Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
19:47 (GMT +7)

Chuyện những đứa trẻ bướng bỉnh

Ngày nay, không chỉ trong trường mẫu giáo, các bảo mẫu mới gặp rắc rối với những đứa trẻ bướng bỉnh. Mà ngay cả bố mẹ, đôi khi cũng tỏ ra bất lực. Ngoài ngõ xóm, trong khu giải trí cho thiếu nhi, trong siêu thị, hồ bơi, khu vui chơi công cộng, không khó để ta phát hiện ra những nhân tố bé xíu nhưng quậy phá ra trò, bắt nạt bạn, tranh giành đồ chơi, ra yêu sách với người lớn rất điêu luyện.

Những đứa trẻ nghịch ngợm, hiếu động và ương ngạnh ấy, trước hết, phải khẳng định một điều là chúng rất thông minh. Những đứa trẻ thông minh vượt trội thường có bộ não phát triển sớm và mạnh mẽ hơn các bạn cùng tuổi. Điều ấy thể hiện ở hành vi, lời nói của chúng và tư tưởng thủ lĩnh sớm hình thành. Nghĩa là chúng bắt các bạn phải chiều theo ý mình, cống nạp đồ chơi, đồ ăn cho mình, trái ý thì sẽ bị mình đánh. Sau khi khuất phục được bạn bè, nó sẽ tiến tới ra oai với cô giáo, người trực tiếp dạy dỗ uốn nắn nó. Ra oai bằng cách nào? Nhẹ thì cô nói nó không vâng lời. Hoặc làm trái ngược lại với những gì cô răn dạy, cấm đoán. Cô bảo nó xếp gọn đồ chơi vào thì nó sẽ ném tung tóe. Cô bảo đừng trèo lên cửa sổ nó sẽ trèo lên. Cô bảo đừng véo bạn nó sẽ véo. Giờ ngủ nó sẽ chọc phá các bạn, hoặc hét lên. Giờ ăn, nó sẽ hắt cơm ra ngoài. Nó muốn được cô giáo chú ý và đánh giá nó ở một vị thế đặc biệt hơn các bạn. Tóm lại thế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khi các cô giáo nhân nhượng nó thì nơi cuối cùng nó nhắm tới sẽ là gia đình. Nơi bố, mẹ, ông bà, anh chị là những đối tượng tiếp theo để nó ra yêu sách, vòi vĩnh, mặc cả... Ví dụ, mẹ bảo con tô bức tranh này đi. Nó sẽ mặc cả "con tô xong mẹ phải cho con đi siêu thị". Hoặc mẹ bảo con đi đánh răng đi, nó sẽ mặc cả, con ăn kem xong mới đánh răng. Nặng hơn là dọn cơm ra, có cá nó đòi thịt, có thịt nó đòi trứng. Quần áo mua về nó bảo không có in siêu nhân nó không mặc. Cái ba lô còn mới nguyên nhưng theo nó là xấu hơn của bạn nó cũng không dùng. Và những bà mẹ dễ tính thì ngay lập tức xuống nước, đáp ứng con. Ở gia đình, dòng họ mà con trai là của hiếm thì càng phức tạp. Vì nếu người mẹ không đáp ứng con, bà nội của con sẽ lập tức can thiệp "ôi giời ôi, có mỗi một mống con giai, mà cứ khắt khe à, mày không mua cho nó thì để tao mua". Nếu bức tường thành gia đình cuối cùng là Mẹ, là Bố cũng bị nó lung lạc thao túng bằng những vòi vĩnh, mè nheo, yêu sách, thì quay lại lớp học, cô giáo chỉ có khóc với nó, nếu không, chính cô sẽ mất kiểm soát.

Nhiều người mẹ cho rằng con mình lúc ở nhà ngoan thế, sao đến lớp nghịch và ương thế. Thì ở lớp nó nghịch là bởi nơi đó có nhiều trẻ con, môi trường lý tưởng để nó khẳng định bản thân. Và trẻ con thì nó lớn khôn từng ngày. Vì thế, ngay khi nhận được phản ánh của cô giáo, cha mẹ trẻ phải ngay lập tức tìm cách để hợp tác với nhà trường, tìm ra cách dạy con hiệu quả. Hãy thật mạnh mẽ, dứt khoát nói "không" với con, tất nhiên không phải tiếng “không” mệnh lệnh. Ví dụ, nửa đêm con đòi ăn kẹo. Bạn hãy nói, cả đàn sâu đang ẩn nấp trong không khí, đợi con ăn kẹo vào là chúng sẽ tấn công khoang miệng và đục khoét răng của con vì chúng thích vị ngọt của kẹo.

Ví dụ, đi siêu thị, con đòi món đồ chơi quá đắt so với ví tiền của bạn hoặc không phù hợp với độ tuổi của con. Thì sẽ đừng nói dối trẻ kiểu như "mẹ hết tiền rồi", "cô bầy ra đây nhưng không bán đâu", hoặc hạ thấp con "con chưa đủ khả năng chơi món đồ này", hoặc hạ thấp bản thân "mua về bố sẽ mắng"... Thay vào đó, bạn nên nói thẳng với con là "món đồ này nhiều tiền hơn khả năng của mẹ" hoặc "chúng ta còn dành tiền để mua những thứ quan trọng hơn đồ chơi". Hãy nghiêm khắc với con bằng ánh mắt. Nhìn vào mắt con ít nhất hai chục giây, để nói "mẹ không thể chiều ý con lần này được". Cũng đừng bao giờ nói với con "đồ chơi nhiều rồi, không mua nữa, chọn đồ ăn đi". Nói thế là ta đã thua trẻ. Vì chúng sẽ cãi "con cần chơi, con sẽ nhịn ăn". Thực tế, trẻ cần đồ chơi, thậm chí cần hơn đồ ăn. Cũng không tồn tại khái niệm "nhiều đồ chơi" với chúng. Với trẻ thông minh, những món đồ chơi chỉ chơi vài lần đã cũ. Chúng liên tục muốn khám phá những đồ chơi mới mẻ hơn. Có thể chơi đến quên ăn mới là trẻ con. Hiếm đứa nào lại vì ăn mà quên chơi.

Trong gia đình, hãy tôn trọng quyền dạy con của người mẹ. "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà". Không phải người bà, người mẹ dạy trẻ hư. Mà là cái sự dạy sai cách, nửa vời, khiến trẻ hư. Nếu mẹ đang phạt con khi con phạm lỗi, thì ông bố đừng vội vàng quát mắng vợ mình. Và ông bà nội ngoại đừng vội bênh cháu, trách móc bố mẹ chúng. Dạy nửa vời là gì. Là vừa té tát mắng con, thậm chí tét mông một cái, con khóc chưa ráo nước mắt lại dựng nó dậy dẫn đi "nào đi để mua, cho yên chuyện". Cái sự nửa vời ấy, nguy hiểm vô cùng. Đánh quát trẻ khi nó vòi vĩnh đã là sai. Càng sai khi bất ngờ xuống thang tự thua nó. Lần sau nó sẽ vẫn như thế, bất chấp đánh đòn vì biết mẹ sẽ làm theo ý nó. Và nó dần dần “dạn đòn”.

Tại sao trẻ con lại hay vòi vĩnh mẹ? Theo lẽ tự nhiên, những đứa trẻ sẽ gần gũi với mẹ, người sinh ra chúng, cho chúng bú mớm, nâng giấc chúng hơn những thành viên còn lại trong gia đình. Người mẹ là người có ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất đến sự hình thành tính cách của trẻ con. Mọi biểu hiện đầu tiên như hờn dỗi, khóc lóc, đòi ăn, tủi thân... đều hướng về phía mẹ. Những đứa trẻ khi được mẹ cho bú, trong lúc ăn, chúng ngước nhìn mẹ, ánh mắt trong veo ấy chứa đựng một lời cám ơn. Khi biết nói, mẹ cho con ăn cháo, con ăn ngon miệng, há miệng chờ đút và nói ngon quá, đó cũng là lời cám ơn. Khi chúng đi học, về đến nhà, sà vào lòng mẹ, ôm chặt đầy nhớ nhung, cái ôm đó cũng là lời cám ơn. Nhưng có mấy người mẹ đã nói cám ơn con mình khi chúng mới hai, ba tuổi? Không nói vì phần lớn các bà mẹ nghĩ trẻ con thì biết gì. Đấy là sai lầm. Khi con tha thủi chơi ở nhà ngày Chủ nhật, để bạn có thời gian dọn dẹp nhà cửa, thì hãy nói với con rằng "cám ơn con, hôm nay mẹ làm được bao nhiêu việc". Đi họp phụ huynh, cô giáo khen con ngoan, về nhà, bạn hãy nói "cám ơn con vì hôm nay mẹ đi họp mẹ rất vui".

Đó là khi con ngoan. Còn khi con chưa ngoan, con phạm lỗi. Thì phải làm thế nào? Tôi từng nhìn thấy những bà mẹ vừa cho con bú vừa quát anh chị nó, vừa cãi nhau với bố nó hay hàng xóm. Thậm chí vừa cho con bú vừa nha nhiếc "đi về đến nhà, chưa kịp thở đã bám lấy rồi, mai tao cai". Hoặc tét vào mông con thật mạnh khi con ngứa lợi nghiến vào đầu vú. Tét xong thì quăng con xuống giường, mặc kệ đứa trẻ khóc nấc lên vì tủi thân và ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì. Nếu không kiềm chế được mà trót làm thế, thì xin hãy nén đau, bế con lên, dỗ dành con và nói "mẹ xin lỗi". Có thể đứa trẻ chưa hiểu được ba từ ấy, nhưng thái độ ân hận của bạn vì đã đánh con thì con bạn thấy rất rõ.

Cho con bú không chỉ là bản năng, là trách nhiệm, không phải là ban ơn. Mà chính là hoạt động giao tiếp với con, thắt chặt mối quan hệ ruột thịt. Đứa trẻ ấp vào ngực bạn, chính nhịp tim đều đặn của bạn cùng bầu sữa ngọt ru con bạn vào giấc ngủ êm đềm, trong mơ con còn nhoẻn cười. Con bạn khỏe hay yếu, ốm sốt hay không, cho con bú là bạn biết. Còn nếu vừa cho con ăn, bạn vừa khóc, vừa mắng nhiếc ai đó, huyết áp bạn thay đổi, tim bạn không đều, con bạn thấy bất an, tay con nắm chặt. Bạn càng muốn đặt con xuống giường, con càng muốn bám chặt lấy bạn, ngậm chặt vú không rời. Vì nó nghĩ, bạn đang gặp khó khăn gì đó, nó không muốn bỏ mặc bạn. Vậy nên, muốn có một đứa con biết nghe lời, thì ngay từ khi con còn bé xíu, người mẹ đã phải tạo ra niềm tin cho con, cho con cảm giác bình an. Khi niềm tin của con đặt trọn vẹn vào bạn thì tự khắc con sẽ biết vâng lời và ghi nhớ những lời bạn căn dặn.

Đừng lo lắng vì bạn có một đứa con bướng bỉnh đến mức vừa đi nhà trẻ đã bị cô giáo cáu giận. Hãy vui vì điều ấy. Con bạn là một đứa trẻ thông minh. Và còn đủ sớm để đưa con trở về quỹ đạo mà bạn hằng mong muốn. Bạo lực là thứ phản giáo dục một cách tồi tệ nhất. Bạo lực bằng đòn roi hay lời nói đều để lại những tổn thương vô cùng lớn đối với trẻ con. Bạn tát con một cái trong lúc cáu giận, nó sẽ học theo bạn mà tát bạn nó ở lớp. Có đứa trẻ lao vào đấm đá túi bụi ông bà, bố mẹ vì không đáp ứng thứ nó đòi hỏi. Thì hãy xem lại ngay, những gì đã xảy ra trong gia đình bạn, con bạn đã chứng kiến điều gì. Bạn đã nhân nhượng con bao nhiêu lần, đáp ứng những đòi hỏi vô lý của con bao nhiêu lần. Hoặc bạn đã đánh anh chị nó trước mặt nó, hoặc bạn đã đánh vật nuôi trước mặt nó. Trẻ con bắt chước rất nhanh. Càng thông minh thì sự bắt chước càng nhanh và tinh vi. Bạn cãi người lớn tuổi hơn bạn mà con bạn nghe thấy, thì nó cũng sẽ cãi bạn khi có cơ hội. Đôi khi nó cãi bạn không phải vì nó hư, mà vì nó muốn khẳng định bản thân nó. Nếu con bạn được bạn thừa nhận những khả năng, những đức tính tốt và khích lệ đúng mức, thì nó sẽ không còn cãi bạn nữa.

Đem đứa con mà chính bạn cảm thấy mệt mỏi vì dạy dỗ đến trường, thì bạn đừng hy vọng nhiều quá vào các cô giáo. Sinh ra con đã là điều kỳ diệu với phụ nữ. Nhưng có những đứa con ngoan ngoãn thì mới là điều tuyệt vời nhất! Con ngoan là niềm tự hào thầm lặng nhưng lớn nhất của đàn bà!

Khi con trai mình mười tuổi, cái tuổi bắt đầu ẩm ương. Một lần, tình cờ nó nhìn thấy vết sẹo dài trên bụng mình. Nó hỏi, chỗ con chui ra đây hả mẹ, mẹ còn đau không? Mình trả lời. Cái sẹo này lạ lắm con ạ. Con mà ngoan thì chả bao giờ mẹ thấy đau cả. Nét mặt con khi ấy rất xúc động.

Chia sẻ với những người mẹ trẻ những điều này, dẫu không có gì mới mẻ cả, thậm chí là cũ. Nhưng đôi lúc, có những thứ ta biết rất rõ nhưng ta vẫn quên, và cần có ai đó nhắc lại, để chúng ta nhớ.

Tống Ngọc Hân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 5 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 5 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 6 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 1 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước