Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
10:31 (GMT +7)

Chuyện của Dĩnh

VNTN - Bán hàng ở chợ mối Trung Quốc năm này qua năm khác khiến Dĩnh già đi trông thấy. Gã bốn mươi tuổi. Những nét khắc khổ in đậm trên khuôn mặt gã. Nhưng cho đến bây giờ, nét tình vẫn chưa một lần in lên làn da đó. Đợt này về nhà, gã xác định nghỉ luôn công việc ở xứ người, kiếm một việc làm nào đó ổn định ở nhà, cưới một cô vợ để yên bề gia thất. Dòng họ chẳng còn mấy người, lúc gã làm bữa cơm đầu tiên ở căn nhà trình tường cổ kính, chỉ có bố mẹ gã và thằng em họ cũng đã ngoài bốn mươi. - Năm rồi bà Từ mất, cách mấy tháng thằng Dùng nhà ông Năm tai nạn giao thông… Ông bố của gã ho lụ khụ trong bữa ăn, kể về những cái chết vừa để điểm lại các sự kiện quan trọng trong dòng họ, vừa để bao quát lại những gì gã không hay biết. Chuyện buồn chỉ kéo dài vài phút, đến những chuyện vui. Người mẹ già của gã kể tiếp lời ông chồng đang ho thành cơn mãi chưa dứt. Bà bắt đầu kể, thằng em gã đi làm Samsung mấy năm nay cũng được việc, thăng chức này nọ. Cô em gái út lấy chồng trong miền Nam, mới sinh thằng cháu ngoại, gọi điện về suốt, rồi bảo tết mới đưa cả nhà về được… Cuối cùng bà quay về với chuyện của gã. - Dĩnh, còn mày sao rồi, lấy vợ Trung Quốc à? - Không mẹ, lấy vợ bên đấy khó. - Mày biết con nhà ông Ngần trong thung lũng bên kia núi không, bây giờ có đường nhựa đi, cũng dễ vào. Gã láng máng nhớ đến một cô bé chăn trâu từ thuở nhỏ, thi thoảng gã gặp trên cánh rừng lớn. Cô tên Gấm, có làn da ngăm đen và hàm răng khấp khểnh. Gã chỉ nhớ có thế, không còn ấn tượng nào khác. Nếu đi bộ, có thể vượt qua một dãy núi lớn sang chân núi bên kia là tới. Nhưng nếu đi xe máy thì phải đi vòng lên gần thị trấn rồi ở đó có đường rẽ thẳng tới cổng nhà ông Ngần. Ngày xưa chăn trâu thì đi đường rừng, còn bây giờ có xe cộ rồi, lịch sự đi xem mặt con gái nhà người ta thì phải đi xe máy hoặc thuê ô tô, có xa một chút cũng không thành vấn đề. Sau mấy bữa cơm rượu gặp gỡ người nhà, gã theo bố mẹ đi tìm hiểu dạm ngõ nhà ông Ngần. Người đàn bà đứng ở cửa bếp trân trân nhìn ra cổng, vẫn là làn da ngăm đen, thêm mấy nốt tàn hương trên gò má, vẫn là hàm răng khấp khểnh như lưỡi cưa lốc, và bây giờ trông nhan sắc của cô thật tàn. Mặc kệ người lớn nói chuyện như thế nào trên nhà, gã lăn vào bếp ngồi cùng Gấm, cô đang nấu khá nhiều món vì biết trước hôm nay có khách, lại là khách quý đến hỏi cưới mình. - Gấm hả? - Không tao thì ai? - Dạo này khỏe không! - Khỏe. - Bạn còn duy trì liên lạc với lớp mình không? Gã nhớ dần những kỷ niệm của mình hồi còn học cấp ba. Lúc đó gã đánh nhau nhiều lắm. Gấm cũng rất nhớ những kỷ niệm đó. Gấm nhớ gã chỉ học được chừng ba tháng thì bị đuổi học một tuần vì tội đánh nhau và cắt tóc trọc đầu. Thế rồi gã bỏ nhà đi biền biệt tới bây giờ mới chịu về. - Mày mà cũng gọi là bạn cơ? Học chung chưa đầy ba tháng. - Gọi Gấm là vợ nha! - … Gã khá trìu mến, nhưng không thể kiên nhẫn nổi với thái độ ấy, lời nói cộc lốc và coi thường, gã bỏ lên nhà ngồi uống nước, cười cười nói nói với bố mẹ vợ tương lai. Nhưng ông bố vợ tương lai lại nói khá nhiều đến đất đai, tiền bạc, gã cố gắng bỏ ngoài tai mà không được. - Con mới đi Trung Quốc về à? - Con bán hàng ở cửa khẩu. - Vậy chắc cũng nhiều tiền? - Đủ ăn, thưa bác. - Vậy con gái bác về làm dâu thì có cái cóc khô gì. Mỗi ngày gã bán hàng, chi trả các khoản cũng dồn lại được vài triệu đồng tiền lãi, chỉ là gã không muốn nói mình có của ăn của để. Chả biết đó là câu nói đùa hay nói thật, gã nhịn đến cuối buổi để làm đẹp lòng bố mẹ mình. Chuyện lấy vợ không được người này thì có người khác. Trên thế giới này không thiếu gì những người đàn bà cô đơn. Gã nghe lời mẹ lắm, vì gã biết mình cũng không còn trẻ gì. Nhưng có một chuyện mà gã đành phải cãi. - Tối nào con cũng nên sang chơi với nó, đến đám hỏi rồi đến đám cưới mới thôi, nghe con. - Hay đi đám khác mẹ nhé. Thấy lòng con không ưng, nên bà cụ đi quanh xóm hỏi xem ai giới thiệu người nào không, mất mấy ngày ngồi lê la quán nước mà vẫn chẳng còn nhà cô nào gần gần. Cuối cùng bà lại quay về ghép đôi gã với Gấm. Trong mắt bà, Gấm là một cô gái biết việc, dù mồm miệng không khôn ngoan cho lắm nhưng dạy bảo từ từ cũng được. Còn với gã, Gấm là cô bạn học cùng cấp ba, vô duyên đến nỗi không ai thèm lấy. *** Dĩnh tìm lại được vài người bạn cũ cùng xóm, họ làm ăn phát đạt đã chuyển lên thị trấn mở rộng cơ sở, hàng quán. Có lần gã đi ra thị trấn gặp bạn bè, say rượu đến nửa đêm mới mò về nhà. Rồi lần rẽ qua một con hẻm nhỏ, gã lạc vào dãy nhà lụp xụp, trước mỗi cửa thắp một bóng đèn mờ mờ, gã mơ màng nhìn thấy bóng người phụ nữ xinh đẹp. - Anh vào đây, em đỡ cho. - Vào thì vào. - Gã dựng xe, loạng choạng bước vào căn nhà nhỏ. - Anh say lắm rồi. Cô gái dắt cả xe vào phòng rồi đóng cửa. Còn gã nằm giữa sàn, ngáy phè phè. Ví của gã không giấy tờ, chỉ có hơn ba trăm nghìn cùng mấy đồng tiền Trung Quốc cũ mà gã giữ làm kỷ niệm. Gã thức dậy khá sớm, thấy quần áo trên người đều bị lột ra, chỉ còn lại duy nhất cái quần đùi. Gã tìm lại ví tiền để kiểm tra và thật may không mất gì. Cô gái ngủ cạnh cũng dậy liền lúc đó như một phản xạ tự nhiên. - Cô làm cái trò gì vậy? - Anh quát gì em? - Cô phải đuổi tôi đi chứ? - Anh nghĩ xem có con bớp nào muốn đuổi khách không? Mặt gã thộn ra một lúc rồi vơ quần áo mặc lên người khá vội vàng. Gã rút trong ví ra mấy tờ một trăm nghìn, cẩn thận đưa tận tay cô ta, không quên cảm ơn vì một đêm rất tĩnh lặng. Đây là lần đầu tiên cô có khách tới chỉ để ngủ một mạch đến sáng. Rất nhiều người say rượu đến, mỗi lần như thế cô đều bị bạo hành, có lần cô bị đánh phải nghỉ mất một tuần mới có thể tiếp tục làm nghề. Hôm qua cô ta cũng rất sợ gã say này đánh mình, nhưng là khách mới nên cô có hy vọng, dù chỉ là một tia sáng hy vọng lóe lên. Cô vẫn phải chấp nhận vì miếng cơm của mình, nuôi mẹ già và các em ăn học. Đêm qua, cô mở ví tiền của gã, lục từng ngăn một. Nhưng cô sợ. Con mắt tinh tường của cô nhìn ra gã không phải loại hiền lành. Gã sẽ sẵn sàng giết một ai đó chỉ vì chuyện nhỏ nhặt. Lạ thay, những hành vi của gã lúc này lại rất tử tế, động đến lòng trắc ẩn của cô. - Tối anh lại đến chứ? Gã mở cửa, dắt xe ra ngoài. Không định đến đây một lần nào nữa. Nhưng con đường từ nhà thằng bạn rượu trong thị trấn ra rất ngoằn ngoèo, những ngã ba giống nhau đến kỳ lạ, như một mê cung. Rượu nhiều, gã thay đổi. Tự nhiên gã muốn quay lại căn nhà nhỏ bé ấy. Hơn mười giờ tối, gã vít ga, đâm thẳng vào cột đèn đường. Đường hẻm, nên gã không đi được nhanh, cú ngã chỉ làm tay gã trầy nhẹ. Gã đến với cô ta, muốn được nói chuyện, muốn được cô ta chăm sóc mình. Cô ta có cả một tủ thuốc cá nhân để phục vụ cho bản thân những lúc bị khách hành hạ. Bây giờ, tủ thuốc ấy còn có ích với gã. - Nhà cô ở đâu? - Nhà em ở Hợp Tiến anh ạ. Hình như đó là một vùng khá hẻo lánh. Gã biết nơi đó. - Cô còn người thân không? - Em còn mẹ và hai thằng em trai. - Sao cô không về nhà làm nghề gì đó khác? Gã trầm tư khi nghe câu chuyện của cô. Nhìn cô chỉ khoảng ngoài ba mươi, lại rất xinh đẹp. Đi bán hàng thuê cho một đại lý nào đó cũng được, cớ gì phải chọn cái nghề “gái” này. Gã nghe nhiều về những thân phận đàn bà bị bắt sang khu chợ mối mà gã từng làm việc, họ hẩm hiu và bế tắc,… - Thế còn anh? Câu hỏi của cô ta khiến suy nghĩ trong đầu gã bị đứt đoạn. Gã nghĩ về các em mình đã lập gia đình rồi đi làm ăn xa và bố mẹ mình đã già lắm rồi. Tấm ảnh mừng thọ bảy mươi của bố gã chụp hồi đầu năm, còn mẹ gã tóc đã màu khói, trẻ con trong làng gọi là cụ bà... - Em định hỏi cái gì? - Thì tất tần tật.

Bình thường, cô ta chỉ hỏi về vợ con của khách, vì đó là mối nguy hiểm lớn nhất. Khách của mình có đánh mình thì cách ngày này ngày nọ họ lại tới, còn một khi gia đình họ đã biết, thì cô ta sẽ khốn khổ. Nhưng sao lần này lại khác, cô ta muốn gã kể về bản thân. Gã giới thiệu gia đình mình cho cô nghe, đặc biệt, gã khen kiểu như coi cô là thành viên trong nhà. - Em là người đẹp nhất. - Đẹp về cái gì? - Cả hai? - Cả hai cái gì? - Nếu cho anh lựa chọn thì anh nghĩ là cả hai. Em không hài lòng sao. Cả ba, cả bốn ấy chứ… - Anh nói chuyện thật buồn cười. Cô ta nói vậy, nhưng gã đâu thấy bất cứ một nụ cười nào trên khuôn mặt đẹp rạng rỡ ấy. Nước da trắng, đôi chân mày trang điểm nhẹ, cặp môi thắm tươi và trông có vẻ yếu đuối khi hai khóe miệng lúc nào cũng hơi chùng xuống. Khi cô bật cười cũng vậy, luôn luôn là một vẻ u buồn, khiến gã tự nhiên muốn được che chở cho cô. - Em làm nghề này, mẹ em có biết không? - Không, anh à! - Giọng cô ta bỗng trầm lại. - Em cũng muốn được về nhà làm một việc tử tế lắm chứ. Nhưng em sợ. - Em sợ cái gì? - Gã nôn nóng hỏi gấp. - Sợ cô đơn… vì có lẽ người ta đều biết em thế này thế kia lâu rồi. - Không đâu, anh bảo bố mẹ đến hỏi cưới em. - Như thế em lại sợ hơn. Sợ em không xứng đáng với anh. Gã lấy hơi rồi bật ra: - Chúng mình đám cưới nhé! Cô im lặng hồi lâu, cố hiểu thấu người đàn ông đang ngồi sát bên mình, nhưng không thể. Gã là cả một rừng bạch đàn lớn, thi thoảng mới có vài chiếc lá rụng xuống bên cô, để cô chạm tay vào. Gã thì nghĩ rằng người con gái cô đơn kia im lặng là đồng ý. Gã không nói gì thêm nữa. Gã nằm ra giường, hít hà mùi nước hoa dìu dịu. Cứ thế, gã đến với cô. Gã mua thức ăn vào nấu nướng rồi cùng cô nói chuyện trên trời dưới biển, đến bao giờ cô kêu gã ngủ, gã mới im. Đôi lúc gã chịu ngủ thật và gối đầu lên đùi cô. Một hôm, gã tới vào lúc chín giờ sáng, đem theo thức ăn, tự gã vào bếp nấu mà không để cô động tay vào. - Hôm qua có khách không? Cô lắc đầu. Nhưng sợ gã sẽ hiểu nhầm nên cô trả lời: - Em không làm “gái” nữa rồi. - Thế chuẩn bị ra ăn đi, rồi anh đưa đi phẫu thuật chuyển giới. - Ý em khác. - Vậy đừng nghĩ đến nó nữa. - Ai bảo anh hỏi. - Anh xin lỗi. Bữa ăn gần xong. Một bầu không khí im ắng đến lạ kì. Bỗng nhiên gã đứng dậy, lôi xềnh xệch cô ra trước cửa, chỗ dựng xe máy. - Ngồi lên. - Khóa cửa đã. - Vậy đi khóa đi. Gã buông tay ra. Nhiều lúc gã vẫn hành động khó hiểu như thế. Làm như có ai sai khiến gã vậy. - Anh định đưa em đi đâu? Cô ta khóa cửa rồi ngoan ngoãn ngồi lên xe, ôm vào eo gã. Còn gã thì vít ga, đôi môi chẳng hé lấy nửa lời giải thích. Câu hỏi cần thiết của cô như bị thừa thãi. Ban đầu cô nghĩ gã đưa mình đi kiếm việc làm. Cô chưa nói với gã là mình đã xin được một chân chạy bàn ở một quán cà phê dưới thành phố. Cho đến khi gã về gần đến đất Hợp Tiến, cô mới biết gã đang đi về nhà mình. - Đoạn này rẽ phải, anh Dĩnh. Gã rẽ phải. Im lặng. Nhiều đường rẽ nữa, cô đều chỉ dẫn gã đi. Con đường cái, rẽ vào đường nhỏ, tiếp đó là đường đất nhỏ hơn… Rồi cô bảo anh dừng lại. Nhìn lên sườn đồi thoai thoải bên đường, có một căn nhà hiên tây, tiếng gà gáy trưa, vườn rau cải xanh mướt… Dĩnh thấy một người ngồi xe lăn ngóng ra, ngập tràn niềm vui khi con gái về nhà, nhất là khi cô về với gã. Còn cô thì chẳng được vui cho lắm, mắt cô ngân ngấn lệ nhìn gã. Trong nhà chẳng có món đồ nào giá trị, Dĩnh nhìn quanh, chỉ thấy nhiều tấm di ảnh. Có lẽ gia đình họ đã trải qua biến cố khủng khiếp. Nhưng thật may vì góc học tập kia ngăn nắp, các em cô không có ở nhà mà gã đã hình dung ra đó là hai người hiếu học. Sau chuyến đi này, gã sẽ nhờ đến người lớn nói chuyện cưới hỏi. *** Bà mẹ gã rạng rỡ. Kể toàn kỷ niệm vui về thằng con từng rất bất trị. Gã không bị bà mẹ dựng thành một doanh nhân thành đạt nhưng cũng là một người đàn ông giỏi giang, từng trải khắp miền Nam Bắc. Cô cũng được mẹ mình gợi lại những mặt tốt. Ngồi cạnh nghe người lớn nói chuyện, cô thấy mình cần phải sống như trước kia, biến cố cuộc đời đã qua lâu rồi, chẳng cần đầy đọa bản thân mình nữa. Nghĩ thoáng ra, thì mọi thứ sẽ trơn tru cho mình. Mang tiếng nghề “gái” thì sao? Giờ cô sẽ sống tốt đẹp lên để gia đình chồng không bị mất mặt với anh em làng xóm. Đám cưới được đẩy nhanh tiến độ như một công trình cầu đường sắp tới mùa bão lũ sớm hơn dự kiến. Cô dâu xinh đẹp, hiền lành. Chú rể trưởng thành, tốt tính. Xong chuyện cưới xin, gã mới tính nói sự thật về vợ mình. Rằng đó là một cô gái không may mắn phải đi làm bớp. Nhưng gã đang muốn dùng từ nào đó nhẹ nhàng nhất, “gái điếm” hay “ca ve” hay “bớp”? Gã lo lắng, trằn trọc suốt đêm tân hôn. Dùng từ nào cũng thật nặng nề xúc phạm. Hay là… chẳng cần nói ra? Gã đã phải xin lỗi cô một lần vì gián tiếp nhắc đến công việc đó rồi. - Anh không ngủ được hả? - Cô nằm cạnh. - Anh uống nhiều rượu.- Gã giải thích. -Bảo cầm chai nước đi mời thì anh không nghe. - Anh uống được nhiều rượu. Giờ gã đâu có say, chỉ là nghĩ nhiều. Quãng thời gian qua thật nhanh. Đám cưới như một ngày chỉ có chút nhộn nhịp hơn mọi khi rồi đêm về là tắt lặng. Rượu nhiều quá, gã không đủ minh mẫn nữa, nên nghĩ chẳng được việc. Gã đang cố gắng ngủ. - Anh vẫn còn thức à, anh Dĩnh. - Ừ, anh không ngủ được. - Mình là vợ chồng rồi mà anh. Như hiểu ý vợ, rằng tại sao cô vẫn thức. Vì cô đang dâng hiến và chờ đợi gã. Chuyện chăn gối của gã chính thức bắt đầu. Sau những mặn nồng, vợ chồng thầm thì to nhỏ: - Em làm nghề may nhé, anh tính mở một cửa hàng ở mặt đường. Dịp gần tết, chắc sẽ kinh doanh thuận lợi. - À nhưng mà em đang làm ở quán cà phê. - Thì bỏ đi. Căn nhà ống không cửa sổ xây ngay trung tâm xã. Có tiền, lấp ruộng cũng đường đường chính chính được. Thế là câu nói “mẹ chia cho các con mảnh ruộng tốt nhất, để các con làm ăn” của bà đã bị thằng con lách phá, vẫn là làm ăn nhưng không phải cày sâu quốc bẫm. Thực ra thì so với cấy lúa, những nghề khác thu lại được nhiều tiền hơn. Chỉ là suy nghĩ của hai thế hệ khác nhau. Ô tô tải ở đâu xa lắc trở về cả trăm mặt hàng. Rồi cái biển đại lý to vật được in ra, dựng trước cửa. Dân trong xã kháo nhau đến mua. Lúc đông quá, vợ gã bối rối, lúng ta lúng túng. Với gã, đông khách thì chờ, gã rất bình tĩnh. Xong khách này mới đến khách tiếp. Ban đầu thì thu nhập chưa nhiều, bốn giờ chiều đã hết khách, nhưng dần dần đã khá lên. *** Nhiều lúc bận quá, gã quên mất xuất thân của vợ. Nhưng gã vẫn nghĩ ngợi chuyện đó, có nên nói ra cho gia đình biết hay là không. Bữa ăn nào cũng vậy, gã đều muốn nói chuyện này ra. Mọi người đều rôm rả bàn về cửa hàng, nên gã chẳng có dịp nói. Bà mẹ không còn để bụng chuyện gã lấp ruộng nữa. Giờ thì khen gã biết làm lụng, bữa cơm lúc nào cũng có món ngon. Rồi bảo số bà mãi sau cũng được nhờ vả con cái. - Bố mẹ ạ… - Dĩnh ngập ngừng. - Con có chuyện này không biết có nên nói ra không. Gã khiến cả nhà ngừng ăn cơm. Ông bố gã đặt đũa xuống vành bát, tập trung lắng nghe. - Chuyện về nhà con…- Gã nhìn sang vợ. Đây không phải chuyện dễ nói. Gã cứ ngấp ngứng khiến câu chuyện càng trở nên quan trọng. - Sao cơ con? - Mẹ gã sốt ruột hỏi. - Trước kia, nhà con làm nghề.... - Im ngay con. Nhắc lại chuyện này làm gì. Bố mẹ đều biết cả từ bấy giờ rồi. Bố gã giờ đã ít ho hơn, ông nói tiếp lời bà thành câu dài: - Hôm con đi chơi đêm lần đầu tiên không về, mẹ con gọi điện tìm khắp nơi. Gọi đến nhà thằng bạn rượu của con, thì nó nói không an tâm nên theo xe con về, thấy con rẽ vào căn nhà đó ngủ rồi. - Ừ, lúc đó là các con còn chưa cưới. - Bà mẹ gã tiếp lời. - Bố mẹ không phản đối con lấy nhà con sao? - Thôi con ạ, ai cũng có quá khứ của mình. Giờ sống cùng hiện tại đi con. Lo mà làm ăn. Gã thấy trong lòng như thanh xuân trở lại. Nhẹ cả người. Gã nhìn sang vợ, thấy nước mắt cô rơi lã chã. Gã choàng tay kéo vợ ngả vào vai mình và nói nhanh: “Anh xin lỗi”.

Truyện ngắn. Hoàng Khang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước