Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
17:43 (GMT +7)

Chùa Hoàng Đàm

VNTN - Chùa Linh Sơn (chùa Hoàng Đàm) ở xã Nam Tiến, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên được xây dựng từ thời nhà Lý. Trải qua nhiều biến cố, nhất là thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, chùa bị đổ nát, vắng bóng người tu. Năm 1982, nhân dân đã tự xây dựng lại. Đến năm 2013, chùa Linh Sơn có sư về trông coi, cùng quý phật tử hộ trì tam bảo, chỉnh đốn giáo pháp, thật sự là nơi để mọi người đến cầu phúc, cầu an, cởi tấm lòng từ bi, hỉ xả.

Theo truyền thuyết, chùa Hoàng Đàm được xây dựng từ thời nhà Lý. Đến thời nhà Nguyễn, chùa được mở rộng khang trang, gồm: nhà tiền đường có 7 gian, nhà tổ 5 gian…

Căn cứ vào thư mục Thần tích, Thần sắc của tỉnh Thái  Nguyên, (Do Viện Thông tin Khoa học Xã hội, thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia ấn hành năm 1995) thì chùa Hoàng Đàm, bên cạnh việc thờ Phật, còn thờ Thần Cao Sơn Quý Minh (Thuộc tướng thời Hùng Vương thứ 18). Để ghi nhớ công ơn những người con của quê hương đã có công dẹp giặc phương Bắc, phía trước nhà tiền đường còn được xây hai ngôi đền ở hai bên để thờ hai vị tướng tài là Trương Hống và Trương Hát - những người đã phù giúp danh tướng Triệu Quang Phục đánh đuổi giặc Lương trên sông Nguyệt Đức (Sông Cầu).

Chùa Hoàng Đàm từng là nơi cất giấu lương thực của quân Đội Cấn trong cuộc binh biến 1917. Hồi đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Hoàng Đàm trở thành trụ sở của Ủy ban Hành chính - Kháng chiến và là nơi hội họp của cán bộ xã Đồng Tiến (cũ). Sân chùa là nơi tập luyện của dân quân du kích. Đầu năm 1946, ông Nguyễn Văn Tố - Bộ trưởng không Bộ của Chính phủ đã về sân chùa nói chuyện với các thân hào, thân sĩ tiến bộ và cán bộ huyện Phổ Yên về tình hình kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1951, chùa trở thành nơi học tập của học sinh cấp I, cấp II. Sau năm 1955, trường học chuyển đi nơi khác, chùa bị đổ nát.

Năm 1982, chùa Hoàng Đàm được nhân dân tự xây dựng lại và khánh thành trong niềm vui của người dân và hàng ngàn khách thập phương. Theo thời gian, khuôn viên chùa càng được nhân dân tôn tạo to đẹp hơn cho xứng tầm ngôi chùa có lịch sử ngàn năm. Nhân dân góp ngày công san khu đất ở ngay cửa chùa thành sân vận động rộng trên 2000m2, để thanh thiếu niên rèn luyện sức khỏe. Đứng ở sân đó nhìn vào phía cửa chùa, thấy Quan Thế Âm Bồ Tát thật hiền từ, trước đài sen hồng rực rỡ… Tiếp lên, là gác chuông ba tầng (mới được tôn tạo). Chùa có sân chính rộng 400 mét vuông, được lát bằng gạch đỏ. Bên trái là con đường bê tông chạy ven theo cổng chùa, thẳng vào khu đất chuẩn bị nâng cấp nhà tổ. Bên phải là ngôi nhà hai tầng. Nhìn tổng thể, chùa Hoàng Đàm là nơi tôn nghiêm, thanh tịnh có môi trường thoáng mát, sạch sẽ.

Để có được chùa Hoàng Đàm như hôm nay phải nhắc tới phần công rất lớn của Sư thày Thích Nữ Tâm Hiền. Về trụ trì chùa Hoàng Đàm từ năm 2013, sư thày thực sự là một nhà sư biết “Ứng dụng tu hành chính đạo”. Những việc làm của sư thày đã chiếm được được lòng tin của dân làng và phật tử.

Tại chùa, mỗi phiên trực các Tổ bản tự của các xóm chịu trách nhiệm thu “tiền lễ” đều kiểm đếm công khai, sau đó, sư thày và các Tổ cùng vào sổ và kí tá. Hòm công đức được mở công khai sử dụng vào những việc chi tiêu ở chùa, vì vậy nhân dân tin tưởng và thường xuyên công đức cho chùa. Điển hình như ông Nguyễn Văn Thủy, ở xóm Lò, đã công đức tiền công xây nhà hai tầng cho chùa tới hơn một trăm triệu đồng.

Sổ sách của thầy Hiền thường xuyên khớp với sổ sách của các Tổ bản tự. Nếu phật tử nào có băn khoăn về việc thu chi tiền chùa, thầy Hiền sẵn sàng đưa sổ cho kiểm tra. Lời Phật dạy không sai: “Tin là nguồn của đạo, là mẹ của mọi công đức…”. Thầy Hiền thường nói với các phật tử: Chùa của ta hoạt động phải đậm đà màu sắc “Đạo pháp, Dân tộc, Xã hội chủ nghĩa”. Dù là ở chùa, thầy cũng phải lấy dân chủ, công khai minh bạch làm gốc.

Những hoạt động hàng năm, nhà chùa đều có kế hoạch, báo cáo với lãnh đạo địa phương và thường xuyên phối hợp với xã thực hiện nghiêm túc. Nhà chùa đã thống nhất với Ban bản tự hỗ trợ một khoản kinh phí. Hội đầu xuân của làng Hoàng Đàm năm nào cũng tổ chức tại chùa. Dân làng có người qua đời, nếu được mời về cúng, thày Hiền bao giờ cũng làm đúng thủ tục đạo Phật. Đặc biệt, thầy Hiền không bao giờ cầm tiền của dân. Ai có tâm thì đặt lên tam bảo để rồi người trực nhật đưa vào hòm công đức.

Những năm qua, Tết Trung thu chùa đã tặng quà cho hàng trăm cháu thiếu niên, nhi đồng là con em làng Hoàng Đàm. Ngày 27/7 hàng năm, nhà chùa đều lập lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ. Những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong địa phương cũng được nhà chùa giúp đỡ.

Vào mùa hè, hàng trăm học sinh ở quanh vùng được về chùa học “Khóa hè Đạo đức”, do nhà chùa tổ chức. Một số sinh viên đại học là phật tử được nhà chùa chọn về đây giúp việc quản lý lớp học. Các “học viên nhí” được nhà chùa nuôi ăn cơm trưa, những em nhà ở xa được chùa cho ở nội trú. Trong 4 tuần các em được học về giáo lý nhà Phật, về lòng yêu nước, tính tiết kiệm, hiếu kính cha mẹ, cách thuyết phục bạn xấu, học khí công, ngồi thiền, võ thuật…. Các phật tử có con em gửi vào chùa Hoàng Đàm học “Khóa hè Đạo đức” những năm qua thường  khen: “Về nhà, các cháu ngoan hơn nhiều”.

Mấy năm nay, ở chùa Hoàng Đàm không còn tệ đốt vàng mã, đốt sớ, vì ai cũng quan niệm đó là việc làm vô bổ. Ở chùa Hoàng Đàm các tăng ni, các đệ tử, phật tử, phải là những người đã “quy y tam bảo”, phải thực hiện đúng tinh thần “lục hòa” để có thể giúp mọi người hiểu đúng đạo Phật. Mong sao chùa Hoàng Đàm có lịch sử ngàn năm sẽ luôn có những tăng ni đức độ như Sư thày Thích Nữ Tâm Hiền  để “đem chánh pháp đến với mọi người”, xứng đáng là người lãnh đạo tín đồ, mới không khỏi hổ thẹn với hàng tăng bảo!

Mong sao những Phật tử, những người đến chùa Linh Sơn - Hoàng Đàm cầu phúc, cầu an luôn cởi tấm lòng “từ bi, hỉ xả”, cho tâm hồn thanh thản. Hiểu Phật giáo đúng đắn mới mong thành một phật tử chân chính.

Văn Giang 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy