêu lần anh Bã trưởng thôn cùng ông Vững xóm ngoài cà khịa va lời. Dủi dải rồi con đường bê tông ra bãi tha ma các cụ làng Trăng Có cũng hoàn thành. Có lẽ, đây là con đường tiến độ chặt chẽ nhất huyện về tài chính cho đến việc triển khai thi công công trình. Hôm khánh thành, ông chủ tịch huyện cũng về dự. Cắt băng xong, chiếc xe ô tô của ông chủ tịch chầm chậm lăn bánh đầu tiên. Theo sau là đội múa lân làng Mai Chung, đến diễn. Trẻ con hùa nhau phóng thục mạng không kịp khi chiếc ô tô tăng tốc rẽ đường tắt băng về phố huyện. Ông chủ tịch từ chối bữa cỗ mấy chục mâm, làng chuẩn bị. “Ông ấy làm to phải giữ ý, kín đáo. Có ăn uống thuồng luồng, nói năng bát nháo như lão Bã làng ta. Xấu người, xấu cả nết”. Bữa cỗ khánh thành đường ra bãi tha ma các cụ, rượu vào lời ra - Ông Vững, văng luôn, không nể mặt mấy vị cán bộ xã, ngồi mâm trên. May, anh Bã không nghe thấy. Nghe, lại đối nhời. Cỗ, mất vui.

***

Đến khi con Cối kình một vằng, anh Bã mới định thần: “Chết mẹ, bước nhầm rồi”. Bụng dưới anh bỗng nhẹ thỏm, nóng hôi hổi. Trời đất thì tối sầm, đặc quánh mùi nước đái trâu. Anh Bã từ từ khuỵ xuống cạnh cái gióng chuồng mà lúc trước anh rảo cẳng phi qua. Anh Bã ngất đi mà mắt cứ thao láo chiếu thẳng vào đôi nhãn ốc nhồi của con trâu. Con Cối quỳ một chân, xác định vị trí đối phương rồi hướng cặp sừng nhọn hoắt chuẩn bị ra cú nốc ao triệt hạ đối thủ như trong các cuộc giáp chiến tạo tiếng đồn “lì như cối” khắp lượt mấy chục cuộc chọi trâu, làng Trăng Có.

Đầu con Cối nghiêng nghiêng.

Cái mũi sứt một nửa, xỏ đoạn thừng thắt nút bởi miếng đế cao su gọt tròn vạnh, thở phập phồng phập phồng.

Không biết căn cớ làm sao con Cối trì hoãn cú vằng quyết định. Nó cứ dư dứ như mèo vờn chuột gã tình địch hằm hè căm giận mấy tháng này. Tối nay, con Cối mới có cơ hội ra chiêu khi thấy cái bóng gù thỏng, không giày dép của anh Bã nhảo qua bờ giậu cúc tần. Bước trối lên bậc hè ngang gối. Cái sân mấy chục vuông gạch mát lìm lịm bàn chân gã đánh giậm đêm. Lướt ngang cửa chuồng con Cối, anh Bã lẻn lọt mình qua tấm giại khép hờ ba gian nhà chị Bản, nhanh như chẫu chàng len kẽ lá.

... Trăng nhoài lên phản.

Chị Bản thãi thẻ thân thể trên hai thớt gỗ nghiến rộng thênh - Có mà nằm trở đầu đuôi, lăn lộn vài vòng cũng chẳng rơi. Đôi chân chị như hai khúc giò chắc nịch, co duỗi, trắng nhờ đĩ thoã, nhòm chẳng thể kìm lòng.

Tấm màn gió phất phơ che hờ góc cửa sổ nhìn ra khu vườn thông thống.

Anh Bã như chết giấc, ngập bủm trong mênh mông hơi đồng rười rượi trộn ánh vàng vằng vặc mười tư. Khi cái cơ thể khòng khèo của anh đổ ập lên tấm phản liền bị vặn xiết bở hơi tai đến không còn một giọt mồ hôi. Lúc ấy, chị Bản mới chịu nhả cặp giò và giãn phiến lưng bánh tẻ, để cho anh Bã thở. Anh Bã hệt bị trời hành. Đờ đẫn sau mấy chục lần ghì xiết như ghì đối phương ở sới vật năm nào. Hai vai anh hằn chi chít vết răng, vết cào cấu của chị Bản. Đến lúc anh Bã nhão bệt như chiếc chuồng gà nát, miệng chị Bản mới bớt gừ gừ. Mình mẩy chị lúc này vẫn còn tây tấy, rần rần lắm. “Cái lưỡi cày khẳng khèo, tưởng đồ rởm mà cứng đáo để. Miết không ngờ. Chọc chịa, xóc xới, dập dồn, khiến thửa ruộng ngấu lâu ngày nhà mình cứ sùng sục tựa thùng vôi tôi đủ nước”. Chị Bản khép đùi ngẫm ngợi rồi tủm tỉm, mơ màng ngó gã trưởng thôn đen đúa, giờ trông hệt củ lạc vẹo ba nhân. Đang tịch vắt vẻo trên mình chị.

... “Cối, cà”

Tiếng quát của chị Bản thảng thốt như roi điện quất, hãm con trâu chùn cẳng. Nó không gầm ghè, ươm ướm cặp sừng vào hõm bụng anh Bã đang tè le lòng ruột thòi ra đất. Con Cối thoắt ngẩng đầu thao láo ngó bầu vú bưởi bánh xe núng nính để trần của bà chủ. Chị Bản rút gióng chuồng đến soạt rồi ôm thốc người anh Bã oặt ẹo chẳng khác dải khoai, đặt nằm thẳng giẵng giữa sân gạch.

- Giời ơi. Cổng không đi, lại phi vọt vào chuồng trâu thế. Có khổ thân tôi không.

Chị Bản rít kẽ răng.

- Mình cứu anh với. Chẳng hiểu sao anh quýnh quáng cả chân.

Nói xong, đầu anh Bã ngật sang bên.

Lại ngất.

Máu huyết ở khoảng bụng anh Bã toang hoác bởi cú vằng, xối như tháo cống... cũng chả biết quấn túm cách nào, chị Bản cầm được máu và hô hoán ai nữa cùng mình võng anh Bã chạy thốc tháo giữa đêm, xuống bệnh viện huyện trong sự yên ắng trăng thanh gió mát xóm làng. Chỉ có tiếng gầm ghè và đánh gióng chuồng rầm rầm của con Cối làm cóc nhái ngoài vườn nhà chị Bản thôi rên. Câu chuyện chẳng biết còn ai ở Trăng Có tường, khi làng giết lợn làm mấy chục mâm cỗ cúng khởi công xây dựng ngôi đình. Bữa rượu tàn trưa thông tận xế chiều của trưởng thôn tiếp ông phó chủ tịch xã phụ trách dân vận khiến anh Bã say ói dạ dày ra miệng, rồi ngược lối xung thiên phóng qua rặng cúc tần buổi tối sáng trăng.

- Nghĩ mà xấu hổ, ông gù ạ. Quân tử ăn chơi tuỳ chỗ. Tôi chả hiểu sao ông lại lạng chân vào gian nhà tráng gió tứ bề của con mẹ nạ dòng ấy.

- Chú thì biết gì tình yêu mà toan xỉ vả tôi.

Anh Bã đắp cái khăn bông sờn lên mặt, thở hắt đến thượt rồi trả lời anh Tuấn đang cầm túi cam to đặt bịch lên chiếc giường bệnh viện.

- Tình yêu cái con khỉ. Tình rượu thì có. Ma men nó biến đôi chân không biết đường biết lối chui tọt chuồng trâu... Cũng may con Cối chưa quại cú vằng thêm, để cái vụ cấy rẽ lòi lòng kết thúc bởi đội kèn đám ma vào việc. Làng mà biết, rõ là dơ.

- Bản và tôi không thú thì ai tỏ. Tôi chỉ phân vân chuyện cất đình. Có lẽ chờ vết thương liền liền, tôi phải về. Ruột nóng hôi hổi, chú Tuấn à.

- Thôi đi bố. Có mà nóng gió mát trăng thanh. Giờ, phi ngựa. Chỉ khâu bụng bục ra, giời cứu. Cất đình…

- Cái chú này, mồm với miệng.

Chuyện phục dựng đình Trăng Có căn cơ khởi to gồm đình lớn và đình nhỏ. Kiến trúc theo lối chữ Đinh (丁) tam gian, ngũ mái. Đình đã trải nhiều đời, thậm câu hát ả đào, hằn những tích tuồng Ôn Đình chém tá, Mộc Quế dâng cây... những điệu Nam ai Nam xuân của chiếu tuồng Thạch Lãm hằng đêm làm say đắm lòng người. Sân đình còn chứng kiến bao phen nước mắt ả đào trốn chồng mang vạ làng phải xử phải hình. Những cảnh rượu thịt Lý mua cười ra nước mắt hằn nên trăm câu hát đình làng... Cái ngày lính Pháp đóng trên bốt Đầu Bo tận thị trấn Cẩm Đương câu pháo về Cầu Gát, hòng dập tan đội du kích Kim Uyên ẩn hiện phục kích các toán Tây đi càn lẻ trong Tổng Bùi và Tổng Trữ Na. Pháo chệch làn, rót trúng mái đình. Đình sập. Từ đấy làng Trăng Có chẳng còn chỗ thờ Thành Hoàng nữa. Tháng ngày như gõ bầu gõ ống. Cải cách ruộng đất, tổ đổi công rồi sau này là hợp tác xã ra đời. Tam phen tứ phen làng họp mà không tìm ra kế gì phục dựng lại đình. Mãi nhiều năm, may có anh Thanh, chi nhánh mười mấy đời họ Dương, làm ăn được, tận Móng Cái - Quảng Ninh. Đầu năm nay, anh Thanh ngỏ ý hiến làng vài trăm triệu xây đình. Lại cái cách như xây cổng làng và làm con đường ra bãi tha ma các cụ, anh Tuấn soạn bức thư ngỏ thống thiết gửi những người con xa quê lập nghiệp. Vẫn phải diễn ra chục cuộc họp dân. Mọp người. Anh Bã tiếp tục kình nhau với ông Vững họ Cao Nhưng. Anh Cập lại mất công dàn xếp - chán chê. Kinh phí hòm hòm. Và đúng cái hôm làng làm cỗ cúng Thành Hoàng, xin phép Ngài cho động thổ khởi công phục dựng ngôi đình thì anh Bã rượu say rời tiệc sớm, về nhà. Anh vất vả chân trần lội ruộng rồi nhầm lối nhao ngược đường ra xóm giữa, lẻn vào căn nhà cả gió của chị Bản vừa lúc chị nước giếng dội ào, sạch sẽ thơm tho mùi hương lá bưởi, thân thể thãi thẻ lên tấm phản thớt hai... chị Bản bỏ chồng đã ba năm, chồng chị làm nghề buôn ruốc sông, nay đây mai đó. Chị cảm tình anh Bã, nhất là sau cái đận anh mát tay bốc hộ chị trúng mảnh sản gần nước, nục nạc trên cánh đồng Bãi Váu. Họ phải lòng nhau và thủng thẳng anh Bã lại ghệ vào xơi nước.

Bữa nay, trăng mười bốn, uống nước lâu hơn...

***

Khoán 10. Trăng Có khoán cả ao. Cánh ao Chớt sâu hoắm, làng định chia hai hộ. Nhà ông Vững sáu khẩu, nhận bốn phần năm ao. Ông Vạn được làng khoán một phần ba. Ao cạn rồi đắp bờ, rồi chia là một lẽ. Cánh ao Chớt này lại không thể tát để cấy cọc phân ra bởi vốn dĩ lòng ao là ngã tư con sông đào - bàn chân chim hạc, thủa ngày xưa. Công việc chia ao thật hi hữu. Khó tựa chia... giời. Thảo đi khảo lại, ông Vạn và ông Vững quyết định ghim cọc, ghép lưới phân nước mặt ra, nuôi cá. "Đất trên cạn mồn một còn đánh nhau chia gạo, chào nhau ăn cơm. Có mà" - Bao tiếng ì xèo. Nhà ông Vững và ông Vạn vẫn hăm hở hạ nhẵn bụi tre già, làm cọc. Đóng xuống nước ghè mốc giới. Việc đang tiến hành, bỗng lời qua tiếng lại, nhẽ gì, xô xát xảy ra, làng không gàn nổi. Rồi thằng con ông Vững thúc cọc tre khiến ông Vạn lịm đơ dưới đáy ao sâu. May, vớt kịp. Gia đình võng lên xã kiện. Võng luôn chiếc đòn tre đực hoăn hoắt còn dính nguyên túm tóc và một miếng da đầu. Công an huyện về tận nơi khám nghiệm hiện trường. Án tại hồ sơ. Tòa khởi tố. “Làng, nay đỡ phải ngửi mùi phân trâu nướng. Cũng đỡ nghe cái giọng bẩn bựa, ngang phè trong các buổi họp thôn. Tội kết mảng oánh người trọng thương, tù mọt”. Vài nhời róng riết khi cái còng số tám của công an đóng khít khao. Điệu ông Vững ra phiên toà lưu động lập bàn xử giữa sân kho làng Trăng Có. Dân mấy xã kéo đến xem như trẩy hội. Cũng là hiếu kỳ thôi.

Ông Vững gằm mặt tựa bò đội nón. Nửa ngày, trời nắng như quăng lửa. Mấy ông quan toà mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Đấy là làng còn cho mượn ba cái quạt lúa, vặn gió như đình điệu. Toà viện tội gì ông Vững cũng nhận. Trưa trật. Tuyên xong án 16 tháng tù giam, Toà lại hỏi có nói lời cuối cùng không. Ông Vững đứng bần thần rồi dõng dạc: “Tôi xin ông Vạn, cả họ nhà ông Vạn, xin bà con Trăng Có tha thứ cho. Mấy chục năm qua tôi toàn làm điều trái khoáy cám hấp trên vung, ở làng. Chẳng qua vì cái tính ương ương, chứ thực tình lòng tôi không thế. Nếu cho chọn lại nơi chôn nhau cắt rốn, tôi vẫn nhận quê mình. Bà con ạ”.

Mấy ông lão trong làng gạt nước mắt quay đi.

...

- Chú Vạn à. Có lẽ phải giãn thôi.

- Giãn là giãn cái gì, anh Bã?

Ông Vạn kéo một hơi dài, điếu bát. Nhả quầng khói to như cái giành tích rồi thủng thẳng trả lời anh Bã.

Cả buổi tối Bã sang chơi, cứ đắn đo lòng vòng không buột được nhời với ông Vạn.

- Là ý tôi nói. Vì tình. Cái sự đoàn kết trong thôn. Chú cũng bớt hỏa. Có vài chữ gửi Tòa, để Tòa cấp trên giảm án cho nhà Vững. Thấy xót xót trong lòng quá. Từ đời xưa, làng ta có ai tù tội bao giờ. Nhục.

- Thế cái lúc cha con nó phi cọc nhọn vào đầu tôi trên cánh ao Chớt, nhà nó có nghĩ đến nhục không?

- Ấy là tôi nói cái sự hai bên khi bình tĩnh lại. Mà chú có kém cạnh tẹo nào. Chú cũng chửi vắt nóc người ta chứ.

- Ơ. Nay anh trưởng thôn đến nhà tố tôi đấy à. Hôm ở tòa, anh không có lời luôn, để cho nhà Vững khỏi đi tù.

- Cái đấy tùy chú thôi. Tôi thì ngẫm. Bát nước đổ xuống đất rồi không lấy lại được, nhưng cái vết ướt ai nhìn cũng ngại… Chỉ vì chảy máu tí đầu, nhà chú cầm lòng để cho ông Vững đi tù. Rồi con, cháu, hai nhà sẽ thù hằn mãi. Nên cởi, đừng thắt quá chú Vạn à. Tôi nói là nói cái lòng tôi. Chú cứ nghĩ đi xem có phải không. Tôi chào chú.

Ông Vạn trầm ngâm mồi điếu thuốc lào nữa.

Bóng đèn làng nhậm nhờ, hắt cái dáng gù thỏng của anh Bã trưởng thôn bước lắc nhắc nghiêng nghiêng ra đầu ngõ. Tự dưng, ông Vạn thấy thương con người đen nhẻm, ăn cơm nhà vác tù và làng Trăng Có. Hôm sau, ông Vạn có lá đơn trình xã, xin bà con tha lỗi vì mình đã không khoan hòa để xảy chuyện, phiền lỗ tai dân làng. Ông cũng trình tòa tha cho ông Vững.

Căn cứ đề nghị của Hội hòa giải, sự hối cải của ông Vững và lá đơn nhà ông Vạn, ông Vững được giảm án tù trước hạn nửa năm.

***

Ngôi đình làng sau mấy tháng đội thợ Ngõ Giếng bên Lý Đông - Lý Đỏ làm đã xong phần ngoã. Theo kế hoạch đình sẽ được khánh thành đúng lễ kỉ niệm ngày sân khấu tỉnh nhà, tổ chức tại làng Trăng Có. Vào ngày đó, cũng đúng dịp triều đình tấn phong Thám hoa Dương Cự về làm quan phủ Xứ Đông và là ngày hương ước ghi, tôn Thành Hoàng làng - Phan Hiển Cúc.

Không biết rồi đây vụ hủ hoá của anh Bã có che đậy được? Lộ ra, liệu anh có mất chức Trưởng thôn? Cán bộ, giỏi thì giỏi cũng phải giữ cho trong đạo đức. Cứ suy từ chuyện lớn vừa xảy ra trên tỉnh mà làm mẫu. Giờ hồn. Rồi ông Vững đi tù về, liệu có thay đổi tính tình, hoà đồng với dân với làng để cùng chung lo cuộc sống. Và ai ai ra ngoài cũng hướng về quê hương có tâm được như anh Tuấn, cành họ Vũ?

Tiếng trống họp thôn lại vang. Cuộc họp tối nay liệu có giống như các cuộc họp trước, khi mỗi buổi anh Cập bí thư chân tre lại dành đến nửa thời gian, gom bộn văn bản nghị quyết của trên để ngâm nga, thích thú đọc cho dân nghe, y như là đọc truyện ấy...

Cẩm Giàng - Những ngày nóng nực

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 5 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 6 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước