Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
18:02 (GMT +7)

Có một Sài Gòn hào sảng trong tôi

VNTN -Tôi đến Sài Gòn trong một chuyến đi khảo sát tư liệu và nhân vật cho bộ phim sắp khởi quay. Cũng là dịp thành phố  kỷ niệm 40 năm ngày chính thức mang tên Hồ Chí Minh - nhưng tôi vẫn gọi tên thành phố này bằng cái tên thân thương - Sài Gòn. Bởi, trong tôi có một Sài Gòn hào sảng.

Chất hào sảng của Sài Gòn với tôi chính là ở chân dung những người con của thành phố này. Tôi đã gặp rất nhiều người trong những lần đi và đến.  Để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi chính là những nhân sĩ, trí thức, nghệ sĩ đã từng sống dưới chế độ cũ nhưng khi đất nước thống nhất, không ra đi họ là những người ở lại. Sau này, trong một dịp thân tình trò chuyện,  có người trong số họ đã bảo tôi rằng: anh chưa bao giờ chọn ra đi nên không thể gọi là ở lại. Tôi giải thích rằng chữ ở lại, với tôi, mang một ý nghĩa khác, đó là sự lựa chọn cách sống, là nhân cách biết buông bỏ và chấp nhận để làm lại từ đầu, là tận hiến cho Đất Nước, cho Nhân Dân, đồng hành cùng thành phố này hơn 40 năm qua, làm nên biết bao thay đổi cho đất và người nơi đây.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển văn minh, hiện đại với nhiều con đường mới rợp bóng cây xanh, cảnh quan sạch đẹp.          (Ảnh: Ngô Vĩnh Phú)

Người đầu tiên tôi muốn nói đến là nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng. Ông hẹn tôi và bạn đồng hành - đạo diễn Trí Thanh cafe trước nhà thờ Đức Bà - quán Bean. Mượn một chiếc xe máy, chúng tôi rong ruổi qua những con phố, đi dưới những hàng sao, hàng dầu cổ thụ đứng lặng lẽ trong buổi bình minh rạng rỡ, hòa trong những làn xe, trong dòng người vội vã, Sài Gòn trong mắt tôi vừa có dáng dấp cổ xưa của một đô thị mấy trăm năm tuổi, vừa mang hình ảnh của một thành phố đầy nhiệt huyết, năng động của nhịp sống trẻ trung hôm nay.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng thực sự là một nghệ sĩ theo đúng nghĩa của từ này, từ hình thức đến nội tâm. Trong một bộ áo cánh dơi màu bạc hà do chính ông tự thiết kế, cổ quàng chiếc khăn hoa nhỏ, râu bạc, mái tóc bạc buộc lên như đuôi ngựa - trông ông như vừa bước ra từ những câu chuyện thời Phục hưng, một hiệp sỹ giữa chốn đô thành. Giới hội họa đã biết đến tên ông từ ngày 8.5.1970, khi ông làm chấn động giới mỹ thuật Sài Gòn bởi bức tranh “S.O.S Việt Nam” mà sau này Trịnh Công Sơn đổi thành “Chứng tích”. Đó là một mảnh ván dài, trên đó có đính những “hiện vật”: vỏ đạn, mảnh bom, những vòng rào kẽm gai, xương sọ và những đoạn ruột người đầy máu me (đã ngâm phoọc-môn)... đã cất lên tiếng nói phản đối chiến tranh, đòi tự do và hòa bình cho con người, thể hiện cá tính nghệ thuật mạnh mẽ của Phạm Văn Hạng. Từ đó đến nay, lịch sử mỹ thuật đương đại Việt Nam có tên ông ở hàng ngũ những người ưu tú nhất, cá tính nhất, ồn ào nhất với những công trình điêu khắc mang tính khái quát lịch sử mà vẫn chứa chan tinh thần nhân văn. Đó là Mẹ dũng sĩ (Đà Nẵng), Nhà đày Lao Bảo, Cụm tượng đài hình 20 quả tim tươi hồng, xếp thành hình quả tim lớn, mô phỏng 20 giọt máu đào bên dòng sông Thạch Hãn (Quảng Trị), Đài tưởng niệm huyện Đại Lộc, Đài tưởng niệm thành phố Huế và rất nhiều chân dung anh hùng, nhân sĩ, trí thức tài danh ông đã tạo dựng bằng bàn tay tài hoa, khối óc mẫn cảm với cái đẹp và sự tận tụy đam mê không mấy ai có được. Trở đi trở lại trong những sáng tạo nghệ thuật của ông là khát vọng nghệ thuật vô biên tuyệt đích hướng đến Tổ quốc và Nhân dân.

Đó còn  là một người đàn ông lịch thiệp và dễ mến, ân cần và tận tụy, dám nói và dám chịu trách nhiệm. Khi chúng tôi gọi ông để nhờ cậy, hào hiệp và nghĩa khí, ông đã không ngần ngại di chuyển từ Đà Lạt xuống Sài Gòn, kết nối bạn bè cho chúng tôi có được những tư liệu quý. Ông gọi cafe rồi tự tay mang đến tận bàn cho chúng tôi và các bạn của ông, không cho ai trả tiền và luôn rời đi nhanh như một con sóc dù tuổi đời đã ngoài 70. Với một chất giọng Quảng Nam ấm và ngắt giọng rõ ràng, lên bổng xuống trầm, ông đọc thơ, bình thơ, kể cho chúng tôi nghe về những công trình dang dở, những người ông từng gặp, những vùng đất ông qua, về bức tượng bán thân chí sĩ Phan Châu Trinh mà ông đang hoàn thiện...

GS TS BS Nguyễn Chấn Hùng, chuyên gia hàng đầu Việt Nam về Ung bướu, tặng sách cho tác giả

Nếu Phạm Văn Hạng ồn ào mạnh mẽ bao nhiêu thì nhà báo Trần Trọng Thức, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn lại như một thái cực khác. Hai người lặng lẽ nghe nghệ sĩ kể chuyện mình, chuyện đời và thỉnh thoảng mỉm cười như khuyến khích, mắt lấp lánh khi Phạm Văn Hạng gọi đến tên hỏi đúng không nhỉ? Nhà báo Trần Trọng Thức, người từng có rất nhiều công lao trong việc đưa những tư tưởng mới, đưa những tư duy của các trí thức Sài Gòn cũ đến với công luận và các nhà quản lý thành phố và Trung ương.  Năm 1987, lúc đó ông đang làm Trưởng ban Kinh tế Báo Tuổi trẻ, ông đã tiếp xúc với ông Phan Chánh Dưỡng  của nhóm Thứ Sáu, (Nhóm Thứ Sáu được thành lập năm 1986, tên gọi chính thức là “Nhóm nghiên cứu kinh tế chuyên đề quận 5 - Cholimex” với 24 thành viên.

Lúc đầu, nhóm họp tối thứ hai, thứ tư, thứ sáu. Về sau do công việc nên thống nhất gặp nhau tối thứ sáu hàng tuần. Tên gọi Nhóm Thứ Sáu ra đời từ đó. Nhóm là sự tập hợp những trí thức Sài Gòn yêu nước, có chung một tâm tư, đó là cùng trăn trở, lo âu cho vận mệnh, tương lai đất nước), đề nghị hợp tác trên mặt trận báo chí mà thực chất là muốn tạo diễn đàn cho các chuyên gia kinh tế có quan điểm đổi mới về quản lý kinh tế. Nhưng vì nhiều lý do, việc đó bị trì hoãn. Đến khi về làm việc tại báo Lao Động cùng một số nhà báo có tư tưởng đổi mới thì quyết tâm này được thực hiện. Với vai trò Thư ký Tòa soạn và Trưởng ban Kinh tế, được sự đồng ý của Ban Biên tập báo Lao Động, nhà báo Trần Trọng Thức đã mời các thành viên của Nhóm Thứ Sáu về cộng tác, tạo diễn đàn để các chuyên gia trình bày những quan điểm kinh tế theo hướng thị trường. Từ diễn đàn của Báo Lao Động, với sự chèo lái của ông, rất nhiều chuyên gia kinh tế đã mài sắc ngôn từ và chuyên môn, trở thành nhà báo nghiệp dư và cho ra đời những tác phẩm báo chí được dư luận đón nhận và tạo nên những tác động tích cực trong công cuộc đổi mới. Từ đó đến nay, qua bao nhiêu lận đận cả đời riêng lẫn chung, ông an nhiên tự tại về con đường mình đã chọn - gắn bó với Sài Gòn, tiếp tục sống và viết, làm từ thiện với quán cơm Nụ Cười để chia sẻ, cho đi mà không cần nhận lại.

Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn trong mắt tôi là một người đàn ông rất hào hoa dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, đó là người đã từng nắm giữ chìa khóa kho vàng của Ngân hàng Quốc gia Sài Gòn sau ngày thống nhất đất nước mà không hề bị mềm lòng trước cám dỗ của tiền tài vật chất. Sau khi bàn giao kho vàng, ông tham gia vào chiến dịch đổi tiền Sài Gòn, qua thời gian, từng giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống ngân hàng, có 5 năm làm thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về cải cách hành chính và cải cách kinh tế, thành viên tổ nghiên cứu cải tổ hệ thống Ngân hàng Việt Nam, trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Với tư duy kinh tế nhạy bén, ông đã có rất nhiều ý kiến hay bổ ích, đưa ra được nhiều giải pháp thiết thực góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới của nền kinh tế nước nhà. Không chỉ làm kinh tế, ông còn tham gia giảng dạy bộ môn Tiền tệ - Ngân hàng - Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh và hiện đang giữ chức Phó Tổng giám đốc của Công ty Kềm Nghĩa. Là một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam, người từng góp phần không nhỏ trong cải cách tiền tệ của đất nước, con người ông có một phong thái ung dung, miệng luôn mỉm cười dù lúc còn trẻ, ông từng đối mặt với rất nhiều thách thức ở các lĩnh vực. Cuộc đời ông là những cuốn sách dày về kinh nghiệm phát triển kinh tế tại Việt Nam. Cho đến hôm nay, ông vẫn chưa cho phép mình nghỉ ngơi, vẫn tham gia vào các công việc xã hội không hề mệt mỏi. Khi tôi nói đùa: “Trông chừng, ngày xưa chắc anh nhiều cô mê lắm phải không?” Ông nghiêng đầu hóm hỉnh: “Anh chưa thống kê vì bây giờ còn hơn xưa em ạ”, rồi mỉm miệng cười. Nụ cười làm rạng rỡ cả cơn mưa.

Trong buổi sáng Sài Gòn lúc mưa ào ạt lúc nắng chói chang, trước tượng Đức Bà, tôi được nghe vô vàn những kỷ niệm của những người ở lại, nghe kể về những người chúng tôi chỉ biết tên chứ chưa được gặp, kể về những buổi họp bàn giải pháp kinh tế mà ai cũng có quyền phát biểu và phản biện, về bác Sáu Dân (Thủ tướng Võ Văn Kiệt), về những người của một thời đã ra đi mãi mãi. Khi được hỏi cảm xúc về Sài Gòn hôm nay với mấy mươi năm về trước, các anh đều chia sẻ, Sài Gòn hôm nay đã thay đổi đến chóng mặt. Kỳ tích về thành phố này có được là do rất nhiều yếu tố, nhưng nhìn rộng hơn, so sánh với các thành phố lớn trong khu vực, Sài Gòn vẫn còn phải thay đổi hơn nữa. Và kỳ vọng của các anh chính là kỳ vọng của những người yêu tha thiết mảnh đất này. Khi chia tay, nhìn bóng dáng những người đàn ông đi ngang qua sân trước nhà thờ, trước mặt họ là đàn bồ câu tung cánh bay lên, tôi luôn thầm nghĩ, giá như mình có cơ hội ở lại thành phố này, nhất định sẽ viết về họ, những người chưa bao giờ ra đi của Sài Gòn quá khứ, hiện tại và tương lai. Để cho những thế hệ sau biết rằng, có những con người như thế, sống giản dị trong sự lựa chọn của mình, tận độ cống hiến  bằng tất cả tình yêu của họ với Sài Gòn và bằng lòng với sự lựa chọn của mình dù cuộc đời có lúc thăng trầm đổi thay.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn

Trong những ngày ở Sài Gòn, tôi còn hân hạnh được gặp GS. TS. BS Nguyễn Chấn Hùng, chuyên gia hàng đầu Việt Nam về Ung bướu. Năm 28 tuổi, ông đã là Tiến sĩ Y khoa quốc gia. Năm 31 tuổi, giảng dạy tại Đại học Y Sài Gòn với hàm trung úy bác sĩ  biệt phái. Kể về đoạn đời này, ông trầm hẳn lại vì ít ai có thể hiểu rằng, là sĩ quan nhưng ông cũng như những bác sĩ cùng thời, không ra trận mà vẫn ở lại trường giảng dạy vì bắt buộc phải như thế, nếu không sẽ không yên ổn để học tập, nghiên cứu và giảng dạy. Năm 1975, đất nước thống nhất, ông là một trong số ít những trí thức ngành Y của chế độ Sài Gòn ở lại phục vụ đất nước.  Ông có công đầu trong việc  xây dựng Bệnh Viện Ung bướu Sài Gòn và là người đã đào tạo, bồi dưỡng rất nhiều thế hệ bác sĩ trong việc điều trị phối hợp 3 phương pháp phẫu trị, hóa trị và xạ trị ung thư. Tên tuổi của ông đã vượt ra khỏi biên giới của đất nước.  Học trò của ông có nhiều người đã trở thành chuyên gia đầu ngành trong điều trị ung thư ở Việt Nam. Nhưng không chỉ là thầy thuốc, GS Nguyễn Chấn Hùng còn là một nghệ sỹ, viết sách khoa học, viết ký, viết báo... ông xem đó như là một thú vui trong cuộc đời. Đọc Sương mù tan biến, Sâu thẳm sự sống, Nhẹ bước lãng du, Con người trong vòng vây, Kỳ diệu dàn hòa tấu nội tiết, Ung thư biết sớm trị lành, Cẩm nang phòng trị bệnh ung thư, Dắt dìu về thuở ấu thơ…của ông, ta nhận ra một con người có tri thức uyên thâm về khoa học và văn hóa, lịch lãm trong truyền đạt thông tin, ngôn từ phong phú và rất mực ân cần với người đọc. Ông luôn tâm niệm rằng: hãy giải thích sự sống lồng vào cuộc sống, ước ao được chia sẻ đôi điều hiểu biết về y học như trồng bonsai, như nấu ăn để có thể đưa tri thức đến với mọi người. Cho đến hôm nay, ở tuổi ngoài 70, ông vẫn làm Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, đào tạo chuyên gia, chữa bệnh cứu người và viết không ngừng nghỉ. Rất khó để hẹn ông vì cho đến bây giờ, ông chỉ dành thời gian cho tiếp bệnh nhân. Nhưng cuối cùng ông đã nhận lời và đúng hẹn không sai 1 phút. Hẹn chỉ cho một tiếng, nhưng cuối cùng chúng tôi chuyện trò suốt mấy tiếng đồng hồ, ông luôn dẫn dắt chúng tôi bằng một vốn hiểu biết sâu sắc, ngôn từ đặc biệt hóm hỉnh về chuyện đời và chuyện nghề. Qua những câu chuyện kể, tôi nhận ra, sâu thẳm trái tim ông là một sự an nhiên tự tại, tuyệt nhiên không hề thấy ở ông một lời cao ngạo hay chê trách cuộc đời. Viết về ông, chỉ vài dòng e không đủ, có lẽ sẽ để dành trong một bài khác. Chỉ biết rằng, sâu thẳm trái tim tôi luôn chân thành  ngưỡng mộ tài hoa, nhân cách và trí tuệ của ông dẫu chỉ đôi ba lần gặp gỡ.

Sài Gòn trong tôi có những con người như thế, vừa có chất nghệ sĩ bay bổng lãng mạn vừa nghiêm túc cẩn trọng trong công việc; mới tiếp xúc không vồn vã, khi cảm hiểu thì sẻ chia những điều sâu thẳm trong trái tim bằng sự tin cậy rất đỗi chân thành.

Một chuyến đi, tôi được gặp biết bao con người, để khi rời Sài Gòn, còn lưu luyến mãi không thôi. Bốn mươi năm, một thời đoạn lịch sử của thành phố này không chỉ thuộc về cá nhân một con người cụ thể, mà nó là sự hội tụ giá trị của tất cả những người Sài Gòn có danh và vô danh, của cả người ở lại và người ra đi, của người đã khuất và người đang sống. Nhưng những người tôi được có duyên gặp gỡ đã cho tôi thấy tình yêu của họ với thành phố này. Chính họ, trong sự lựa chọn của mình đã làm sáng tỏ một chân lý giản dị - tình yêu quê hương đất nước đã xóa bỏ mọi ranh giới hữu hình và vô hình, xóa đi những đớn đau, phiền muộn bởi hoài nghi và định kiến - giúp con người xích lại gần nhau, cống hiến tận độ nhất tài năng, trí tuệ và nhiệt huyết cho sự nghiệp chung. Và sự lựa chọn của họ sau độ dài thời gian ấy đã được chứng minh - họ đúng khi ở lại với Nhân dân và Tổ quốc của mình. Trong trái tim họ, chỉ có một đất Mẹ cho tất cả - đó là Tổ Quốc Việt Nam.

 Có một  Sài Gòn  hào sảng trong trái tim tôi.

Cao Lan

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy