Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
20:28 (GMT +7)

Cứu nguồn di sản quý ở Thái Nguyên

VNTN - Theo thống kê ban đầu, trên địa bàn tỉnh có khoảng 500 tài liệu thư tịch là các bản sắc phong, thần tích, thần sắc và hương ước có từ trước năm 1945. Do tác động của môi trường tự nhiên và việc giữ gìn, bảo quản không đúng phương pháp của người dân nên nhiều tài liệu nói trên đã bị mục nát, hư hỏng, xuống cấp hoặc thất truyền. Để bảo tồn, lưu giữ các thư tịch quý này, Thư viện tỉnh đã triển khai Dự án “Sưu tầm, số hóa, dịch thuật, lưu trữ và phát huy giá trị các thư tịch cổ trên địa bàn tỉnh”, góp phần cứu nguồn di sản quý không bị mai một. 

Theo ông Đỗ Bình Nguyên, Giám đốc Thư viện tỉnh: Thái Nguyên là địa phương giàu truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa nên có rất nhiều loại thư tịch cổ có giá trị đặc biệt trong hệ thống các di sản văn hóa như: Sắc phong, hương ước, tộc ước, thần phả, thần tích, văn khấn, sách dư địa chí, sách y học cổ truyền đang được lưu giữ trong các gia đình, dòng tộc, hoặc các đình, đền. Trong đó, sắc phong là một cổ vật có giá trị độc bản. Qua các sắc phong, người ta có thể biết thông tin về hệ thống hành chính với những địa danh và đơn vị hành chính cụ thể. Tuy nhiên, rất nhiều tài liệu quý này đang bị hư hỏng, thất truyền bởi người dân chưa hiểu rõ giá trị và biết cách bảo quản chúng. Bởi vậy, việc thống kê, sao chụp, đọc, lược dịch, số hóa các tư liệu lịch sử cổ là việc làm cần thiết.

 

Đoàn cán bộ thực hiện dự án trong chuyến đi sưu tầm, sao chụp tài liệu thư tịch cổ tại huyện Đại Từ

Số hóa các thư tịch cổ là cơ sở bước đầu để các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về các tư liệu văn tự Hán Nôm cổ được lưu giữ qua các triều đại phong kiến trên địa bàn tỉnh. Được biết, cách thức bảo quản, lưu giữ tài liệu tiên tiến mà nhiều tỉnh đã thực hiện đó là số hóa các thư tịch, từng bước xử lý, dịch thuật để quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa đó đến nhiều người sử dụng. Đây là quá trình chuyển các nguồn dữ liệu truyền thống như bản viết tay, bản in trên giấy, hình ảnh sang chuẩn dữ liệu điện tử. Việc số hóa có lợi ích trong công tác quản lý, khai thác tập trung, với bộ sưu tập số thư tịch cổ, các dữ liệu số hóa khác, tạo tối ưu cho người sử dụng. Thông qua đó, phục vụ nhu cầu sử dụng, nghiên cứu đa dạng của bạn đọc trong thời đại công nghệ 4.0.

Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt dự án "Sưu tầm, số hóa, dịch thuật, lưu trữ và phát huy giá trị các thư tịch cổ trên địa bàn tỉnh", từ năm 2015 - 2017, Thư viện tỉnh đã chủ trì thực hiện các hạng mục sưu tầm, số hóa, dịch thuật, lưu trữ và phát huy giá trị các thư tịch cổ. Các cán bộ tham gia dự án đã tổ chức điền dã, sưu tầm và sao chụp tại thị xã Phổ Yên, huyện Đại Từ, Võ Nhai, Phú Bình, Phú Lương và Đồng Hỷ. Trong quá trình thực hiện dự án, UBND các phường, xã trên địa bàn tỉnh đều phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để đoàn cán bộ sao chụp nguyên trạng 150 đơn vị tài liệu, gồm 129 sắc phong, 15 thần tích, thần sắc, 6 hương ước. Hầu hết số tài liệu trên được ghi bằng chữ Hán Nôm, chủ yếu có niên đại thời nhà Nguyễn. Đây là nguồn tài liệu quý góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa làng xã, tín ngưỡng, sinh hoạt dân gian trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Trọng Nghĩa, Phó Trưởng phòng Tin học, thông tin, thư mục và thư viện cơ sở (Thư viện tỉnh) cho biết: Đoàn cán bộ của Thư viện tỉnh và một số cơ quan thực hiện dự án đã đi diền dã khảo sát, sưu tầm các sắc phong trên địa bàn, hướng dẫn người dân cách bảo quản và phục chế. Công tác biên tập, số hóa, phục chế ảnh thư tịch cổ ngay sau đó cũng được các thành viên thực hiện tỉ mỉ. Theo đó, các thư tịch cổ được chụp lại, qua phục chế ảnh với phần mềm photoshop và chuyển đổi sang dạng PDF, sắp xếp thành các bộ sưu tập tài liệu theo loại hình thư tịch cổ (sắc phong, thần tích, thần sắc, hương ước) và có bản dịch chữ Việt. Như vậy, từ một bức ảnh chụp thư tịch cổ, khi số hóa ta có một file chứa đầy đủ ảnh thư tịch, nội dung gốc và bản dịch thuật.

Để các tài liệu Hán Nôm có bản dịch chất lượng, Thư viện tỉnh đã thực hiện hợp đồng dịch thuật với các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực Hán Nôm biên dịch 150 tài liệu thư tịch cổ với phần phiên âm và dịch nghĩa sang tiếng Việt. Qua hội đồng thẩm định thư tịch cổ, Thư viện tỉnh cũng mời các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực Hán Nôm thẩm định bản thảo và hiệu chỉnh các sắc phong, thần tích, thần sắc, hương ước, tục lệ trên địa bàn (bản hiệu đính do cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm thực hiện).

Đầu năm 2018, dự án hoàn thành giai đoạn 1. Sản phẩm của dự án là nguồn tư liệu Hán Nôm được số hóa kỹ lưỡng, góp phần bổ sung tư liệu quý cho các di tích đình, đền, miếu, nghè, thuận lợi cho việc các di tích đề nghị được trùng tu, tôn tạo, xếp hạng. Và thêm phần làm sáng tỏ hành trạng và công tích của các vị thần Thành hoàng làng, qua đó thể hiện sự quan tâm của triều Nguyễn tới việc tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Việc sưu tầm, số hóa, dịch thuật, lưu trữ và phát huy giá trị các thư tịch cổ trên địa bàn tỉnh cũng góp phần lưu giữ lâu dài các tài liệu thư tịch cổ phục vụ công tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Đồng thời, giúp người dân, nhất là các nhà nghiên cứu hiểu rõ các giá trị về văn hóa, lịch sử, truyền thống quý báu của cha ông cũng như tuyên truyền, giới thiệu về vùng đất, con người Thái Nguyên tới các nhà đầu tư.

Trên cơ sở phần mềm đã được xây dựng, Thư viện tỉnh đang lưu trữ, bổ sung vào các nguồn tài liệu địa chí Thái Nguyên được số hóa để phục vụ bạn đọc. Số lượng văn bản Hán Nôm cổ lưu giữ trong nhân dân theo thống kê hiện nay vẫn còn khoảng 100 đạo sắc phong và các tài liệu Hán Nôm độc bản đang được lưu giữ chưa được số hóa nếu không có kế hoạch làm khẩn trương thì nhiều tư liệu cổ, quý hiếm có nguy cơ biến mất vĩnh viễn. Một số tài liệu quá rách nát, biến dạng nên việc phục chế lại rất công phu, mất thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ số hóa. Do vậy, việc sưu tầm, số hóa nguồn tư liệu quý này phải chạy đua với thời gian. Hiện, Thư viện tỉnh đang tiếp tục đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ (đơn vị quản lý dự án) cho triển khai giai đoạn 2, tiếp tục sưu tầm, dịch thuật, số hóa, lưu trữ và phát huy các giá trị của các thư tịch cổ tới đông đảo người dân. Nếu hoàn thành giai đoạn 2, sẽ là cơ sở để chúng tôi in một bộ sưu tập các sắc phong cả bản gốc và dịch thuật giới thiệu rộng rãi đến công chúng.

 

Sắc phong được lưu giữ tại Đình Diệm Dương, xã Nga My (Phú Bình)

Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành với kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên, những người tận tâm tham gia dự án này vẫn còn không ít băn khoăn đó là việc số hóa các văn bản Hán Nôm vốn là chuyện không hề đơn giản bởi nhiều hạn chế về ngôn ngữ. Hiện nay, số người có khả năng đọc và quan tâm tới việc nghiên cứu nguồn tư liệu Hán Nôm không nhiều nên việc bảo tồn, phát huy di sản Hán Nôm sẽ ngày một khó khăn hơn. Bởi vậy thời gian tới, họ rất mong Nhà nước và tỉnh tiếp tục tạo điều kiện dành nguồn ngân sách đào tạo nhân lực chuyên ngành Hán Nôm cũng như quan tâm đến công tác nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật các thư tịch cổ.

Mai Linh Lan

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy