Còn trong tiềm thức
Khi những chiếc lá cội cuối cùng vội vàng rời cành để nhường chỗ cho những chồi non đang nhú, khi những nụ đào chúm chím đợi xuân về để khoe sắc hồng tươi, và mai vàng dịu dàng đón nắng,... là khi cái Tết cận kề.
Đã qua rồi đói nghèo công nợ. Đã qua rồi những thèm một bữa no cơm tẻ, ước một bữa cơm ngon không độn, mơ một chiếc áo hoa mới, một đôi dép để diện, để khoe xóm giềng trong mấy ngày tết. Cuộc sống nay đã khác xưa nhiều lắm rồi. Người ta ở nhà đẹp, thiết kế mo-del, tiện nghi đủ đầy, sang chảnh. Người ta đi xe đẹp, xe sang, mọi sinh hoạt cũng tân tiến, lịch lãm. Nhà tôi không khá giả cho lắm, chỉ ở mức trung bình mà tôi cũng thấy hài lòng, mãn nguyện lắm rồi. Nhưng cứ mỗi cuối năm, khi cái Tết cận kề, tôi lại bâng khuâng hoài niệm, lại thổn thức nhớ về Tết xưa.
Cứ nói đến Tết thì bọn trẻ chúng tôi đứa nào cũng háo hức. Được nghỉ học, được vui chơi, nhất là được ăn no, ăn ngon hơn thường ngày, lại còn được diện quần áo mới, được mừng tuổi nữa. Cái tuổi “Ăn chưa no, lo chưa đến” như chúng tôi đứa nào mà chẳng mong Tết. Trong khi người lớn thì tất bật lo toan, vất vả lo công nợ.
27 Tết, chúng tôi được nghỉ học. Người lớn vẫn đi làm. Họ chỉ được nghỉ ba ngày theo quy định của Nhà nước nhưng vẫn phải thay nhau trực Tết.
Từ trước đó cả tuần, Tiểu khu tôi, nhà nhà đã rộn lên không khí chuẩn bị đón Tết. Người ta sửa sang, vệ sinh ngõ xóm, trang hoàng nhà cửa, mua sắm... Chị em tôi cũng bảo nhau quét dọn trong ngoài nhà sạch sẽ, gọn gàng. Vườn tược cũng được xới tỉa tươm tất. Chúng tôi còn ra công trường xin vôi củ về tôi, quét tường nhà trắng toát. Cây quanh nhà cũng được khoác lên mình lớp áo mới trắng tinh, sáng sủa. Bấy nhiêu cũng là đón Tết.
Cha không còn. Ngoài tám giờ làm việc ở nhà máy theo quy định, mẹ còn nhận thêm việc đun nước, vệ sinh công xưởng để có thêm mấy đồng sắm cho các con đứa cái quần, đứa cái áo hay đôi dép mới. Là chị của 6 đứa em, mới 12 tuổi mà tôi như một lao động chính, một quản gia bất đắc dĩ.
Cái thuở hàn vi, có biết bao điều người ta muốn quên, nhưng còn có bao kỷ niệm vẫn dong duổi cùng ta, hoài theo năm tháng.
Nhu yếu phẩm (hàng Tết) mua theo tiêu chuẩn tem phiếu. Có gạo nếp, đỗ xanh, miến dong, có mì chính, hạt tiêu, thịt lợn,....
Xếp sổ đong gạo là việc quan trọng số một. Cán bộ, công nhân nhà nước, nhà nào chả thế. Từ 2 giớ sáng, mấy đứa lau nhau chúng tôi đã í ới gọi nhau đi xếp sổ gạo. Cửa hàng lương thực Vó Ngựa cách nhà hơn chục cây số. Gần trưa thì cũng đến lượt.
- Trần Thị Lan - Đến lượt rồi.
- Có ạ! - Tôi nhanh nhẩu vào kho xúc đủ 16 kg ngô mảnh, 4 kg gạo (độn 80% mà). San đều vao hai túi vải diềm bâu, buộc chặt vào hai đầu đòn gánh, tôi quẩy một mạch về mà không phải nghỉ chặng nào. Thầm nghĩ: Sao hôm nay mình gánh giỏi.
Chiều, 5 giờ mẹ đi làm về, tôi khoe đã đong được gạo. Theo thói quen, mẹ vào mở nắp thùng và hỏi liền:
- Họ không bán hết à con?
- Có mà mẹ. Sổ nhà mình còn 20 cân họ bán hết.
- Sao có lưng thùng? - Giọng mẹ thảng thốt
- Con xem cân mà mẹ. Quả cân về thăng bằng rồi con mới trút vào bao - Tôi chắc chắn.
- Thôi rồi con ơi, 20 cân thì phải đầy thùng. Người ta cân thiếu cho con rồi. Thiếu hẳn một nửa, làm sao bây giờ?.... - Mẹ nói như khóc. Tôi chột dạ. Thảo nào hôm nay gánh một mạch từ kho gạo về thấy nhẹ, nhẹ thật!
Tôi hoảng hốt, miệng cứ lắp bắp không thành câu.
Mẹ vừa khóc vừa trút cả vào bao buộc túm lại đặt lên đầu tôi giục: “Đi đi, nhanh lên xuống kho gạo may còn kịp. Mẹ cho em bú rồi đi sau”. Tôi như một cái máy, đầu đội 10 cân cả ngô và gạo, chân đất vừa chạy vừa khóc, vừa sợ... Chốc chốc lại ngoái lại xem có thấy mẹ. Qua cầu Vó Ngựa, cách cửa hàng lương thực chừng hai cây số mẹ đuổi kịp tôi bằng chiếc xe đạp mượn của chú Tiệp. Mẹ chở bao gạo, tôi tiếp tục chạy bộ theo sau. Vẫn vừa chạy vừa khóc lo họ không trả lại cho 10 cân bị thiếu. 10 cân là 5 ngày ăn. Lấy đâu để bù. Chị em tôi sẽ bị đói 5 ngày!
Cuối ngày, cửa hàng họ đang kiểm kê. Mẹ trình bày họ không giải quyết. Tôi khóc không thành tiếng nữa, hai chân nhũn ra khuỵu xuống rồi cả chân và tay cứ thế duỗi đuột ra. Mẹ cuống lên: “Cứu con... t.ô.i..!”. Mấy cô nhân viên cửa hàng nhào cả tới. Có cả bác cửa hàng trưởng. Một thoáng, bác nhận ra mẹ. Thì ra là bác Thưởng, đồng ngũ với cha tôi ngày trước. Nghe ra chuyện, bác í yêu cầu cô nhân viên cân bù cho mẹ con tôi 10 cân gạo, không phải ngô. Hình như cô nhân viên cũng bị bác khiển trách. Mẹ vẫn ôm rịt lấy tôi xót thương, lo lắng có cả hối hận. Tiện có xe chở hàng lên kho Gia Sàng, Bác Thưởng bảo lái xe đưa mẹ con tôi về tận cổng.
29 Tết, lại xếp hàng mua thịt lợn, tiêu chuẩn Tết. Tổng cộng phiếu Tr phiếu N và phiếu E của mẹ, nhà tôi được 2,8 kg. Quá 11 giờ trưa, sắp đến lượt, cửa hàng thông báo hết thịt. Nhiều người hôm đó cũng về không. Chỉ còn ngày 30 Tết. Mai mẹ cũng được nghỉ rồi. Cơm tối xong, rủ thêm cái Hoa, cái Diện, thằng Thắng chúng tôi đi đặt gạch xếp hàng, nhất định mai phải mua được thịt.
Đến giờ mở cửa, mọi người ào lên, nhưng cũng chẳng ai cố chen ai, họ đứng đúng chỗ mình đặt gạch, xếp hàng.
Đã đến lượt mình. Hai cân tám lạng. Tôi lẩm nhẩm. Một cân loại 1, một cân loại 2 và 8 lạng xương. Cắt các ô phiếu xong, thanh toán tiền xong rồi họ mới cân thịt. Tôi cẩn thận nhìn kỹ cân, kim chỉ từng con số trên mặt cân. Chính xác rồi. Xách xâu thịt và xương, lách ra ngoài. Toát mồ hôi giữa ngày đông rét mướt.
Đợi nhau, xong cả bọn cùng về. Đứa nào cũng thấy đói. Bảo nhau kiểm lại tiền coi còn đủ để đứa nào cũng mua được cho mình một chiếc bánh rán đường hai hào. Ngày 30 Tết, rét mà có nắng. Nắng làm khuôn mặt mấy đứa hồng lên rạng rỡ.
Có thịt lợn rồi, chiều về mẹ sẽ gói bánh chưng. Cứ nghĩ đến đến đàn em tíu tít quanh mẹ, nhộn nhạo bên nồi bánh chưng đêm giao thừa mà lòng chộn rộn, mà háo hức vui đến ngập tràn. Quãng đường về nhà thật ngắn!
Tết xưa với tôi, với những đứa trẻ cùng thời là như thế đó. Hoài niệm thì thật nhiều. Sướng khổ, vui buồn một thời của mẹ cha, của tuổi thơ chúng tôi như cuốn tiểu thuyết nhiều hồi nhiều chương, ăm ắp kỷ niệm. Chất chứa vơi đầy xúc cảm!
Chuyện tem phiếu, chuyện đặt gạch, ghi tên xếp hàng... mãi còn trong tiềm thức. Chúng tôi lớn lên, trưởng thành từ thời bao cấp. Thiếu thốn, nhọc nhằn mà ấm áp, mà chan chứa yêu thương… Để chẳng thể nào quên!
Ngô Thúy Hương
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...