Chủ nhật, ngày 22 tháng 09 năm 2024
00:10 (GMT +7)

Chơi chim cu gáy ở Thái Nguyên

VNTN - Thái Nguyên có những dãy núi đá, núi đất lớn chạy dài xen kẽ với những cánh đồng trù phú, bát ngát, là nơi sinh sống thuận lợi của chim cu gáy - loài chim lành gắn với mùa màng đồng bãi. Chơi cu gáy ở Thái Nguyên có từ khá lâu nhưng phong trào phát triển mạnh và có tổ chức thì cũng chỉ mới gần đây.


Thú chơi cổ truyền của dân tộc

Từ xa xưa người Việt thường quan niệm chim cu gáy là loài chim gọi no, bởi khi mùa màng tươi tốt được mùa thì trên cánh đồng cũng râm ran tiếng cu gáy. Chim cu gáy là con chim của đồng quê, của người nông dân, tiếng chim cu gáy như giục mùa lúa chín.

Chơi chim cu gáy có từ bao giờ hiện chưa có một tài liệu nghiên cứu cụ thể nhưng phải khẳng định ở Việt Nam đã có từ lâu và nó tồn tại với bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử. Trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư khi mô tả về những vua quan nhà Trần ở Nam Định có nhắc đến thú chơi chim, trong đó có chim cu gáy. Như vậy, nếu tính mốc sớm nhất thì chơi chim cu đã có từ đời nhà Trần cách đây hơn 800 năm từ mảnh đất Thiên Trường, một trong những vựa lúa trù phú của đồng bằng Bắc Bộ.

Ở Thái Nguyên, thú chơi chim cu gáy tuy không có bề dày truyền thống như những vùng đồng bằng khác nhưng cũng là thú vui bình dị của người dân. Phú Bình là một trong những huyện thuần nông nhất của tỉnh, ở đây từ rất lâu trong các làng, các xã đều có người chơi chim cu gáy và đi bẫy cu gáy. Bây giờ, giống như các loài chim khác đang có nguy cơ tuyệt chủng, chim cu gáy ngày một ít đi nhưng hiện nay ở Phú Bình vẫn còn hàng chục tay cu thủ vừa chơi vừa đi gác cu (bẫy cu gáy).

Và có lẽ chính từ mảnh đất bán sơn địa cùng khí hậu và thổ nhưỡng đặc biệt khiến cho con chim cu gáy ở Thái Nguyên khá hay. Cu gáy Thái Nguyên vừa dễ thuần phục, có chất giọng hoang dã và khá dữ chim, điều này tạo bản lĩnh tốt khi chú chim thi đấu. Nói về điều này ông Lĩnh, người mê và chơi cu gáy lâu năm và người mở trang trại chim gáy đầu tiên ở Thái Nguyên cho biết: Chọn cu gáy hay rất khó, người chơi thường dựa vào đặc điểm về ngoại hình đã được lưu truyền từ xưa, như đầu, mỏ, cườm, cánh… chất giọng, nước chơi… Cùng với chim cu gáy các vùng đất khác như Phú Thọ, Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang…, Chim cu gáy ở Thái Nguyên phần lớn đạt được các tiêu chí này nên từ lâu được giới chơi cu ưa chuộng.

Buổi dợt cu gáy của của các thành viên Câu lạc bộ

 Đúng như lời ông Lĩnh nói và theo sách xưa thì chọn được con cu gáy hay thật công phu và phức tạp, nó đòi hỏi người chơi có con mắt sành sỏi tinh tường để bắt tướng con chim. Chim gáy đẹp phải đầu nhỏ, mỏ cong, cườm cao, giao cánh, ức nở. Ngoài ra người chơi còn chọn những con “nhất huỳnh kiên, nhì liên giáp, tam quá khoé, tứ chân khô, ngũ liên hoành, lục cườm dựng” (nhất: cườm vàng đóng xuống tận vai, nhì: bộ cườm đóng kín xung quanh cổ, ba: đuôi mắt đen kéo dài ra sau ót, bốn: cặp chân phải khô trắng, năm: sắc lông, sắc cườm, từ đầu đến đuôi phải thật đều, sáu: con chim có lông gáy dựng đứng). Đó là những đặc điểm của một con chim tài hoa.

Ngoài tướng chim thì chọn giọng chim gáy của chim cu gáy cũng công phu. Ngoài những giọng chính như: đồng, thổ, kim, son thì tuỳ theo vùng, miền mà có cách chọn giọng chim khác nhau. Tuy nhiên, nói về giọng chim gáy đã thấy ngay sự đặc biệt của giống chim này bởi hàng trăm hàng ngàn con không con nào giọng giống con nào. Chính vì vậy, thú chơi chim cu gáy ngày nay cũng có phần phong phong phú, cuốn hút và mở rộng hơn so với những quy định của dân gian.

Chơi cu gáy như tập thiền

Từ sự đam mê thú chơi cổ truyền của dân tộc, ngày 2/9/2015 Câu lạc bộ Chim cu gáy Thái Nguyên chính thức ra đời với 27 thành viên, dưới sự bảo trợ của Hội sinh vật cảnh Thái Nguyên. Với quy chế, nội quy rõ ràng, những người đam mê cu gáy từ các huyện và thành phố được tập hợp, hàng tháng cùng nhau tham gia sinh hoạt, tổ chức dợt dãi cu, giao lưu trao đổi kinh nghiệm chăm sóc nuôi dưỡng và tham gia các cuộc thi do các tỉnh bạn tổ chức. Tuy mới thành lập nhưng trước đó rất nhiều các thành viên trong Câu lạc bộ đã được dân chơi cu gáy trên diễn đàn cu gáy cả nước đánh giá cao về sự đam mê và đang sở hữu nhiều chú cu quý như: Tuấn MT, Việt Trung Thái Nguyên, Quang “Cây cảnh”, Hùng Trần...

  Mua chim gáy rất dễ và rẻ nhưng để sở hữu một chú chim hay thì không đơn giản. Mua được con chim hay phải có duyên; người chơi cũng rất ít bán chim hay dù có được trả giá cao, bởi bán đi là mất, cả đời khó có thể gặp con chim như thế nữa.

Sức hút của loài chim mộc mạc này rất lớn bởi chơi chim gáy như tập thiền và luôn có những đỉnh cao mà không bao giờ đắc đạo. Ngoài chăm sóc, luyện tập, dân chơi chim thường dậy rất sớm để để thưởng thức giọng gáy và “rình” âm lối của con chim xem có thêm âm mới không.

Nhắc về cu gáy ông Trần Minh Tuấn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chim cu gáy Thái Nguyên vui sướng kể: “Hơn mười năm trước, hồi mới chơi cu gáy hai vợ chồng tôi mua được con chim ở ngoài đê Sông Cầu. Khi chú chim bắt đầu gáy trộm, buổi trưa hai vợ chồng còn quên cả ngủ rón rén bò như trẻ con để “rình” nghe âm gáy, lúc sơ ý đánh rơi chiếc chậu, thế là chú chim tịt luôn”.

Ông Tuấn cho biết thêm: Chơi chim cu gáy là chơi âm giọng. Chim gáy là loài chim mộc mạc và quân tử, mỗi con có âm giọng khác biệt mà không loài chim nào học được và nó cũng không bắt chước loài chim nào. Chơi chim gáy cũng chia ra làm nhiều cấp độ, người chơi đơn giản thì để làm cảnh, những con chim “tài” nhiều bài lối và bản lĩnh thì huấn luyện làm chim mồi hoặc chim đấu. Chơi chim gáy cũng không thể cá cược vì những con chim đã hay thì hay suốt đời không có con nào sánh được.

Ở Thái Nguyên có rất nhiều chú chim “tài” như vậy trong đó phải kể đến chú chim gáy đấu có giọng thổ pha của ông Quang phường Gia Sàng. Chú gáy này đã nổi tiếng các tỉnh miền Bắc vì 9 lần đi thi thì được tới 7 giải, trong đó riêng năm 2014 đã đoạt hai giải nhất ở Hải Phòng và Thái Bình.

 Kiếm được một chú cu gáy hay mãn nguyện cả đời. Chú chim hay như người con gái đẹp, cả người lẫn nết. Con cu gáy của ông Quang là chim gốc Thái Nguyên ông tình cờ mua được với giá rẻ. Lúc mới mang về ông chỉ thấy chú gáy này có tố chất nhưng đến khi lên giàn thi đấu mới thấy con chim có giá trị vì chú cu gáy này chơi đủ bài lối và đầy bản lĩnh khiến trọng tài chấm liên tục không hết điểm. Sau khi được giải có rất nhiều người đặt vấn đề mua lại chú cu gáy với giá cả trăm triệu nhưng ông Quang chỉ lắc đầu.

Theo kinh nghiệm của đa số người chơi cu gáy đấu thì để có con chim đấu được quả thật khá công phu. Phải biết con chim có tố chất để đầu tư chăm sóc, dợt dãi và khi đi thi đấu cũng phải có đấu pháp… Tập giọng bao năm chỉ cống hiến trong 15 phút khi lên giàn. Lúc đó chú chim như ca sĩ, hoa hậu phải thi giọng, đọ dáng với vài trăm chú chim khác.

Đồng hành với sự phát triển của phong trào chơi chim gáy ở Thái Nguyên đã có hai trang trại nuôi chim gáy sinh sản, của ông Lĩnh ở An Khánh, Đại Từ và anh Hoan ở Hóa Thượng, Đồng Hỷ. Trang trại chim gáy của ông Lĩnh hiện nay được đánh giá là có quy mô khá lớn vì có 300 đôi chim bố mẹ tách nuôi cho ghép đẻ và đã có khá nhiều chú chim có nguồn gốc ở đây đi thi đấu đã đạt những giải lớn của miền Bắc. Ông Lĩnh cho biết, xuất phát từ đam mê và để bảo tồn những chú chim gáy, năm 2000 ông đã đi bẫy và thu mua chim gáy hay để về nuôi cho sinh sản. Mỗi đôi chim sinh sản được 7 - 8 lứa/ năm. Một năm ông cung cấp bán ra thị trường miền Bắc hàng ngàn đôi chim non với đủ các chất giọng và đàn chim gáy đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông.

Đã chơi chim gáy là mê như điếu đổ. Quả vậy, bởi cu gáy là loài chim nhiều ưu điểm như: chăm sóc đơn giản, rẻ tiền, sạch sẽ, tuổi thọ cao…và đặc biệt, đây là loài chim thông minh, sống có tình và quấn chủ. Giữa bộn bề cuộc sống, tiếng chim gáy mộc mạc như gợi nhắc một vùng quê yên bình, trù phú làm tan hết mệt mỏi, ưu phiền. Chơi cu gáy thực sự là một thú chơi lành mạnh, bổ ích.

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy