DÀNH CHO CÁC EM
Xuân đọng trên vệt bão tan
Đêm cuối năm, gió từ những triền núi phía Tây thổi về, mang theo hơi lạnh mơ hồ của mùa Đông chưa tắt. Trên con đường đất dẫn vào làng Hồng Thụ, ánh đèn từ vài căn nhà còn thức hắt ra, lung linh như những con đom đóm lạc đường. Làng quê nhỏ bé này, sau cơn bão lớn, dường như đã già nua đi nhiều. Những vườn hoa đào ngày nào từng là niềm tự hào của làng giờ chỉ còn lại những gốc khẳng khiu, trụi lá, đứng im lìm giữa màn sương đêm.
Thảo ngồi bên hiên nhà, đôi tay ôm lấy chiếc áo len mỏng, ánh mắt xa xăm nhìn về góc sân nơi cây đào mẹ cô trồng từ khi dựng nhà trên mảnh đất này. Gốc đào ấy, mẹ bảo gần bằng với tuổi của Thảo. Nó từng là linh hồn của mùa Xuân trong ký ức tuổi thơ cô. Mỗi dịp Tết, cây đào bung nở những bông hoa hồng thắm, sáng bừng cả khoảng sân nhỏ. Nhưng giờ đây, nó chỉ còn là một thân cây gãy đổ, dấu tích của trận lũ kinh hoàng vài tháng trước. Cô khẽ thở dài. “Xuân này liệu có về được nữa không, khi làng quê vẫn còn chìm trong muôn nỗi khó khăn?”
Sáng sớm hôm sau, tiếng gọi í ới của mấy đứa trẻ đánh thức cả làng. Bọn chúng kéo nhau đi hái những cành đào mọc hoang ở rìa rừng. Dẫu đào không rực rỡ như những chậu đào cảnh người ta bán ở chợ, chúng vẫn mang trong mình một vẻ đẹp kiên cường, mộc mạc. Trong làng, nhà ai cũng tất bật chuẩn bị Tết, dù chỉ đơn giản. Người quét sân, người gói bánh chưng. Đình làng đã được sửa lại, những lá cờ đỏ bay phấp phới trong gió. Hương bưởi, hương cam từ những trái cây chín muộn lan tỏa trong không gian, pha lẫn với mùi khói bếp ngai ngái. Ở nhà, Thảo dành cả buổi sáng để sửa lại chiếc khung ảnh cũ, nơi cô sẽ treo những tấm ảnh ngày Tết. Dẫu không còn mẹ bên cạnh, Thảo vẫn muốn giữ lại chút hơi ấm gia đình qua những kỷ niệm cũ.
Đêm Giao thừa, tiếng pháo hoa từ thị trấn vang vọng khắp không gian. Những chùm hoa pháo bay lên, làm bầu trời đêm bừng sáng trong chốc lát. Thảo đứng lặng bên cửa sổ, ánh mắt nhìn xa xăm. Ở góc vườn, cây đào vẫn đứng đó, trơ trụi và cô đơn. Nhưng giữa luồng sáng ngắn ngủi của pháo hoa, Thảo bỗng nhận ra một điều kỳ lạ. Cô vội chạy ra sân, đến bên gốc đào. Trước mắt cô, trên những cành đào tưởng chừng đã chết, những nụ hoa nhỏ bé, mỏng manh đang chậm rãi bung nở. Đó là sắc hồng dịu dàng, không rực rỡ như trước nhưng lại tràn đầy sức sống.
Ông Tư từ đầu ngõ bước tới, đôi mắt già nua ánh lên niềm vui:
- Thấy chưa, Thảo? Tết chẳng bao giờ đến muộn. Cái gốc đào ấy còn, thì làng mình còn Xuân.
Thảo bật khóc, không phải vì buồn mà vì xúc động. Cô như thấy hình bóng của mẹ mình trong những bông hoa vừa hé.
Tết không chỉ là thời khắc chuyển giao, mà còn là những khoảng khắc thiêng liêng ghi dấu ấn hồi sinh trên những chồi lộc, những nụ, những mầm, những làn hương mong manh. Tết là cảm xúc của những trái tim đau thương được xoa dịu, vuốt ve và che chở. Tết là mảnh vườn ấm gió, để những ước mơ được ươm mầm từ gốc rễ của tình yêu và hy vọng.
Sáng mùng Một, ánh nắng ban mai dịu dàng trải khắp làng Hồng Thụ, xua tan cái lạnh giá còn sót lại của mùa đông. Những cành đào phai trước đình làng lung linh trong sương sớm. Tiếng gà gáy vang lên từ xa, kéo theo âm thanh của một ngày mới náo nức tràn về. Tiếng cười nói rộn ràng, tiếng bước chân qua lại và cả tiếng leng keng từ chiếc xe đạp của cậu bé hàng xóm chở những bao lì xì đỏ tươi cậu bé vừa nhận được đang xếp trong giỏ như thể khoe khoang. Nhà Thảo hôm nay đông vui hơn hẳn mọi ngày. Những người thân ở xa, sau nhiều năm bận rộn mưu sinh, nay đã trở về. Bàn thờ được dọn dẹp sạch sẽ, hương thơm nghi ngút lan tỏa khắp căn nhà. Những cành đào đã nở bung trong đêm giao thừa, sắc hồng nhạt tô điểm cho góc vườn nhỏ. Đám trẻ con trong làng ríu rít kéo đến, không ngừng xuýt xoa trước vẻ đẹp của cây đào, bàn tán rôm rả:
- Cây đào nhà chị Thảo đẹp thật đấy! Nhìn nụ nào nụ nấy tròn căng như viên kẹo vậy!
- Mẹ tớ bảo, hoa đào nở đúng Tết là điềm lành đấy. Mùa màng chắc chắn sẽ bội thu!
Thảo đứng ở hiên nhà, nở nụ cười. Đã lâu rồi cô mới cảm nhận được không khí ấm áp này. Nhớ đến những ngày tháng Chạp quạnh quẽ, khi người làng còn đang chật vật với mất mát sau lũ. Ai cũng bảo nhau, tết tư gì nữa đây. Nhưng rồi mọi thứ cứ từng ngày thay đổi, giống như trời ấm lên thì giá rét lùi xa vậy. Tiết Xuân đã thực sự ngự trị, lan tỏa trong từng ngôi nhà, từng mảnh sân nhỏ. Bữa cơm đầu năm diễn ra trong tiếng cười nói rộn ràng. Những món ăn truyền thống như bánh chưng, giò lụa, dưa hành được bày biện trên chiếc bàn gỗ cũ kỹ nhưng sạch bóng. Thảo vừa gắp thức ăn, vừa lắng nghe câu chuyện của bác cả từ thành phố lớn kể về hành trình dài trở về làng sau cơn bão.
- Bão năm ấy tàn khốc thật. Bác cả chậm rãi nói, ánh mắt lướt qua những gương mặt thân quen như tìm kiếm sự chia sẻ. Rồi bác tiếp tục. Nhưng nhờ sự đoàn kết của dân làng, mọi thứ đã dần hồi phục. Anh em về đây thấy làng mình vẫn đẹp quá.
Thảo nhìn quanh. Ông Tư đang ngồi ở góc bàn, cười hiền từ, đôi tay chai sạn vuốt nhẹ chén trà nóng. Những người họ hàng từ xa trở về, giọng quê và giọng thành phố tíu tít trộn vào nhau, chan hòa niềm vui. Bỗng, tiếng pháo đì đùng vang lên từ đầu làng. Đám trẻ con đồng loạt chạy ùa ra ngoài, hò reo thích thú. Trên con đường đất dẫn vào làng, những chiếc xe chở hoa cúc đi chậm rãi, mang đến thêm sắc màu cho mùa Xuân. Từ đầu làng, ông trưởng thôn bước vào, tay cầm một bó nhang lớn. Ông dừng lại ở gốc cây đa, nơi đặt bệ thờ nhỏ. Cả làng dường như đều tập trung ở đó, cùng cầu mong một năm mới bình an, mưa thuận gió hòa. Ông trưởng thôn cất cao giọng:
- Năm nay, làng mình sẽ có những đổi thay lớn lao. Nhất định thế! Những đau thương của năm cũ đã qua rồi. Mấy mươi năm mới có lần thiên tai giáng một đòn mạnh thế. Âu cũng là số phận của làng thôi. Chúng ta không thể thay đổi số phận nhưng chúng ta có thể chiến thắng mọi khó khăn, chỉ cần bà con chung sức chung lòng!
Những tràng pháo tay vang lên khắp nơi. Không khí Xuân hòa cùng sự đoàn kết, như những sợi dây vô hình gắn kết mọi người. Thảo đứng lặng nhìn tất cả, trong lòng dâng lên niềm tự hào khó tả.
Khi mọi người ra về, ông Tư dừng lại trước nhà Thảo, đôi mắt ánh lên niềm vui:
- Cây đào này không chỉ là của cháu, mà là niềm hy vọng của cả làng. Nhìn nó, ai cũng thấy Xuân đã thực sự trở lại.
Thảo rưng rưng nhìn ông bằng đôi mắt thoáng đỏ hoe.
Đêm mùng Một, ánh trăng tròn soi sáng khắp làng Hồng Thụ. Cây đào trước sân nhà Thảo như bừng lên trong ánh sáng bạc, những cánh hoa hồng phấn rung rinh trong làn gió nhẹ. Cô ngồi tựa vào thân cây, đôi tay khẽ chạm vào một bông hoa vừa hé nở. Nó mềm mại và mỏng manh, nhưng lại mang một sức sống mãnh liệt, như chính quê hương cô vừa vượt qua bao thử thách. Từ xa, tiếng lũ trẻ vẫn vang lên ríu rít, khoe nhau những bao lì xì đỏ rực. Những ngọn đèn dầu trong nhà ai đó lấp ló, tỏa ra ánh sáng ấm áp.
Thảo khẽ nhắm mắt, nhớ lại những mùa Xuân cũ khi mẹ cô còn sống. Bà thường ngồi bên cây đào này, kể những câu chuyện cổ tích về sự hồi sinh, về những cánh đồng hoa bừng nở sau mùa đông lạnh giá. “Hoa đào,” mẹ cô từng nói, “không chỉ đẹp vì sắc hồng, mà còn vì nó luôn biết cách sống lại, dẫu bão gió có tàn nhẫn thế nào.” Cô mở mắt, cảm nhận làn gió xuân phả nhẹ qua má, như một cái vuốt ve dịu dàng từ mẹ. Trong giây phút ấy, cô thấy lòng mình nhẹ bẫng, như thể tất cả những đau thương, mất mát đều đã được gió cuốn đi hết tự bao giờ.
Từ trong nhà, bác cả cất giọng gọi lớn:
- Thảo ơi, vào đây, cả nhà đang chờ!
Thảo quay đầu nhìn vào ngôi nhà thân yêu, nơi những người thân của cô đang quây quần bên nhau, những tiếng cười vang lên ấm áp. Cô biết, Tết này không chỉ là một sự trở về, mà còn là sự khởi đầu cho những điều tốt đẹp hơn. Cô đứng dậy, ánh mắt lần cuối dừng lại ở cây đào. “Mẹ ơi, Xuân này con không còn một mình. Cảm ơn mẹ đã để lại cây đào này, để con nhớ rằng, dẫu có khó khăn đến đâu, chúng ta vẫn luôn có thể bắt đầu lại". Trong ánh trăng, Thảo bước vào nhà, nơi ngọn lửa hồng trong bếp vẫn đang cháy rực, sưởi ấm cả đêm Xuân.
Ở đâu đó trên cao, giữa màn đêm thăm thẳm, có một vì sao đang lấp lánh, như một nụ cười chở đầy hy vọng, dõi theo làng Hồng Thụ trong những mùa Xuân sắp tới.
Truyện ngắn. Khắc Linh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...