Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
00:30 (GMT +7)

Chốn phiêu lưu dọc miền kí ức

DÀNH CHO CÁC EM NHÂN DỊP TẾT TRUNG THU

Năm tôi sáu tuổi, tôi gia nhập “băng Cướp Biển” và cùng đồng đội “chèo lái con thuyền” đi khắp bốn biển năm châu. Thủ lĩnh của Cướp Biển là thuyền trưởng Hải Tặc, rất to con và dũng mãnh. Hải Tặc không nề hà bất cứ một thứ gì trên đời. Dù bão táp mưa giông hay thú dữ rình rập, thì Hải Tặc vẫn dẫn đầu trong mọi cuộc phiêu lưu. Có chăng thứ duy nhất nó sợ là sự “im lặng” ở phía căn nhà có người bà móm mém đang chờ. Những thuyền viên còn lại bao gồm tôi, Hạnh Hí, Chấy Kềnh, Trung Cá và Điền Đại Gia.

Sau lệnh tập hợp của thuyền trưởng Hải Tặc, chúng tôi bắt đầu chuyến phiêu lưu đi tìm kho báu. Hải Tặc theo sát chúng tôi, luôn miệng nhắc nhở:

- Nhanh nhẹn lên! Kho báu chắc chắn được giấu dưới lòng đất!

Trong khi tôi mải mê đào xới, hòng tìm ra một đĩnh vàng, đĩnh bạc hay một cái hũ có chứa thật nhiều tiền và vòng vèo như trên phim, thì Trung Cá đã đào được nửa xô ốc. Hội kia xúm vào xem đông như kiến bu mật. Chúng nó thích thú ngắm nghía lũ ốc bươu vẫn còn dính đất, rì rầm hỏi nhau có phải ốc ngủ đông không, tại sao nằm sâu dưới ruộng khô mà vẫn sống được?

 

Tôi chẳng buồn xem, nghĩ bụng: “Đi tìm kho báu chứ có phải đi nhặt ốc đâu”. Kết quả, suốt cả buổi sáng bới tung cánh đồng nứt nẻ mà chẳng tìm thấy chút tiền vàng nào, tôi ủ rũ vô cùng. Những đứa khác đều học theo Trung Cá nên đứa nào cũng khệ nệ non nửa xô ốc. Thuyền trưởng nhìn cái xô nhẹ bẫng đến tội nghiệp của tôi mà thở dài.

Hôm ấy tình đồng bào đồng chí, tình bí bầu thương nhau được khơi dậy và thể hiện một cách triệt để, nhờ vậy mà mẹ tôi mới có dịp trổ tài làm món chả ốc cho cả nhà. Vừa nhóp nhép nhai chả ốc tôi vừa nghĩ đến cảnh Hải Tặc hí húi nhóm bếp, nấu cho bà nội nó món ốc kho nhừ. Mắt Hải Tặc híp lại vì khói, còn mắt bà nội nhìn nó dịu hiền biết bao. Vốn tưởng chỉ là những con ốc bình thường, ai ngờ lại là cả kho báu!

Rồi mùa lúa đến. Mùa lúa chín dát vàng đồng quê. Hải Tặc dẫn chúng tôi bước vào chuyến phiêu lưu mới. Nó chỉ những bông lúa cong lưng trĩu nặng mà rằng: “Chúng mày thấy không? Kho báu đấy! Những hạt vàng nuôi chúng ta lớn lên!”. Thế là bữa đó “Cướp Biển” hòa cùng dân làng xuống đồng “gặt hạt vàng”. Từ nhà tôi, cả đám kéo sang nhà Hạnh Hí, nhà Chấy Kềnh, Trung Cá, rồi Hải Tặc. Nhà Điền Đại Gia không cấy lúa nhưng có vẻ nó là người gặt vàng siêu nhất trong hội. Tổng kết, Điền gặt được mười bọc vàng, Hải Tặc 9 bọc, còn chúng tôi mỗi đứa 5 bọc. Người lớn thưởng cho băng Cướp Biển một chầu muồm muỗm nướng vàng ươm, thơm lừng. Mới đầu nhìn chẳng đứa nào dám ăn, nhưng nhắm mắt nhắm mũi nhai thử thì mê tít cái thức đồng quê ấy. Kể từ đó, mùa lúa nào tôi cũng đòi bố nướng muỗm cho ăn.

Mùa mưa, nhất là sau những cơn mưa đầu mùa nổi nước, ban đêm cánh đồng làng như mở hội. Cướp Biển - dưới sự bảo hộ và dẫn dắt của bố tôi và bố Chấy Kềnh, tiếp tục khám phá những bí mật thú vị vẫn còn ẩn giấu. Năm thuyền viên của tàu Cướp Biển được trang bị mỗi đứa một cái giỏ bé bé xinh xinh, buộc ngang hông. Đầu đeo đèn pin, chân xỏ ủng. Hải Tặc tạm trao chức thuyền trưởng cho bố tôi. Các thuyền viên nghe lệnh, không được cãi nửa lời. Chín giờ tối, ngoài đồng lao xao rì rầm, đèn lấp lánh như sao. Chúng tôi tản ra khắp đồng, nhưng không được cách nhau quá 10 mét và luôn phải chú ý đến tín hiệu đèn của hai người lớn. Chúng tôi chậm rãi men theo những thớ đất mới cày vỡ một cách nhẹ nhàng. Tôi chộp được con cua càng đầu tiên, rồi con thứ hai, thứ ba. Những con ốc dạ ngắn ngủn, tròn vo và béo mầm. Những con cá rô đồng, rô phi thoắt cái đã chỉ còn là một đường nước đục. Những con lươn vàng trườn mất hút vào lòng đất… Thi thoảng dân làng đi qua đám chúng tôi, dừng lại để hỏi han, khen dăm ba câu hoặc xem chiến lợi phẩm. Đứa nào cũng thấy vui như tết đến xuân về.

Tôi với Hải Tặc đang xem bố Chấy Kềnh dùng cái vợt cán dài chụp ếch thì bỗng nghe thấy tiếng thét. Cả nhóm xúm lại, thì ra ả rắn nước dọa Hạnh Hí một phen hú hồn. Rất may, Trung Cá luôn theo sát nãy giờ, đã một cước đá văng ả rắn nước đi. Hạnh Hí nhìn Trung Cá đầy cảm động. Tôi chợt nghĩ, liệu sau này hai đứa nó có nên duyên vợ chồng?

Mùa lũ lụt đầu tiên của Cướp Biển thật nhiều lạ lẫm và hào hứng. Nước dâng đến tận vườn nhà tôi. Cả cánh đồng và con đường chìm trong biển nước. Người lớn ỉu xìu nhìn đám hoa màu ngập trong nước. Còn đám trẻ con huýt sáo nhảy loạn lên. Tôi đứng trên sân hú gọi Hải Tặc - đang ngồi ké trên chiếc thuyền nhà hàng xóm đi xem đánh cá. Nó ghé vào nhà tôi. Rủ anh họ tôi làm bè. Chiếc bè tạm bợ, thô sơ được kết bằng hơn chục thân cây chuối hột, vỏ chai nhựa và dây thừng. Bè thả xuống nước. Tôi thích thú bám vào vai Hải Tặc, leo lên. Bè chòng chành trôi đi. Anh tôi lái bè quẹo vào nhà mấy đứa kia. Chúng nó cũng bị kích động y như tôi vậy. Vì bè nhỏ không thể chở hết cả nhóm, nên chúng tôi thay phiên nhau hưởng cái thú vui hiếm có này. Cùng trôi với bè chúng tôi, còn có những cành củi khô, có đám lá cây, có họ hàng nhà côn trùng. Đặc biệt là “cao thủ bơi lội” chuột sơ sinh, chưa mở mắt mà bơi giỏi vô cùng.

Rồi mùa diều no gió, mùa sim tím chân đồi, mùa trăng tròn rước đèn đi khắp xóm... Thấm thoát đã nhiều mùa trôi qua, Cướp Biển giờ mỗi người một ngả. Có đứa vào Nam, có đứa ra Hà Nội, có đứa chọn ở lại quê nhà, nhưng đứa nào cũng nhớ da diết ngôi làng nhỏ với những chuyến phiêu lưu cùng “đồng đội” năm xưa. Chúng tôi hẹn nhau mùa lúa này, sẽ về đủ đầy rồi lại “rong thuyền” bước vào cuộc phiêu lưu mới.

Hồ Điệp

(Tác phẩm của Trại Sáng tác văn học thanh thiếu nhi Thái Nguyên năm 2020)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước