Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
05:08 (GMT +7)

Chùm truyện ngắn của nhà văn Hồ Thủy Giang

VNTN - Bước vào tuổi bẩy lăm ông càng thấu hiểu ý câu thơ của cụ Nguyễn Du “Trăm năm thì ngắn một ngày dài ghê”. Tốc độ tâm lí của thời gian quả là khủng khiếp, không ai có thể tưởng tượng nổi. Chỉ như mới hôm qua thôi ông còn khoác tay người yêu, cũng là bà vợ ngoài tuổi bảy mươi của ông bây giờ, dạo bước trên bờ sông đầy thơ mộng. Mái tóc xanh bồng bềnh như mây của người tình còn như đang bay trước mặt ông, nụ cười vang lên trong gió như còn văng vẳng bên tai ông. Vậy mà đã trôi qua hơn một nửa thế kỉ rồi.

 

Là một nhà văn khá nổi tiếng nhưng bây giờ ông không còn sáng tác được nhiều. Chỉ thi thoảng viết một bài thơ ngắn hoặc một vài mẩu chuyện nhỏ nhưng phần lớn cũng lủng củng bất thành. Tuy vậy, ông vẫn giữ thói quen nghề nghiệp, sáng nào cũng lặng lẽ ngồi vào bàn viết, hết ngắm ngòi bút rồi lại nhìn tờ giấy trắng trong một nỗi buồn khôn tả. Có lần đứa cháu ngoại tám tuổi thấy ông cứ ngồi lặng lẽ hàng giờ bên cái bàn nhỏ, thấy lạ nên đã hỏi: “Ông ơi ông ngồi đấy làm gì mà ngày nào cháu cũng thấy ông ngồi lâu thế?”. Ông nhìn đứa cháu, khẽ nở một nụ cười nhợt nhạt: “Ông ngồi để chờ những đám mây của cuộc đời trôi qua cháu ạ”. Hẳn là đứa cháu ngoại không thể hiểu hết cái câu nói hoa mĩ và thấm đẫm một vẻ buồn thanh sáng nhưng hoàn toàn thành thật ấy của ông.

Cứ ngồi như vậy, thế rồi, bỗng một lần vô tình ông phát hiện thấy một giọt nắng rọi vào bức tường đối diện. Giọt nắng như lung linh tỏa sáng. Phút đầu tiên nhìn thấy nó, ông hơi sửng sốt. Nhưng rồi bắt đầu từ giây phút đó, giọt nắng vô tình ấy đối với ông trở thành thân thiết. Có những hôm giọt nắng nhảy nhót một cách thật tươi vui trước mắt ông, lại có những hôm ông nhìn thấy nó trong một vẻ buồn tê tái. Giọt nắng! Ồ, Đúng vậy! Hoàn toàn chỉ là một giọt nắng vô tri vô giác nhưng hình như nó lờ mờ gợi lại trong tâm trí ông một kí ức rất xa xôi. Nhưng ông nghĩ mãi mà vẫn không nhớ nổi đó là chuyện gì. Ông buồn bã thở dài. Trí não của người già là như vậy sao. Nhớ nhớ, quên quên trong cái biển thời gian hữu hạn mà vô định. Nhưng rồi sau đó ít lâu, như le lói trong cõi vô thức, ông chợt giật mình nhớ ra tất cả. Là vậy sao? Người ông như mê đi. Phải rồi! Hơn năm mươi năm trước. Vào một buổi sớm thật đẹp, có một giọt nắng nhỏ đã đậu vào ngực một thiếu nữ. Đó là cô bạn gái học ở lớp 10B bên cạnh lớp ông. Vì hôm đó là buổi tập trung đầu tuần toàn trường nên ông mới có được cái diễm phúc đó. Cả vài trăm học trò trong trường chỉ duy nhất có ông chứ tịnh không một ai nhìn thấy giọt nắng ấy. Ngay chính cả bản thân cô gái cũng không hề biết thiên nhiên đã vô tình ban tặng cho mình một giọt nắng ban mai tinh khiết đến diệu kì. Tất nhiên rồi. Vì học sinh toàn trường lúc ấy còn đang dỏng tai và chăm chú nhìn lên cái bục cao phía trước xem lớp nào, cá nhân nào đạt danh hiệu xuất sắc trong tuần. Trong những năm tháng ấy, đó là cái mốc phấn đấu của cả thầy và trò. Vâng! Chỉ mình ông, một kẻ lúc nào cũng ngu ngơ, viển vông như một nhà thơ lãng mạn nên mới vô tình được ngắm giọt nắng trong một cảm xúc tuyệt diệu đến vậy. Khi ấy, mắt ông không rời giọt nắng đang đậu trên ngực cô gái. Đó cũng là lần đầu tiên ông dám nhìn thẳng vào ngực một người khác giới. Nhưng có trời xanh chứng giám, đúng là ông chỉ ngắm nhìn giọt nắng mà thôi. Hồi ấy, những chàng trai mới lớn như ông chưa có thói quen nhìn xộc vào ngực những cô gái như nhiều chàng trai bây giờ. Là nói vậy, chứ lúc đó, vẫn có một sự thật không thể chối cãi là cái bồng đảo hơi nhô cao sau lần áo mỏng của cô đã làm tim ông đập gấp gấp bội phần. Giọt nắng lay động trước khuôn ngực mơn mởn của cô óng ánh như một giọt ngọc (thì ít nhất đối với ông là như vậy). “Thì ra khuôn ngực của một người con gái là như thế sao?”- Bây giờ ông vẫn còn nhớ như in, chính trong cái giờ khắc ấy, ông đã thầm thốt lên một cách đầy ngạc nhiên như vậy. Ông bàng hoàng nhận ra rằng giọt nắng kia đã đánh thức tình yêu đang yên ngủ trong trái tim trai trẻ của ông. Giọt nắng chỉ nhẹ nhàng lay động bên ngoài lớp vải mỏng trên khuôn ngực cô gái nhưng dường như lại chìm lặn tận đáy trái tim ông.

Nhưng rồi ngay lúc ấy, tiếng trống báo tan buổi tập trung làm ông giật bắn mình. Toàn trường ùa đứng lên như đàn chim vỡ tổ. Giọt nắng biến mất. Ông ngẩn ngơ lê từng bước trở về lớp học, lòng trĩu nặng. Tim ông chợt nhói đau khi chợt nhận ra rằng ông sẽ vĩnh viễn không bao giờ còn nhìn thấy giọt nắng ấy lần thứ hai nữa - giọt nắng tình yêu. Lúc ấy, không hiểu sao ông lại nghĩ ra một cái tên mĩ miều đến vậy.

Thế rồi cứ mỗi buổi họp đầu tuần toàn trường, ông lại kín đáo ngắm nhìn vào khuôn ngực ấy. Khuôn ngực không có giọt nắng nhưng vẫn lung linh kí ức.

Một tháng sau, ông nghe tin cô gái lớp bên đã cùng gia đình chuyển về một tỉnh xa. Cô đã vĩnh viễn mang theo giọt nắng, mang theo tình yêu đầu đời của ông, một tình yêu vô thanh và không để lại bất kì một dấu tích nào.

Bây giờ thì ông đã là một lão già bảy mươi lăm tuổi.

Vậy mà, vào cái lúc ông đang ngồi trong căn phòng nhỏ của mình để “chờ những bóng mây của cuộc đời trôi qua” thì trước mặt ông bỗng xuất hiện một giọt nắng - giọt nắng đã gợi nhắc lại giọt nắng ngày xưa.

Nhưng rồi ít lâu sau giọt nắng trong căn phòng nhỏ của ông lại bỗng nhiên biến mất. Cặp mắt già nua, thảng thốt của ông nhìn như xuyên thủng bức tường trước mặt mà vẫn không tìm thấy cái giọt nắng đã gợi tâm hồn ông trở về với miền kí ức thanh tao và đầy luyến tiếc ấy. Hôm sau, sau nhiều lần nhìn ngó, tìm tòi, ông đã phát hiện ra ngay phía trước mặt, chênh chếch với ngôi nhà của ông, người ta đang xây một khách sạn cao tầng. Những bức tường lớn như những vách núi đã che khuất vầng mặt trời sáng sáng vẫn nhô lên. Thì ra đó chính là nguyên nhân làm giọt nắng của ông biến khỏi căn phòng này.

Ông nhìn ra mênh mông.

Trời chang chang nắng nhưng không có một giọt nắng nào dành cho ông cả. Ông chợt đau đớn nhận ra rằng: mặt trời đã và đang buông xuống thế gian triệu triệu giọt nắng nhưng thượng đế chỉ ban cho mỗi người một giọt nắng duy nhất mà thôi.

* * *

Ông chết rất nhanh. Ranh giới giữa sự sống và cái chết chưa đầy một phút. Các bác sĩ sau khi khám nghiệm đã kết luận ông chết do nhồi máu cơ tim. Không hề sai! Có điều, nền y học dù ở đỉnh cao đến mấy cũng chỉ có thể cứu rỗi con người bằng một kết luận vô cùng chính xác và… bất lực như vậy.

Thằng Ty ôm đầu chạy đến nhà các anh chị nó, khóc lóc, van lạy như tế sao. Gọi Ty bằng thằng là cách gọi của các anh chị nó, chứ thực ra nó đã năm mươi cái xuân xanh có dư chút ít rồi. Trước hết, nó đến nhà ông anh cả, vò đầu bứt tai, trình bày thảm thiết:

- Anh ơi, anh không giúp em phen này thì em hết đường sống.

- Vì sao lại đến nông nỗi ấy? Chú nói rõ cho tôi nghe. Ông anh cả vừa đỡ Ty đứng dậy, vừa nói.

Ty mếu máo:

- Khốn khổ cho em lắm anh ơi. Thằng con trai duy nhất của nhà em nó sa vào cờ bạc, đã vay lãi ngày của bọn xã hội đen, tính đến nay đã nợ lên tới cả tỷ đồng có dư.

Nghe mấy tiếng “tỷ đồng có dư”, ông anh cả tưởng như muốn ngất. Ấn cái thân xác rũ rượi của ông em xuống ghế, giọng ông anh cả lạc đi:

- Vài chục triệu thì chả nói chứ cả tỷ đồng như vậy thì đào đâu ra bây giờ cơ chứ.

Ty ủ rũ, gục mặt xuống bàn một lúc rồi cố gượng cái mặt đầm đìa nước mắt lên:

- Vâng! Vì thế em đã nghĩ tiêu cực là mặc xác nó cho bọn xã hội đen đâm chém, chặt chân chặt tay để nó biết đời…. Nhưng mà vắt tay lên trán nghĩ ngợi mấy ngày đêm, em thấy không nỡ. Của đau con xót anh ạ. Cứ nghĩ mình nuôi nó từ khi còn đỏ hỏn, nay đến lúc đã sắp thành gia thất, mà để nó vào cảnh ấy thì không đang tâm chút nào. Nghĩ cho cùng thì nó cũng chỉ là do dại dột. Xã hội bây giờ không ít những chuyện đảo điên như thế. Mà anh có biết không, nếu không trả được thì mỗi tháng phải mất thêm một trăm hai mươi triệu tiền lãi. Lãi mẹ lại đẻ lại con…

Ông anh cả bủn rủn chân tay, giọng run run:

- Vậy… chú tính thế nào bây giờ? Mấy anh chị em ta đều hoàn cảnh khó khăn. Hoàn cảnh của anh thì chú biết rồi, trần xì mấy đồng lương hưu. Cái Đào tuy ở thành phố khá hơn chút ít thì cũng chỉ có cái xác nhà với đồng lương văn thư còi cọc, lại phải nuôi con học ở Hà Nội.

Ty lắc lắc mái đầu rậm rì làm nước mắt tung tóe khắp mặt bàn:

- Em cũng biết. Nhưng dù sao thì anh với chị Đào vẫn còn có chỗ bám víu vào đồng lương. Tình thực, thằng con em nếu không mắc cái hạn này thì em cũng chẳng đến kêu cửa các anh, chị làm gì, nhưng...

Rồi như không kìm được nỗi đau khôn cùng, Ty khóc rống lên.

Ông anh cả ngồi chết lặng như bức tượng. Ông hóa thành tượng cũng phải. Đúng là dù có muốn đến mấy thì cả cái đại gia đình ọp ẹp của ông cũng không có cách nào gánh nổi số tiền một tỷ nọ. Cuộc đời ông chưa bao giờ gặp phải cái hoàn cảnh éo le khủng khiếp đến thế. Nhưng chú em ông nói đúng, dù có trách oán thằng con cờ bạc đến bao nhiêu, dù có phải úp mặt nó vào bãi phân trâu để trừng trị thì cuối cùng cũng phải gỡ nó khỏi cái nạn tày đình này. Nếu không thì mất chân, mất tay, thậm chí mất mạng với bọn xã hội đen là cái chắc. Vẫn biết anh em kiến giả nhất phận nhưng cái hoàn cảnh nguy kịch đến thế thì đúng là thằng em khốn khổ của ông phải tìm đến các anh chị để kêu cầu cũng là hợp lẽ. Biết là vậy nhưng ông nghĩ ngợi tưởng đến vỡ vụn các nơron thần kinh mà vẫn không thể tìm thấy lối ra. Chả lẽ ông đến vận động cô em gái đang ở thành phố thế chấp ngôi nhà để vay ngân hàng giúp nó? Cũng là nghĩ quẩn vậy thôi chứ cái nhà cấp bốn của cô ấy cùng lắm cũng chỉ vay nổi một, hai trăm triệu là cùng, bõ bèn gì với cái nợ bạc tỷ.

Nhìn cái thân xác rũ xuống mặt bàn như một đống giẻ rách của chú em, ông cố kìm nước mắt. Mấy anh em ông tuy xưa nay không ai giầu có nhưng được cái rất thương yêu nhau. Ông thì làm bưu tá ở huyện, rồi về hưu, cô em thứ hai thì đang công tác trong một cơ quan nhỏ ở thành phố, chỉ có chú em út này là bám đất quê để sinh sống. Ba anh em, năm thì mười họa mới có dịp đến với nhau nhưng vẫn luôn nhớ về nhau. Trong ba anh em, ông biết là chú út có phần vất vả hơn vì phải cầy sâu cuốc bẫm, đổ mồ hôi sôi nước mắt thì may ra mới có chút của ăn của để. Có lẽ vì vậy mà ba nghìn mét vuông đất bố mẹ để lại cho ba anh em, dù trước khi mất, bố đã thừa kế rõ ràng cho mỗi người một nghìn mét, nhưng ông và cô em gái vẫn gửi cả cho chú em dùng để trồng trọt, chăn nuôi sinh sống chứ không hề tính toán chi li. Chỉ khi nào bán hoặc ai muốn trở về quê thì mới bàn đến chuyện chia chác. Ba anh em đã cùng thống nhất với nhau như vậy. Chợt nghĩ đến mảnh đất lớn bố mẹ để lại, mắt ông anh cả chợt sáng lên. Đúng rồi! Miếng đất ấy liệu có thể cứu được đứa cháu của ông không nhỉ? Tuy mảnh đất nằm ở vùng sâu vùng xa nhưng được cái bằng phẳng, rộng rãi, biết đâu chả bán được tới dăm, bảy trăm triệu. Cũng là một khoản đáng kể. Rồi thì ông và cô em gái sẽ tìm cách trợ giúp thêm. Nghĩ vậy, ông vội nâng đầu chú em dậy:

- Này! Anh có kế sách này chú xem có được không?

Thằng em ngẩng phắt lên:

- Cách gì hả anh?

- Thì mảnh đất bố mẹ thừa kế cho chúng ta mà chú đang ở đấy. Bán đi có dễ cũng được dăm bảy trăm triệu. Chỉ có điều, chú sẽ không còn đất làm ăn. Nhưng thôi, đến nước này cũng đành phải liều thôi chú ạ. Mọi việc tính sau. Lúc ấy nếu chú có thiếu thốn gì thì anh và cô Đào cũng sẽ trợ đỡ ít nhiều. Cái chính là phải trả cái món nợ một tỷ kia, chứ cứ mỗi tháng lại vọt thêm hơn trăm triệu thì chết không kịp ngáp.

Mặt mũi chú em đã có vẻ tươi tỉnh hơn ít nhiều nhưng tiếng thở dài vẫn buông ra một cách thiểu não:

- Thú thật với anh là trước khi đến cầu cứu anh và chị hai, em cũng đã tính đến cái nước ấy, nhưng… làm thế… đất ấy là của… làm như vậy… sao đành…

Ông anh cả trừng mắt:

- Sao chú lại nói vậy. Đã đành là thế, nhưng lúc hoạn nạn này, anh em phải cưu mang nhau chứ. Rồi anh sẽ nói với cô Đào. Anh tin là nó cũng vui vẻ thoải mái thôi.

Sau bữa cơm đạm bạc ở nhà ông anh cả, thằng Ty lùi lũi trở về quê.

Hơn một tuần sau, Ty lại đến nhà anh cả cùng tờ giấy viết nguệch ngoạc và chắc là lẫn nhiều nước mắt. Ty nâng tờ giấy trước mặt ông anh như dâng tờ sớ lên vị hoàng đế.

- Giấy gì đây. Ông anh cả vội hỏi.

Giọng Ty rầu rĩ:

- Lần trước, được mấy lời của anh, gia đình em như được hồi sinh. Ơn trời bể này suốt đời em không quên được. Có điều, anh cũng biết, đất ấy là của bố mẹ để lại và đã chia đều cho cả ba anh em, có giấy tờ viết lại, có dấu má của chính quyền xã đàng hoàng. Nay, các anh chị có lòng cứu giúp gia đình em trong cơn hoạn nạn, em xin được viết giấy này, cũng là để minh chứng là xuất phát từ tình máu mủ ruột rà mà các anh chị đã nhượng lại toàn bộ số đất ấy cho em. Nếu không, khi em bán, có thể chính quyền xã lại gây rắc rối, anh chị thì ở xa, mấy lúc mà có thể về quê để minh giám cho em. Mấy lại, tờ giấy này được viết cùng các chữ kí của các anh chị, em xin được thắp hương và hóa để báo cáo với linh hồn bố mẹ dưới suối vàng là mảnh đất ấy, tuy bố mẹ để lại cho cả ba anh em nhưng nay anh chị đã vì lòng thương cảm vô bờ bến mà tình nguyện tặng lại cho đứa em khốn khổ này. Anh ơi, có như vậy thì em mới yên lòng mà nhận.

Ông anh cả khẽ thở dài:

- Chú nghĩ vậy cũng không sai, nhưng người một nhà cả, làm gì phải rườm rà thế. Nhưng mà thôi, chú nói vậy cũng chứng tỏ là người có nhân có nghĩa, có trước có sau. Tôi kí cho chú yên lòng.

Cầm tờ giấy có chữ kí của ông anh cả, Ty lên ô tô ra thành phố đến nhà chị hai.

* * *

Biết tin chú em đã bán đất để cứu cậu con trai và chuyển hẳn sang huyện khác để mua đất làm nhà, nhưng ông anh cả do mắc bệnh nặng nên đến tận cuối năm mới có dịp đến thăm.

Ông ngơ ngẩn đứng trước ngôi nhà năm tầng cao lồng lộng ngự trên mảnh đất thoáng đãng với đủ bồn hoa, cây cảnh, khu giả sơn có vòi nước phun mát rượi. Nghĩ ngợi một lúc, ông lặng lẽ quay ra vì nghĩ mình đã vào nhầm nhà, mặc dù lúc nãy người hàng xóm nói đó chính là nhà ông Ty, con trai là Thổ mới xây cất hồi giữa năm.

Vừa quay bước thì ông nghe tiếng thằng Ty:

- Ai như anh cả?

Ông quay lại. Đúng là Ty. Ông ngạc nhiên:

- Đây là nhà em sao?

Ty hề hề, ráo hoảnh:

- Vâng. Mời anh vào nhà.

Ông bước lênh bêng lên hàng hiên cao lát gạch ngoại bóng loáng. Nhìn căn nhà choáng lộn những tiện nghi đắt tiền, đầu óc ông váng vất, như tỉnh, như mê. Buồn thì chắc là không phải, nhưng sao lại…chả lẽ…chả lẽ…

Thằng Thổ, con trai cưng độc nhất của Ty đứng ở một chỗ khuất trên cầu thang đã nhận ra bác cả, khẽ tủm tỉm cười. Nó khẽ lẩm bẩm: “ông bô mình mưu mẹo kém đếch gì Khổng Minh thời tam quốc. Thì mình chịu tiếng xấu là con bạc một chút cũng có sao. Mảnh đất chó đẻ ở quê hồi ấy nếu nhà nước không lập khu công nghiệp thì thằng nào chịu mua đến giá mười tỷ cơ chứ. Từ nay cứ việc ngồi mà xơi cũng không hết của. Ôkê! Ông bô mình đúng là siêu sao”.

Chùm truyện ngắn. Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước