Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
07:44 (GMT +7)

Con chim xanh của ngày thơ bé…

Tùy bút: Nguyễn Thành Phong

“Ở đâu đó trong cánh rừng Tây Bắc/ Con chim xanh mào đỏ ức vàng”... Hai câu thơ này là mở đầu bài “Trong cánh rừng Tây Bắc” (1998), một bài thơ tôi viết về vùng rừng núi tôi đã sống và gắn bó từ khi niên thiếu đến lúc chớm bước vào tuổi thanh niên, được về Hà Nội học đại học và rời hẳn núi non. Không còn sống ở Tây Bắc, chỉ đôi khi trở lại thăm thú, nhưng những ấn tượng về núi cao, suối sâu và bao nhiêu câu chuyện đã thành sâu đậm trong ký ức.

Con chim xanh đẹp đẽ ấy, tôi nhìn thấy lần đầu tiên, để bỗng dưng tự dừng cơn khóc nỉ non khi bị bỏ lại một mình hồi còn bé tí trong căn lán sơ tán giữa rừng già. Đấy cũng là con chim xanh đẹp đẽ mà cha tôi đã mang về cho tôi từ một nơi nào đó xa xôi cũng trong thời thơ bé ấy.

Cha tôi có tôi khi ông không còn trẻ nữa. Cha tôi theo ông bà nội tôi đi khỏi làng từ khi mới hơn mười tuổi. Cả tuổi hoa niên của cha là lăn lóc kiếm sống ngoài vùng mỏ Vàng Danh, Cẩm Phả và sau đấy là trên các đường phố ở Hải Phòng. Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông tham gia tự vệ thành Hải Phòng. Ông lấy vợ, có con, đưa vợ con về quê sống với ông bà nội tôi ở làng Phú La, rồi lên đường tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông vào công an vũ trang, được điều lên tận trên Đại Từ, Định Hóa (Thái Nguyên), rồi sang Sơn Dương, Tuyên Quang. Ngày ấy gọi là chiến khu Việt Bắc. Từ cái làng nhỏ quê tôi ở Thái Bình nơi đồng bằng Bắc Bộ, ngóng lên núi rừng Việt Bắc, thì xa xôi và cách trở vô cùng. Lại đang trong chiến tranh, ngăn cách không chỉ bởi đường xa, mà còn súng bom, tề dõng… nữa. Cha tôi cứ đi mãi, đi mãi, không có tin tức gì gửi về. Người ta đồn đại ông đã có vợ mới ở trên Việt Bắc. Vợ con ông, đến một ngày thật buồn bã, đã dắt díu nhau bỏ làng ra đi...

Sau thời chống Pháp, cha tôi về lại làng. Cái tin đồn đại kia là không có thật. Ông bổ đi tìm vợ con. Nghe đâu, họ có gặp được nhau, nhưng không hiểu vì sao mà chẳng tái hợp lại. Cha tôi lầm lũi trở về, làm công tác trong xã, mãi mấy năm sau mới lấy mẹ tôi, một cô gái làng và sinh ra tôi, là con trai đầu…

Khi tôi bắt đầu biết nói, biết đi, biết mọi người trong nhà, thì cha mẹ tôi để tôi ở lại với ông bà nội, đi lên công tác trên Tây Bắc. Không hiểu tại sao cha tôi, một trai làng đã ra đi, đã đến vùng mỏ rồi vùng biển, lại cứ thích đến những vùng rừng núi, trước đây là Việt Bắc, rồi ngày đó là Tây Bắc. Đến năm tôi năm tuổi, cha mẹ tôi mới trở về, đón tôi lên ở cùng. Lại gặp đợt phải sơ tán vào rừng xa tránh máy bay Mỹ nên đám trẻ con hay phải ở một mình...

Giờ cứ tưởng tượng, mới lên năm, lên sáu tuổi mà phải ở lán một mình giữa rừng thì kinh hoàng lắm. Nhưng tôi không thấy thế. Tôi chỉ buồn khi cha tôi bảo, con phải ở lại đây để bố đi cùng các chú tìm bắn máy bay Mỹ. Cha dặn, con cứ chờ đi, thế nào cũng sẽ có những con chim đến chơi với con, sẽ có đàn bướm trắng hiện ra khi nắng lên. Tôi vẫn buồn lắm, cố chịu đựng lúc cha rời đi, rồi oà khóc, khóc to mãi, chẳng ăn thua gì thì chuyển sang nỉ non, thút thít...

Rồi mãi sau đó, đúng như lời cha nói, có một con chim lông màu xanh biếc, có cái mào đỏ chót, cái ức vàng rực, từ đâu đó bỗng bay đến, nghiêng ngó nhìn tôi. Nó cứ đứng ở khoảng nắng trước mặt nhảy nhót cho tôi vui. Tôi hết khóc, hết buồn và ngủ thiếp đi lúc nào không biết...

Buổi chiều cha về, ôm tôi vào lòng, tôi lại tủi thân, oà lên khóc mãi. Cha kiên nhẫn dỗ tôi, nín đi, con muốn gì cha sẽ tìm cho. Tôi phụng phịu đòi cha phải đi tìm bắt lấy con chim xanh kia. Cha bảo tôi kể lại hình dáng con chim rồi nói, được rồi, cha sẽ đi tìm bắt con chim ấy về cho con.

Trong mắt tôi, cha là một người vĩ đại. Tôi nghe bà nội kể rằng, cha ngày xưa ghê gớm lắm, từng đánh nhau chẳng chịu thua ai, từng nhọc nhằn kiếm sống. Cha đã tụ tập đám trai giang hồ đất Cảng rồi cùng người ta đi cướp chính quyền, đi làm cách mạng...

Tôi tin là cha sẽ bắt được con chim xanh mang về cho mình.

***

Không nhớ bao nhiêu lâu, sau một chuyến xa nhà dài ngày, cha trở về, trên tay là cái lồng chim có con chim xanh đúng như tôi mong ước.

Cha đã kể cho tôi nghe một câu chuyện đầy hấp dẫn thuật lại rằng cha đã phải hết sức cố gắng để vượt qua bao nhiêu dòng suối sâu, trèo lên bao nhiêu đỉnh núi cao mới bắt được con chim này.

Tôi sung sướng với con chim làm bạn bầu. Từ con chim xanh, tôi hình dung ra bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu tưởng tượng về rừng núi trong tầm mắt của mình. Tôi đã lớn dần lên, không còn khóc dấm dứt khi phải ở một mình nơi cái lán trước cửa hang sơ tán nữa…

“Cha đã già, thương ta, vẫn đi bao quãng núi/ Rồi một ngày cha bắt được chim xanh/ Chim đã ở trong lồng và ta đã lớn dần lên/ Rồi một ngày vô cớ, ta lại thả chim xanh”... Khi đó tôi đã đi học được lâu lâu rồi, đã biết đọc sách. Có một câu chuyện trong sách nói về một con chim buồn bã khi bị bắt nhốt trong lồng. Câu chuyện ấy bảo rằng, nếu là loài chim thì phải về rừng sống, phải được bay nhảy tự do mà cất lên tiếng hót. Đọc xong câu chuyện ấy là tôi đi ra mở cửa cái lồng thả cho con chim bay đi… Và bài thơ đã tiếp cái mạch, nếu ngày đó mình không vô cớ thả con chim xanh, thì liệu bây giờ nó có còn ở bên mình? Liệu nó có đủ sức đi theo con người trong bao nhiêu chặng đường biến đổi? Bây giờ, con chim ấy đang ở đâu đó trong cánh rừng Tây Bắc? Bài thơ này đã được in ở nhiều nơi và sau đó thì in trong tập “Thơ Tây Bắc” (NXB Hội Nhà văn, 2008).

Lại nói tiếp về tuổi thơ tôi ngày đó. Tôi tiếp tục lớn lên, đã biết chơi với nhiều bạn cùng tuổi người Thái, đã biết đi vào rừng lấy củi, hái quả... Tôi tự mình lần vào các bản để tìm bạn và cùng họ khám phá ra nhiều bí ẩn của núi non.

Trong một chuyến đi xa, tôi gặp một ông già bản. Ông nhìn tôi ngờ ngợ rồi hỏi tôi từ đâu đến. Tôi kể và ông già rất vui khi biết tôi là con của cha tôi. Ông kể, cha tôi đã vào đây công tác, đã giúp đỡ dân bản rất nhiều việc, được dân bản quý mến. Ông nói rằng đã nghe cha tôi kể mãi về tôi và biết cha yêu tôi lắm. Ngày cha tôi vào đây, thấy ông có con chim xanh rất đẹp mới bắt được ở rừng thì xin mang về cho tôi. Ông hỏi, con chim ấy tôi còn nuôi giữ được không?

Hoá ra, con chim xanh ấy không phải là do cha bắt được như trong câu chuyện hấp dẫn cha đã kể cho tôi nghe.

Và từ đấy, tôi bắt đầu quá trình “giải thiêng” cha mình. Tôi cứ trưởng thành dần thêm nữa thì cha tôi cũng dần bớt “vĩ đại” đi. Và đến lúc, tôi nhìn cha tôi như một con người bình thường, tôi biết cha có những điểm ưu, điểm nhược, có tốt và có xấu... Thậm chí, hơn nữa, tôi còn thấy ở cha những thứ mà mình phải chống đối, phải phủ định...

Cả một cái thời trẻ trung, dù rất tự trọng với bản thân, tôi vẫn tin quý cha nhưng cũng bắt đầu có cả cảm giác coi thường, nhiều lúc đánh giá thấp cha. Dần dần, đời cho tôi những thành bại, có lúc vồ vập chằm bặp, chiều đãi, nhưng nhiều khi cũng đá đít không thương tiếc... Cứ như vậy đến khi tôi bước vào tuổi trung niên, thì lại thấy dần dần trở lại kính phục cha, yêu thương cha, lại thấy học được nhiều bài học từ cha mình hơn. Cho đến sau ngày cha khuất núi, thì càng thêm nhớ cha sâu sắc hơn…

Tôi kể chuyện này khi mấy người bạn ngồi với nhau, nghe có người phàn nàn chuyện con cái cứ càng lớn lên lại càng hay cãi lại mình, rồi cứ xa mình dần... Tôi bảo đấy là quy luật. Đừng có buồn và sốt ruột làm gì.

Con cái ngày bé thì thần tượng cha mẹ, càng lớn lên càng nhạt thần tượng, rồi coi cha mẹ như người thường, rồi phủ định, phê phán cha mẹ. Đến khi trải đời rồi thì lại sẽ dần dần quay lại, lại gần gũi, yêu thương cha mẹ mình.

Thế cho nên, khi trẻ còn nhỏ, hãy cứ kể cho chúng nghe nhiều chuyện cổ tích, nếu cần, cứ biến mình thành huyền thoại đi nhé. Như chuyện cha tôi huyền thoại việc mình đi bắt con chim xanh ấy, không cần phải nói đúng và thật thà là xin của một ông già ở bản đâu.

Rồi bọn trẻ sẽ dần lớn lên, sẽ đi ra với đời, lắm khi chúng sẽ không thuận buồm xuôi gió, sẽ gặp những ngáng trở, thách thức, thì hãy cứ yên tâm. Sau này, trải qua mọi nỗi đời thành bại rồi, thì chúng lại cần nhớ lại những câu chuyện cổ tích, lại tự huyền thoại để mà truyền lại cho con cái của bọn chúng…

Đấy chính là con đường mà chúng ta trao truyền tình yêu và sự tiếp nối qua nhiều thế hệ con người…

Đầu thu, 16/8/2022

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 4 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 5 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 5 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 1 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước