Chùm thơ tham dự Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật về Đại đội Thanh niên xung phong 915 Anh hùng
Trần Cầu
Nhớ chị (1)
Cuối năm giỗ chị em về
Dốc Lim viếng mộ buồn tê tái ngày
“Hiu hiu... ngọn cỏ lá cây” (2)
Ngỡ như dáng chị những ngày bên em
Trĩu vai đòn gánh vẹt mòn
Đỡ đần cha mẹ, thương em nhất nhà
Hành trang nhẹ, ước mơ xa
Chị vào cuộc chiến bước qua hiểm nghèo
Tiếng cười giọng hát trong veo
Thông đường, nối bến trăng treo nhịp cầu
Hóa trường đêm ấy... quặn đau
Thản nhiên vào giấc ngàn sâu chói ngời
Chị còn mãi tuổi đôi mươi
Trên di ảnh vẫn nụ cười hồn nhiên
Tuần nhang thành kính dâng lên
Nhớ thương thăm thẳm chị hiền của em.
(1) Thay lời em trai Nguyễn Trọng Hán viết về
chị gái Nguyễn Thị Loan liệp sĩ TNXPC 915
(2) Ý câu thơ 743, 744 trong truyện Kiều
Xuân Môn
Viếng nghĩa trang liệt sĩ
Tôi dắt tháng bảy vào viếng nghĩa trang
Cúi đầu trước những hương hồn bất hủ
Bó nhang to - Hàng mộ đầu không đủ
Thay lòng thành thắp lên nén tâm nhang
Những người nằm đây trai gái của làng
Chưa biết yêu, chưa rõ hình mất được
Nhưng biết hy sinh tuổi xuân, mơ ước
Hiến đời mình cho Tổ quốc bình yên
Không ít liệt sĩ: Có mộ - không tên
Sinh tử đời người không rõ ngày để nhớ
Tháng bảy hàng năm chung ngày tưởng giỗ
Giấu hy sinh... trong lặng lẽ vô danh!
Bao liệt sĩ: Không mộ - có tên sanh?
Xác vùi chốn nao? Nhang không nơi thắp
Thân xác nào cũng trở về bụi đất
Còn mãi linh hồn sử sách lưu danh
Trước mộ: Cháu vái theo bà, mẹ, anh…
Cụ chống gậy tì thời gian để dựa
Liệt sĩ trẻ không trẻ hơn được nữa
Chiều lom khom nắng vội cũng cúi đầu
Đồng đội còn tìm bạn mất nằm đâu
Tóc bạc chiều, loang lổ xanh cỏ mộ
Có cựu thù phía bên kia súng nổ
Gửi vào hoa thăm viếng sự thành tâm
Đất nước bốn nghìn năm chống ngoại xâm
Uống nước nhớ nguồn luôn là đạo lý
Hoa hồng trồng trong nghĩa trang liệt sĩ
Thời gian đứng im trước mộ anh hùng!
Tháng 7/2018
Phan Thái
Hoa nắng tượng đài
Tôi chỉ thể làm chân nhang đứng lặng
Chuốt cạn hoàng hôn không thắp nổi mình.
Tiếng chuông nguyện hồn những người hy sinh
Khắc khoải gọi về miền ký ức.
Năm tháng ấy đêm Linh Sơn sáng rực
Góp lửa với tiền phương rầm rập bước quân hành.
Tuổi thanh xuân các chị các anh
Nối những con đường ra tiền tuyến.
Trải lá cây làm bàn chia nắm cơm dã chiến
Dưới bom đạn kẻ thù câu hát vẫn bay lên.
Trọng điểm, khúc ngầm nhành hoa núi thành tên
Thức ngủ bám đường nắng sương dầu dãi
Bến Mo Linh nõn tiếng cười con gái.
Lối Bi Gù chiều trăng chật đầy vai.
Lưu Xá - Đêm Noel màu máu năm 1972
Những nụ cười bom B52 giập khuất.
Các chị các anh gửi trái tim vào đất
Sông núi hiện lên nguyên vẹn hình hài.
Thầm lặng dòng tên làm hoa nắng tượng đài
Hơn tất thảy mọi lời yêu Tổ quốc!
Nguyễn Minh Trọng
Mẹ là chung của chúng con
(Kính tặng mẹ VNAH Đỗ Thị Tẹo, mẹ hai liệt sỹ chống Mỹ,
trong đó có liệt sỹ Lưu Xuân Thanh, đại đội TNXP 915,
hi sinh đêm Noel 1972, tại ga Lưu Xá)
Nhớ con
quặn khói nhang gầy
run run lần bước về ngày xa xưa...
Cái đêm bom trút như mưa
Noel tang tóc...
như vừa khói vương!
Cái năm đâu cũng chiến trường
các con nối gót lên đường tòng quân
con xuôi biền biệt trời nam,
con vừa mới kịp đôi lần ghé quê.
Cái thời chồng chất tái tê
các anh vì nước cùng về cõi xa...
Gọi con hằng bấy mùa qua
sương giăng mắt mẹ
nhập nhòa bóng con!
Bây giờ mẹ của nước non
liêu xiêu bước mẹ
biết còn bao xa...
Ngưỡng trăm năm tuổi dần qua
chúng con bên mẹ, mẹ là mẹ chung.
Đoàn Hữu Nam
Đời này đã trọn chữ yêu
(trích đoạn)
Đời này đã trọn chữ yêu là bản trường ca của tác giả Đoàn Hữu Nam (Lào Cai), viết về tình yêu đẹp như mơ của một đôi trai gái người Tày bên dòng sông Cầu (Chợ Mới - Bắc Cạn) thơ mộng. Hai người nên vợ nên chồng đúng vào thời điểm đế quốc Mỹ mở chiến dịch ném bom miền Bắc lần thứ hai. Với trách nhiệm của người thanh niên trước vận mệnh đất nước, người chồng đã tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong và được biên chế vào vào Đại đội 915, Đội Thanh niên xung phong 91 Bắc Thái. Anh đã hy sinh cùng đồng đội của mình trong trận bom đêm Noel 1972, để lại cho người vợ đang bụng mang dạ chửa tột cùng đau thương mất mát. Song với tình yêu cùng sự đùm bọc của gia đình, xóm làng chị đã vượt qua tất cả để nuôi con, làm tròn lời hứa với người ngã xuống vì quê hương đất nước.
VNTN trích đăng 1 chương trong trường ca này.
Chương 7: Ơn trời cây đã hoa, đã quả
Một ngày mới như nhiều ngày mới
Mặt trời đang sửa soạn leo trèo
Trâu ngựa trong chuồng rục rịch
Cây lá trong vườn phởn phơ
Cha ôm điếu ra cầu thang nhả khói
Mẹ và em tíu tít lợn gà
Bỗng gió sông Cầu ào về
Anh ào về
Ba lô trên lưng
Nụ cười trên môi
Hân hoan bày ra
Của nả bày ra
Mươi chiếc bánh đa làng Kế
Cân đường gói giấy xi măng
Thuốc lào của cha
Áo ấm của mẹ
Khăn quàng ngúng nguẩy mắt em…
Xóm làng đón anh
Nhà mời xóm làng những gì có thể
Đường vào nồi chè
Bánh đa đưa đẩy
Chuyện làng, chuyện giời
Chuyện đạn bom đối mặt
Chảy tràn
Náo nức
Râm ran.
Anh bảo:
Sau những ngày chuyển hàng,
thông đường trên thưởng ba ngày phép
anh chạy thi với mặt trời
anh về đích và mặt trời về đích
cùng nở nụ cười hân hoan!
Anh bảo:
Lưu Xá ngổn ngang đạn bom
ngổn ngang đất đá
ngổn ngang hàng hóa vào Nam
đôi vai mười mấy năm mang vác
lại một phen gồng gánh chuyện nước nhà
đôi bàn chân mài mòn dốc núi
bấm lõm sân ga mỗi ngày.
Anh bảo
Tiểu đội anh có mười ba người
mười ba trai làng gái bản
mười ba cánh chim chung tổ chung cành
“Sống cầu đường, chết kiên cường bất khuất”
mệnh lệnh trên ra
mệnh lệnh cháy trong lòng
mệnh lệnh vuông tròn đội ngũ
con đường thông như mạch máu về tim
trong chiến trận đã ba người ra đi
ba người bù lại
người ra đi mang theo căm thù, uất ức
người bù lại lấp đầy niềm đau.
Anh kể:
Sau những đêm thông đường
ước được ngâm mình
dòng sông Cầu trong mát
ước được biến thành hạt thóc
gối lên nhau ngủ vùi trong chum
Điều ước chưa kịp bám vào
cái lược vàng leo lên cửa giời
đường Thái Nguyên - Lạng Sơn
ngầm Sơn Cẩm đã còi báo động
tiểu đội bung ra
đại đội bung ra
cuốc, xẻng, xà beng, xe to, xe nhỏ
những đôi mắt quầng sâu
những bàn tay phồng rộp
ngọn lửa cuốn người, cuốn việc
đường lại thông, lại đón xe qua.
Anh kể:
Những đêm sau tiếng còi báo yên
lòng cồn lên nỗi nhớ
nhớ cánh đồng sau gặt
thênh thênh say tiếng sáo diều
nhớ sông Cầu mùa nước
duềnh lên cho cá khoe vây
nhớ con đường dẫn vào rừng
sức trai thi cùng sức trâu
nhớ hát Then, hát Lượn
cõng cả vầng trăng qua núi qua sông…
nỗi nhớ quấn nhau, tản ra, tụ lại
kéo đêm dài ra
kéo ngày ngắn lại
mềm đi ác liệt bủa vây...
Anh hỉ hả và mọi người hỉ hả
Mong mây thành mưa, mong mưa thành sông
Đêm tái ngộ trăng quên soi đầu ngõ
Giun dế quên da diết đồng làng
Cái áo đẫm hơi bom
Anh kê đầu làm gối
Em xoa mãi đôi vai trần không mỏi
Thấy bồng bềnh phiêu lãng khoảng trời xa
Ngoài nhà
Ánh mắt đón trước đỡ sau
Lấp đầy lo toan, khấp khởi
Ngoài trời
Sấm tắt mưa sa
Giời dốc nước chuyển mùa cho nhẹ bụng
Trong buồng
Rượu mừng, rượu lộc
Anh uống em say
Anh say em uống
Da thịt sang nhau
Tay chân luồn nhau
Vặn thừng, hấp hoải
Vuột trơn như bắt trạch giữa dòng
Ngọn lửa phập phồng được mất
Xuyên qua thao thiết tiếng gà.
* * *
Ba ngày phép trôi nhanh như cơn gió
Rượu dâng thần linh đã say bốn phương trời
Anh lưu luyến, anh ngập ngừng dấn bước
Thái Nguyên lại rộng vòng tay!
Ơn trời cây đã hoa, đã quả
Em đã trong lòng giọt máu anh
Khát khao thương nhớ vun từ ngõ
Ủ ngọt mỗi ngày, say mỗi đêm.
Sông vẫn chảy và dòng người vẫn chảy
Cây vẫn xanh, ký ức vẫn màu cây
Người ra sông, người vào rừng mỗi sáng
Vẫn quen lối tắt, đường quanh!
Và anh vẫn nơi chân trời biền biệt
Em ngày đêm thon thót chuyện đạn bom
Nhưng anh ơi từ nay
Tre đã có măng
Nhà nối dòng nối dõi
Con dựa vào em
Em dựa vào con
Dựa vào con sông tìm ra đường chảy
Đến với bến bờ đợi mong!
Một mai hết giặc nhà sum họp
Em đón anh về, con đón cha
Nhà ba thế hệ vuông tròn đủ
Phúc đức dâng đầy như cỗ đơm!
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...