Có phải là khôn ngoan?
Thế giới của những đứa trẻ luôn là những câu chuyện đầy màu sắc, những thắc mắc thơ ngây luôn khiến người lớn đầy hoài niệm, muốn xin lấy một vé để quay về tuổi thơ, quay về những hồn nhiên. Nhưng không phải vì thế mà cái thế giới đầy màu sắc ấy lại không rắc rối, nhất là đến khi trẻ bắt đầu học hỏi và hiểu chuyện.
Câu chuyện về con cái luôn là tâm điểm cho nhiều gia đình bởi những băn khoăn về việc chăm con nhỏ luôn là đề tài nóng trên nhiều diễn đàn mạng cho cả ông bà và bố mẹ, từ chuyện cho ăn, mặc, học hành đều có thể chia sẻ những vướng bận. Các diễn đàn mạng cũng đã góp một phần giải đáp biết bao khúc mắc của việc chăm con nhỏ cho nhiều người, không chỉ vậy, đây còn là nơi để những bà mẹ và em bé bụ bẫm, có nhiều câu chuyện dễ thương chia sẻ để nhận về nhiều lượt yêu thích. Đây chính là một phần động lực để các diễn đàn mạng về chăm sóc trẻ ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Internet
Đơn cử như chuyện của “cu Bo” trong một diễn đàn về mẹ bỉm sữa có số người theo dõi và tương tác khá cao. Mẹ bé có lối kể chuyện bằng hình ảnh và cách dạy con rất khoa học, nên nhìn bé có vẻ nổi trội nhất so với các bé còn lại. Bé mới 4 tuổi đã có thể tự mình ăn uống, mặc quần áo, xếp đồ và học chữ rất khoa học theo lời chia sẻ của mẹ bé, nhưng câu chuyện về sự khôn ngoan của cu Bo càng ngày lại khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Mẹ của cu Bo hôm đấy đăng ảnh vui vẻ khoe rằng Bo nhà cô ấy rất khôn ngoan, bé biết so sánh để chọn lựa cái tốt cho mình. Theo lời của cô, hôm ấy khi bà ngoại mang quà vặt sang nhà cho Bo, bà bày vài quả chuối, và táo ra để cho Bo chọn. Cô bạn tự hào viết chú thích cho ảnh: “Bo chọn rất giỏi nhá. Vì Bo thích ăn táo nên Bo lấy hết táo về mình, đưa chuối trả lại cho bà. Đến khi mình nhắc Bo chọn quả để mời bà ăn với, Bo cầm các quả lên so sánh, lựa chọn rất kĩ càng và đưa cho bà quả to và đỏ nhất, bà khen Bo biết nhường nhịn thì Bo nói đấy là quả bị sâu đấy, chu cha, cái vết sâu bé tí, người ta dán cái tem vào để che vết vậy mà cu Bo vẫn nhìn ra được. Tài thật luôn ấy”.
Câu chuyện mới đầu nhận được tán thưởng vui vẻ của mọi người vì sự lém lỉnh của bé, thế nhưng về sau, khi mà những biểu hiện của cu Bo càng ngày càng thiên về sự so sánh vật chất, tính toán như: Có đồ ăn thì luôn chọn cho mình trước tiên, không mời người lớn ăn mà luôn ăn trước, không nhường em nhỏ mà chỉ chăm chăm chọn cái tốt cho mình, cái gì không tốt, không thích mới để lại cho em thì mẹ Bo bắt đầu hốt hoảng hỏi lại mọi người xem cần phải xử lý, dạy bé như thế nào.
Đây là một câu chuyện thường gặp khi một đứa trẻ bắt đầu nhận thức và biết cách so sánh đánh giá, nhưng đây cũng là một bước phát triển rất cần được uốn nắn cho trẻ. Bởi với nhiều gia đình thì đây là một bước phát triển đáng yêu của bé, cả gia đình sẽ thấy vui mừng mà chiều chuộng và vỗ tay khen ngợi trẻ như một biểu hiện của việc trẻ thông minh và biết tính toán. Điều này nếu kéo dài thì sẽ vô hình chung khiến trẻ nhận định rằng việc mình lựa chọn phần hơn cho bản thân, đẩy phần ít, phần nhỏ cho người khác là một việc làm tốt, đáng khen. Dẫn đến nhận thức sai lầm của trẻ, khiến cho trẻ trở nên ích kỉ và đành hanh, bất cứ việc gì cũng cân nhắc thiệt hơn để rồi chọn điều tốt về mình, đẩy phần bất lợi về người khác.
Nên khi đối mặt với giai đoạn này của trẻ, bố mẹ cũng đừng vội áp đặt hoặc la mắng bé khi bé vội chọn phần hơn, bởi vì mặc dầu sau này vẫn biết là phải lấy phần bé hơn, phải mời người lớn trước nhưng bé sẽ ấm ức, khó chịu và sẽ chống đối nếu có điều kiện, như kiểu khi nhà có khách, hoặc khi ở chốn đông người để đòi hỏi vì biết lúc đó bố mẹ sẽ phải nhân nhượng. Hoặc một số phụ huynh nhớ đến ấm ức của bản thân khi còn nhỏ cứ phải nhường nhịn em, lại quay ra dạy con không cần nhường nhịn, con thích thì cứ giành lại cho bản thân, hoặc trung tính hơn thì sẽ mua cho con nếu con đòi hỏi. Cách dạy này sẽ khiến trẻ ngày càng ích kỉ, quen thói đòi hỏi chứ không biết sẻ chia.
Chính vì thế khi trẻ nhận thức chọn phần tốt cho mình, thay vì nhận lại sự khen ngợi, vỗ tay tán thưởng của mọi người, bố mẹ và người lớn nên có một thái độ đúng đắn, nhẹ nhàng hướng dẫn trẻ cần phải biết chia sẻ, nhường nhịn cho em nhỏ, và kính trọng, mời mọc người lớn tuổi trong gia đình. Đây sẽ là một việc làm mang tính kiên nhẫn đòi hỏi sự kiên trì của cha mẹ, bởi những câu chuyện về sự nhường nhịn, kính trọng người lớn đều nhận lại câu hỏi vì sao của trẻ.
Vì sao phải nhường phần đẹp, phần lớn cho người lớn tuổi hoặc em bé? Những thắc mắc này của trẻ rất đáng để ghi nhận và cách giải thích của bố mẹ khi đặt bé vào trường hợp người được nhận sẽ thích hơn hay buồn hơn, hoặc là giải thích một cách dí dỏm, sinh động bằng một câu chuyện hay một bộ phim hoạt hình sẽ khiến trẻ dễ hiểu và tập thành thói quen nhường nhịn, đánh giá sự việc một cách toàn diện.
Vậy đó, việc nhận xét một đứa trẻ là khôn ngoan hay không, nhiều khi cũng chỉ là phiến diện.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...