Thứ năm, ngày 02 tháng 05 năm 2024
08:22 (GMT +7)

Chùa Ha trong đời sống tinh thần của người Nhã Lộng

Chùa Ha, có tự là Bà Ha tự, ở xã Nhã Lộng huyện Phú Bình. Với địa thế thoáng mát, nhiều cây cổ thụ bao quanh, tạo nên một không gian tĩnh mịch, cổ kính. Qua sự đắp bồi của lịch sử, chùa Ha không chỉ là nơi thờ tự Phật giáo, mà còn thể hiện đời sống tâm linh là nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân trong xã.


1. Chùa tọa lạc trên một quả đồi thoải khoảng 2,5ha, kiến trúc chùa kiểu chữ công, với 7 gian tiền đường và 4 gian thượng điện, có khu nhà thờ tổ, thờ Mẫu nằm gọn trong khuôn viên khép kín, mỗi tòa đều có kiến trúc riêng rẽ nhưng lại kết hợp thành một quần thể. Đây là ngôi chùa cổ có niên đại sớm, lưu giữ nét kiến trúc thời Lê thế kỷ XVIII.

Vừa là nơi sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương, chùa Ha cũng là nơi phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần, tín ngưỡng tâm linh của Phật tử bốn phương những người muốn tu tâm, hướng Phật, hướng thiện đến đây, thờ phụng Đức Phật từ bi, thả lòng mình vào không gian an lành, hướng tâm hồn lên cõi thần linh với những mong ước tốt đẹp.

Hàng năm, chùa đều tổ chức các ngày lễ: Lễ hội chùa Ha (rằm tháng Giêng), Lễ Phật Đản (ngày 8 tháng 4 - âm lịch), Lễ Vu Lan (rằm tháng 7). Hàng tháng, chùa có Lễ Cầu an (mồng 1, ngày rằm), Lễ Sám hối (ngày 14 - 30). Trong đó, lễ hội chùa Ha (Rằm tháng Giêng) là lễ chính của chùa. Vào dịp lễ này, mọi người đến chùa để cầu trời ban phúc lành với quan niệm “Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng”. Cũng vào dịp này, tại đình Nhã Lộng tổ chức rước kiệu từ nghè về đình, làm lễ dâng hương báo công Thành hoàng làng. Bên cạnh các nghi lễ trang nghiêm, vào thời gian này, tại Chùa Ha còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian bổ ích: đấu vật, chọi gà, cờ tướng, cờ người, thi hát giao duyên giữa các nam thanh nữ tú… Lễ Phật Đản là lễ kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật. Vào ngày lễ này, mọi người đến chùa với mong ước nhận được ơn ích từ sự ra đời của Phật, mong ngài ban cho bình an và mọi sự tài lộc,…

Lễ Vu Lan là ngày lễ để xá ác, tòng thiện. Vào dịp này, ai ai cũng hướng tâm hồn lên cõi Phật, mong muốn được giải khiên mọi tội lỗi và đón nhận những điều thiện vào con người của mình.

Lễ Sám hối vào ngày 14 và 30 hàng tháng là dịp để Phật tử hội tụ về chùa quỳ trước tượng Phật. Nhìn nhận lại bản thân để thấy tội lỗi của mình, quyết tâm chừa tội và hoàn thiện bản thân mình hơn.

Ngày 15 và 30 hàng tháng là Lễ Cầu an. Sau ngày 14 và 30 Sám hối, con người được rũ bỏ mọi tội ác, trở nên lương thiện, trong trắng… Lúc này, họ đến với Đức Phật để xin những ơn lành cho mình cho mọi người xung quanh.

Trong các buổi lễ hội của chùa Ha không chỉ thu hút sự tham gia đông đảo của nhân dân xã Nhã Lộng mà còn thu hút đông đảo sự hồi hướng chiêm bái của phật tử thập phương. Không những thế, các giáo dân Thiên Chúa trong xã cũng đến tham quan và tham gia các trò chơi dân gian làm cho không gian và không khí lễ hội thêm sôi động, nhộn nhịp. Qua các hoạt động cộng đồng con người thêm gắn kết yêu thương.

Với nét đẹp cổ kính riêng có, chùa Ha được công nhận “Di tích Lịch sử Quốc gia” năm 2004. Và từ bao đời nay chùa vẫn luôn là niềm tự hào của nhân dân Nhã Lộng về giá trị lịch sử cũng như nghệ thuật kiến trúc. Chùa Ha vừa hòa quyện trong cảnh quan của làng quê Nhã Lộng êm ả, vừa kết tinh khẳng định bản sắc riêng, độc đáo mà con người nơi đây luôn hoài niệm, khát vọng.

Sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở chùa Ha

2. Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng Tổ quốc, chùa là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử gắn với quá trình hình thành và phát triển phong trào cách mạng của huyện Phú Bình và tỉnh Thái Nguyên.

Chùa Ha cùng với đình Lộng và thành phủ Phú Bình là nơi cất giấu vũ khí của Bộ Quốc phòng và Liên khu Việt Bắc. Đây cũng từng là nơi luyện tập quân sự của Tiểu đoàn 160 Quân đội nhân dân Việt Nam do đồng chí Đào Đình Luyện phụ trách trước trận đánh Phủ Thông năm 1948. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chùa là kho quân lương của Sư đoàn 312.

Qua thời gian một số hạng mục chùa Ha đang dần xuống cấp

Chùa Ha tồn tại trên mảnh đất linh thiêng, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đã đóng một vai trò lớn trong việc củng cố tinh thần đoàn kết của nhân dân trong xã. Khi đất nước hòa bình, chùa cũng góp phần không nhỏ làm nên những giá trị văn hóa của miền quê thuần nông Phú Bình. Mái chùa Ha cong vút, gần gũi, thuần Việt duyên dáng cùng bộ tượng Tam thế, tượng Thích ca, tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay với những đường nét tinh xảo, sống động. Ngoài ra những bia đá, cột đá, hương đá, chuông cổ cùng những lễ hội rộn ràng,… mãi là niềm tự hào của người dân Nhã Lộng.

Khắc Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy