Chuyến xe lúc 10h45′
Tôi ngồi từ 9h sáng, càng chờ càng hồi hộp, vài lần đứng lên toan cất bước ra về, rồi lại tự động viên mình cố đợi thêm chút nữa. Đồng hồ chỉ 10h45'. Từ xa, một chiếc xe buýt đang bấm còi xi – nhan xin đường đỗ vào điểm dừng. Tôi nghe tiếng trống trong ngực mình như muốn át cả tiếng ồn ào của đường phố. Mắt dán vào từng người khách từ trên xe bước xuống nhưng lạ chưa, chuyến xe không có ai là phụ nữ.
Sáng nay tôi ra chờ chuyến xe buýt này là một chuyện khó chịu. Rất khó chịu. Cách đây mấy tháng, tình cờ thấy anh đứng ở trạm xe buýt này. Tôi lại gần hỏi:
- Mình đợi xe đi đâu à? Anh chỉ ậm ừ trả lời qua quýt. Tay xua xua ra hiệu giục tôi đi nhanh. “Một hành động khác thường”. Cái giác quan thứ sáu đã mách bảo tôi như vậy nhưng bị công việc cuốn vào nên cũng dễ quên nhanh. Một lần, có người bạn hỏi tôi:
- Ông xã nhà cậu đi đâu mà thi thoảng lại thấy đón xe buýt thế? Mà lần nào cũng tầm gần 11h.
Có cái gì nhói trong lồng ngực, dâng lên nghèn nghẹn trong cổ họng. Nhớ lại hành động khác thường của anh mấy tháng gần đây, tôi càng thấy tức tối hơn. Đúng là “non sông dễ đổi, bản tính khó dời”. Hai năm trước, anh ta từng cặp bồ với một cô cùng cơ quan. Cũng nhờ giác quan “thứ sáu” mà tôi đã phát hiện ra. Sau vài lần xin lỗi cùng những lời thề thốt hứa hẹn, tôi cũng cho qua và không làm to chuyện. Vậy mà lần này lại… vết thương của hai năm trước vừa mới lên da non, giờ lại như bị ai xát muối vào…
Cơn ghen âm ỉ đã hành hạ tôi những lúc đêm về. Nhìn anh ta ngủ say tôi nén đau buông tiếng thở dài… Nhẹ nhàng ngồi dậy, tôi mở điện thoại của anh ra kiểm tra tin nhắn. Các tin nhắn đã bị xóa sạch chỉ còn tin của nhà mạng thông báo chương trình khuyến mại nạp thẻ. “Hừ! nếu không ăn vụng thì làm sao phải chùi mép”. Bỗng âm báo tin nhắn “tinh tinh” vang lên rõ to làm tôi giật bắn người. Người nhắn tên Mai. Tôi run rẩy đọc từng chữ: “Anh ngủ “trưa”, đã thấy nhớ em “trưa”, nếu nhớ rồi thì mai “nại” đón em “núc” 10h45 phút nhé”.
Tai tôi như ù đi, người nóng ran như ngồi gần lửa. Thế này thì quá quắt lắm rồi. Đầu đau như búa bổ. Tôi thừ người, toan tính xem xử vụ này ra sao. Tôi chụp lại nội dung tin nhắn và lưu số điện thoại sau đó tôi xóa tin nhắn rồi tắt mạng. Để điện thoại vào vị trí cũ, tôi nằm xuống giường bắt đầu lên phương án. Những dòng chữ trong tin nhắn như như xoáy vào đầu óc tôi, đau buốt. Không hiểu ả ta là người thế nào mà nhắn tin còn sai lỗi chính tả. Chắc học hành cũng lộ cộ…
Cả buổi sáng, tôi bồn chồn không yên. Trong đầu cứ ong ong con số 10h45', mắt thi thoảng lại liếc nhìn chiếc đồng hồ trên tường rồi lại kín đáo quan sát anh ta. Vẫn chiếc quần lửng đến đầu gối và cái áo phông cộc tay do tôi mua, hôm nay nhìn anh ta mặc, trông thấy chướng mắt thế không biết… Mấy chục năm sống chung, từ miếng ăn đến cái mặc tôi luôn chỉn chu. Người ngoài nhìn vào ai cũng khen vợ chồng đẹp đôi. Anh đẹp trai phong độ, tôi cũng ra dáng quý bà. Vậy mà giờ lại “chứng nào tật nấy”, chịu sao nổi. Chả lẽ ngần này tuổi mà lại đưa nhau ra tòa.
Đang cố tỏ vẻ bình thản ngồi hướng dẫn đứa cháu tập vẽ, bỗng tôi nghe tiếng chuông điện thoại rồi tiếng của anh vang lên.
- “Thế trưa nay em lại không xuống được à? Em bận hay do sức khỏe vậy… à... ừ thôi được rồi, anh đợi mấy hôm nữa cũng không sao. Em nghỉ ngơi cho nhanh lại sức nhé. Nếu mấy hôm nữa xuống mà không gặp anh thì vẫn thế nhé. Bảo con gái nhắn cho anh số tài khoản rồi anh chuyển tiền cho. Số lần trước anh quên lại xóa mất rồi. Chào em”.
Trống ngực tôi lại vang lên những nhịp đau đớn. “Vậy là lỡ mất cơ hội bắt quả tang rồi”. Hít một hơi thật sâu, tôi giả vờ đi tìm chổi quét sân. Quay người lại, thấy tôi, anh ta giật mình lùi nửa nhịp chân. “Đúng là có tật giật mình. Nói với người ngoài thì ngọt ngào trìu mến thế mà với vợ con thì toàn nhấm nhẳng khó nghe”. Tôi chát chúa hỏi trống không:
Minh họa: Lê Quang Thái
- Ô hay! Cái hót rác thường ngày vẫn để ở đây mà giờ giấu đâu không biết? Cứ lơ là vài buổi thôi mà rác rưởi đã ngập ngụa đầy sân rồi. Bực cả mình.
Tôi vung tay khua chổi quèn quẹt, gom lá cây thành đống. Nện những bước chân bậm bịch vào bếp lấy bật lửa ra, châm đốt. Anh vẫn thản nhiên im lặng. Còn tôi, cả ngày hôm đó “đá thúng đụng nia, giận cá chém thớt”. Thấy tính khí tôi bỗng dưng dữ dằn. Anh cười bảo:
- Nghe mấy anh em thường nói “các bà đang ở tuổi mãn kinh là tính khí thất thường lắm.
- Phải đấy! thế nên anh đừng có trêu ngươi tôi, kẻo cơn bốc hỏa nó thiêu anh thành tro bây giờ.
Đang quẩn quanh nghĩ “không biết anh ta chuyển cho ả bao nhiêu lần rồi và mỗi lần bao nhiêu tiền? Nhà đã giàu có gì cho cam mà giờ còn đổ đốn ra nữa”.
Tối đến, chờ cho anh ngủ say tôi cầm điện thoại lên, kiểm tra số gọi đến. “Mai lúc 10h09 phút”. Đúng là số điện thoại đêm qua. Người tôi như muốn nổ tung nhưng vẩn phải gồng mình kìm nén. Ôm chiếc gối quay lưng vào tường để mặc những giọt nước mắt âm thầm tuôn rơi. Anh quay người, nhấc đầu tôi lên cánh tay anh như mọi khi. Tôi phũ phàng gạt mạnh tay anh ra rồi nói:
- Khiếp! cái mùi của anh dạo này lạ lắm, cứ gây gây thế nào ấy. Nằm xa ra kẻo người ta mất ngủ.
Anh quay lưng lại phía tôi, trằn trọc thở dài. Tôi thường có thói quen rúc nách anh, ngửi mùi đàn ông của anh để ru mình vào giấc ngủ. Vậy mà… Tôi nằm uống nước mắt, đếm từng giọt thời gian chậm chạp, thầm mong đêm qua nhanh.
***
Hôm sau, tôi liều mình bấm số liên lạc mà tim cứ thình thịch vang lên. Tôi tự cười vào mặt mình: “Ô hay, sao lại run sợ với kẻ đang vụng trộm với chồng mình cơ chứ”.
Tiếng chuông vừa dứt, đầu dây bên kia vang lên giọng của một người phụ nữ. Biết rõ là thế mà sao lòng tôi vẫn thắt lại.
- A “nố” ạ - một giọng quê mùa, ngọng nghịu cất lên. Hít một hơi thật sâu để lấy lại bình tĩnh, với giọng kể cả của kẻ bề trên, tôi hỏi:
- Hôm nay em có đi xuống thành phố không?
Bên kia một giọng hồ hởi trả lời:
- Em có chị ơi. Chị “nấy” mấy cân để em “bốc”? Xe sắp xuống tới nơi rồi, chị chờ em với nhé.
Từ “bốc” ả dùng sao lạ thế. Chẳng biết ả bán gì mà nghe có vẻ cồng kềnh. Tôi ỡm ờ:
- Ừ nhưng chị phải kiểm tra xem hàng có chất lượng không đã.
- Chị cứ yên tâm. Em bán hàng mấy chục năm uy tín “nắm”, chè vừa sạch vừa ngon lại giá cả phải chăng chị nhé.
Thì ra đây là người bán chè rong. Thảo nào anh chê chè tôi mua, mặc dù giá đắt gấp đôi mà vẫn không vừa lòng anh…
“Biết địch, biết ta trăm trận trăm thắng”, tôi quyết định tìm đến tận nhà ả trong vai một người mua chè. Từ đường quốc lộ rẽ vào, con đường đất ngoằn nghèo đầy dấu chân trâu, khiến những bước chân của tôi bập bõm. Hỏi thăm vào được đến nhà thì hai bàn chân của tôi đã bị đỏ rộp lên đau rát. Theo mô tả của người chỉ đường, tôi leo lên một ngôi nhà nằm chênh vênh bên sườn đồi. Tường nhà trát bằng đất, đôi chỗ vách tróc ra chỉ còn vài ô vuông. Trên mái, từng mảng lá cọ bạc phếch giơ những cọng xương khô lên trời như cố chống chọi với thời tiết. Hai cánh cửa hở hoác. Trong nhà ngoài cái giường cũ kỹ và bộ bàn ghế mốc meo thì còn có một cái tủ thờ, trên mặt tủ là mấy bát nhang lạnh lẽo.
Tôi mạnh dạn lên tiếng:
- Trong nhà có ai không? Cho tôi nhờ chút ạ!
Tiếng dép loẹt quẹt, một người đàn ông chừng ngoài năm mươi tuổi, hai con mắt trắng xóa, tay khua gậy lộc cộc. Bước ra hỏi:
- Ai! Ai hỏi gì đấy?
- Tôi đến gặp cô Mai để mua chè, đây có phải nhà cô Mai?
- Vâng chị chờ một tý nhà tôi cũng sắp về rồi.
Nói xong anh ta đi pha trà đãi khách. Đôi tay như có mắt hay anh quá quen với vận dụng trong nhà. Rất thuần thục anh rót nước mời tôi. Nhìn màu nước trà xanh trong, sóng sánh trên miệng chén sạch sẽ, tôi khẽ an tâm đón lấy và nhấp một ngụm nhỏ rồi đưa mắt đảo một vòng quanh nhà. Nhìn ngôi nhà cũng đủ đánh giá chủ nhân của nó là người như thế nào. Tôi cám cảnh nghĩ gu thẩm mỹ của ông chồng mình sao lại xuống cấp đến thế. Nghe thấy tiếng lao xao ngoài ngõ, anh chồng Mai nói với tôi:
- Nhà tôi về rồi đấy chị, chưa thấy người đã thấy tiếng rồi. Vừa nói anh vừa nhướng cặp mắt còn toàn lòng trắng vừa tủm tỉm cười. Tôi nhìn xuống đường, một người đàn bà “rung rúc”, đen gày như một thanh củi khô, lưng cõng một bao chè cỡ khoảng chục cân. Chiếc áo khoác ngoài bợt bạt, miệng túi đứt chỉ như đang ngoác mồm ra ngáp đói. Chiếc nón úp sau gáy lập bập vào bao tải chè theo nhịp bước chân, khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh một con lạc đà đang leo dốc. Nhìn người phụ nữ bao ngày qua đã làm tôi ăn không ngon, ngủ không yên, đang tươi cười hớn hở bước vào nhà mà lòng tôi dội lên bao cảm xúc hỗn độn. Tưởng anh phản bội tôi để đến với một người phụ nữ nào ghê gớm lắm, hóa ra... Mà không! Hình như có cái gì đấy sai sai. Ý nghĩ ấy bỗng lóe lên như một tia chớp soi tỏ mọi ngóc nghách đen tối trong tâm trí tôi. Thấy nhà có khách, chị ta bèn lên tiếng:
- Chị đến mua chè hử? Sao không gọi em “sít”, mà phải đến tận đây cho khổ.
Rồi không chờ tôi trả lời chị ta quay qua lấy khăn lau mồ hôi cho chồng, miệng ba la bô lô với chồng đủ thứ chuyện trong ngày. Anh chồng cười tủm tỉm hiền lành nghe chị ta nói chuyện. Một hình ảnh cảm động diễn ra trước mắt tôi: một bên là người đàn bà lam lũ già trước tuổi. Một bên là người chồng mù lòa, khuôn mặt hướng về phía vợ, hai mắt cố nhướng lên hấp háy, miệng tủm tỉm cười mãn nguyện. Họ như quên mất sự hiện diện của tôi. Một lát sau, như chợt nhớ ra nhà có khách, chị vợ vội rót cho tôi cốc nước rồi bộc bạch tâm sự:
- Em vốn người miền xuôi lên đây hái chè thuê. Thấy anh ấy bị mù từ bé, tính tình lại hiền lành dễ mến nên em lấy anh ấy. Chúng em cũng có hai mặt con, các cháu trưởng thành, đều có gia đình riêng rồi. Thằng nhớn thì em vừa mới xây nhà cho năm ngoái, con gái học đại học xong làm việc dưới Hà Nội, lấy chồng vừa sinh con, giờ chỉ còn mỗi hai vợ chồng già chăm nhau thôi. Nhà nghèo nhưng được cái thuận vợ thuận chồng, ông nhà em cũng chưa to tiếng với vợ con lần nào.
Nói đến đây thì chị ta có điện thoại. Vẫn cái giọng ngọng ngịu như tôi đã từng nghe qua: “A nô… vâng “nại” nhớ em rồi hử? thế anh “nấy” mấy túi để em bốc...” Nhưng lần này tôi nghe, thấy nó vui vui. Tắt điện thoại, chị ta quay sang nói với tôi:
- Đi bán hàng nhiều khi vui “nắm” chị ạ, gặp mấy ông khách hay tán gẫu “nà nại” cười nghiêng bồ thóc. Nhiều khi thấy em xuống chậm hay bị mệt “nà” các ông “nại” gọi điện động viên. Có những ông vì thương hoàn cảnh vợ chồng em mà chỉ mua chè chỗ em chứ không mua chè ở nơi khác đấy chị ạ.
Chị ta lại cười hô hố, phô hàm răng trắng lóa. Không hiểu sao nhìn chị ta cái gì cũng tối vậy mà sao riêng hàm răng lại “trắng gì mà sáng thế”… Mà không, hình như hàm răng ấy đã rọi vào tâm trí tôi một vệt sáng lấp lánh. Quá bẽ bàng. Tôi vội chữa ngượng bằng câu hỏi:
- Nhưng sao chị bán chè lại bốc mà không cân? Vậy không có ai thắc mắc à?
- Ôi trời! em bán bao “nâu” rồi nên họ tin em “nắm”, em chả cân kéo gì sất, cứ bốc thôi mà chỉ có tươi chứ chưa bao giờ thiếu nhá. Bây giờ phải có “nòng” tin mới “nàm” ăn “nâu” dài được chị ạ.
Tôi ngẩn đưa mắt ngắm nhìn Mai đang bóc cam cho chồng, cử chỉ âu yếm rất hiếm gặp ở những cặp vợ chồng ngoài năm mươi tuổi. Một nỗi xấu hổ làm tôi nóng bừng hai tai. Tôi cảm thấy mình nhỏ bé trước người phụ nữ này. Cái tính khí kiêu hãnh lúc mới lên đây đã biến mất, thay vào đấy là ánh mắt thán phục.
***
Vừa về đến nhà, con cháu nội chìa tấm giấy vẽ bị giây một chấm đen, nói với tôi:
- Giấy vẽ này bị bẩn rồi, bà mua cho cháu tờ khác đi.
Nhìn tờ giấy vẽ, tôi lên giọng triết lý với cháu mà như với chính mình:
- Không cần mua đâu cháu ạ. Chỉ có một chấm đen bé xíu thế này thì cháu đừng nhìn vào nó nữa, hãy tập trung hướng vào mảng trắng thì chấm đen kia sẽ không tồn tại. Con bé reo lên nói:
- Chấm đen kia sẽ biến mất hả bà?
- Đúng thế cháu ạ. Cũng giống như cách ta nhìn vào một con người. Nếu chỉ để ý tới tật xấu thì không bao giờ nhìn thấy điểm tốt ở họ.
Con bé không thể hiểu câu nói sâu xa của người lớn nhưng lại chợt phát minh ra một ý tưởng, nó hồ hởi nói:
- Cháu sẽ vẽ con chim, con cá và biến cái chấm đen kia làm cái mắt cho chúng bà nhỉ.
- Ôi, cháu tôi thông minh quá!
Tôi quay đi thầm nói một mình “hôm nay bà cũng đã nhặt lại được lòng tin mà chính bà đã vô tình đánh mất đấy cháu ạ”.
Đêm hôm ấy, tôi ngượng ngùng choàng tay qua vòng eo của chồng, anh gạt tay tôi ra nói:
-Thôi nằm xa ra kẻo mùi gây gây của anh sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của “người ta”.
Tôi cười khúc khích, rúc đầu vào nách anh hít mùi đàn ông. Cũng may mà tôi chưa làm gì quá lố để xúc phạm anh, nếu không chắc anh sẽ tổn thương lắm…
Ôi! Cái mùi mới dễ chịu làm sao, nó khiến tôi chìm vào giấc ngủ sau bao ngày tự hành hạ bản thân mình bằng những cơn ghen ngu ngốc.
Truyện ngắn. Tiết Minh Hà
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...