Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
05:16 (GMT +7)

Dành cho các em nhân dịp Tết Trung thu

Từ ngày 4 đến 18/8, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Trại sáng tác văn học thanh thiếu nhi 2022 (Trại) với hai hình thức: trực tiếp kết hợp trực tuyến. 73 trại viên có độ tuổi từ 9 đến 66 tuổi ở 15 tỉnh thành trên cả nước đã tham dự Trại. Trải qua 2 ngày (4 - 5/8) được nghe - trao đổi với các nhà văn uy tín như: Đỗ Bích Thúy, Lê Phương Liên, Phong Điệp, Hồ Thủy Giang và Nguyễn Đức Hạnh, các trại viên đã thu nhận về những kiến thức nền tảng về văn chương nói chung và văn học thiếu nhi nói riêng. Chuyến trải nghiệm thực tế tại một số điểm lịch sử - văn hóa tại Hà Nội (ngày 8/8), đã nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo cho các trại viên… Kết thúc mùa Trại năm nay, đã cho ra đời “chùm quả ngọt” gồm gần 100 tác phẩm thơ và văn xuôi. VNTN kỳ này xin giới thiệu đến quý bạn đọc một số tác phẩm tiêu biểu trong “chùm quả” ấy.

BBT

Chùm truyện ngắn của Dương Phương Thảo (9 tuổi)

Làng Giàn

Làng Giàn bỗng xôn xao khi chị Mướp vừa hạ sinh một bé Mướp Con nhỏ nhắn, đáng yêu. Mướp Con chỉ nhỏ bằng ngón tay út người lớn, đầu đội chiếc mũ vàng ươm, trông rất vừa vặn. Bà Bầu, bà Bí vươn những cánh tay dài chúc mừng gia đình nhà Mướp thêm thành viên mới. Muôn vật lục tục rủ nhau kéo đến chúc mừng mẹ con nhà Mướp “mẹ tròn con vuông”.

Cuối làng Giàn, họ hàng nhà Bọ Xít cũng sớm biết tin. Bọ Xít đầu đàn dõng dạc tuyên bố:

- Hỡi anh em, chúng ta sắp có món ăn ngon rồi. Mọi người hãy mài thật nhọn vũ khí của mình để chuẩn bị tiến công nhé!

Phía đầu làng, mấy ả Ruồi Vàng tụm năm tụm ba cũng đang lên kế hoạch tấn công Mướp Con.

Trời xẩm tối, Mướp Mẹ khẽ khàng ru Mướp Con ngủ. Trong vòng tay yêu thương của mẹ, Mướp Con lớn nhanh như thổi. Mướp Mẹ khẽ choàng chiếc áo xanh mướt của mình che kín người Mướp Con để bảo vệ con trước kẻ thù.

Mờ sáng, khi cả làng Giàn vẫn đang chìm trong giấc ngủ bỗng choàng tỉnh khi nghe tiếng khóc thét của Mướp Con. Mướp Mẹ hốt hoảng kêu lên:

- Có ai cứu con tôi với!

Người Mướp Con run lên bần bật trước sự tấn công của Bọ Xít và Ruồi Vàng. Cả làng Giàn tỉnh giấc, rầm rập tiếng muôn loài chạy đi chạy lại. Anh Đom Đóm vội bật đèn soi sáng các lối đi. Chú cảnh sát Chim Sâu uy lực trong chiếc áo màu xanh vội vã bay đến. Nhanh thoăn thoắt, chú Chim Sâu quật ngã từng tên Bọ Xít da đen ngòm xấu xí rồi trói gô lại giải về đồn công an. Ruồi Vàng nhìn thấy cảnh sát Chim Sâu liền vội vàng bỏ chạy. Đúng lúc ấy, siêu nhân Nhện từ đâu bắn những sợi tơ trắng muốt tóm gọn được mấy ả Ruồi Vàng đỏng đảnh. Mướp Mẹ, bà Bầu, bà Bí nãy giờ nằm im hồi hộp chứng kiến sự việc. Mướp Mẹ vội ôm Mướp Con vào lòng. Bác sĩ Chuồn Chuồn nhẹ nhàng khám cho Mướp Con:

- Cũng may Mướp Con chỉ bị xây xước nhẹ, chỉ cần bôi một chút thuốc là khỏi.

Mướp Mẹ rối rít cảm ơn bà con hàng xóm đã đến giúp đỡ. Mọi người lại lục tục ai về nhà nấy.

Cuộc trò chuyện trong bếp

Bữa cơm tối của cả nhà thường kéo dài lê thê do cu Tý vừa ăn vừa dán mắt vào ti vi xem phim hoạt hình. Mọi người đều đã ăn xong và dọn dẹp bát đũa. Lúc này, anh chàng mới vội vàng đưa miếng cơm cuối cùng nguội ngắt vào miệng. Tý lững thững cầm bát vào bếp, vứt đánh “xoảng” vào chậu rửa rồi ù té leo lên giường. Mắt cu Tý díp lại, chả mấy chốc cậu đã ngáy khò khò. Bỗng từ đâu, một tiếng khóc thút thít vang lên bên tai:

- Sao người tôi lại lấm lem thế này, hu hu?!!!

Thì ra đó là tiếng khóc của chiếc bát ăn cơm trong chậu rửa. Tiếng lạo xạo, ồn ào của bát đĩa trên tủ bếp vang lên mỗi lúc một to. Chị Đĩa Tròn khẽ nghiêng mình nhìn xuống Bát Nhỏ nói:

- Trước đây, chị cũng rơi vào tình trạng như em đấy. Cố gắng chờ đợi đến sáng mai bà chủ sẽ tắm mát sạch sẽ cho em nhé!

Khác với thái độ ôn tồn của chị Đĩa Tròn, anh Thìa Nhựa giọng ồm ồm lớn tiếng:

- Chúng ta phải có cách nào để cậu chủ hiểu và chịu khó lên chứ như thế này rồi ai cũng sẽ là nạn nhân của cậu ấy thôi.

- Đúng rồi, chúng ta phải làm gì đi thôi!

Tiếng xì xào mỗi lúc một to. Mọi đồ dùng trên tủ bếp nhao nhao ủng hộ. Họ hàng nhà đũa đông nhất bây giờ mới lên tiếng:

- Chúng ta nên trốn khỏi nhà cậu chủ này thôi. Cậu chủ lười biếng và ở bẩn quá.

Thế rồi mọi người túc bục rủ nhau bỏ trốn thật. Chị Đĩa Tròn, anh Thìa Nhựa và bác Bát Tô bá vai nhau lên đường. Mồ hôi túa ra hai bên má, Cu Tý vội vàng sợ hãi hét lớn:

- Các bạn bát đũa ơi, đừng bỏ đi mà. Tớ biết lỗi rồi, tớ sẽ không lười nữa đâu.

Bỗng một bàn tay nhẹ nhàng mềm mại xoa trên trán cu Tý. Mẹ khẽ khàng xoa đầu, bông bông cho cu Tý ngủ lại. Thì ra nãy giờ chỉ là giấc mơ. Anh chàng choàng tỉnh dậy, vội vàng chạy vào trong bếp:

- Ồ, may quá, các bạn bát đũa vẫn còn nguyên vẹn trên tủ bếp.

Trong chậu rửa, Bát Nhỏ vẫn nằm một mình trơ trọi. Cu Tý lại gần, nhẹ nhàng rửa thật sạch chiếc bát rồi xếp gọn vào tủ bếp và lên giường ngủ một giấc ngon lành.

 

Truyện ngắn.Nguyễn Minh Trọng

Nỗi oan Tầm Gửi

Ngày đầu Xuân, ngày hội của muôn loài, không chỉ dành cho các con vật, mà còn cho muôn cỏ cây hoa lá.

Trong một góc vườn của đình làng, xung quanh cụ Cả Gạo cả ngàn năm tuổi, các ngọn cây cố vươn dài thêm, những cánh tay cũng ríu lấy nhau, nghiêng về phía trưởng lão già nua gân guốc, bạc trắng cả làn da gai góc, đại diện cho các loài cây cùng tụ hội. Muôn cây, muôn hình muôn vẻ, cây nào cũng muốn trổ hết tài năng để thể hiện những đặc tính ưu việt của mình. Nào cô Hoa Dẻ với những chùm hoa vàng ươm thơm nức mũi, cố tình chạm vào mũi ông Tre Gộc, khi ông cúi xuống nghe mấy dây Hà Thủ Ô đang kể về kinh nghiệm chữa bệnh thiếu máu cho Con Người với mấy dây Kim Ngân. Lão Tre Gộc không thèm chấp tính khoe khoang của cô Hoa Dẻ, bởi chả cần khoe thì ai chả biết, không có Tre Gộc và họ hàng nhà ông thì lấy đâu ra nhà cửa trên cạn, thuyền bè dưới sông, mũi tên cánh ná khi chiến trận giữ đất cả ngàn năm của Con Người…

Ngay bên cạnh đó là cuộc tranh cãi nảy lửa của cả họ nhà Bòng Bong và Tơ Hồng. Cả hai cùng quấn quýt, rối mù, tranh nhau vươn tay, cắm rễ vào cây Mít Tổ, đến nỗi cây chẳng còn đủ khí trời mà thở, gầy ốm tong teo, giơ những cánh tay gầy guộc lên giời và về phía cụ Gạo uy nghi kia mà cầu cứu… đứa nào cũng the thé khoe đẹp, khoe hay…

Hết đận khoe rồi đến hồi kể tội. Chẳng ai nhận mình có tội lỗi hay khiếm khuyết gì, nhảy phách cả lên mà dựng chuyện, bêu xấu hàng xóm. Rằng Tre Gộc cậy nhà con cháu đông, sinh con đẻ cái như lũy như thành, lại dẻo dai, cứ có tí gió lên là đu đưa kẽo kẹt, điếc hết cả tai! Mụ Bìm Bìm vừa tru tréo lên như vậy thì cả lũ Dây Chìa Vôi, Vạn Niên Thanh với Dây Củ Nâu cùng hoà thanh phụ họa: điếc tai, điếc tai, thế là sai, sai… ai… ai…

Góc nọ, gã choai Núc Nác và bác Xà Cừ đang mượn tý gió Xuân, hầm hè gườm nhau, người múa kiếm, kẻ mở chốt lựu đạn… định choảng nhau! Có gì đâu, họ đang dùng vũ lực khi bất phân thắng bại, trong cuộc kể tội - bênh vực cho bé Tầm Gửi nãy giờ vẫn nhẫn nhịn nép trên tít chạc cao giữa tấm lưng xù xì của cụ Gạo.

Núc Nác đằng đằng sát khí:

-Tầm Gửi là lũ cả đời ăn hại, hút máu mủ những cây to mà sống nhởn nhơ, chẳng làm gì cho đời! Ngứa hết cả mắt!

Xà Cừ chẳng phải tay vừa. Vốn có học lại được thừa hưởng gen thông minh từ cụ tổ, nghe đâu xuất xứ từ ngoại quốc, được người Pháp di thực về xứ này từ thế kỷ trước, nghe Núc Nác nói vậy bèn thở mạnh một cái, ném quả lựu đạn mỏ vịt đã rút chốt ra tít đằng xa, nổ ùm dưới cái chuôm cạnh đó. Chả phải thị uy, dọa dẫm ai đâu, mà chỉ là vứt đi cho lành, bởi cái chốt an toàn khi nãy rút ra bây giờ tìm mãi không thấy. Té ra trong lúc hăng máu bác Xà Cừ đã làm nó văng xuống con mương bên cạnh.

Vươn vai một cái, ngàn tán lá xanh thẫm múa lên xạc xào, bằng chất giọng ồm ồm còn lơ lớ giọng Pháp, bác ôn tồn giải thích, biện hộ cho Tầm Gửi:

- Bé Tầm Gửi hiện đang trên lưng Cụ Gạo kia, là hậu duệ thứ năm mươi chín ngàn của Cụ Tổ Tầm Gửi xửa xưa trên rừng già, dần dần theo những cánh chim, làn gió xuống dưới đồng bằng, trông vậy, tưởng vậy mà không phải vậy, nghĩa là không hẳn bé là đồ ăn hại! Bé là một vị trong những thang thuốc thần thánh, đặc biệt quan trọng để chữa bệnh cho Con Người cả mấy ngàn năm nay…

Bác Xà Cừ còn nói nhiều về những lợi ích mà Tầm Gửi mang lại. Bác vừa dứt lời, trong rì rầm của những lời hối lỗi, cụ Cả Gạo chốt lại bằng cách rũ mình trút bỏ những cành khô gãy còn mắc trên cao chưa chịu rớt xuống. Chất giọng sang sảng của người làm quan, chuyên cầm trịch, cụ nói cho muôn loài cỏ cây, rằng từ lâu, biết được việc tốt của họ nhà Tầm Gửi nên cụ đã cho phép họ được cư trú trên lưng mình, góp một tiếng thơm cho đời…

Cả muôn cây lặng phắc trong vườn Đình, như choàng tỉnh dậy trước những kiến thức trong bài giảng mới học, mà bác Xà Cừ thuyết giảng và cụ Cả Gạo nói lời khẳng định sau cùng. Những cánh tay cây vươn dài, vịn xoắn vào nhau bày tỏ sự thấu hiểu và đồng cảm.

Chúng à lên những tràng vỗ tay dài trong cơn gió vừa thổi tới.

Vui nhất là bé Tầm Gửi. Bé đã được minh oan, tiếng oan ngàn năm giờ mới được gột rửa.

Thêm màn mưa phùn nữa vừa sà xuống, những con mắt li ti màu hồng ngọc, trong muôn vạn nụ hoa bé nhỏ vừa hé của Tầm Gửi đang nhoè nước. Bé cũng chả biết đó có phải là nước mắt của mình hay không nữa…

 

Truyện ngắn của Nguyễn Phương Vy (17 tuổi)

Một ngày làm người tí hon

Tiếng chuông đồng hồ reo váng lên. Minh tỉnh dậy. Nhưng thật kì lạ, Minh thấy mọi thứ xung quanh khác lạ quá. Quần áo hôm nay sao rộng quá nhỉ. Chiếc giường hôm nay cũng dài và rộng hẳn. Bình thường chỉ cần vài bước Minh đã ra khỏi giường. Nhưng hôm nay Minh cứ đi mãi, đi mãi mà như vẫn chỉ bước lon ton trên giường. Minh nhận ra, mình đã trở thành người tí hon. Hai chiếc gối đã trở nên cao lớn như những ngọn núi, quả đồi. Chiếc giường thì chẳng khác nào một vùng đất rộng lớn. Nhìn mọi thứ xung quanh từ những chiếc xe ô tô thường ngày Minh hay chơi đến những chú robot, cũng đều trở thành những đồ vật khổng lồ. Nhìn sang chồng sách mẹ xếp gọn gàng, ôi sao nó cũng cao ngất như những tòa nhà cao tầng.

Có tiếng “meo meo” từ đâu đó vọng lên. Minh nhận ra chính là tiếng con Miu nhà mình. Tiếng Miu ngày càng to và rõ hơn. Minh biết Miu đang đến gần. Lại một tiếng sột soạt nữa rồi một tiếng động nữa to hơn vang lên. Có lẽ Miu đã trèo lên giường. Minh đã nhìn thấy Miu. Miu đi đi lại lại như đang tìm kiếm gì đó. Minh hiểu ra rằng Miu đang tìm mình. Minh đang ở sau gối, nhìn lên thì thấy Miu đang đưa chiếc chân nhỏ lại gần mình. Chân Miu mọi khi bé xíu, mà sao hôm nay cũng to vậy, chạm vào người làm Minh ngã ra. Miu cũng đã nhìn thấy Minh. Nó nhìn một lát, rồi ngoặm nhẹ vào người cậu chủ, quay người.

Miu chạy thẳng ra sân. Nhẹ nhàng đặt Minh xuống. Bỗng có tiếng mẹ Minh nói gì. Miu nhanh chóng chạy vào nhà, để Minh lại dưới gốc cây trước nhà, ở đây có một tổ kiến. Thỉnh thoảng khi đi học về Minh cũng hay chạy ra sân chơi phụ mẹ tưới cây và quét sân, nên Minh biết đến tổ kiến này. Minh đắn đo một hồi, rồi từ từ bước vào một ô cửa lớn. Đây chính là đường vào tổ kiến. Minh vừa đi vừa ngắm nhìn công trình của những chú kiến, trong lòng đầy khâm phục. Một chú kiến chuẩn bị đi kiếm thức ăn đã nhìn thấy Minh, liền tiến đến gần. Minh sợ hãi chạy thật nhanh. Chú kiến cũng đuổi theo Minh và gọi lớn:

- Bạn ơi! Bạn ơi!

Nghe chú kiến gọi có vẻ thân thiện, Minh dừng lại. Bình thường ở nhà Minh cũng hay thấy kiến, nhưng chúng rất nhỏ bé Minh không sợ. Còn giờ đây trở thành người tí hon, Minh thấy kiến cũng thật vạm vỡ, oai phong với những chiếc chân đen bóng, bắp chân cũng hiện lên rất rõ. Cái đầu tròn tròn với hai chiếc râu trên đầu dài hướng về phía trước trông thật là ngầu… Thấy Minh vẫn tỏ ra ngại ngần, Kiến mỉm cười thân thiện. Minh không còn sợ hãi nữa mà đến gần chú kiến nói:

- Chào bạn! Mình tên là Minh. Một chú mèo đã đưa mình đến đây.

Kiến nghe vậy cũng đã hiểu được lí do tại sao Minh lại ở đây, liền nói:

- Thì ra là như thế, rất vui chào đón cậu đến với nhà của chúng tớ. Tớ là Kiến Thợ. Tớ cũng đang chuẩn bị ra ngoài kiếm thức ăn. Trông cậu lạ quá. Tớ chưa từng gặp cậu nên tớ muốn hỏi một chút.

- Nhà tớ thì ở phía xa xa kia. Tớ cũng cao lớn lắm nha. Nhưng mà bây giờ tớ thành người tí hon rồi. Muốn trở về nhà cũng phải đi lâu lắm.

- Vậy cậu ở đây nhé. Mình sẽ dẫn cậu đi xem nhà của bọn mình.

Minh vui mừng:

- Mình cũng đã rất tò mò về tổ kiến. Được cậu dẫn đi xem mình thấy thích thú lắm.

Kiến Thợ dẫn Minh đi hết con đường, sang đến một căn phòng khá to.

- Đây là nơi chúng mình để những quả trứng do Kiến Chúa sinh ra đó.

- Thì ra đây là trứng kiến đó hả Kiến Thợ? Trông thật thú vị. Nó dài dài trông giống những hạt gạo mà mẹ hay nấu cho mình ăn lắm. Nó cũng màu trắng nữa. Vậy là sau này nó sẽ nở ra thành kiến như cậu hết hả?

- Không đâu. Trứng kiến sẽ nở ra hai loại, một là kiến thợ giống như mình sẽ làm việc, xây tổ, kiếm thức ăn. Hai là sẽ nở ra kiến chúa đó. Kiến Chúa thì sẽ có trách nghiệm tìm kiếm một vùng đất mới và xây dựng một tổ kiến như thế này.

- Hóa ra là vậy!

- Chắc cậu còn nhiều điều chưa biết lắm đúng không Minh. Đi theo mình nhé.

Minh lại đi theo Kiến Thợ sang phòng chứa thức ăn. Ở đây thức ăn được xếp rất gọn gàng ngăn nắp. Không chỉ có Minh và Kiến Thợ mà còn có rất nhiều chú kiến khác đang vận chuyển thức ăn vào. Minh ngạc nhiên lắm. Những chú kiến bé nhỏ mà đem được nhiều thức ăn vào đây quá, lại còn sắp xếp rất gọn gàng nữa.

- Các cậu nhỏ bé mà siêu vậy. Kiếm được một kho chật kín thức ăn luôn.

- Chúng mình phải làm việc chăm chỉ lắm đấy. Ngày nào chúng mình cũng đi tìm kiếm thức ăn, rồi mang về tổ. Nhiều khi thức ăn cũng to lớn lắm, chúng mình cũng phải hợp sức cùng nhau kéo hoặc bê về tổ mới được cái kho to thế này.

Minh cùng Kiến Thợ khám phá những con đường, các căn phòng trong tổ kiến mãi. Đến khi có tiếng ai đó như tiếng mẹ của Minh gọi.

- Minh ơi, Minh ơi. Dậy thôi con.

Minh tỉnh dậy. Thấy mọi thứ xung quanh vẫn bình thường. Chăn, gối, chiếc giường, đồ chơi không to lớn như trước. Không có cả chú Kiến Thợ mà Minh đã gặp. Hóa ra kia chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ thật đẹp và thú vị.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 5 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 5 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 6 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 1 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước