Chuyện ngày xưa…
Tôi vẫn nhớ hình ảnh một đứa trẻ ba, bốn tuổi ngồi trên chiếc giường giữa lỉnh kỉnh đồ đạc vừa chuyển dưới quê lên, mẹ tôi ngồi bên cạnh cầm bát bón cơm cho tôi từng thìa. Bát cơm nóng với miếng thịt mỡ to. Tôi ngồi đó, giữa sân rộng, nhìn người lớn tất bật qua qua, lại lại, sắp cái này, xếp cái kia... Vậy là gia đình tôi chuyển tới phố Còng, nơi mà tôi sẽ gắn bó suốt thời tuổi thơ, chập chững tới trường và cho tới tận khi vào cấp III. Sau những năm tháng học hành, ra trường rồi đi làm một vài nơi xa, tôi lại trở về gắn bó với đất phố Còng cho tới tận bây giờ. Hơn ba mươi năm, tôi đã chứng kiến biết bao sự đổi thay của mảnh đất này, từ cát bụi hoang sơ thưa thớt tới tấp nập phố thị xanh đỏ đèn màu. Hơn ba mươi năm ấy là biết bao điều đáng nhớ.
Nhà tôi hồi đó, bố đi dạy học, mẹ công tác ở bệnh viện trên huyện miền núi Như Xuân. Gia đình tôi đúng kiểu tam đại đồng đường. Ông bà nội khi đó còn khỏe cả. Bà bán hàng trầu cau thuốc lào ngoài chợ. Ông đã nghỉ hưu, phụ giúp bà làm hàng. Bác cả làm ở viện kiểm sát ngoài tỉnh, cuối tuần lại về. Bác gái dạy học ở trường cấp I thị trấn. Nhà bác có bốn anh chị em, còn nhà tôi là hai anh em sinh đôi. Ông bà cũng muốn gắn bó với quê cha đất tổ, nhưng bác cả muốn chuyển cả nhà lên phố để tiện cho con cháu học hành. Tôi vẫn nhớ có lần ông bảo cả khu đất rộng mà ông bà và bác mua khi đó có mấy chục nghìn đồng. Căn nhà gỗ ba gian với cột kèo vững chắc dưới quê được chuyển lên.
Ngày đó ai theo nghề giáo cũng nghèo. Nghe bảo nhiều người bỏ nghề lắm. Nhà tôi có những hai người theo nghề ấy, là bác gái và bố tôi. Nghề y cũng nghèo, mẹ lại còn đi làm ở xa, nên bà nội nhiều lần bảo mẹ bỏ nghề về xuôi buôn bán cho gần chồng gần con. Thế nhưng mẹ vẫn kiên quyết giữ nghề. Bố và bác cũng vậy, vẫn theo nghề giáo tới tận khi về hưu.
Vì nghèo nên nhà tôi có thêm “nghề tay trái” là làm kem, vốn học được từ nhà ông chú cùng quê, sau mua lại máy móc ra làm riêng. Nhà bác làm trước, bố tôi làm theo sau. Công việc này vất vả vì phải thức khuya nấu bột, khuấy hồ, đổ khuôn, cắm que kem. Rồi phải dậy sớm để ra kem cho người bán kịp lấy hàng buổi sáng. Trước sân giếng, cạnh bể nước muối khuấy lạnh, các khuôn kem được lấy ra khỏi máy, nhúng nhanh qua thùng nước bên cạnh, sau đó bố kẹp giữa hai chân, dùng kìm để rút hai que kem đan chéo vào nhau ra, rồi bỏ vào mẹt bên cạnh. Kem ra đến đâu người ta xếp ngay vào thùng xốp tới đó. Giấy vụn được xé nhỏ ra, rải lên trên. Thêm một lớp chăn mỏng nữa là thùng kem sẵn sàng buộc sau xe đạp đi muôn nơi. Ai bán kem cũng có một cái kèn gắn với vỏ nhựa để bóp cho kêu. Tiếng kèn đấy khiến bao trẻ em mê đắm. Thôi thì nhà có gì là mang ra đổi kem hết.
Thú vui của trẻ con xóm tôi hồi đó là đá bóng và đi câu cá. Ao hồ còn nhiều, nhà cửa chưa ken đặc kín như giờ. Trẻ con chỉ cần kiếm được sợi dây sắt nhỏ, có khi là sợi phanh xe đạp, hí hoáy mài nhọn uốn lưỡi câu, rồi lại kiếm sợi dây cước, đào giun hay bắt cào cào, đủ mấy thứ đó là rủ nhau vác cần đi câu. Câu ao nhà hàng xóm, câu ao ở xóm trong, xóm dưới, cứ ngõ ngách nào vào sâu thì kiểu gì cũng có một cái ao hay bờ mương. Mấy cái ao tôi biết giờ đều lấp hết cả. Gần nhà có cái ao của khu thủ công nghiệp, rồi sau cũng lấp để bán đất làm nhà. Chúng tôi có thêm những hàng xóm mới.
Hỏi trẻ con hồi đó món nào ngon nhất, tôi cá rằng hỏi mười đứa thì cả mười đều bảo “mì tôm”. Mà chẳng phải hồi xưa, trẻ con bây giờ chắc cũng thế. Mì tôm, phải thật ngoan mới được bố mẹ mua cho. Hoặc hôm nào bố mẹ đi trực vắng nhà mới được ăn món ấy. Úp tô mì xong đâu dám ăn một hơi hết ngay. Phải vừa ăn vừa cố tình để rớt vào đĩa. Rồi sau lấy mì rớt đó ăn tiếp. Húp bát nước hết cái rụp. Rồi thế mà vẫn còn thòm thèm lắm. Một bát ăn không đã, nhưng tiêu chuẩn chỉ có một gói. Còn một món “sang” nữa là bánh mì chấm sữa đặc Ông Thọ. Nhưng món này phải ốm mới được ăn.
Trẻ con hồi đó còn ham chơi bắn vòng chun. Bắn bi là phải sau này. Xóm tôi có dạo còn rộ lên chơi bài ăn vòng chun. Đỏ đen cũng ghê lắm. Đứa nào con nhà giàu thì dây vòng chun bện năm bện mười mà nó có cả một dây dài ơi là dài. Tôi thì chơi kém nên có đâu đó hơn năm mươi chiếc là nhiều lắm. Nhưng bắn vòng chun thì tôi chơi khá là tinh. Lấy dây chun bện làm “chì” để nhắm bắn từ xa, những cái vòng tan tành không còn ghép đôi nữa thì được ăn cả.
Năm 1993, nhà tôi xây nhà ngói. Tôi nhớ được đúng năm bởi có một cửa sổ được bác thợ xây đổ xi măng làm hoa văn và có vẽ số “1993” phía trên. Lúc làm bức hoa văn đó tôi còn chăm chú ngắm nhìn. Nhà xây bằng đá chứ không có gạch, không có xi măng mà phải trộn hồ là cát và vôi. Nhà hàng xóm sau đó làm nhà tầng, trộn chỉ cát và xi măng để xây, có cột bê tông, tôi thấy sang lắm.
Năm tôi học lớp 7, bố mẹ tôi gom góp rồi cũng mua được một chiếc xe DD đỏ. Mà cũng chỉ là xe cũ, mua lại thôi. Nhưng cái đêm hôm bố mua nó về, dựng ở trong nhà, tôi thấy lạ lẫm gì đâu. Mùi xăng, rồi màu xe, nó như là thứ thể hiện sinh động nhất cho cả một sự thay đổi lớn lao đối với gia đình tôi ngày đó. Bố không còn phải đạp xe đi dạy học ở trường cách nhà mươi cây số nữa. Có xe máy, tôi được về quê nhiều hơn. Chứ ngày đó mỗi lần về quê nội là bố mẹ lại còng lưng đạp xe chở hai anh em. Còn quê ngoại thì nhất định phải đi mượn xe máy để về, vì xa.
Chuyện xưa còn nhiều lắm, kể hoài không hết. Kể chuyện ngày xưa là để nhớ về một thời dù đói nghèo nhưng với bao nhiêu ký ức đẹp đẽ. Người ta có thể dùng tuổi thơ tươi đẹp để chữa lành những tổn thương khi trưởng thành, tôi thì chỉ đơn giản hồi tưởng lại để biết sâu hơn tuổi thơ mình tươi đẹp thế. Nó hằn sâu vào ký ức, có những chuyện xa lắc xa lơ kể ra đây mà ngỡ như vừa mới xảy ra ngày hôm qua, hãy còn sinh động và tươi mới vô cùng.
1 đã tặng
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...