Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
04:50 (GMT +7)

Dành cho các em

Chiếc mầm đỗ đội đất chui lên để trở thành một Cây Đỗ. Ánh mặt trời làm cho Cây Đỗ lóa mắt. Nó hé nhìn lên bầu trời cao rộng, tim đập thình thịch. Cây Đỗ hơi co ro. Nó cảm thấy mình quá nhỏ bé trước muôn loài.

Chợt đâu đó có giọng nói rất êm ái:

- Chị chào em Đỗ. Trông em thật xinh đẹp!

- Ai? Ai đấy? - Cây Đỗ giật mình hỏi.

- Chị là Cỏ đây mà.

- Cỏ ư? Cỏ là cái gì vậy?

- Chị thuộc loài thực vật thân mềm. Nghĩa là chị và em có họ với nhau đấy.

Cây Đỗ ngoảnh lại, nhận ra ngay phía sau là một thân cây mảnh nhưng cứng cáp. À! Thì ra đấy là chị Cỏ. Cây Đỗ sung sướng hỏi lại:

- Chị có họ với em thật ư?

- Chị là chị con ông bác của em mà.

Cây Đỗ bỗng thấy có cảm tình với “người chị” mới quen. Nó khẽ nép mình vào gốc Cỏ.

Sống bên chị Cỏ, Cây Đỗ thấy yên tâm lắm. Những hạt mưa rào, những tia nắng hung dữ không làm hại được Đỗ vì đã có bàn tay lá của chị Cỏ xòe ra che đỡ.

Cây Cỏ mỗi ngày một lớn nhanh như thổi. Bóng nó đã che rợp cả một góc luống đất. Vì thế Cây Đỗ đôi khi cũng thấy mình khó thở. Nhưng để bù lại, ngày nào nó cũng được nghe những lời thật dịu dàng từ miệng chị Cỏ.

Một ngày kia, Cây Đỗ thấy những bàn tay lá của mình mỗi lúc một thêm vàng úa. Nó khẽ kêu lên yếu ớt:

- Chị Cỏ ơi! Sao chân tay chị xanh thẫm thế mà chân tay em thì…

Từ trên cao, Cỏ nói vọng xuống:

- Không sao đâu em ạ. Màu vàng là màu đẹp mà. Em cứ yên tâm ở dưới đó để chị ở trên này che mưa che nắng cho em.

Một thời gian sau, người ta thấy luống đất nọ rậm rì toàn là Cỏ. Còn Cây Đỗ đáng thương kia cứ bé tí vàng vọt dưới chân Cỏ, mãi không thể nào lớn được.

Truyện ngắn. Hải Yến

“Em đi chợ Tết”. Tranh màu nước của Diệu Linh (13 tuổi)

 

 

Trần Kế Hoàn

Đèn đường

Khi mặt trời đi ngủ

Chiều lành lạnh buông sương

Bao nhiêu bác Đèn đường

Cùng thi nhau mở mắt

Những con mắt sáng quắc

Cả đêm chả chớp mi

Mặc mưa gió quản gì

Âm thầm soi mọi ngả

Hàng cây me thích quá

Rủ bạn gió đến chơi

Sóng mặt hồ tập bơi

Cõng Đèn trên lưng mãi

Đèn kiên trì mê mải

Tỏa sáng soi phố phường

Hoan hô bác Đèn đường

Đuổi bóng đêm chạy trốn.

 

Phan Trung Thành

Bụi hoa lài vườn ông

Chiếc váy hoa màu sáng

Trổ trắng mặt đất lành

Chú gõ kiến quên hót

Bởi hương lài quẩn quanh.

Ngày đi qua bằng tuổi

Người đi qua bằng lời

Chiếc váy hoa trổ trắng

Một góc vườn ông tôi.

 

“Gói bánh chưng”. Tranh màu dạ của Trần Thị Thư (12 tuổi)

 

Nàng tiên ngũ sắc

Khi lũ tằm bắt đầu lốc nhốc chui ra từ những quả trứng bé li ti, thân mình chúng chỉ bằng mũi chiếc kim khâu. Mở bừng mắt nhìn ra xung quanh, thấy chen chúc anh em đồng lứa, chúng nhìn nhau ngơ ngác hỏi:

- Chúng ta ở đâu ra thế nhỉ? Chúng ta không có mẹ ư?

Chẳng có ai giải thích để chúng hiểu. Và hình như hỏi vậy thôi chứ chúng cũng đâu có cần thiết phải hiểu cặn kẽ làm gì. Đằng nào thì khi sinh ra chúng đã không có mẹ rồi.

Những sợi lá dâu được thái nhỏ miến từng lớp, từng lớp rắc trên mình chúng. Vốn là những kẻ háu ăn, chúng vội lao vào xơi đến căng bụng rồi ngủ khì một giấc, quên hết sự đời.

Lũ tằm lớn nhanh khủng khiếp. Mỗi ngày trông chúng một khác. Chúng ăn nhiều ơi là nhiều. Đầy một giỏ lá dâu chúng chỉ ăn rào rào một lúc là hết. Thời kỳ này, con người gọi là “tằm ăn rỗi”.

Đến một ngày, thân hình chúng lớn hết cỡ, căng mọng và vàng ửng lên. Bây giờ chúng không muốn ăn uống gì nữa mà chỉ nghiêng ngó xung quanh một cách bồn chồn. Đúng lúc ấy những búi rơm vàng mịn xuất hiện. Lũ tằm vội vã thi nhau leo lên tìm một chỗ kín đáo và bắt đầu rút ruột nhả tơ. Những sợi tơ óng ánh được nhả ra và cuộn dần xung quanh nó. Chẳng mấy lúc tằm đã nằm gọn lỏn trong cái ổ bằng tơ mềm mại, trông như một quả nhót vàng.

Lũ tằm thiu thiu ngủ trong cái tổ êm ấm ấy một giấc dài. Cũng từ trong cái tổ ấy, tằm lặng lẽ trút bỏ bộ da xù xì để thoát xác hóa thành nhộng - ấy là do con người bảo vậy chứ lũ tằm ngây ngô có biết gì về thân phận của mình.

Bỗng một hôm, cái ổ tơ vàng động đậy, một con bướm lách mình chui ra. Loài người gọi đấy là con Ngài. Đôi cánh Ngài cứng cáp dần lên nhưng không bay được mà chỉ làm vật giữ thăng bằng khi nó kéo lê cái bụng to phình. Sau đó hình như phải trải qua những cơn đau vật vã, từ cái bụng kềnh càng của nó mới bắt đầu tuôn ra những quả trứng nhỏ xíu trải dài trên thảm giấy mềm. Sau khi “rút ruột” để sinh nở, ngài cảm thấy nhẹ bẫng hẳn đi. Đôi cánh nhiều màu sắc của nó xòe rộng ra và đập mạnh. Thân mình Ngài chợt nhấc bổng và bất thình lình bay vụt lên. Nó bay lên cao, cao mãi rồi mất hút trong không trung, chỉ để lại một đường bay ngũ sắc lấp lóa và ngắn ngủi như một tia chớp. Đó cũng là đường bay cuối cùng và duy nhất của tằm mẹ. Đúng thế! Nó chính là tằm mẹ.

Nó đâu phải là loài bướm chỉ mải lượn lờ rong chơi hết ngày này qua ngày khác. Trời sinh ra đôi cánh rực rỡ, mong manh của nó dường như chỉ để dâng hiến một đường bay cuối cùng như vậy. Đường bay ấy cũng chính là dấu ấn duy nhất của tình mẫu tử mà tằm mẹ gửi lại cho con cháu mai sau.

Chỉ tiếc rằng, hết thảy lũ tằm con của nhiều thế hệ loài tằm đều không hay biết gì về điều ấy. Buồn thay, mẹ của chúng là một nàng tiên, nàng tiên ngũ sắc mà chúng lại luôn tưởng rằng mình không có mẹ.

Truyện ngắn. Hải Yến

 

Đặng Toán

Chuyện nhà gió

Hư nhất là anh dông bão

Thổi đổ cả nhà cả cây

Hiền nhất chị gió heo may

Xạc xào bờ tre ruộng lúa.

Hơi thở nóng như có lửa

Là anh chàng gió tây nam

Chị gió mùa xuân bước sang

Dịu dàng cùng làn mây trắng.

Không gian thành chiếc tủ lạnh

Là khi chị gió bấc về

Cùng diều vi vút triền đê

Là anh gió nồm nam đấy…

Từ làng quê đến rừng núi

Thung thăng đi ngược về xuôi

Viết nên câu chuyện nhà gió

Bốn mùa kể mãi bên trời.

 

Trần Văn Lợi

Giữa miền cỏ thơm

Nắng xuân buông rèm

Quanh bờ đất ấm

Trên miền cỏ thơm

Hội làng vui lắm!

Cành Cạch gõ trống

Dế Trũi đánh đàn

Châu Chấu dàn hàng

Đồng ca thổi sáo

Giữa sân huyên náo

Bọ Ngựa diễn tuồng

Hai tay múa gươm

Chói lòa ánh nắng

Bướm Vàng, Bướm Trắng

Múa dẻo rập rờn

Có cậu Chuồn Chuồn

Lên cao diễn xiếc

Vừa bay vừa liếc

Mấy chị Cào Cào

Khép nép bên rào

Dường như xấu hổ

Áo xanh, áo đỏ

Mở bảy, mớ ba

Túm năm tụm ba

Thì thầm to nhỏ…

Tưng bừng trên cỏ

Mở suốt ngày đêm

Ai cũng thích xem

Hội làng vui lắm!...

 

“Cúc Họa Mi”. Tranh của Lê Thị Minh Huệ (14 tuổi)

 

Cu Tí thành người lớn

Sắp Tết rồi! Ừ, sắp Tết. Ông tỉa hồng, gọt huệ. Bà quét sân, quét ngõ. Bố dọn cỏ, sơn nhà. Còn mẹ, mẹ túi bụi suốt ngày với chén bát, nồi niêu, với quần áo, chăn màn. Cả nhà cu Tí cứ rộn lên - tưởng chừng Tết đồng nghĩa với… rộn ràng, hối hả!

Cây mai già cũng hối hả. Nó rùng mình, rũ khỏi thân lũ lá già vàng xỉn. Chiếc cành xương xẩu oặn người, lay lay đánh thức đám búp mẹ xám xanh. Choàng khỏi giấc ngủ mùa đông, búp mẹ hấp háy mắt, nheo nheo trong nắng xuân chảy tràn. Rồi - như chợt hiểu - nó vội vã vươn vai, đùn ra khỏi lòng những đứa con bụ bẫm, tròn căng, xanh biếc…

Ông bảo: Xem kìa! Cây mai đang hớn hở… Đúng ghê! Mà đâu chỉ riêng cây mai; cả chó, cả mèo cũng hớn hở. Chúng lăn đùng ra vũng nắng, vó chổng lên trời, đuôi ngoe nguẩy, mắt lim dim. Chuồn chuồn cũng hớn hở tung mình lên cao, lộn ngược, lộn xuôi; thỉnh thoảng lại tinh nghịch liệng vòng xuống đống rơm to - nơi có gã trống choai đang hớn hở rặn từng tràng kéc… kee…; mặt đỏ bừng vì gắng sức.

Nhưng hớn hở nhất phải kể đến cu Tí!

Cu Tí đã đủ lớn để biết thế nào là Tết. Tết ư? Thì… được mặc quần áo mới này; tiền mừng tuổi này; bánh kẹo ăn thỏa thích này; đi chơi này... Ái dà! Mới tưởng tượng bấy nhiêu đã đủ mê tơi; làm sao không hớn hở? Ấy vậy; nhưng chưa! Còn một nguyên do khác. Nguyên do này khiến nỗi hớn hở của cu Tí được nhân hai. Mà không, phải nhân ba…

Cu Tí sắp thành… người lớn!

Đúng, cu Tí sắp thành người lớn. Bố bảo: Sang năm, Tí lên 6. Lớn rồi… Mẹ bảo: Bao giờ Tí lớn, vào lớp 1, mẹ dọn phòng riêng, mua bàn ghế riêng… Năm nay cu Tí lên 5, đang học mẫu giáo lớn (có “lớn” cũng vẫn… mẫu giáo. Bực thế!). Lên 5, mẫu giáo lớn; nghĩa là chỉ cần một cái Tết - một cái nữa thôi - cu Tí sẽ lên 6, sẽ học lớp 1, sẽ thành người lớn. Tết ư? Sắp rồi!

Chiều qua, mẹ dọn căn phòng kế bên. Bố kê chiếc giường lò xo, mùng gối mới tinh. Để làm gì hở mẹ? Bố mẹ cười, bí mật. Cu Tí ngơ ngác một lúc. Rồi chợt hiểu; Tí phóng lên giường, nhún nhún. Êm êm là…

Bữa cỗ cuối năm, cả nhà quây quanh bàn. Ngày mai là Tết. Ngày mai cu Tí lên 6. Không vòi vĩnh, không chạy loăng quăng, cu Tí nhanh chóng tót lên ghế, ngồi đĩnh đạc. Bắt đầu ăn; chẳng đợi mẹ giúp, bà giúp; Tí tự động chan chan, gắp gắp. Cơm canh cứ vãi ra bàn dù Tí đã cố cẩn thận. Mẹ cau mặt, toan nhắc. Bố suỵt, đưa tay lên miệng, cười cười…

Đêm. Bố chở cu Tí đi xem pháo hoa. Từng chùm sao xanh, đỏ, tím, vàng thi nhau trút xuống như mưa. Đẹp thật! Người ta bắn pháo hoa làm gì hở bố? À, để mừng con sắp thành… người lớn đấy! Ừ, phải. Chỉ còn một đêm; một đêm thôi. Mà cũng không cần đến một đêm. Ngay đêm nay, cu Tí sẽ chứng tỏ mình là người lớn. Về nhà, cu Tí tự động ôm mền, ôm túi đồ chơi, ôm cả chiếc gối con sang phòng bên; căn phòng bố mẹ vừa quét dọn…

Nằm lăn qua, lăn lại một hồi, mắt Tí vẫn mở chong chong. Quái, giường êm thì có êm; nhưng hình như thiêu thiếu cái gì…

Trằn trọc phát chán, cu Tí nhỏm dậy. Phòng bên có tiếng mẹ. Mẹ chưa ngủ. Cu Tí thở dài; lại nằm xuống, trằn trọc…

Lần nhỏm dậy thứ 3, cu Tí quyết định… tụt xuống giường. Lò dò đến phòng mẹ, cu Tí chợt dừng, lưỡng lự. Mình lớn rồi… Ơ! Nhưng… mai mới Tết kia mà? Ngày mai cu Tí mới lớn. Hôm nay thì chưa. Tí ta yên tâm, rón rén vén mùng, chui tọt vào giường mẹ…

Truyện ngắn. Y NGUYÊN

 

“Sắc thu”. Tranh bột màu của Tất Quang (9 tuổi)

 

Trương Quang Thứ

Giao thừa

Giao thừa đến giữa đêm

Ngủ quên là không biết

Sáng ra thấy đầy nhà

Hoa trái và cỗ Tết.

Thế là năm cũ hết

Bé thêm một tuổi rồi

Xúng xính quần áo mới

Nụ cười bừng trên môi.

Giao thừa đến giữa đời

Giống như là thần thoại

Một đêm bằng một năm

Nhân niềm vui thêm mãi!...

Nguyễn Ngọc Hưng

Ngọn nến

Nến đốt thân mình

Cho người ánh sáng

Ngọn lửa lung linh

Đẹp như tình bạn.

Khi trời chạng vạng

Lúc đất mờ sương

Tim nến dịu dàng

Thắp vui trang sách.

Em ngồi em học

Nến đứng một bên

Nến dần thấp xuống

Em dần cao lên...

Em thương ngọn nến

Biết cháy hết mình

Đến giọt lệ cuối

Vẫn cười lung linh!

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước