Chơi địa lan ở Thái Nguyên
VNTN - Phong trào chơi hoa lan ở Thái Nguyên phát triển khá mạnh nhưng chơi địa lan thì có lẽ chỉ mươi năm trở về đây người chơi lan Thái Nguyên mới thực sự chú tâm...
Từ xưa ở Việt Nam chơi lan - các loài địa lan bản địa, đã được coi là một thú chơi tao nhã của các bậc vương tôn, học giả, văn nhân, thậm chí còn được coi là một biểu tượng của lẽ sống. Lan được xếp vào hàng tứ quý và là nữ hoàng của các loài hoa “Vương giả chi hương”.
Qua các triều đại địa lan đều có trong cung vua phủ chúa. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, người chơi lan nổi tiếng ở đất Thăng Long của nước ta là vua Trần Anh Tông (thế kỷ XIII). Ông có vườn lan xây dựng bên đồi Long Đỗ nằm trong khu vườn Thượng Uyển, nay là Bách thảo Hà Nội, có hơn 500 loài quý hiếm nên có tên gọi là "Ngũ bách lan viên". Nhà Vua còn đặt ra chức Nữ quan để chăm sóc vườn lan. Và vì mê địa lan ông cũng nằm mộng thấy một loài địa lan sau đó tìm được đúng loài này và đặt tên, lan Trần Mộng…
Qua thời gian những loài địa lan quý của Việt Nam được nhân rộng và bảo tồn thành một bộ gọi là lan truyền thống gồm: Đại Mạc, Thanh Ngọc, Hoàng Vũ, Hoàng Điểm, Thanh Lùn, Thanh Trường, Cẩm Tố, Trần Mộng… Và chơi địa lan cũng là một thú chơi tao nhã phát triển mạnh mẽ đến hôm nay.
Thái Nguyên là vùng đất hội tụ, vì vậy thú chơi địa lan không nhiều như ở những nơi có bề dày truyền thống văn hóa như: Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng. Và có lẽ chơi địa lan ở Thái Nguyên chỉ phát triển từ khi những người dân miền xuôi lên lập nghiệp. Nói về điều này, ông Đĩnh - một người yêu địa lan truyền thống cho biết: “Trước đây ở Thái Nguyên có một số người chơi địa lan từ thời Pháp nhưng các cụ đã qua đời như cụ Khánh giáo viên, cụ Liên cà phê… Tôi là người gốc Gia Lâm (Hà Nội), từ xưa người làng và anh em trong họ cũng chơi khá nhiều, lên Thái Nguyên lập nghiệp từ trước những năm tám mươi và tôi cũng tiếp nối chơi địa lan từ ngày đó”.
Vừa chơi vừa sưu tầm hiện vườn nhà ông Đĩnh có rất nhiều địa lan trong đó đa phần là những loại lan truyền thống. Ông, nay đã hơn 70 tuổi và có mấy chục năm chơi lan, chỉ cần nhìn thoáng qua những cây địa lan trong vườn là có thể nhận ra ngay: Hoàng Vũ đẻ khỏe lá dài, đầu lá vặn vỏ đỗ, Thanh Lùn lá ngắn, Đại Mạc lá to củ mẩy, hương thơm dai… Lan truyền thống có khá nhiều loại nhưng người chơi thường phải có đủ ba loại lan là Đại Mạc, Thanh Ngọc và Hoàng Vũ. Đại Mạc hoa màu tím, lá hình búp khỏe mạnh như những lính cấm vệ tuốt gươm trần, uy nghiêm lẫm liệt. Thanh Ngọc là viên ngọc quý màu xanh, lá như lông mày con gái với môi hoa xanh trong suốt, Hoàng Vũ, hoa màu vàng sang quý tươi vui…
Chơi địa lan công phu là vậy, tưởng như chỉ những bậc tao nhân cao tuổi mới đam mê vậy mà ở Thái Nguyên lại đa phần là người trẻ. Nếu số lượng người chơi phong lan phải tính hàng trăm thì người chơi địa lan chỉ cỡ đôi chục mà phần lớn ở xấp tuổi từ 25 đến 35, những người hiện đang là lao động chính ngoài xã hội. Ai đó đã từng nhận xét “Người Thái Nguyên chịu chơi nhưng chơi chỉ mạnh ở phong trào”, nếu được chiêm ngưỡng vẻ đẹp những vườn lan của những người chơi trẻ thì quan niệm đó hoàn toàn thay đổi. Những vườn lan lớn được bài trí gọn gàng thẩm mỹ với nhiều loài lan rừng quý, trong đó không thể thiếu bộ sưu tập địa lan bản địa. Tần ngần trước những loại kỳ hoa đang đua sắc tỏa hương càng bất ngờ khâm phục về cách chơi và sự đam mê của những người còn khá trẻ.
Yêu lan và có cách chơi rất rõ rệt, anh em trẻ đều chung quan điểm: chỉ chơi những loài lan rừng bản địa chứ không thích lan công nghiệp. Với địa lan, ngoài những giống lan cổ truyền phải biết tuyển lựa, khai thác thêm những giống địa lan quý chỉ có ở Việt Nam bởi những giống này có sắc và hương, còn những giống lan ngoại lai hoặc từ Trung Quốc đưa sang thì không nên chơi vì ít hương kém sắc. Cho dù đó là lan bản địa nhưng được lai tạo nuôi cấy theo kiểu công nghiệp thì phẩm chất tốt của cây hoa đã ít nhiều có sự thay đổi như cây Thanh Ngọc, Cẩm Tố, Thanh Trường của Trung Quốc người sành chơi có thể nhận ra ngay và không ưa vì nó là “hàng nhái”.
Thời đại công nghệ chỉ cần một cú kích chuột là cả thế giới ở trong tay. Những người trẻ chơi địa lan ở Thái Nguyên chịu khó học hỏi và thử nghiệm. Ngoài những loại địa lan trong bộ truyền thống hiện họ đang sở hữu sưu tầm thêm rất nhiều loài địa lan bản địa quý và hiếm như: Đại Thanh, Đại Hoàng cánh thủy tiên, Đại Ngọc, Xanh vai ngang, Mạc cánh sen, Mạc lưỡi bệt…, có giá trị cao gấp nhiều lần những loại lan truyền thống.
Chơi lan, điều quan trọng nhất là tình yêu và kiến thức. Thái Nguyên có nhiều loại lan quý, vì thế để làm dày thêm bộ sưu tập cần mày mò học hỏi, chịu khó tầm lan và tích cực cho, tặng thì chẳng mấy mà có bộ sưu tập lan kha khá. Giản dị và bình dân, nghe những thành viên trẻ chia sẻ, phân tích về những đặc điểm của từng loại cũng như cách chăm sóc nhân giống mới thấy chơi lan không quá cầu kỳ và tốn nhiều tiền bạc công sức như người ta tưởng. Ví như, để lan lên tốt và không nấm bệnh phải chú ý tạo môi trường cần thiết cho lan. Địa lan ưa ẩm mà không ướt vì vậy vườn lan phải thoáng mát, một loại giá thể trồng địa lan tuyệt vời phù hợp với rất nhiều môi trường đó là đá thấm thủy đập nhỏ - loại đá non có rất nhiều ở Thái Nguyên. Dùng loại đá này hoàn toàn hợp tự nhiên bởi nó vốn mát, có sẵn rất nhiều nguyên tố đa vi lượng cần thiết cho địa lan và không hề có mầm bệnh… Với loại giá thể này trồng cây địa lan có thể cả tháng chỉ cần một vài lần cho lan ăn và phun trừ bệnh định kỳ thì địa lan sẽ phát triển xanh tốt.
Và những điều trên đã được kiểm chứng bởi những vườn lan của các thành viên trẻ không những đứng trong top đầu của Thái Nguyên mà tên tuổi và cách chơi của họ qua diễn đàn, facebook được nhiều anh em chơi lan mọi miền biết tiếng và ghi nhận như vườn lan của Kiên Đại Úy, Thế Anh, Khải Trần, Tô Nguyên, Đỗ Hoàng Dũng, Châu Anh…
Tùy điều kiện công việc mà gặp gỡ, do hạn chế về thời gian anh em thường trao đổi qua facebook, chỉ cuối tuần, nếu rảnh rỗi họ mới “tụ tập”. Bên chậu hoa những “tri kỷ lan” cùng nhấp chén chè Thái ngọt hậu chia sẻ những giống địa lan quý, kinh nghiệm chăm sóc lan, cũng như những vui buồn cuộc sống.
Chơi lan thú nhất là lúc được thưởng hoa. Xuân về cũng là lúc những loài địa lan mãn khai các thành viên trẻ chơi địa lan Thái Nguyên lại bắt đầu bước vào một mùa thưởng hoa và tầm hoa mới. Ngô Trung Kiên (Kiên Đại Úy) cho biết: Công việc bù đầu nhưng hễ anh em gọi đi ngắm lan là phải ưu tiên số một. Vì cả năm hoa nở có một lần nếu không đi là mất cơ hội thưởng và sưu tầm thêm những cây địa quý”.
Quang Khải
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...