Cô sinh viên bán tranh tết
VNTN - Những ngày áp tết. Các cô cậu sinh viên náo nức và bồn chồn, tâm hồn những đứa con xa nhà ngập tràn mùi vị tết. Chúng nhớ lắm, thôi thúc lắm, ở đâu cũng thầm thì to nhỏ, mắt sáng lên như đang ngồi bên mâm cỗ khói hương nghi ngút. Và giây phút gặp lại bạn bè đứa Nam, đứa Bắc, đứa ở nhà lo việc đồng quê. Chao ôi, bao nhiêu chuyện, bao nỗi niềm chất chứa trong lòng. Sao mà không mong cho được! Còn tôi, ngoài những nỗi niềm chung ấy, tôi có một nỗi niềm riêng khác. Đó là về bán tranh tết.
Anh trai tôi, học trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Ngoài giờ học anh ấy hì hụi vẽ tranh gom góp dành ngày tết đưa về quê bán. Thế là tôi trở thành cô sinh viên bán tranh tết bất đắc dĩ, “nhưng có duyên” - chắc ông anh nịnh đầm em gái để nó bán tranh cho, nên mới nói vậy. Chẳng thế, năm cuối đại học tôi bỏ cuộc đi theo tiếng gọi của trái tim. Không có tôi, anh huy động mấy đứa em cùng tham gia, nhưng rốt cục tranh ế chỏng chơ. Ông anh khóc dở, mếu dở. Còn tôi thì tiếc và áy náy.
Quê tôi, nói đúng hơn là quê hương thứ hai của tôi: mảnh đất Phủ Quỳ xưa, Nghĩa Đàn nay, thuộc tỉnh Nghệ An. Năm 1966 chiến tranh ác liệt, gia đình tôi theo tiếng gọi của Đảng bỏ lại sau cánh đồng chiêm trũng thẳng cánh cò bay đi khai hoang miền núi. Bỗng chốc tôi có mặt trong lũ nhóc choai choai tò mò và hiếu động, hăm hở khám phá rừng. Rừng già, cây cối cổ thụ cao to, khe suối nước róc rách chảy. Rừng trầm mặc, gió u…u. Dân cư thưa thớt.
Trên địa bàn huyện chỉ có mấy cái chợ. Chợ lớn nhất ở thị trấn Thái Hòa, còn lại là chợ cóc nhỏ lẻ. Dân ở đây khá đa dạng, gồm; người dân tộc Thái, dân tộc Thổ, lác đác có người Mông, Khơ Mú, đông nhất vẫn là dân tộc Kinh. Người Kinh khắp mọi miền đất nước đổ về đây làm công nhân cho các nông trường, người khai hoang, người miền Nam tập kết. Ngày chợ nhìn sắc áo, nghe tiếng nói là biết chủ nhân từ đâu tới. Tự nhiên họ khắc chạm vào chợ tết quê tôi với đa sắc màu.
Sáng sớm, anh em tôi lọc cọc chiếc xe đạp, lỉnh kỉnh tranh ảnh, hôm thì xuống chợ Thái Hòa, hôm lên chợ Hều, cách nhà gần chục cây, bữa lại lên chợ Ba Hai trên chợ Hều mấy cây nữa. Có hôm, hai anh em đạp thẳng lên chợ Quỳ Hợp cách nhà tới bốn mươi cây số. Đến chợ, anh em tôi chọn một điểm đất rộng để bày tranh. Tranh của anh tôi chủ yếu để trang trí bàn thờ tổ tiên và nhà cửa; là bức tranh mâm ngũ quả, đôi câu đối treo ở bàn thờ, bức cuốn thư, bộ tranh tứ bình hoặc nhị bình treo ở chỗ tiếp khách. Chỉ vậy thôi, mà căn nhà trở nên bừng sáng, những nét vẽ, những sắc màu đã nói hộ những ước nguyện của lòng mình và đặc biệt những bức tranh ấy che đậy những bức vách, phên nứa và sự nghèo nàn của những căn nhà lâu ngày cũ nát. Vì thế, nhà nào cũng không thể thiếu những bức tranh trong ngày lễ tết.
Mùi tết đặc trưng như quyện trong khói hương trầm bay vòng quanh hàng tranh tết. Cô gái bán tranh mặc quần loe ống rộng, khoác áo kẻ pha len cùng với một chàng thanh niên tao nhã mang nét nghênh nghênh của họa sĩ, chả mấy chốc đã trở thành tiêu điểm của chợ quê. Người lớn thì ghé lại mua một bức quấn thư, vài bức tranh cá chép, vài câu đối hay một bình hoa giấy rồi vội vã về. Còn mấy chàng thanh niên có vẻ chăm chú ngắm tranh hơn.
“Em có thể chọn cho anh một bức tranh được không?”. Anh chàng khá bảnh và láu lỉnh. Chàng tỏ ra nghiêm túc và là người biết chơi tranh. Tôi cười. Nhìn chàng trai một cách khá tự tin. Vì tôi hiểu, anh chàng đang cố tình trêu tôi. “Xin lỗi, tôi không thể chọn tranh cho anh được. Bởi, có thể tôi thích nhưng chắc gì anh thích. Người thích hoa hồng, người lại thích hoa sen. Có hoa đẹp màu sắc sặc sỡ nhưng không có hương thơm. Ngược lại, có hoa không đẹp nhưng hương thơm ngào ngạt như hoa cà phê chỉ một màu trắng toát mọc xen kẽ trong cành lá, vừa kín đáo vừa khiêm nhường. Mùa hoa đi trong rừng cà phê hương thơm ngào ngạt ong bướm bay vù vù”. Con bé hân hoan thuyết trình. Anh chàng đứng đơ ra, mọi người vỗ tay. Chàng gượng gạo, vớt vát: “Thế, anh muốn mời em về nhà, vẽ cho anh một bức tranh anh sẽ trả tiền bằng tất cả tranh của em và …”. Tôi lại cười. Nụ cười của cô sinh viên đã qua thời áo lính, chẳng lẽ không đủ tự tin sao? “Một lần nữa tôi lại xin lỗi anh. Bởi vì tôi không hiểu sở thích của anh, làm sao tôi vẽ tranh cho anh được”. Mọi người lại cười ồ và chàng trai chuồn lúc nào không biết.
Ra tết, trên bến xe huyện chật ních sinh viên trở lại trường. Tôi tay xách nách mang cố len lên, nhưng xe chật như nêm, tôi cứ bị tuồi ra. Không đi là chậm học. Tôi vừa leo, vừa lẩm bẩm: “Cố lên, cố lên!”. Bỗng tiếng ai đó: “Cô gái bán tranh.” Chàng nhào ra kéo tôi lên rồi nhanh tay đỡ túi cặp trên vai và nhường luôn chỗ ngồi. Hóa ra, các chàng sinh viên Đại học Bách khoa, Đại học Xây dựng… cũng đang trở lại trường. Và những câu chuyện về tết, về chợ quê tết và cô gái bán tranh cứ kéo dài, suốt chặng đường đi. Tôi ngồi im thin thít, mất hết vẻ tự tin hôm ở chợ.
Cô gái bán tranh năm xưa giờ đã thành bà, thành mẹ. Nơi miền quê xa xôi mỗi lần xuân đến, tết về. Lòng tôi lại nao nao nhớ về một thời xưa cũ đói nghèo nhưng thấm đẫm tình người, mộc mạc mà ấm áp, chân tình. Tôi lớn lên và trưởng thành từ những nét quê bình dị ấy.
Thái Nguyên, ngày cuối năm 2019
NGUYỄN THỊ MINH THẮNG
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...