Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
16:12 (GMT +7)

Chương trình nghệ thuật “Vọng từ nguồn cội”: Không chỉ là chuyện tôn vinh

VNTN - Nhân Ngày Sân khấu Việt Nam (12 tháng 8 âm lịch), một chương trình nghệ thuật tổng hợp mang tên “Vọng từ nguồn cội” đã được tổ chức tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc vào chiều 29/9 (tức 9 tháng 8 âm lịch)…

Chương trình do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc tổ chức. Với thời lượng 120 phút, Chương trình đã hội tụ những loại hình nghệ thuật sân khấu từ truyền thống đến đương đại, dưới sự thể hiện của các diễn viên Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh; Câu lạc bộ Cải lương tỉnh và sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc.

Tiểu phẩm “Chí Phèo ngoại truyện”

Mở đầu chương trình, thay lời tri ân sâu sắc, tưởng nhớ đến công lao tạo dựng của các bậc tiền bối, là “Lễ tấu trình nghiệp Tổ” thành kính, trang nghiêm, do các nghệ sĩ Chi hội Sân khấu Hội Văn học nghệ thuật tỉnh thể hiện. Đây là một lễ nghi không thể thiếu, tạo nên sự khác biệt trong Ngày Sân khấu Việt Nam. Tiếp đến là màn trống lân mang đến không khí rộn ràng cho chương trình tạo sự hứng khởi cho người xem, đồng thời cũng kết thúc phần lễ để bắt vào chương trình nghệ thuật. Nối tiếp là trích đoạn nghi lễ Then cổ “Khảm hải pây cầu an” (Vượt biển đi cầu an) và tiết mục múa đương đại “Sắc hoa” của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc. Rồi, ca cảnh tân cổ giao duyên “Tự nguyện” của Câu lạc bộ Cải lương; màn ảo thuật của Chi hội Sân khấu và hai tiểu phẩm “Chí Phèo ngoại truyện” và “Phong bì” của Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật đã đem lại cho người xem những cảm xúc nhất định. Sở dĩ Ban Tổ chức lựa chọn những tiết mục trên vì nó đại diện cho những loại hình sân khấu quen thuộc và phản ánh chân thực đời sống sân khấu Thái Nguyên hiện nay.

“Khảm hải pây cầu an” một trích đoạn nghi lễ Then cổ của người Tày, phản ánh văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Tày. Nghi lễ thường được sử dụng trong các lễ cầu cúng giải hạn, cầu phúc, cầu an… Đây là một trích đoạn ấn tượng nhất, miêu tả đoàn Then vượt biển lớn với sóng to gió cả và cuối cùng đã đạt được điều mong muốn. Với lối diễn xướng rất đặc trưng của nghệ thuật hát then đàn tính và sự thể hiện điêu luyện của các diễn viên, người xem thực sự thú vị bởi làn điệu, ngón đàn, đồng thời là cơ hội để hiểu thêm một nét văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số.

Trích đoạn nghi lễ Then cổ “Khảm hải pây cầu an”

Hai tiểu phẩm “Chí Phèo ngoại truyện” (thể loại Chèo, do NSƯT Đỗ Minh Chuyên chuyển thể và đạo diễn) và “Phong bì” (thể loại Kịch nói, tác giả: Hồng Khả Nhân, đạo diễn: NSƯT Nguyễn Văn Bộ), đã thuyết phục khán giả bởi sự diễn xuất của các nghệ sĩ thuộc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh. Hãy khoan bàn đến nội dung, bối cảnh của mỗi tác phẩm, có thể vẫn còn điều này điều khác cần phải cân nhắc, song sự vào vai của các diễn viên đã thực sự chạm được vào trái tim, đánh thức cảm xúc của người xem. Điều đó đáng trân trọng.

NSƯT Đỗ Minh Chuyên chia sẻ: Lâu lắm rồi các nghệ sĩ sân khấu Thái Nguyên mới được tham dự một ngày truyền thống với quy mô như thế này của địa phương mình. Cảm ơn Hội Văn học nghệ thuật đã sáng kiến tổ chức Chương trình; cảm ơn Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; cảm ơn Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc đã đồng thuận để phối hợp tổ chức. Chúng tôi vui vì thấy được sự trân trọng của xã hội. Bao lâu nay, anh chị em chúng tôi cứ miệt mài diễn cho mọi người xem, thì đây là dịp mình diễn để tôn vinh mình.

Trải qua hàng nghìn năm hình thành và phát triển, cùng với nhiều ngành nghệ thuật, sân khấu Việt Nam hiện đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển song cũng phải đối diện với nhiều thách thức để tồn tại. Chương trình nghệ thuật “Vọng từ nguồn cội” được tổ chức nhằm động viên đội ngũ văn nghệ sĩ trong lĩnh vực sân khấu phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của nền sân khấu Việt Nam, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm sân khấu và hoạt động sân khấu có ý nghĩa để phục vụ công chúng Thái Nguyên, đồng thời góp phần củng cố hoạt động của chuyên ngành sân khấu trong đời sống nghệ thuật Thái Nguyên.

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh bày tỏ: Qua những sự kiện như thế này sẽ là những cú hích để các nghệ sĩ nạp thêm năng lượng tích cực, đồng thời cũng là dịp để họ nhìn lại và suy nghĩ về trách nhiệm của mình trước yêu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

Huệ Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy