“Chuyện lạ ở ngôi nhà hoa hồng” - ngọn roi quất vào tha hóa, tiêu cực
(Đọc tập truyện ngắn của Phan Thái, NXB Lao động năm 2024)
Vào những năm đầu của thập niên 10, Phan Thái chủ yếu làm thơ. Những bài thơ về nông thôn, về mẹ của anh đã gây được sự chú ý của bạn đọc. Trong vòng dăm, bảy năm Phan Thái cho xuất bản 3 tập thơ, được kết nạp vào Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên theo đường chi hội Thơ. Tập “Hoa nắng ngày xưa” năm 2017 đoạt Giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Những tưởng anh yên tâm trên con đường thơ đã có sự khởi sắc và thành công của mình. Vậy mà bất ngờ, Phan Thái lặng lẽ chuyển sang viết văn xuôi. Những truyện ngắn, ký dần dần xuất hiện trên báo chí. Cuốn tiểu thuyết đầu tay “Cơm áo chợ đời” ra đời vào năm 2014, được một công ty phát hành lớn ở Hà Nội nhận in liên kết với hơn 1000 bản sách bán hết veo trên thương trường là một dấu hiệu đáng mừng cho việc chuyển dịch thể loại của anh.
Tuy nhiên ngày ấy, cũng có những người tỏ ra không tin tưởng một cây bút thơ sẽ có những gặt hái tốt đẹp trong lĩnh vực văn xuôi. Tiểu thuyết và truyện ngắn của Phan Thái từng bị vài ý kiến đánh giá chưa thực sự ủng hộ trong một hội thảo. Thậm chí có một nhà phê bình đã đưa ra nhận định hơi vội vàng rằng, Phan Thái chỉ có năng khiếu thơ chứ văn xuôi thì khó phát triển.
Tuy tôn trọng và tiếp thu mọi ý kiến đóng góp quý báu của bạn văn nhưng anh vẫn không từ bỏ chí hướng của mình. Đêm đêm, Phan Thái vẫn cần mẫn bên bàn máy vi tính để sáng tác truyện ngắn và sau đó là hàng loạt tiểu thuyết. Chưa đầy mười năm, kể từ tác phẩm văn xuôi đầu tay, đến nay anh đã cho ra đời hơn mười cuốn tiểu thuyết, hai tập truyện ngắn dày dặn cùng một số giải thưởng văn xuôi danh giá ở trung ương và địa phương. Không thể nói khác, Phan Thái là một cây bút có bản lĩnh, có nội lực. Tập truyện ngắn “Chuyện lạ ở ngôi nhà hoa hồng” được anh tập hợp, chọn lọc, ra đời trong giai đoạn này.
Phan Thái vốn là kĩ sư mỏ, công tác nhiều năm ở một mỏ lớn, lại có một thời gian khá dài làm Chủ tịch Công đoàn Công ty Gang Thép Thái Nguyên. Gần như cả một thời công tác, anh gắn bó với công nghiệp, một khu công nghiệp có nhiều thăng trầm, trải qua nhiều biến động lớn, đã có không ít những tội lỗi về tham nhũng, lợi dụng chức quyền làm trái pháp luật của một số lãnh đạo cao ở Công ty. Có phải vì thế không mà hầu hết các tác phẩm văn xuôi của anh đều xoay quanh vấn đề chống sự tha hóa, biến chất của quan chức ngành công nghiệp.
Bởi vậy, độc giả không hề ngạc nhiên khi tập “Chuyện lạ ở ngôi nhà hoa hồng” có tới hơn mười truyện ngắn dày dặn, chiếm già nửa số trang trong tập là viết về chủ đề này. Có lẽ đây cũng là chủ ý của nhà văn khi tuyển chọn tác phẩm để in tập. Trong đời sống văn học, thường thì độc giả chỉ được tiếp cận với những tập truyện ngắn với rất nhiều chủ đề khác nhau. Những cuốn sách có khuynh hướng nghiêng về một chủ đề như thế này là loại khá hi hữu. Điều này, không chỉ là ý định mà còn bộc lộ nội lực dồi dào của tác giả.
Đọc hơn mười truyện ngắn trong tập về đề tài nói trên, người đọc nhận thấy một không khí chung là hầu hết nội dung truyện đều được thể hiện một cách rất quyết liệt, trần trụi, đi sâu vào tận ngóc ngách của các thủ đoạn, âm mưu, toan tính, nhân cách, đạo đức… của những nhân vật quan chức thoái hóa, biến chất trong ngành công nghiệp. Có được điều này, nếu không phải là một người từng trải, là “người trong cuộc", có óc quan sát tinh tế, nhạy bén và cả sự dũng cảm thì khó có thể thành công và thuyết phục.
Mở đầu tập sách là bốn truyện ngắn nối tiếp nhau: “Nụ cười của oan hồn”, “Tâm tặc”, “Cô gái có đôi mắt cười”, “Gió không từ trời” đều là những truyện ngắn đậm đặc về chủ đề nói trên.
Truyện “Nụ cười của oan hồn”, tác giả để cho người trần thuật núp dưới điểm nhìn của một người đã chết nên việc phơi bày những âm mưu, sự bất lương, ăn chơi xa xỉ của nhân vật phản diện tổng giám đốc Khán có thể đến tận cùng, tận những nơi khuất lấp nhất. Thậm chí có những “pha” oan hồn nhân vật “tôi” chui vào não bộ của kẻ tha hóa để đối thoại, tố cáo. Lối viết này có sự đổi mới về bút pháp hiện thực, cái nhìn hiện thực được nới rộng. Tuy trước Phan Thái cũng đã có một số cây bút thực thi thủ pháp này nhưng với truyện ngắn “Nụ cười của oan hồn”, nhà văn đã ứng dụng một cách khá nhuần nhuyễn, thuyết phục người đọc.
Truyện ngắn “Tâm tặc” cũng có lối trần thuật gần giống với “Nụ cười của oan hồn” nhưng tác giả muốn đưa ra một thông điệp, một lời tự vấn rằng, liệu có sự tha hóa luôn thường trực, luôn ém trong tâm một người bình thường? Truyện ngắn miêu tả nhân vật “tôi”, vốn chỉ là một kĩ sư thuần túy, trong giấc mơ được trở thành tổng giám đốc. Trước sự tâng bốc, cung phụng, xúi bẩy của thuộc cấp, sự cám dỗ của quyền uy và đồng tiền cũng đã sa vào tội lỗi không kém gì những kẻ bất lương. Chỉ đến khi tỉnh khỏi giấc mơ, anh mới hồi tâm nghĩ lại. Truyện ngắn “Tâm tặc” là lời cảnh báo, không chỉ cho những kẻ vốn bản chất xấu xa mà cho tất cả mọi người. Đúng như một câu nói thốt ra từ cửa miệng nhân vật chính: “Trời ơi! Điều gì sẽ thực sự xảy ra nếu tôi sống như trong giấc mơ ấy…”.
Đôi khi, Phan Thái cũng có lối miêu tả gián tiếp tội lỗi, tội ác của những kẻ có quyền thế, nhiều tiền, lắm của nhưng máu lạnh. Đơn cử như trong truyện ngắn “Ngôi nhà có tiếng chó sủa”, hầu như không thấy sự xuất hiện của ông chủ tòa lâu đài, một sếp lớn - nhân vật chính, đối tượng chính tác giả nhằm miêu tả. Từ đầu chí cuối truyện người đọc chỉ được tiếp cận thường xuyên với con chó lai được xích trong ngôi nhà, thông qua lời kể và suy tư của người dẫn chuyện. Nhưng rồi chi tiết con chó suýt chết vì bị bỏ đói trong ngôi biệt thự sang trọng được đối lập với cuộc sống mới sau khi được cứu, vừa là lời tố cáo vừa mang giá trị nhân văn sâu sắc.
“Gió không từ trời” là một truyện ngắn làm cho người đọc “rùng mình” về một vị chủ tịch huyện không những cư xử bất hiếu mà còn dùng thân phận chính người mẹ ruột của mình làm bình phong che giấu việc làm xấu xa bỉ ổi. Chiếc quan tài mà ông vẫn công khai với thiên hạ là để dành cho hậu sự của mẹ lại chính là súc gỗ rất quí, một gia tài được ngụy trang. Nếu như khi viết về các quan chức doanh nghiệp, doanh nhân, Phan Thái thường mô tả họ như những kẻ bạo quyền, coi trời bằng vung, sẵn sàng công khai làm việc xấu, thì các nhân vật quan chức thuộc chính quyền huyện, xã… trong tác phẩm của anh lại thường phạm tội một cách kín đáo, e dè, khôn ngoan hơn. Điều này rất hợp lí, vì trước mắt các “quan phụ mẫu” còn có “tai mắt nhân dân”.
Cũng giống như nhiều nhà văn khác, Phan Thái cũng viết về tình yêu trai gái nhưng không nhiều. Tình yêu trong các tác phẩm của anh thường là những mối tình trắc trở, đắng cay, bội phản trước sự điều khiển của đồng tiền, quyền lực, nghĩa là anh sử dụng tình yêu cũng có phần mang ý nghĩa phục vụ cho đề tài chống tiêu cực, phơi bày tội ác. Nhưng truyện ngắn “Cô gái có đôi mắt cười” lại là một trường hợp hơi khác và hiếm thấy trong các tác phẩm của anh. Bên cạnh nhân vật Thảo, một tình yêu đầy thực dụng, thì ở “Cô gái có đôi mắt cười” với “ánh mắt như ngọn sóng tràn tới lấp lánh” của cô gái trong bức tranh lại là một tình yêu trong trẻo, mang vẻ đẹp thánh thiện, một thứ tình yêu trong mơ.
Ngoài loạt truyện viết về đề tài chống tiêu cực, Phan Thái cũng rẽ sang những đề tài khác. “Sóng bên kia trời” viết về một “câu chuyện cũ”, từ cái thời chủ nghĩa lí lịch còn lên ngôi, thời người ta còn tôn vinh lối làm ăn tập thể như một con đường duy nhất để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đây là một trong những truyện ngắn xuất sắc trong tập. Nhân vật Khính, một người hiền lành, chân chất, nhiều chữ, có tài lẻ nhưng “lí lịch xấu”, tính cách lại tự do, có phần ngang ngạnh, thường có thái độ phản ứng chính quyền như không chịu vào hợp tác xã, coi thường các chức sắc địa phương. Những tội lỗi ấy, vào thời ấy là tày trời. Nhưng ngược lại, ông lại là một hình ảnh thân thương, đáng yêu đối với bà con hàng xóm và nhất là lũ trẻ trong làng. “Sóng bên kia trời” là một loại truyện khó viết, nhưng với bàn tay có nghề, tác giả đã dẫn dắt truyện một cách đầy lí thú, giải quyết vấn đề một cách thấu đáo. Đặc biệt, với bút pháp vừa hiện thực, vừa trào phúng cùng những giọng điệu suy tư triết lí, suồng sã, giễu nhại đan xen nhau trong tác phẩm, tác giả đã mang đến cho độc giả những trang viết hấp dẫn và giầu cảm xúc.
Trong tập cũng có những truyện ngắn được mở rộng ra nhiều đề tài, như chiến tranh (“Ban mai lấp lánh”, “Ngày mai chim sẽ hót”), bảo vệ môi trường (“Chuyện tình ở khu rừng ven hồ”), chuyện làng xã (“Hai người đàn bà và ba đời chồng”, “Tro nắng”), hôn nhân gia đình (“Vợ người”), tình yêu (“Mùa xuân chưa đi qua”)…
Về đề tài chiến tranh, tuy trong tập chỉ có hai truyện nhưng đều là những truyện ngắn phản ánh một cách chân thực và khách quan cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới rất khốc liệt nhưng luôn tỏa sáng bởi tinh thần hi sinh, dũng cảm, sáng tạo trong chiến đấu của những người lính được sinh ra ở thế hệ đầu 6x.
Bảo vệ môi trường là một đề tài khô khan nhưng trong truyện ngắn “Chuyện tình ở khu rừng ven hồ”, tác giả đã khéo léo mượn màu sắc đồng thoại để diễn tả, đã làm tăng thêm vẻ bi thương của những con vật vô tội khi khu rừng bị những kẻ vô lương tàn phá. Truyện nhẹ nhàng mà động đến lương tri của con người.
Phan Thái cũng tỏ ra linh hoạt và sâu sắc đối với loại truyện có bút pháp trào phúng. Truyện ngắn “Lão Phởn đi nhà hàng” trong tập là một minh chứng. Là một người bất ngờ giàu lên do tiền đền bù đất đai, được rủ rê đi nhà hàng, lão Phởn tỏ ra vô cùng xa lạ và đầy ác cảm với những cảnh ăn chơi xa xỉ. Chuyện chỉ có vậy, nhưng do lối sử dụng ngôn từ linh hoạt, mang màu sắc suồng sã đời thường, anh đã đem đến cho người đọc những đoạn văn đầy hài hước, phê phán quyết liệt lối ăn chơi vô lối, kệch cỡm của một số người trong thời hiện đại. Đây là “phát ngôn” của lão Phởn sau khi hỏi để đến nhà vệ sinh: “Thì ra WC là nhà vệ sinh. Lão đã ngó thấy từ nãy nhưng không biết là gì. Tiên nhân cái bọn ngộ chữ - lão thầm lẩm bẩm - nhà vệ sinh không ghi lại còn bày đặt. Bố mày mót, suýt phọt mẹ ra quần”.
Như đã nói ở trên, về đề tài tình yêu, Phan Thái thường ít viết về những tình yêu đẹp, viên mãn… Trong truyện ngắn “Mùa xuân chưa đi qua”, anh hướng ngòi bút về một tình yêu đẹp, nhưng cũng là đẹp trong đau đớn, chia li. Một mối tình bất thành của một chàng kĩ sư thất nghiệp với cô gái cave mang vẻ trái ngang pha chút bụi đời. Nhưng cái vị đắng tình yêu ấy có thể làm thức tỉnh bao trái tim người.
Cuối sách là hai truyện ngắn về đề tài lịch sử (“Huyền khí” và “Tiếng mõ của vương triều”) đều mang tinh thần hào khí dân tộc. Cả hai truyện tác giả đều mượn giấc mơ hoặc lối viết thực thực hư hư để diễn tả. Nếu không lầm thì đây là những truyện mang tính định hướng và khai mở để nhà văn Phan Thái có thể viết hàng loạt tiểu thuyết về đề tài lịch sử sau này.
Nhìn chung, “Chuyện lạ ở ngôi nhà hoa hồng” là một tập truyện có nội dung phong phú, đa dạng và lối viết có nghề, chủ yếu vẫn theo hình thức tự sự truyền thống nhưng đây đó đã có sự cách tân. Điểm nổi bật về nghệ thuật là hầu như tất cả các nhân vật của các truyện ngắn trong tập đều được khắc họa tính cách một cách khá tỉ mỉ, kể cả các nhân vật phụ. Nhiều truyện được tác giả ứng dụng thành công thủ pháp “gài mìn”, bất ngờ, tạo được không khí truyện… gây sự hấp dẫn cho độc giả. Các nhà phê bình theo chủ nghĩa hậu hiện đại có thể cho rằng đó là những việc không quá quan trọng đối với một truyện ngắn cách tân. Nhưng vẫn có một điều khó phủ nhận, đó là một nghệ thuật đã, đang và sẽ được đông đảo độc giả đương thời tiếp nhận và hưởng ứng.
Cũng không thể không nhắc đến một điểm mạnh khác của tập sách. Phan Thái là một nhà văn biết cách đưa các tục ngữ, thành ngữ, nguồn văn học dân gian vào tác phẩm một cách nhuần nhuyễn. Ở nhiều truyện ngắn trong tập ta luôn được gặp những đoạn văn đan xen với ca dao, tục ngữ, thành ngữ cổ truyền như: “Đời cua cua máy đời cáy cáy đào”, “Chó ăn đá gà ăn sỏi”, “Cố đấm ăn xôi”, “Lòng vả cũng như lòng sung”, “Chó ngồi xem tát ao”, “Cơm no ấm cật giậm giật tứ chi”, “Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường”, “Vuốt mặt phải nể mũi”, “To đầu mà dại”, “Giọt máu đào hơn ao nước lã”, “Đời người mưa gió thiên di/ Nếu không ong bướm khác gì cơm thiu”; đặc biệt là có sự vận dụng nguồn dân gian hiện đại: “Ghế thì ít đít thì nhiều”, “Cả đời phấn đấu không bằng cơ cấu một giờ”, “Cấp trên nhìn xuống người ta trông vào”, “Trên răng dưới cát-tút”, “Cầm đèn chạy trước ô tô”, “Hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, đồ đệ”, “Thịt gà, xôi nếp, đàn bà/ Cả ba thứ ấy phải là dùng tay”, “Cỗ to phải có thịt gà/ Rượu tây tây, có đàn bà mới vui”, “Thằng nào thấy gái chả mê/ Thằng nào uống rượu mà chê miếng dồi”… Phan Thái đã biết cách sử dụng nguồn văn học dân gian phong phú làm giàu thêm cho ngôn ngữ của riêng mình.
Phan Thái là một nhà văn có xu hướng viết nhiều, xuất bản nhiều. Mỗi năm anh có thể cho công bố đôi, ba tập sách. Bên cạnh ưu điểm ấy đồng thời cũng lộ ra những nhược điểm. Các nhân vật của anh, nhất là những nhân vật quan chức tuy được thể hiện rất sắc sảo, được khai thác đến tận cùng, nhưng lại khó tránh khỏi sự trùng lặp về cả về chi tiết lẫn tính cách. Điểm nữa, trong “Chuyện lạ ở ngôi nhà hoa hồng” đây đó đã có cái kết mở nhưng nhìn chung vẫn là cái kết có hậu, tròn trịa. Đây cũng là cái yếu chung của truyện ngắn ngày hôm nay.
Nếu Phan Thái biết tiết chế, chọn lọc hơn, không quá nôn nóng trong sáng tác, tin rằng trong tương lai chắc chắn anh sẽ có những tác phẩm ở tầm cao hơn nữa.
2 đã tặng
2
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...