Có một không gian siêu nhiên trong Sình ca
Sình ca là tác phẩm thơ ca dân gian cổ của người Cao Lan được ghi chép bằng chữ Hán Nôm của Cao Lan và lưu truyền trong đồng bào từ nhiều đời nay. Đây chính là một trong những nơi lưu giữ nhiều nhất tâm thức và văn hóa của đồng bào Cao Lan. Đã từng được thưởng thức những đêm hát Sình ca, tôi đặc biệt ấn tượng về không gian siêu nhiên trong các bài ca ấy.
Diễn xướng Sình ca của người Cao Lan Tuyên Quang. Ảnh: Trang Thu
Người già Cao Lan kể rằng: Theo quan niệm của dân gian xưa, khi con người được sinh ra từ quả bầu, thế giới được chia làm ba cõi: cõi trời, cõi trần và cõi âm. Cõi trời do Vua Tiên cai quản, cõi trần do Vua cai quản, cõi âm nơi của hồn ma người chết và Thủy cung do Diêm Vương và Vua Thủy Tề (Long Vương) cai quản. Trong Sình ca, không gian ba cõi được miêu tả khá rõ nét, trong đó không gian cõi trời và cõi âm là không gian siêu thực, chỉ là thế giới thần bí do con người tưởng tượng ra. Chương hát cuối cùng của đêm hát thứ năm là chương Kiện cáo số mệnh. Đôi trai gái không lấy được nhau, họ kiện từ dưới đất lên chín tầng trời, Vua Tiên không phán xử. Họ lại kiện xuống chín tầng âm phủ cũng không được. Hai người yêu nhau đành phải ở vậy cho đến già không ai được lấy vợ lấy chồng.
Quan niệm vị trí không gian ba cõi của người Cao Lan cũng tương ứng một phần với quan niệm của người Việt. Cõi trời cao nhất, vì thế người ta thường nói là đi lên trời. Trong chương bảy của đêm hát thứ sáu có khúc ca Hoi tâu bôn (lên mở cổng trời) để chất vấn ông trời vì sao gây hạn hán, lũ lụt… Cõi trần thấp hơn cõi trời, ở giữa cõi trời và cõi âm. Còn cõi âm ở dưới thấp nhất, thấp hơn cả mặt đất. Người Cao Lan hay nói "chín tầng trời, chín tầng âm phủ" để ví độ cao và độ sâu của hai không gian này. Họ còn quan niệm rằng, con người ở ba cõi có thể nghe, nói và hiểu được nhau. Họ hát rằng: Dăm nhằn pin cáng dình nhằn vờ (Âm người bên nói dương người khóc), Dình nhằn cáng vờ hay slinh thau (Dương người nói khóc rủ hồn).
Ngoài ba cõi trên, trong Sình ca còn có những câu hát nói đến cõi Phật, là nơi ở của thần, thánh như Pắc Po, Lằu Slam. Sau khi mời thần thánh về dự hội, hoặc về phù hộ cho đêm hát ví, trong Sình ca luôn có khúc hát tiễn các vị về với thế giới của Phật.
Dắt slông Lằu Slam quay phợt cúc (Một tiễn Lằu Slam về Phật nước)
Ngừy slộng Lằu Slam quay phợt tài (Hai tiễn Lằu Slam về Phật đài)
Slông tạo Po Tò slai hái ngờn (Tiễn đến Pô Tô qua biển đảo)
Nình di thụi lài làng thụi lài (Em cùng quay lại anh quay lại).
Có thể dịch: Một tiễn Lằu Slam về Phật quốc/ Hai tiễn Lằu Slam về Phật đài/ Tiễn đến Pô Tô linh sơn miếu/ Hai ta quay gót về quê thôi.
Không gian siêu nhiên còn gắn với đời sống tâm linh và quan niệm tín ngưỡng của người Cao Lan. Đó trước hết là những dơu lềnh (miếu thần linh), mìu (cái miếu)…, nơi dân làng thờ lềnh sằn (thần linh). Miếu được xác định ở vị trí: tàu lù (đầu đường), liu sịch pha (qua vách đá); hènh (trên đường đi), táy hừ (gốc đa)... Người Cao Lan có lời hát Sình ca rằng:
- Nhằn sờn táy hừ dơu lềnh sằn (Người lời dưới đa có thần linh = Gốc đa có miếu cúng thần linh)
- Cụ liu sịch pha cụ mìu tàu (Qua hết đá vách qua miếu đầu = Miếu thiêng vách đá dựng kề)
Hay một lời nữa:
- Làng lài hènh cù mìu mùn slăm (Anh lại đường qua miếu cử a tâm)
Tắc chi mìu tời ạm sằm sằm (Thấy cái miếu to âm u vắng vẻ).
Có thể dịch: Đường đi qua một miếu thiêng/ Miếu đường lạnh vắng không nhang khói vờn.
Không thể phủ nhận rằng, khi mỗi lời Sình ca cất lên, hình ảnh không gian siêu nhiên đã góp phần tạo cho những đêm hát ví một màu sắc linh thiêng, huyền thoại. Bước vào không gian này, ta hiểu rõ thêm về thế giới tâm hồn và trí tưởng tượng phong phú của người Cao Lan, qua đó, tiếp cận với đời sống tâm linh và những quan niệm tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm thức của tộc người này. Bước ra từ không gian cùng những lời hát ấy của Sình ca, ta cũng trăn trở về việc làm sao để bảo tồn, “nuôi nấng” để những lời ca này mãi ngân vang vượt ra khỏi ranh giới các bản làng Cao Lan...
Triệu Thị Linh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...