Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
17:59 (GMT +7)

Chút tình trong nắng xuân xanh

VNTN - Bác sĩ mở cửa sổ, nắng và gió đua nhau vào phòng phá tan bầu không khí ngột ngạt của nhiều ngày thiếu nắng trời và những làn gió mát. Tôi cũng thấy thoải mái hơn sau nhiều ngày nuôi cháu bệnh một mình. Cây gạo trong vườn bệnh viện đã bừng lên sắc hoa đỏ chói, mấy đứa trẻ trong phòng hỏi người thân đó là hoa gì.

Đứa trẻ nào cũng hồn nhiên vô tư, chúng không hiểu tại sao mình phải vào bệnh viện. Nhìn chúng chỉ trỏ những bông hoa ở rất xa, tôi lại thấy trái tim mình đau nhói. Chúng có mẹ có bố, cháu tôi chỉ có bà. Chúng có cặp mắt nhìn trời cao rộng, cặp mắt cháu tôi bị hạn chế tầm nhìn. Những tiếng cười nói làm cháu tôi tỉnh giấc, nó đưa tay sờ xung quanh, miệng gọi: “Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ ơi!”. Cháu tôi không nhìn thấy những bông hoa đỏ trong vườn. Tôi bế cháu lên, quay ra cửa sổ, tắm những tia nắng vàng. Thằng bé thấy nắng cọ vào da bèn duỗi thẳng chân tay thả lỏng người xem chừng khoan khoái lắm.

Chấm dứt thời tiết nồm ẩm, nắng trở về, nền nhà khô roong. Tôi thầm mong thời tiết nóng lên, bệnh của cháu tôi sẽ thuyên giảm và nó sẽ được trở về căn nhà thân yêu của mình. Bác sĩ điều dưỡng quay lại:

- Mấy hôm vừa rồi phòng tự chọn vắng người bệnh nên bác sĩ trưởng khoa cho cháu ở nhờ để chị đỡ vất vả. Tập thể bác sĩ trong khoa rất thông cảm với hoàn cảnh của gia đình, nhưng nguyên tắc và dịch vụ chúng tôi phải tuân thủ. Hết ngày hôm nay gia đình không đóng tiền dịch vụ cháu phải chuyển sang phòng bệnh thường.

Cả nhà chỉ mình tôi là còn có khả năng kiếm tiền thì ngồi đây ôm cháu rồi! Dậu đổ bìm leo, tôi biết lấy đâu ra tiền trả cho bệnh viện bây giờ. Vờ kéo lại cho cháu chiếc áo, tôi quay vào trong để giấu những giọt nước mắt đang chực trào ra, chợt bắt gặp ánh mắt người đàn ông cũng đi nuôi cháu ở giường phía trong đang nhìn mình. Ánh mắt quen thuộc quá, hình như tôi đã gặp ở đâu rồi! Như kẻ ăn trộm bị bắt quả tang, ông vội quay ra cửa sổ. Chiếc khẩu trang to bản che kín hết khuôn mặt khiến tôi không thể nhận diện, nhưng tôi bỗng có cảm giác rất lạ chợt thoáng qua, có gì đó rất quen thuộc, gần gũi. Tối qua lúc bác sĩ đưa bệnh nhân mới vào phòng, giọng nói khiến tôi phải chú ý nhưng anh ta rất kiệm lời. Tôi lục tìm trong trí nhớ, nhưng với công việc của mình, hàng ngày tôi phải gặp rất nhiều người, nhớ sao nổi hết tất cả. Bác sĩ nói tiếp:

- Bệnh của cháu phải điều trị lâu dài nhưng bảo hiểm không cho phép người bệnh ở viện quá lâu. Hết tuần tới là cháu ra viện, về nhà nghỉ 1 tuần rồi lại tới viện điều trị thêm. Nếu có điều kiện, cháu được ở nơi thoáng mát thì bệnh sẽ nhanh khỏi hơn.

Như tránh ánh nhìn của tôi, người đàn ông quay người, bước vội theo bác sĩ. Tôi sửng sốt, người nóng bừng, tấm lưng và màu hoa gạo gợi nhớ về kỉ niệm xưa. Tâm trí tôi lúc ấy còn đang vướng bận về khoản dịch vụ phải chi trả nên mọi thứ cũng mờ đi rất nhanh. Họ nói chuyện một lát ngoài hành lang, người đàn ông trở lại khép bớt cánh cửa, hình như anh ta sợ nắng quá sẽ làm chói mắt các cháu nhỏ, rồi rời khỏi phòng bệnh khi chú bé giường phía trong ngấm thuốc đã ngủ ngon. Lát sau anh ta trở lại cùng với một người đàn bà. Họ trao đổi về sức khỏe của chú bé rồi người đàn ông vội vã đi. Người đàn bà tự giới thiệu tên chị là Dung, là bà nội của thằng bé, còn ông ấy là ông ngoại cháu, hôm qua đón thằng bé về nhà chơi, cháu phát bệnh nên đưa thẳng vào viện. Mẹ thằng bé mất do tai nạn giao thông, bà ngoại cũng đã đi theo con gái, bố nó thì vui với vợ mới nên để mặc cháu cho bà nội. Cảnh ngộ gần giống nhau nên tôi và bà Dung thân với nhau rất nhanh và thường hỗ trợ nhau nên việc nuôi cháu ốm cũng đỡ vất vả hơn. Tôi có hai đứa con trai, thằng cả du học ở Nhật và ở lại làm việc bên đó. Dạo này dịch bệnh nên con tôi cũng mất việc làm không còn tiền gửi về giúp đỡ gia đình. Thằng thứ hai theo gen cha bị khiếm thị từ nhỏ. Khoai dại thì gỡ lấy bồng, hỏng mắt thì cũng phải lấy vợ sinh con để sau này có nơi nương tựa, tôi nghĩ vậy và nỗ lực kiếm vợ cho con. Con dâu tôi hơn chồng 3 tuổi đã từng có gia đình và một đứa con trai. Lấy chồng hỏng mắt là rất khổ và thiệt thòi rất nhiều. Người khiếm thị giỏi đến mấy cũng không thể tự điều khiển xe đi trên đường, không thể ngắm cho vợ chiếc váy đẹp và không thể tới cổng cơ quan đón khi trời chiều bất chợt đổ mưa… Tôi đã trải qua những điều đó nên rất thông cảm và cố gắng bù đắp cho con dâu từ vật chất tới tinh thần, mặc dù tôi cũng không quá dư giả.

Về nhà chồng chưa đầy năm thì con dâu tôi sinh bé gái khỏe mạnh. Niềm vui lan cả tới công ty, mọi người ai cũng đến chúc mừng tôi. Niềm vui lấy đi gương mặt u ám của con trai tôi, nó nói cười suốt ngày. Hai năm sau con dâu tôi sinh thêm cháu trai, thật không may cháu cũng bị hỏng mắt như ông và cha mình.

Lúc con mang thai tôi vui bao nhiêu thì khi cháu được sinh ra lại buồn bấy nhiêu. Thế là nhà tôi có ba người hỏng mắt, khó khăn và vất vả tăng theo cấp số nhân.

Không phải chỉ có con dâu mà cả tôi cũng cảm thấy chán nản. May mắn cho cháu tôi, bàn tay bác sĩ nhân từ đã lấy lại được 50% thị lực, thế cũng là hạnh phúc hơn cha và ông nó rất nhiều rồi. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, lên 3 tuổi thì gia đình tôi phát hiện cháu bị động kinh. Không chịu nổi nỗi đau này, con dâu tôi trốn nhà đi, bỏ lại con cho tôi.

Cùng một căn bệnh, nhưng do được điều trị sớm, cháu của bà Dung bình phục trước cháu tôi, nó được chuyển sang điều trị lâu dài. Bệnh động kinh ổn định rồi cũng phải uống thuốc nhiều năm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Hôm đón cháu về nhà, người đàn ông lại tới, ông đội chiếc mũ rộng vành che gần kín hết khuôn mặt. Ông tặng quà tất cả những đứa trẻ trong phòng, cháu tôi quấn quýt bên ông mãi không chịu rời. Ông là ai? Câu hỏi cứ văng vẳng trong đầu tôi. Mặc dù ông quan tâm tất cả những đứa trẻ trong phòng nhưng ai cũng hiểu là ông ưu ái cháu tôi hơn. Cũng có thể do cháu tôi là đứa trẻ tật mắt lại mắc thêm bệnh động kinh nên ông thương hơn chăng? Thằng bé vô tình làm rơi chiếc mũ của ông xuống đất. Tôi sững người!

Kỉ niệm cũ lại ùa về, nắng xuân hôm nay vẫn ngọt ngào, nhẹ nhàng như gần ba mươi năm trước, người đàn ông nhặt vội vành mũ, bước đi. Nắng soi cho tôi thấy nốt ruồi bên mí mắt phải. Nắng về cùng màu đỏ hoa gạo, là cái nắng giao thoa giữa hai mùa xuân - hạ, khiến ai cũng háo hức. Nắng trở về quê tôi cùng với hội làng mùa xuân. Tôi gặp Hưng trong ngày hội. Anh về chơi với anh Dũng con bác cả của tôi. Nắng mùa xuân về đến đâu mang theo ấm áp ở đó, khiến con người vui vẻ với nhau hơn. Lột bỏ chiếc áo khoác dày sụ, trông ai cũng đẹp hơn. Hưng thường tới nhà tôi chơi khi cái nắng nhạt dần trên những khóm tre. Nắng mang theo chút thơm tho của đất trời đang mùa sinh sôi nảy nở. Con người cũng không nằm ngoài vòng quay của tạo hóa. Cùng Hưng đi bộ trong vườn đồi, chúng tôi cảm nhận được sự giao hòa của cỏ cây. Nắng reo vui trên những chồi biếc xanh tơ, e ấp. Hưng choàng tay ôm tôi vào lòng, vườn đồi cỏ cây căng tràn nhựa sống trong nắng. Chúng tôi hòa vào nhau như tia nắng cùng với vạn vật. Trong khu vườn cây nào cây nấy đua nhau bung biếc lộc xanh, vươn lên bầu trời, tươi tốt. Tôi và Hưng có biết bao kỉ niệm đẹp trong khu vườn ấy. Ánh mắt và đôi môi tôi lúc nào cũng giấu sẵn nụ cười.

 

Hưng sang Pháp du học được một tuần thì tôi quyết định lấy Việt con trai bác Vinh, người khách thường mua sản phẩm của vườn nhà tôi. Việt là một người khiếm thị, yêu vợ hơn cả bản thân mình. Ngày tôi sinh thằng cả bị băng huyết mất rất nhiều máu, Việt đã lấy máu mình truyền cho vợ. Gần ba mươi năm chung sống chưa khi nào Việt nặng lời với tôi, Việt luôn thấu hiểu những khó khăn cực nhọc của vợ. Tôi không yêu Việt nhưng cái tình đã giúp tôi gắn bó với anh tới giờ. Bác sĩ điều dưỡng lại tới, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi:

- Bệnh của cháu chị ổn định rồi, ngày mai cháu được về nhà, mỗi tháng chị cho cháu tới viện kiểm tra và lấy thuốc một lần.

Khi làm thủ tục cho cháu ra viện, tôi mới biết có một người tốt bụng đã trả giúp toàn bộ chi phí cho cháu. Hỏi người đó là ai, nhưng bác sĩ bảo, họ đề nghị được giấu kín. Vậy là lại thêm một nỗi day dứt tôi phải mang.

Tối đầu tiên trở về nhà, tôi dắt Việt ra dải trung tâm thành phố. Hơn tháng tôi vắng nhà, nuôi cháu ở bệnh viện, nay Việt mới lại được cùng vợ đi thể dục. Việt trầm ngâm, ngửa mặt lên trời, ánh đèn làm cho nền trời trở nên vời vợi, với những ngôi sao sớm, nhấp nháy, ánh xanh. Mùi hoa bưởi thơm tràn ngập không gian, từ mái tóc ai hay từ những vườn quê tràn về. Cuối dải trung tâm là dòng sông, phía bên kia là làng quê, nơi ấy có vườn đồi của nhà tôi. Chồng tôi định nói gì rồi lại thôi. Việt nắm chặt bàn tay của vợ, như thế cũng đủ để tôi quên đi mệt nhọc. Dưới vòm lá, ánh đèn đường dường như ấm áp hơn. Việt lắng nghe chăm chú những âm thanh cuộc sống. Tôi nhận ra Hưng đang dắt cháu ngoại đi chơi. Hưng đi qua trước mặt chúng tôi như một kẻ xa lạ. Việt khịt mũi, quay về phía Hưng. Khi ông cháu họ đi xa chồng tôi mới nói:

- Hình như người đàn ông vừa rồi sáng nay tới nhà mình tẩm quất. Ông ấy hỏi rất nhiều về thằng cả. Anh cảm thấy đó không phải là một câu chuyện xã giao vô tình.

Tôi chột dạ, vội dắt Việt đi ngược chiều Hưng để anh không còn thấy cái mùi quen thuộc sáng nay. Trên cành lá rung rinh xao động, ánh đèn và gió đang pha màu, vẽ bức tranh của thành phố êm đềm. Tôi vội giải thích cho chồng:

- Con mình là học sinh giỏi có nhiều giấy khen, em treo cả trong phòng khách, chắc ông ấy nhìn thấy nên hỏi thôi.

Việt đi chầm chậm theo vợ, hết vòng hồ lại gặp hai ông cháu Hưng. Họ nhìn tôi bằng ánh mắt cười vui. Ánh mắt ấy làm cả người tôi nóng bừng.

Đưa chồng về nhà, tôi vào phòng ngủ nằm khóc một mình. Tủi phận, uất ức khiến tôi gần sáng mới ngủ được. Nghĩ vợ bị cảm, Việt đánh gió và xoa bóp cho tôi, nhưng bàn tay khéo léo của anh hôm nay không làm cho tôi hạ cơn sốt sâu thẳm trong trái tim. Chỉ có tia nắng mới biết tôi vẫn còn yêu Hưng rất nhiều. Mặc dù Việt là người rất khéo trong việc tình cảm, nhưng bao năm sống bên chồng tôi không có được cảm giác như phút ngắn ngủi ở bên Hưng. Mỗi lần về quê tôi lại cồn cào nhớ kỉ niệm ấy, dựng xe xong là phải chạy ngay lên đồi. Nắng mùa xuân lung linh trên những loài hoa quen thuộc trong vườn. Nắng như bàn tay của người con trai đang chạm khẽ lên làn da con gái. Tôi thấy cặp mắt trong trẻo của Hưng trong mỗi loài hoa. Yêu thiên nhiên hay nhớ người, chỉ có người đàn bà trong tôi là biết. Hoa bưởi trắng muốt dịu dàng trên tán cây. Hưng đang đứng dưới vòm lá kéo nước giúp mẹ tôi. Ánh mắt bà ngập tràn niềm vui, khen trai thành phố mà không cớm nắng như nhiều người khác. Con gái ở nhà nấu cơm muộn, mẹ tôi cũng không trách mắng khi biết có Hưng sang chơi. Con đường hoa xoan tim tím trải khắp xóm thôn, tôi đi bên Hưng trong con mắt ghen tị của nhiều bạn gái cùng lứa tuổi. Ngày nào Hưng cũng bảo: “Quê mình cảnh đẹp, người đẹp thế mà nay anh mới biết”.

Hoa gạo chói chang thắp lửa trên đỉnh vườn đồi. Những bông hoa ấy là con mắt chứng kiến tôi trao đời con gái cho Hưng. Gương mặt anh vương sợi nắng chiều đỏ lựng, cặp mắt trong veo nhìn không chớp vào giọt máu hồng vương trên mặt cỏ sao đáng yêu đến lạ. Từ đó mỗi khi thấy hoa gạo, đôi má tôi lại ửng hồng. Tôi thẹn với bầu trời, tự xấu hổ với hoa… Hoa khế, hoa chanh bung cánh tô điểm thêm nét duyên dáng cho sắc nắng mùa xuân, hồn hậu như người gái quê yêu thương chàng trai thành phố hết mình. Trong con mắt của người đang yêu, những cánh hoa như thêm mượt mà, quyến rũ. Giấc mộng đi qua, quanh tôi lại là bốn bức tường sơn trắng đã ố màu thời gian.

Việt đã dậy từ bao giờ và đi mua cháo cho tôi. Anh mang cốc cháo vào cho vợ bằng cử chỉ ân cần, tôi đã khóc vì thương chồng hay tủi phận thì cũng không biết nữa. Từ khi bố mẹ chồng khuất núi, mỗi khi tôi đi vắng là cả nhà phải ăn cơm hộp. Hơn tháng qua ba bố con, ông cháu đã phải ăn cơm hộp rồi, đứa cháu gái sà vào lòng bà:

- Bà nội về rồi lại nấu cơm cho con ăn nhé! Ở nhà với bố với ông cứ phải ăn cơm hộp chán lắm. Bà nội ơi! Sao mẹ con về ngoại lâu thế ạ?

Trời nắng to nhưng trong nhà tôi có rất nhiều hạt mưa. Việt khóc, con trai tôi cũng rơi nước mắt. Con bé con luống cuống đưa khăn giấy cho mọi người:

- Bà nội về rồi nhà mình lại được ăn cơm, ông đừng buồn nữa ông ơi.

Hôm nay lại phải ăn cơm hộp chắc con bé buồn lắm. Cháu trai mới ở bệnh viện về nó phải được ăn đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nghĩ đến các cháu bao mệt nhọc trong tôi dường như tan biến, gượng dậy đi chợ nấu cơm cho cả nhà. Ông trời sắp đặt rồi thay đổi thế nào được nữa, tôi không thể đang tâm bỏ chồng con. Dù sao thì mọi người trong nhà cũng là một phần cuộc sống của tôi.

Mấy hôm sau, bà Dung tới chơi, tôi mới biết Hưng đã chuyển về ở cùng phố với mình. Hưng sẽ lại đến quán tẩm quất của Việt và chạm mặt tôi trên dải trung tâm.

Nghe kể về con dâu tôi, bà Dung thở dài:

- Bọn trẻ giờ đâu có sức chịu đựng như mình, khổ một chút là bỏ đi. Phụ nữ bỏ hai đứa con thế này mà đi được thì cũng không tiếc làm gì bà ạ! Chồng tôi xưa, say xỉn cả ngày, khổ cực nhiều lắm nhưng thương con mình có dám bỏ đi đâu. Ngày xưa mình giận chồng về nhà mẹ đẻ, nghe các cụ động viên, mấy hôm lại trở về. Bây giờ, chúng nó giận chồng đi ở nhà trọ, người vun vào thì ít, kẻ ngãng ra thì nhiều. Ai cũng vậy thôi, cứ nói đúng tâm trạng của mình thì đều thích nghe cả. Người ngoài họ mất gì mà không nói hùa theo, lúc giận thì ai suy nghĩ thấu đáo được.

Qua bà Dung, Hưng thường gửi cho cháu tôi rất nhiều quà. Dịch bệnh chẳng biết đến bao giờ mới kết thúc để quán tẩm quất cổ truyền của Việt đông khách trở lại, để gia đình tôi đỡ khó khăn. Sáng sớm, trên dải trung tâm, bầu trời như một bức tranh sơn dầu, nền trời xanh thẳm mịn màng, vài đám mây trắng muốt rải đều cả bầu trời. Hưng ngồi một mình trên chiếc ghế nơi vườn hoa, đôi mắt anh có màn sương mù chưa tan hết. Hưng ngồi đó từ bao giờ, đi bộ một vòng tôi quay lại anh vẫn chưa về nhà. Phía biển, ông mặt trời chậm rãi xuất hiện, tô hồng cả một góc không gian. Khung cảnh sao giống quê mình đến thế? Những ngày về làng chơi Hưng thường dậy sớm cùng tôi lên đồi đón mặt trời. Những tia nắng vàng nhạt nhảy nhót trên thảm cỏ xanh ngắt còn phủ dày một lớp sương mịn như nhung. Hưng cầm tay dắt tôi đi trên thảm sương ấy, không có con mắt nào làm phiền. Gần ba mươi năm rồi chẳng biết Hưng có còn nhớ không? Gió khẽ thổi làm đung đưa hàng cây bên đường, mang theo cái hương nắng sớm bay xa.

Tôi thấy Hưng ngước mắt lên nhìn trời rồi lại cúi xuống. Nhờ Hưng giới thiệu với bạn bè của mình nên mỗi ngày Việt cũng thu được số tiền công đủ để cả nhà chi dùng. Sợ Việt hiểu chuyện, tôi thường tránh mặt khi Hưng tới tẩm quất, nhưng nay thấy anh buồn một mình trái tim lại loạn nhịp, tôi không hiểu được chính mình nữa. Hưng đang có chuyện buồn hay anh đang chờ ai. Đàn ông sống một mình rất tội, sao anh không lấy vợ nữa?

Tôi nhẹ nhàng bước tới ngồi cạnh Hưng. Anh đứng lên ngồi sang chiếc ghế đối diện, chắc để được nhìn thẳng vào mắt tôi. Nếu ở trong vườn đồi ngày xưa thì tôi đã ôm lấy anh rồi. Bao năm cõi lòng cô quạnh, chỉ muốn được dang rộng vòng tay ôm trọn cơ thể vạm vỡ của anh để được đôi bàn tay người yêu khe khẽ vỗ về. Hồi lâu chẳng thấy Hưng nói gì, không thể chịu đựng nổi tôi lại phải là người lên tiếng trước:

- Dạo này anh gầy quá! Hai nhà mình ở gần nhau, em sang nấu cơm cho anh ăn nhé?

Hưng thở dài, ngửa mặt nhìn trời. Lâu lắm anh mới nói:

- Nước đánh phèn rồi Nga ạ! Đừng khuấy cho nó đục lên! Khi biết mình có đứa con trai, anh rất muốn nhận. Sau nghĩ lại làm như thế là nhẫn tâm với Việt. Anh đã về quê thắp hương lên bàn thờ hai bác bên nhà. Họ khuất núi rồi việc này chỉ còn có hai người biết, mình cứ làm theo ý ông trời đã sắp đặt đi...

Nắng mùa xuân đã khởi nguồn cho một ngày mới tươi đẹp. Con dâu tôi trở về, tàn tạ như cái cây gặp bão. Thấy con trai vui và các cháu phấn khởi là tôi có thể bỏ qua tất cả. Vợ chồng tôi quyết định để lại quán tẩm quất và nhà cửa cho các con, tôi đưa Việt về quê sống bằng nghề làm vườn. Hàng ngày, khi cùng chồng đi trên con đường đồi đầy nắng, tôi lại như lắng nghe được rõ tiếng cựa mình lớn dậy của muôn loài.

Truyện ngắn. Lê Trung Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước