Cuộc đi săn cuối cùng
Truyện ngắn. Nông Quốc Lập
Chúng mày ở nhà hễ nghe thấy tiếng súng nổ là cho nước vào nồi đun lên là vừa”. Vừa bước chân cùng phường săn hướng về núi phjia Đeng, lão Sâng đã dặn những người ở nhà. Củi cây xu vài khô đã chuẩn bị một gánh to, chiếc nồi bảy mươi đã được rửa kỹ, chỉ cần nghe tiếng súng vang lên là có thể đổ nước vào nồi, bắc lên kiềng chất củi đun sôi để phường săn vừa về tới nhà là có nước sôi làm lông con mồi. Mặc cho những người bạn đang uống rượu, tán gẫu ở nhà trên, Lý một mình ngồi ở trước cửa sau, ở đây nó có thể nghe thấy tiếng súng vọng về. Trong những cuộc kin co nó là người nhanh nhẹn nhất, từ việc đặt nước, làm lông đến việc chế biến Lý đều làm tăm tắp. Vì vậy, trong những cuộc kin co đều có mặt của Lý. Nhiều lần nó ngỏ ý muốn ra nhập phường săn nhưng lão Sâng không đồng ý. “Mày nên ở nhà đợi người lớn về làm thịt con thú là được rồi. Theo bọn già làm gì, vào rừng vừa vất vả, có khi đi thâu đêm suốt sáng, có lúc ra về tay không…”. Lão Sâng đã nói với nó như thế. Nó biết mình không có duyên với nghề săn bắn, không có duyên làm đệ tử của lão Sâng, đành ở nhà đợi. Không được cùng phường săn vào sâu trong rừng thẳm, nhưng Lý có thể đoán được kết quả cuộc đi săn của phường săn. Mười lần đoán chỉ có một lần sai. Và hơn hết nó tin khả năng trăm phát trăm trúng của lão Sâng. Một khi con thú đã lọt vào tầm ngắm, coi như đêm nay nó ra khỏi hang là sai lầm. Một khi lão Sâng đã nâng súng lên thì con thú chỉ có chết. Một khẩu súng lão Sâng thôi bọn thú đã sợ chân không còn đứng vững để chạy rồi. Đêm nay còn thêm cả khẩu thể thao của dè Si, của xúc Tý nữa làm sao con thú có thể thoát? Một phường săn, một bầy chó, mấy khẩu súng sẽ làm cả khu rừng không có được giây phút bình yên.
Thằng Lý có một cái tài lẻ mà những người trong bản Thềnh Đông không có được. Ngay cả lão Sâng, tay săn nổi tiếng khắp vùng Cổ Lũng cũng phải thừa nhận. Mỗi khi phường săn chuẩn đồ nghề cho cuộc đi săn xuyên đêm vào những ngày sau, ai đó trong phường săn nói với thằng Lý để nó gieo quẻ xem chuyến đi săn được nhiều hay ít, được con thú to hay thú nhỏ. Mỗi khi được yêu cầu thằng Lý đều vui vẻ gieo quẻ. Mà người ta không yêu cầu Lý cũng gieo đoán kết quả của một cuộc đi săn. Thằng Lý không được trực tiếp vào rừng nhưng thành quả thì cuộc nào nó cũng được hưởng. Nó không có công thì phải góp sức vậy.
Cũng khá lâu rồi, dễ chừng cũng phải mươi mùa cây thay lá, hôm nay phường săn mới lại vào rừng. Có thể vì quá háo hức nên chẳng ai trong phường săn còn nhớ đến thần cơ diệu toán Lý. Mới chỉ nghe Giáp, người trẻ nhất trong phường săn nói đã nhìn thấy dấu vết của bầy cầy hương về ăn mác khuông, lão Sâng đã vội lên chân núi xem những quả mác khuông chín rụng đầy dưới gốc cây. Lão Sâng nhặt một quả mác khuông lên xem. “Đúng là vết cắn ba cạnh, phải vết cắn của lũ cầy hương rồi”. Lão mừng hơn khi những vết cắn để lại trên những quả mác khuông không giống nhau, nhất định có ít nhất ba con cầy hương trở lên. Rất có thể những con cầy hương cùng một gia đình, cũng có thể những con cầy hương đến từ nhiều nơi khác. Cả vùng này chỉ có một cây khuông có buồng quả chín, loài quả mà lũ cầy hương ưa thích. Những con cầy hương đã đánh hơi thấy hương thơm của mác khuông theo làn gió đông mà cùng nhau kéo đến ăn. Ai cũng muốn bắt được vài con cầy hương đem về. Người ta đã tạm quên đi thằng Lý đang ngày đêm lặn lội với cuộc mưu sinh. Bố Lý mất sớm, hai mẹ con Lý nương tựa vào nhau mà sống. Nhà Lý nghèo nhất bản. Mà nghèo thì không tiếc cái sức của mình mới mong nhận được lòng thương của người trong làng. Nhà nào có việc gì Lý đều đến giúp sức. Nhiều người quý Lý lắm. Có quả ngon, món lạ người làng không tiếc phần cho mẹ con Lý. Lão Sâng cũng không ngoại lệ. Lão là chủ phường săn, nhà khá giả, mỗi khi đi săn về được của lão đều chia cho mẹ con Lý. “Của trời cho không nên ăn một mình”. Lão Sâng luôn mồm nói. Lão coi thằng Lý như con đẻ. Lão muốn nhận Lý vào phường săn rồi truyền nghề cho nó. Nhưng lão không thể làm được, giá như đôi mắt nó không lác, có lẽ Lý sẽ là một chủ phường săn trong tương lai. Mỗi lần đi săn lão Sâng đều cho Lý biết, dặn nó ở nhà đợi để làm thịt con thú xấu số. Nhưng hôm nay lão gọi Lý đến chuẩn bị nước nôi cho buổi liên hoan vào nửa đêm về sáng, song lão lại quên việc bảo thằng Lý gieo quẻ xem hung cát trước khi bước chân vào khu rừng ít có dấu chân người lui tới? Việc đun nước đợi phường săn quay về Lý đã làm mãi, quen rồi. “Ở nhà khi nghe thấy tiếng súng nổ là đun nồi nước cho sôi là vừa”. Lời dặn của lão Sâng vẫn văng vẳng bên tai Lý. Phường săn đi rồi Lý mới nhớ mình chưa gieo quẻ. Nó đứng lên đi khỏi chiếc bàn chè rượu. Ra đến sân, Lý thò tay vào túi quần lấy ra một đồng tiền xu nhẵn bóng màu vàng. Nó lấy hai bàn tay ép đồng xu vào giữa. Nó lạy ba lạy xin trời đất thần linh chứng giám.
Rồi nó thả đồng xu xuống đất. Nó lấy làm lạ khi đồng xu không nằm xuống mà ở thế đứng. Đợi hồi lâu không thấy đồng xu động đậy nó càng ngạc nhiên hơn. Nhìn vào đồng xu cứ như có lực cân bằng nào đó chống ở hai bên để nó đứng vững không đổ. “Có chuyện gì vậy?” Lý tự hỏi mình. Trong lòng nó bắt đầu cảm thấy bất an. “Hay ta thử gieo lại một lần nữa”. Nó lại nhặt đồng xu lên, thầm khấn nguyện vào quẻ, lặp lại động tác một lần nữa. Nó nhắm mắt thả đồng xu xuống nền gỗ. Đồng xu quay tít trên mặt sàn gỗ. Lý hồi hộp mong đồng xu hiện mặt có in hình dãy núi. Nhưng một lần nữa đồng xu lại ở tư thế đứng. Lý đã nhiều lần gieo quẻ, nhưng lần nào cũng cho kết quả, dù kết quả có nhiều lần xấu. “Có gì đó không bình thường”. Lý biết vậy. Song nó không biết có chuyện gì đó sắp xảy ra. Không biết nên Lý cảm thấy lo lắng, nó cứ đi ra đi vào ở cửa sau. “Lẽ nào…”. Nó đang nghĩ thì nghe đoàng một tiếng xé toạc màn đêm. Nhưng dường như tiếng súng này không phải của lão Sâng. Tiếng súng nghe không được mạnh mẽ, dứt khoát, đanh gọn. Trong tiếng nổ có thể nghe thấy người bắn đã hơi run tay. Trong cuộc săn chỉ cần người thợ săn run tay một chút có thể sẽ phải trả giá bằng tính mạng của chính mình khi đối mặt với con thú dữ. Ở đâu có thú dữ, ở đó có thợ săn. Và ở đâu có thợ săn thì xung quanh họ luôn có những con thú dữ rình rập. Trong cuộc chiến sinh tử kẻ nào nhanh hơn, khôn hơn sẽ giành được chiến thắng. Đối mặt với giây phút tử sinh, người thợ săn không cho phép mình được sai sót. Nhưng trong những cuộc săn rượt đuổi sống chết ấy luôn tiềm ẩn những rủi ro, bất ngờ…
-Cứ..u, cứu.. v…ớ…i…
Thằng Lý đang lo lắng bỗng nghe thấy tiếng kêu cứu của áo Phèng, người được mệnh danh là truyền nhân của Thần Hành Thái Bảo Đới Tung (một nhân vật trong Thủy Hử nổi tiếng đi nhanh). Giọng của Phèng đã không còn giữ được bình tĩnh. Những người chờ đợi ở nhà cùng lúc bật dậy ra khỏi bàn nước, túa ra cả trên chiếc sàn dát bằng thanh tre. Bóng đèn ngoài hiên đã được bật sáng. Ánh đèn pin trên đầu của những tay thợ săn loang loáng dưới nhà. Những con chó săn kêu ư ử buồn bã.
-Ai đem xe máy ra nhanh lên phải đưa ké lên bệnh viện huyện Co Xầu cấp cứu ngay. Ai đó nói.
-Ai bị làm sao thế?
-Ké đang bị thương nặng lắm.
-Sao lại bị thương?
-Hỏi nhiều làm gì thế, cứu người quan trọng hơn.
Chiếc xe máy phi ra khỏi gầm sàn, cả người lái người ngồi đằng sau không kịp tìm mũ bảo hiểm. Thằng Lý nhìn thoáng qua, khuôn mặt của lão Sâng nhợt nhạt, nhăn nhó. Bờ môi lão mấp máy như muốn nói với nó điều gì đó nhưng âm không thoát ra khỏi miệng. Lý muốn cùng mọi người lên huyện, nhưng không đủ xe máy, đành ở lại chờ tin. “Cầu mong điều tồi tệ không đến với pa nuôi Sâng”. Thằng Lý thầm nguyện ước. Lão Sâng là chủ phường săn nổi tiếng một phương. Lão không thể chết vào lúc này được, ngón nghề của lão chưa ai có thể nắm được. Lão còn chưa tìm được người để truyền lại những bí kíp đi săn mà cả đời mới đúc kết được. Lý muốn được học những tuyệt chiêu của lão, không trực tiếp săn bắn, giết chóc. Nhưng ít ra cũng để phòng thân mỗi khi vào rừng gặp thú dữ còn biết đường đánh trả. Trong mắt Lý và những người trong bản pa nuôi là một người anh hùng. Nhưng lão Sâng không thích người trong làng tâng mình lên chín tầng trời xanh. Thợ săn là một nghề nghiệt ngã trong tất cả những nghề, chỉ có những người trong cuộc mới thấy hết được sự nghiệt ngã mà người thợ săn phải đối mặt.
***
Lão Sâng đã từng bị con gấu ngựa tấn công khi lên núi săn Tua Kít. Lão đang rình ở bụi cây khỏ liềng, bỗng con gấu ngựa từ đâu chồm tới. Thì ra con gấu ngựa đang tìm ăn lá non cây khỏ liềng. Thấy động con gấu lao tới, nó định tát lão một cái cũng may lão tránh được. Cú táp đó mà trúng thì cái mặt của lão sẽ mất đi một mảng thịt lớn. Không táp trúng con gấu lớn tức lồng lộn. Nó xông lên quyết dồn lão vào con đường cùng. Lão lùi lại trong tư thế phòng thủ. Lùi được mươi bước chân lão không thể lùi được nữa. Sau lưng là tảng đá lớn, phía bên trái là cái tát thẳng đứng, bên phải là vực sâu. Phải lừa con vật hung dữ này mới mong thắng được nó. Lão trấn tĩnh lại, hai tay bám chắc vào bụi cây khỏ liềng. Lão nín thở đợi con gấu ngựa xông tới. Và nó đã chồm đến với một sức mạnh có thể giết chết con người trong chớp nhoáng. Đợi nó chồm lên người lão sẽ ra chiêu cuối cùng. Lão tính toán khoảng cách có thể ra tay. Khi con vật đen béo múp míp chồm tới, hai chân lão co lại rồi đạp một cú song phi thật mạnh vào ngực nó. Con gấu bị lão đạp trúng rơi xuống vực. Trước khi nghe tiếng hụp vọng vào vách núi, con gấu gào lên tuyệt vọng. Ngày hôm đó mẹ con Lý được lão Sâng chia cho một sâu thịt, mấy cái xương. Mẹ Lý đã đun ba ngày ba đêm để những khúc xương cùng với những cây thuốc quý hái từ trên núi nhừ nát đem ép thành bánh cao gấu. Những miếng cao gấu đó Lý vẫn chưa dùng hết. Mẹ Lý quý những cái cao xương gấu lắm. Những lúc ốm đau bà đem dao thái một miếng nhỏ ăn với cơm. Chỉ ăn một miếng nhỏ thôi, không dám ăn nhiều. “Của quý ăn nhiều, hết rồi lấy đâu ra”. Nhưng một miếng cũng đủ làm bà khỏi ốm. Nó đúng là thần dược trị được trăm bệnh. Không có thứ cao gấu ngựa, có lẽ giờ bà đã nằm dưới ba tấc đất lạnh lẽo rồi.
-Người đi săn cần phải quyết đoán, hành động, ra tay nhanh gọn dứt khoát thôi chưa đủ. Mà cần phải có sự may mắn. Và quan trọng hơn là khẩu súng phải được “thư thoong” thì mới trăm phát trăm trúng được. Có lần lão Sâng đã nói với Lý như thế.
-Thư thoong là gì hả pa Sâng? Lý hỏi.
-Đó là những lời chú yểm vào khẩu súng. Một khi khẩu súng đã được yểm chú khi khạc đạn nhất định sẽ phải thấy máu tươi.
-Thế thì đi săn chỉ có được chứ chẳng bao giờ về tay không nhỉ?
-Vậy mới gọi là thoong.
-Có khi nào súng phản chẩu không?
-Đừng nói gở, phỉ phui cái mồm quạ đen của mày lại đi. Pa Sâng tức giận khi Lý nói đến hai chữ phản chẩu (phản chủ).
Thằng Lý lấy tay làm động tác vả vào mồm của mình, khi nó thấy lão Sâng bỗng nhiên nổi giận. Dù sau đó lão cố trấn tĩnh nhưng trên khuôn mặt lão thoáng chút lo âu, những ký ức buồn hiện về trước mắt lão.
Hai mươi tuổi Sâng đã ra dáng của một chủ phường săn. Sâng không chỉ giỏi cung tên, bắn súng, gan lỳ, nhìn vết chân của con thú để lại trên mặt đất còn có thể biết nó đã qua đây được bao lâu, con thú nặng hay nhẹ. Pú Mạnh, chủ phường săn thầm khen “nếu thằng Sâng có được khẩu súng săn như ý mà lại được thư thoong thì trong vùng Co Xầu, Quảng Uyên không ai là đối thủ đâu”. Khả năng phán đoán của Sâng hơn cả pú Mạnh, nhìn lên trời Sâng biết trời mưa nắng, đi săn ngày nào sẽ được nhiều con thú đem về. Pú Mạnh chết, phường săn mỗi người một ngả. Người thì chết, kẻ trên đầu mái tóc bạc phơ, mỗi khi ra đường leo dốc đầu làng đã khó, nói gì đến chuyện vào rừng săn bắn. Không còn thợ săn, thú dữ kéo về bắt chó, bắt lợn trong làng. Sâng đã tập hợp một số anh em lập ra phường săn mới. Cái tên phường săn Sâng Thềnh Đông ra đời từ đó. Những con thú đánh hơi thấy bước chân của phường săn đang đi tới liền chạy dạt vào rừng sâu núi thẳm. Những con thú lỳ lợm sẽ phải hứng trọn viên đạn từ khẩu súng của lão Sâng đã được thư thoong. Trên vách liếp bên bếp lửa lão Sâng treo đủ các loại móng vuốt của các loài thú, các loại chân chim đến các loại sừng đủ mọi chủng loại, kích cỡ. Nhìn thấy bộ sưu tập của lão nhiều thợ săn đã phải ngả mũ bái phục. Lão Sâng lấy làm hài lòng thành tích của mình được ngay chính những chủ phường săn khen ngợi. Nhưng cuộc đời đi săn của lão cũng để lại những kỷ niệm buồn mà đến chết lão cũng không quên. Lão kỷ niệm đêm thứ ba trăm sáu mươi lăm săn bắn của mình bằng việc phải đền cho người ta con trâu mộng. Đêm đó Sâng đi vào rừng một mình, không đem theo chó, chỉ đem theo một con dao quắm sắc và khẩu súng vật bất ly thân của lão. Đêm nay Sâng sẽ diệt con hổ một tai. Nó đã bắt không biết bao nhiêu con lợn của bà con trong vùng. Nhiều con bê, nghé đã trở thành thức ăn của nó rồi. Đêm nay mày mà để tao gặp được, sẽ không cần đến viên đạn thứ hai đâu. Một viên thôi cũng đủ kết liễu mạng sống của mày rồi. Vừa đi, Sâng vừa nghĩ những tình huống có thể xảy ra. Mắt không ngừng quan sát, tai không ngừng nghe động tĩnh xung quanh, hai lỗ mũi lúc nào cũng phập phồng hít hà, mong sẽ đón mùi măng chua theo gió đưa tới. Con đường Lũng Ngàng này Sâng đã quen từng cái cây ngọn cỏ. Chân Sâng phăm phăm bước, chiếc đèn pin vẫn để trong túi quần, khi cần thiết là có thể thò tay vào và lấy ra chỉ trong chốc lát. Đã cách bản hơn năm sáu nghìn bước chân rồi. Không gian thật tĩnh lặng. Không một tiếng chim, cũng chẳng có con thú nào kêu lên xóa tan bầu yên tĩnh. Linh tính mách bảo Sâng, rừng càng tĩnh lặng bao nhiêu thì cơ hội lão gặp con hổ một tai càng lớn. Một khi chúa sơn lâm ra kiếm ăn thì những con thú nhỏ hoặc phải trốn ở trong hang không dám thò mặt, hoặc là chúng đã phải chạy đi nơi khác nếu không muốn trở thành bữa ăn đêm của hổ. Sâng chợt dừng lại, mùi măng chua theo gió thoảng đến nồng nặc. Nhanh như chớp, Sâng thọc tay vào túi quần lấy chiếc đèn pin ra quàng lên trên đầu.
Một tay bật công tắc lia liền một vòng. Tay kia Sâng nâng khẩu súng lên sẵn sàng nhả đạn. Bị ánh sáng chiếu vào bất ngờ, theo phản xạ con hổ nhìn về phía phát ra ánh sáng. Hai quầng mắt đỏ to như hai cái chụp đèn đang nhìn về phía Sâng, chỉ cách vài chục bước chân. “Phen này thì mày hết đường sống rồi con hổ thành tinh ạ. Làm sao mày có thể tránh được khi khẩu súng của tao đã được thư thoong, đã thế tao lại còn lấy máu của tao bôi vào nòng súng, đạn cũng đã được ngâm trong máu rồi”. Sâng thầm nghĩ. Và nhanh như cắt, nâng khẩu súng lên, đoàng, tiếng nổ xé tan màn đêm. Trong nháy mắt con hổ đã đổ gục xuống bãi cỏ may. Hạ khẩu súng xuống bên hông, Sâng thấy có gì đó không phải. Sâng đã hạ hàng chục con hổ, con nào con nấy trước khi chết đều gầm lên một tiếng và lao về phía trước trước khi gục chết. Nhưng con hổ một tai này sao chẳng gầm lên, cũng không lao về phía trước? Nó chỉ chồm lên, loạng choạng và ngã xuống. Lão Sâng tiến lại gần con thú vừa bị hạ bởi khẩu súng săn đã được yểm lời chết chóc. Và lão kinh sợ, trước mặt lão không phải là con hổ một tai mà là con trâu mộng của ké Hói, lạo tồng của Sâng ở làng bên, ngôi làng thường hay thả rông trâu bò sau tiết khí Sương Giáng. Một người có nhiều kinh nghiệm phân biệt mắt thú rừng với mắt vật nuôi, nhưng không hiểu sao hôm đó Sâng lại nhìn mắt trâu màu vàng xanh thành màu đỏ của con hổ quái ác kia, lại còn có cả mùi măng chua hăng hắc, bản thân lão cũng không tài nào hiểu được.
Cái tin tay săn lão luyện Hạ Hầu Sâng bắn chết con trâu đực nhà tồng Hói trong lúc đi săn nhanh chóng lan ra như ngọn lửa gặp trận cuồng phong. Danh tiếng của Sâng bị sụp đổ trong mắt mọi người. Với lão Sâng việc đó không quan trọng, điều lão cần làm là phải hàng phục được con hổ tinh một tai vẫn đang rình mò ở đâu đó tìm bắt vật nuôi của người làng. Sau khi thỏa thuận đền con trâu mộng bằng hai con trâu nái đi bừa cứng cáp, lão Sâng ngày đêm lần theo dấu vết của con vật ác. Nhưng phải mất một mùa trăng lão mới tìm thấy nó. Lần này lão sẽ không cho nó thoát. Con hổ đang nằm trong bụi cây mạy lầu (một loài thân thảo cao khoảng 2,3 mét có lá giống như lá mía), bên cạnh nó là một nửa con trâu nhỡ nó vừa bắt về chưa ăn hết. Lão Sâng chèo lên cây cao, nhằm thẳng tim con hổ dữ mà nổ súng. Bị trúng đạn nó gầm lên vọng cả núi rừng. Tiếng gầm của nó làm bầy chim dáo dác bay, những con thú nhỏ gần đó nghe thấy cắm đầu bỏ chạy. Lão Sâng không ăn thịt con hổ một tai, cũng chẳng lấy thứ gì thuộc về nó. Mẹ con thằng Lý được lão chia cho nhiều thịt, xương. Đến nay Lý vẫn còn vài miếng cao của con hổ một tai.
Lẽ nào khẩu súng thư thoong khi không được nhả đạn thường xuyên quay ra phản chủ? Lý đã nghe chính miệng lão Sâng kể chuyện hai người thợ săn cùng mang súng vào rừng. Hai người chia nhau đi hai hướng, hẹn gặp nhau tại một điểm cuối cánh rừng xa. Mỗi người phát hiện ra con mồi của mình. Hai con mồi chạy vào giữa rừng. Đuổi được một quãng đường dài, cả thú và người đều thẫm mệt. Họ nghỉ chân và tắt đèn để nghe động tĩnh. Người bạn kia đuổi tới, chiếc đèn pin trên đầu bị đốt lâu quá đâm ra cháy bóng. Bạn đang hí húi thay chiếc bóng khác, ông bạn tồng nghỉ chân nghe thấy soạt một cái. Biết con thú vừa lướt qua bạn nghỉ chân bấm đèn pin soi sáng. Không hiểu vì mệt hay vì lý do nào đó mà người bạn kia không lên tiếng khi nhìn thấy ánh đèn pin của bạn. Còn người bạn này không hiểu vì sao lúc đó lại nhìn người bạn tồng săn của mình, hai mắt sáng như hai mắt con sơn dương, trên mình khoác bộ lông màu đỏ sẫm. Không ngần ngại bạn tồng đã nổ súng vào con sơn dương.
Lý không biết chuyện đó có thật không? Nhưng giờ thì lão Sâng đã hứng trọn viên đạn của xúc Tý. Không lẽ xúc Tý cũng nhìn lão Sâng ra chú sơn dương, hay con lợn lòi gì đó cứ thế khạc đạn? Sao những người đi săn lại hay thư thoong vào khẩu súng của mình? Đến khi khẩu súng phản chủ mới trắng mắt ra thì quá muộn. Cứ nghe chuyện bắn nhầm ở tận đẩu tận đâu xa xôi lắm, nào hay nó luôn rình rập bên mình chờ thời cơ phát tác. Mà khi phát tác là có án mạng, gây ra biết bao nhiêu vết thương lòng khó chữa lành. Cho đến những hơi thở cuối cùng, lão Sâng cũng không thể hiểu được mình lại biến thành một con gấu ngựa trong mắt của xúc Tý. Tý nổ súng là để tự vệ, để lấy thành tích với phường săn. Con gấu ngựa đang đi về phía Tý, nếu ông không nổ súng có thể sẽ bị con gấu táp vào mặt. Một khi nó táp trúng không chết cũng liệt giường cả đời. Nhưng khi con gấu đổ gục xuống, màn sương mỏng bay đi Tý lại thấy lão Sâng ngã vật xuống đất, máu me đầy mình. “Không được nổ súng, không được nổ súng bắn người”. Những người trong phường săn thấy Tý giương khẩu súng lên đã hét lên như thế. Nhưng lúc đó bên tai Tý lại nghe thấy người ta nói “bắn con gấu đi, đừng để nó làm hại con người”. Cả thị giác và thính giác đều bị đánh lừa. Dường như có một cái gì đó sai khiến, đánh lừa con mắt và đôi tai Tý, lúc đó ông đã là một con người khác. Cả lão Sâng cũng vậy, lúc ấy lão cũng không còn là con người mà biến thành một con vật có bốn chân hung dữ. Tý nghĩ có thể lúc đó Tý cũng đã biến thành một con xúc vật nào đó. Tý không nổ súng trước biết đâu người chết sẽ là ông mà không phải lão chủ phường săn. Lão Sâng đã chết bởi khẩu súng Tý mang theo, sự thật không thể bàn cãi làm người bắn sợ hãi vô cùng.
Đêm nay ở ngoài bãi, tiếng con chim Tắc nghỉ kêu hoài không ngớt. Sáng ra người ta thấy con chim chết ở bờ mương. Nó chết vì kiệt sức. Có người nói con chim Tắc nghỉ là linh hồn của thằng Lịch, con trai lão Sâng chết cách đây hai mươi năm. Hằng đêm con chim Tắc nghỉ vẫn theo bước phường săn vào rừng sâu núi hiểm. Lão Sâng bị bắn chết khiến con chim buồn đau kêu mãi cho đến khi không còn sức kêu nữa đã lăn ra chết bờ chết bụi.
Sau hôm cúng ba ngày cho lão Sâng, xúc Tý hóa điên. Ông tự cho khẩu súng của mình vào trong chiếc lò rèn nung chảy rèn con dao để xẻ thịt con thú rừng mà lão Sâng sắp đem về. Xúc Tý đợi mãi chẳng thấy lão Sâng đem con cầy hương về đã bước chân đi tìm. Có người nói xúc Tý đi lên núi tìm lão Sâng bị ngã xuống vực chết mất xác. Có người nói xúc Tý đi vào rừng bị hổ vồ ăn thịt chỉ trơ lại hai bàn chân. Lại có người nói xúc Tý chết ở trong rừng sâu xác bị loài quạ đen rỉa rói, khi người nhà tìm thấy chỉ còn trơ lại bộ xương còn dính một ít thịt thối rữa.
Còn một điều lạ mà Lý và cả những người trong bản đều không thể nào hiểu được khẩu súng của lão Sâng đã mất tích một cách đầy bí ẩn. Khẩu súng luôn ở bên lão, nhưng khi lão gục xuống những người trong phường săn nhào đến đã không thấy khẩu súng đâu cả. Bóng đêm đã lấy đi khẩu súng được thư thoong hay nó đã tan biến khi chủ nhân của nó đã trở về cát bụi? Chủ phường săn chết, xúc Tý không biết đi đâu. Một khẩu súng đã bị kẻ điên cho vào lò rèn nung chảy thành thứ sắt vô tác dụng, còn khẩu kia không biết đã biến mất đi đâu. Mất đi hai trụ cột phường săn Thềnh Đông như đống lửa tàn theo trận mưa rào giận dữ giữa đêm hè.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...