Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
00:11 (GMT +7)

Con nhện

VNTN - Sa nằm duỗi thẳng trên giường, nhắm hay mở mắt cũng vẫn là hình ảnh con nhện ôm bọc trứng nổi lều phều trong bồn cầu. Tối nay trong lúc đi vệ sinh Sa đã không bật điện nên chẳng phát hiện ra trên thành bồn cầu có một con nhện đang ở đó. Cho đến lúc múc chậu nước dội nhà vệ sinh, qua thứ ánh sáng lờ mờ từ gian bếp hắt vào Sa mới nhận ra con nhện. Phản ứng đầu tiên của một con nhện mẹ cũng hệt như người đàn bà bảo vệ con mình trong tình huống hiểm nguy. Con nhện ôm gọn bọc trứng bằng những cái chân dài ngoẵng. Cũng nhờ thế nó có thể nổi lên mặt nước mà không bị chui tọt theo dòng nước trôi xuống cống rãnh tối om và hôi thối. Sa luống cuống dùng một chiếc đũa cũ để vớt nó lên nhưng chẳng may hất bọc trứng bung khỏi người nhện mẹ. Con nhện vùng vẫy rất lâu hòng ôm lại bọc trứng của mình nhưng không thể. Vì Sa đã vớt con nhện vứt vào sọt rác ngay bên cạnh, nó nằm phơi bụng trong đó, im lìm bất động. Sa quay lại dội thêm vài gáo nước vào bồn cầu, bọc trứng nhẹ phều không chịu trôi đi cứ nhấp nhô trong nước. Nó làm Sa nhớ đến truyện ngắn “Con nhện ôm trứng” của tác giả Hoàng My mà mình từng đọc từ lâu. Hẳn là nhiều người sẽ bị ám ảnh bởi câu chuyện đó giống Sa. Nhất là khi có thể dễ dàng nhìn thấy những con nhện nằm đâu đó trong nhà: trên giá sách, góc tường, giàn bát hay có khi chúng bò lổm ngổm cả trên giường. Con gái Sa mỗi lần vào nhà vệ sinh đều bị mẹ chỉ lên con nhện đen ngòm dọa: “Nếu con không đánh răng là con nhện sẽ tiến lại gần ăn thịt”. Con mếu máo kêu: “Sợ lắm”. Trong một đêm nào đó Sa từng mơ thấy mình bị con nhện khổng lồ quắp chặt. Hệt như nó quắp bọc trứng của mình rồi biến mất vào trong bóng tối. Những chiếc chân của nó to như cái cần cẩu, quềnh quàng ngoạm từng mảng tối. Sa thấy mình nghẹt thở…

 

Nhà Sa nằm dưới núi. Mùa mưa năm xưa lũ quét qua xén ngang cái bếp, làm bật gốc cây sấu già và nuốt chửng nửa mảnh sân. Mùa mưa năm ngoái đường của lũ đi qua quét nốt nửa mảnh sân còn lại, tạo thành một hố sâu nước ăn lõm vào cả nền nhà. Sa tính năm nay có thể lũ sẽ quét nốt cái nhà, dễ lắm chứ vì lũ đâu có mắt để mà tránh chừa ai. Sắp đến mùa mưa, Sa đã mấy lần tính nói với mẹ khăn gói chuyển đi. Nhưng làm sao có thể giải thích cho một bà già vừa mù vừa điếc về sự hung dữ của một cơn lũ quét. Những mùa lũ đi qua, bà già vẫn ngồi im lặng trong buồng bằng ánh mắt mờ đục và bình thản. Sa thừa biết bà sẽ không chịu đi đâu cả. Những người già luôn vậy, họ thà chết ở nơi chôn rau cắt rốn còn hơn sống cuộc đời tạm bợ ở một nơi nào đó không phải quê nhà.

Chồng Sa thì chui lủi trong rừng quanh năm ngày tháng. Đã có lúc Sa định men theo vệt của khoảng rừng trọc và vệt máu của cây để tìm Lẫm. Nhưng không thể bỏ lại đứa con gái bốn tuổi cho người bà mù nên đành bất lực. Nhiều khi Sa nghĩ có thể cơn lũ sẽ mang Lẫm về theo cách của nó. Một ý nghĩ bất nhẫn và điên loạn. Hơn một năm rồi Lẫm không về, con gái Sa thèm được sà vào vòng tay bố. Vòng tay chỉ biết ôm những khúc gỗ của rừng. Sa có nhắn chồng, chừng nào về buộc tóc cho con, sửa mấy thứ đồ chơi bằng gỗ. Nhưng Sa không biết Lẫm có đọc được tin nhắn hay không. Có khi nó lẫn trong đống tin nhắn rác luôn đầy ứ. Ngó sang nhà hàng xóm thấy cha con người ta ngồi buộc tóc cho nhau không hiểu sao Sa cảm thấy mất mát đến xót xa. Lòng Sa hệt như những khu rừng trơ trọi. Nơi còn lại những dấu rìu sắc lẹm trên gốc rễ của cây. “Sau những ngày nắng hạn sẽ là mưa lũ”. Mẹ lẩm bẩm nói thế trong bữa cơm chiều.

***

Dạo này đêm nào Sa cũng mơ. Giấc mơ mười bảy tuổi. Sa kêu gào giãy đạp khỏi hai bàn tay khỏe như gọng kìm của kẻ hiếp dâm. Gã như con thú dữ lao vào ngấu nghiến Sa, ngoạm những vết răng sắc trên da thịt nõn nà mười bảy. Sa nằm đó lõa lồ đón từng đợt lá cây rụng xuống, phủ kín cơ thể mình. Bên cạnh, những gốc phong lan rừng rơi ra khỏi chiếc gùi dập nát. Sa nghe thấy tiếng mẹ vọng vào vách núi. Tiếng vọng cứ ngân mãi không dừng tạo ra luồng âm thanh ma mị. Sa thấy bầu trời chao đảo, những tán cây hoảng hốt. Vài chú chim thất thần bay lên rồi mất hút. Sa mấp máy môi gọi mẹ ơi nhưng không thành tiếng. Sa cứ chìm nghỉm trong giấc mơ cho đến khi con gái tỉnh giấc giữa đêm đòi đi tè. Cả cơ thể đau nhức dính chặt xuống giường. Nếu không có con, không vướng mẹ già thì Sa ước mình đừng tỉnh giấc. Để khỏi phải chua xót chờ đợi một người từng đẩy mình vào cơn bĩ cực. Mười năm sống trong mặc cảm. Cuối cùng Sa đành phải lấy chính người đã hãm hiếp mình làm chồng. Vì không có ai chịu yêu một người con gái đã từng bị hãm hiếp giữa rừng. Vì mẹ cứ khóc hoài khi không thấy Sa chịu lấy chồng, sinh con. Sa đồ rằng mẹ đã nhìn thấy cả nỗi đau thể xác và tinh thần của con gái mình dù tai bà điếc, mắt bà mù. Không có nỗi đau nào của con cái mà cha mẹ lại không thấu hiểu. Hôm dẫn Lẫm về nhà, mẹ khóc. Lẫm ngồi bên mâm cơm ăn hùng hục. Đêm đến Lẫm hùng hục ghì Sa trên tấm chiếu trúc rồi lăn ra ngủ. Sa sờ lưng mình thấy hằn rõ từng mắt chiếu. Lẫm nói cả đời này chỉ yêu mình Sa thôi. Yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên lúc thấy Sa địu gùi hoa phong lan xuống núi. Để rồi biến đời Sa thành cành hoa dập nát. Kể từ đó chợ xóm núi không có người con gái ngồi bán lan rừng. Khách du lịch có lần ghé tận nhà ngước mắt nhìn lên núi, quay lại hỏi Sa “sao làm nhà giữa đường đi của lũ thế này?”.

***

Lẫm nghe vợ kể cười ha hả. Đường của lũ ấy hả? Chỗ nào anh đi qua chả là đường của lũ. Sa nhìn mặt người đàn ông mình gọi là chồng chỉ thấy những nếp nhăn nhằng nhịt. Ban đêm, qua ánh sáng của của chiếc đèn ngủ cắm ở góc tường Sa thấy những nếp nhăn ấy giống như vân gỗ. Mặt chồng chẳng khác gì mặt cắt của một thân cây, khi đã bị lưỡi cưa xén ngọt. Mỗi một thân cây đổ gục dưới tay Lẫm hình như đều tìm cách để lại một dấu vết gì đó trên cơ thể người đã kết thúc vòng đời của nó. Sa có thói quen không bao giờ mở mắt lúc ân ái cùng chồng. Bởi thật ra chẳng có cuộc ái ân nào hạnh phúc khi mà Sa luôn nghĩ chính là Lẫm đã giết dần mòn cô bằng ham muốn xác thịt. Tiếng thở hồng hộc, mùi mồ hôi hăng hắc của Lẫm đều khiến Sa gợi nhớ đến nỗi đau đớn và mất mát năm mười bảy tuổi. Mặc cho Lẫm vui thú trên thể xác của mình, Sa nhắm mắt để cho từng lớp, từng lớp lá vàng rơi phủ đầy thân thể. Trong mắt Sa chỉ còn lại hình ảnh về rừng và sự bao dung của từng tán cây, từng gân lá. Miên man để quên đi những vết răng ngấu nghiến trên bầu ngực, bả vai. Chỉ đến khi nghe thấy tiếng mẹ gọi trong tâm thức Sa mới mở choàng mắt. Bắt gặp mắt Lẫm đang nhìn mình nhấp nhô khoái cảm. Mắt Lẫm hằn lên từng tia máu đỏ, thành chùm tua tủa vươn ra như rễ cây, đậm dần, ma mị. Sa hoảng sợ hất Lẫm ra khỏi cơ thể mình.

- Anh từng chặt bao nhiêu cây gỗ trên rừng?

- Nhiều lắm làm sao mà nhớ nổi.

- Anh không thấy sợ à?

- Sợ gì?

- Mẹ từng nói mỗi một cái cây là một linh hồn.

- Vớ vẩn. Đúng là đàn bà. Họng súng của kiểm lâm đây còn chẳng sợ nữa là mấy trò mê tín vớ vẩn đấy.

***

Lẫm nói rồi vắt áo lên vai lẩn vào rừng. Sa nhìn theo Lẫm cho đến khi thấy chồng mình tan biến trong nắng hạn. Khi không còn rừng nữa thì đất và trời là một. Vạn vật giống như đang bị nhốt trong chảo lửa, đậy kín vung mặc kệ cho chúng sinh giãy giụa. Bé Sim, con gái Sa không chịu được nắng nóng. Sim thường chui dưới gậm giường chơi với con mèo nhỏ. Người nó lúc nào cũng lấm lem bụi bặm. Sa từng hét toáng lên khi lôi Sim từ gậm giường ra thấy con nhện đang giăng tơ trên tóc con. Mắt con nhện đỏ au ngước lên nhìn Sa. Sa chợt nhớ đến con nhện bị dội nước trong nhà vệ sinh hôm nào lúc nằm thẳng cẳng trong sọt rác mắt nó cũng hằn từng tia đỏ oán hờn. Nhắc đến con nhện Sa mới nhớ ra lúc đi đổ rác đã không còn thấy nó nằm trong sọt. Có thể nó còn sống và đã bỏ đi. Biết đâu con nhện giăng tơ trên đầu Sim lại chính là nó. Nghĩ đến đó tự nhiên Sa thấy rùng mình. Thẳng tay hất con nhện xuống nền nhà, Sa ôm chầm lấy con, sợ hãi. Sim hồn nhiên bảo:

- Mẹ đừng làm con nhện đau như thế.

- Biết nó là nhện lành hay độc. Từ giờ con không được chui xuống gậm giường nữa. Chỗ sáng sủa không ở lại cứ chui vào chỗ tối tăm.

- Nhưng bên ngoài nóng lắm. Sao mẹ không trồng cây xanh trước cửa nhà mình.

Thật ra thì Sa đã từng trồng cây xung quanh nhà. Nhưng mùa nắng thì chết cây, mùa mưa thì nước xối bung cả rễ. Đâu phải cứ trồng là cây sẽ sống. Ở mảnh đất này đến yêu thương trong tim còn chết dần mòn. Nhưng Sim lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cây. Đầu óc con bé xanh như tán lá. “Chỗ này cây sấu, chỗ này cây xoài, chỗ này đu đủ… Rồi vườn nhà mình sẽ xanh mát ngọt ngào. Con không chui dưới gậm giường mà chạy luồn dưới những tán cây”. Lúc đặt những thân cây bé xíu xuống hố đất mới đào Sim đã nghĩ ngay đến mùa quả ngọt. “Con sẽ phần những quả chín nhất cho bà và mẹ. Mùa quả bố có về không ạ?”. Sa không hiểu sao mình lại gật đầu dù biết Lẫm chỉ trở về nhà khi có việc quan trọng cần xuống núi mà thôi. Về, có khi vứt cho mẹ con Sa ít tiền, có khi không. Nhưng lần nào cũng mang về thêm một vết sẹo trên người. Có thể ở đuôi mắt, chình ình giữa mặt hay một vết chém dài giữa ngực. Lúc cởi áo đè xuống người Sa, Lẫm không quên khoe chiến tích:

- Hôm đấy anh né kịp. Chút xíu nữa trúng tim thì giờ này anh ngồi trên ban thờ ăn chuối cúng rằm rồi.

- Anh cứ đi biền biệt, gọi không nghe, kêu không thấy. Nói dại chứ nếu anh có chết tôi cũng chẳng biết mà thờ.

- Em lo quái gì. Chết trên đầu nguồn thì kiểu quái gì xác cũng trôi xuống dưới. Nếu không thấy anh thì cứ giăng lưới vào mùa lũ mà vớt xác chồng. Em quên à, bạn em chẳng từng nói nhà mình nằm đúng đường đi của lũ hay sao?

- Phỉ phui miệng lưỡi.

- Em có khi còn mong tôi chết quá ấy chứ. Đúng không?

Sa cụp mắt tránh ánh nhìn xoáy sâu như một mũi khoan của Lẫm. Tua tủa rễ cây như muốn bò ra khỏi con ngươi Lẫm, vươn đến ăn sâu vào tận tim Sa. Nếu một cái cây bắt nguồn gốc rễ từ sự hoài nghi, lòng căm giận thì nó sẽ lớn lên ra sao? Hoa nó có thơm không? Quả nó có vị gì? Có thể nó sẽ độc như lá ngón, đắng như rau đắng cẩy hay chua chát như vị của quả mây rừng. Cũng có thể nó sẽ chết yểu trước mùa ra hoa kết trái. Sa không biết nữa, đó là chuyện của một cái cây. Mà thật ra cây luôn bao dung, nên cho dù có phải sống trên mảnh đất cằn cỗi mặn mòi thì nó vẫn chắt chiu ra hoa thơm trái ngọt. Bé Sim cũng vậy, dù sống trong cảnh thiếu thốn tình cha con nhưng lúc nào con bé cũng nghĩ về bố nó bằng tất cả tình yêu thương trìu mến. Cây xoài cao bằng đầu, cây sấu đã phổng phao, cây đu đủ giống mới đã bắt đầu ra trái. Con bé cứ vài hôm lại hỏi “bao giờ thì quả chín mẹ ơi?”. Sa nhìn lên thác nắng đổ từ đỉnh núi xuống chân núi khẽ rùng mình. Giếng cạn khô, mấy hôm nay Sa phải đi xin nước. Nhưng nếu còn nắng mãi thì tất cả sẽ như lũ cua bấy mà thôi. Ngấp ngoải mà chết dần mòn vì thiếu nước. Khách du lịch vắng vẻ dần vì nơi này quá khắc nghiệt, điều kiện sinh hoạt thì thiếu thốn. Nên nhà nghỉ phố núi vừa mới sa thải một loạt nhân viên trong đó có Sa. Ông chủ khách sạn vứt phong bì tiền lương trước mặt Sa hậm hực bảo:

- Nhẽ ra cô sẽ được giữ tới cùng nếu như cô biết điều để không xảy ra sự việc đáng tiếc như hôm qua. Cô thừa biết kiếm nước ở đây khó khăn thế nào mà? Tôi đã thuê người tìm mạch nước đào bốn, năm cái giếng nhưng đâu phải cứ đào xuống là có nước đâu. Ở đây cũng đâu có đường ống nước sạch. Cũng chẳng ai chở nước từ dưới xuôi vượt qua bao núi đèo để lên đây bán cả. Cô là người ở đây nhẽ ra cô phải hiểu tình hình chứ?

- Tôi hiểu là phải tiết kiệm. Nước vo gạo có thể mang rửa rau. Nhưng cũng không thể lấy nước rửa rau để luộc luôn rau làm canh cho khách ăn được.

- Sao mà không thể. Nếu thế thì đừng có rửa rau cứ thế mà cho vào nồi luộc. Rau sạch luộc cả đất cát vẫn còn tươm hơn rau là ăn đồ sạch bong mà tẩm đầy hóa chất. Cứ nắng nóng hạn hán thế này thì mấy hôm nữa mang nước rửa rau cho khách rửa mặt cũng nên. Cô cứ làm ầm lên, khách đã ít thì chớ. Rồi tôi không biết sống bằng gì. Mà cô ầm ĩ với tôi làm quái gì? Sao không về mà bảo thằng chồng cô ấy. Cả cái xóm núi này ai chả biết nó phá rừng từ năm mười bảy tuổi. Không phải vì những thằng như nó thì đã chẳng hạn hán thế này.

Sa trở về trằn trọc trong giấc trưa nhễ nhại mồ hôi. Mở mắt ra đã thấy con gái rúc rích cười dưới gậm giường. Sim gõ nhẹ vào thang giường gọi:

- Mẹ dậy rồi ạ? Mẹ có muốn xem khu rừng bí mật của con không?

- Mẹ đã nói đừng chui xuống gậm giường nữa cơ mà.

- Đây không phải gậm giường. Đây là một khu rừng mà mẹ.

Sa uể oải cúi xuống tính lôi Sim ra. Nhưng chợt nhìn thấy một cảnh tượng diệu kì. Cả gậm giường tràn ngập màu xanh. Qua luồng nắng hắt từ cửa sổ vào Sa nhìn thấy những mầm cây xanh non mơn mởn. Con gái Sa nằm sấp người chống hai tay lên cằm mỉm cười thích thú.

- Chúng ở đâu ra vậy?

- Con đã nuôi chúng ở trong này mẹ ạ. Những củ đậu mẹ mang về từ bếp của nhà nghỉ. Khoai tây và khoai lang xin từ nhà hàng xóm. Con giấu chúng ở đây. Mẹ nhìn xem, tất cả chúng đều có thể nảy mầm.

- Rồi con định làm gì với chúng? Rắn rết sẽ bò vào trú ngụ. Nguy hiểm lắm con à.

-Có gì đáng sợ đâu hở mẹ. Phải có cả động vật thì mới giống khu rừng. Con sẽ nuôi bọn chúng. Ở trong này mới có một chú nhện thôi mẹ ạ.

Nhện à? Nhện ư? Ngay lập tức Sa chui vào lôi con gái ra ngoài. Ám ảnh bởi ánh mắt đỏ ngầu của con nhện hôm nào nên đêm ấy Sa không dám ngủ. Bật đèn sáng, bế con trên tay. Chỉ sợ nếu nhắm mắt biết đâu con nhện sẽ bò lên cắn con gái của mình. Có lẽ phải phá khu rừng bí mật của con, quét cho thật sạch sẽ để yên tâm rằng chẳng có bất cứ con vật gì trú ngụ dưới gậm giường. Nhưng khi vừa định quờ nhát chổi vào gậm giường Sa bỗng khựng lại. Phá đi những mầm xanh của một đứa trẻ đã cất công chờ đợi và kỳ vọng thật là bất nhẫn. Nếu mai thức dậy không thấy một cái cây nào nữa chắc là con bé sẽ tổn thương. Nhưng cũng đâu thể nuôi những cái cây dưới gậm giường. Giờ biết tính làm sao? Ý nghĩ ấy đeo đuổi Sa suốt đêm không chợp mắt. Nếu hôm ấy con nhện không ở trong bồn cầu thì Sa đã không phải ám ảnh thế này. Tại sao bao nhiêu chỗ nó không trú thân mà lại chọn bồn cầu? Hay cũng vì nó không thể chịu được cái nắng hạn này nên đi tìm một nơi có nước? Nhện cái mang bọc trứng trên người liệu có khi nào rực lên như đàn bà có chửa? Có khi nào nó quanh quẩn trong nhà để tìm đòi bọc trứng của mình? Cái bọc trứng đã bị Sa dội ồ ạt nước cho trôi đi bằng được.

***

Trời bỗng tối sầm. Sấm sét vang lên. Mưa dội xuống ồ ạt thối trời thối đất. Đến chiều tối thì nước lũ đồ về ồ ạt. Người ta quay lên mạng cảnh thác nước đổ xuống đường đẹp như cảnh non nước hữu tình trong phim kiếm hiệp. Nhưng thực tế thì cuồn cuộn tan hoang, bất cứ ai từng trải qua đều khiếp đảm kinh hoàng. Trong nhà không có tài sản hay đồ vật gì đáng giá cần chạy lũ ngoài một bà già mù và đứa trẻ lên năm. Nhưng Sa không biết phải chạy đi đâu vì lũ có thể ập đến bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào. Mẹ Sa là người thản nhiên trước lũ. Có thể vì bà không nhìn thấy cảnh tan hoang, cũng không nghe thấy tiếng gầm gào của lũ. Nên bà vẫn thản nhiên ngồi têm trầu, thong thả nhai, thỉnh thoảng miệng nhành ra không rõ cười hay mếu. Lũ đi đường cũ, ào ào chảy qua trước nhà. Đứng ở sân nhà chạy vài chục bước chân là chạm vào dòng lũ. Lúc nước mạnh nhất, lũ thè cái lưỡi liếm gọn cây đu đủ của bé Sim trồng trước nhà, quả đã bắt đầu lớn phổng phao. Liếm luôn cả những thân cây mới trồng chưa kịp bám rễ sâu trước ánh mắt van nài của một đứa nhỏ.

Mưa tạnh, nước lũ cũng rút dần. Người ta bắt đầu mò mẫm những gì chìm dưới lũ. Nhà cửa, trâu bò, lợn gà, chiếc cặp sách in hình công chúa Elsa, con búp bê tóc xoăn bám đầy bùn đất. Sim hỏi “làm sao tìm lại những cái cây của con hở mẹ?”. Sim quá bé để hiểu rằng tất cả những gì cơn lũ đã mang đi thì sẽ không thể nào tìm lại. Ngay cả thứ cơn lũ mang về cũng không còn nguyên vẹn nữa. Như là cách mà Lẫm đã trở về nhà hệt như lời anh ta từng tiên đoán. Hay đó là cách mà Lẫm chọn để trả giá cho những việc mình làm, những tán cây đổ xuống, cho lòng tham mù quáng của loài người?

***

Nhập nhoạng tối hôm nước rút người ta thấy một bàn tay từ dưới bùn trồi lên như đang vẫy gọi. Bà già ngồi trong buồng rõ ràng chẳng nhìn thấy gì cũng chẳng nghe thấy tiếng ồn ào dưới kia. Nhưng bà bảo Sa “con ra đón chồng về”. Bà không câm nhưng từ lâu không ai nghe thấy bà nói câu gì. Ngay cả với con cháu trong nhà bà cũng không thấy cần phải nói. Nên những lời bà vừa cất lên khiến Sa bủn rủn. Chạy ra trước nhà thấy người ta đang xúm quanh bàn tay bốn ngón. Sa hộc lên một tiếng rồi ngã quỵ. Cuối cùng thì Lẫm cũng đã về mang theo dấu vết của rừng trên bàn tay cụt đi một ngón. Mắt Lẫm nhắm chặt lại nhưng sao Sa vẫn luôn cảm thấy những chùm rễ đỏ như máu đang bò ra khỏi hốc mắt chồng mình. Cả trăm nghìn cái rễ bò lan ra ngoài nắp quan tài, vươn khắp nhà quấn lấy mọi thứ và siết chặt. Mỗi một chiếc khăn trắng trên đầu giống như đang cúi xuống để tang cho một thân cây từng đổ xuống. Sa gục bên quan tài chồng không để ý đến bé Sim đã tách khỏi đám người ồn ào, tiếng kèn trống đam ma ỉ ôi, vài tiếng nấc khan của ai đang khóc người đã chết. Sim chui vào gậm giường bên những mầm cây xanh tua tủa. Sim nằm đó mê mệt thiếp đi sau một ngày khóc lóc. Cho đến khi đám đông vãn dần, đội kèn trống nghỉ ngơi Sa mới đi tìm con. Lúc định lôi Sim ra khỏi gậm giường Sa hoảng hốt thấy có một con nhện nằm dưới đất ngay bên cạnh khóe mắt con mình. Trên lưng nó cõng vài giọt nước. Hình như là nước mắt của Sim. Lấp lánh…

Truyện ngắn. Vũ Thị Huyền Trang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước