Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
04:47 (GMT +7)

Chơi bài chòi ngày Tết

VNTN - Vào một dịp Tết cách đây vài năm, tôi cùng với bạn bè du xuân với đích đến là cầu ngói Thanh Toàn, làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế. Nơi này đang có hội bài chòi.

Từ cầu ngói Thanh Toàn nhìn sang phía bên kia con hói Thanh Thủy, là một ngôi chợ quê. Đó chính là chợ của làng Thanh Thủy Chánh. Mồng hai Tết, tuy còn thưa vắng các gian hàng nhưng vẫn có một vài người bán đồ vặt để phục vụ nhu cầu của người dân và du khách, chủ yếu là hàng nước và hàng đồ chơi.

Sự thích thú của trẻ thơ khi được chơi trò chơi dân gian thuần Việt.

Tuy nhiên, trong những ngày Tết, ngôi chợ này ngày càng đông vui, nhộn nhịp hơn. Mọi người, bất kể là ai, từ các cụ già, thanh niên, trẻ em trong làng, những làng lân cận và kể cả du khách phương xa đều tập trung bên cạnh những cái chòi tranh nhỏ nhắn. Họ đến đây không phải để mua bán, trao đổi sản vật mà là để chơi bài chòi.

Gọi là bài chòi bởi người chơi ngồi trong các chòi bằng cỏ tranh và tre. Mỗi hội bài chòi gồm có 11 chòi, 5 chòi đặt hai bên, 1 chòi trung tâm ở giữa (ưu tiên dành cho các vị chức sắc địa phương chơi), còn phía trên là bàn điều khiển.

Muốn đánh bài chòi thì người chơi phải báo cho Ban Tổ chức biết để sắp xếp, còn người đến xem thì không cần xin phép mà cứ thoải mái đứng xem và cổ vũ. Nhưng người đánh bài có thể rủ bạn bè, người yêu, thân nhân lên ngồi trong chòi của mình.

Nhắc đến bài chòi không thể không nhắc đến người hô thai, hay còn gọi là Ban Hiệu (thường là 1 nam 1 nữ). Bắt đầu cuộc chơi, người hô thai bưng khay đến từng chòi thu tiền và phát bài. Mỗi người chơi được phát 5 quân bài. Phát bài xong, người hô thai đến trước rạp vái chào ban tổ chức rồi hô lớn: “Phát bài đã đủ cho Hiệu tính tiền”. Người điều khiển cho cuộc chơi đáp lại bằng ba tiếng trống chầu. Hiệu cúi đầu: Dạ! Sau đó, vào cuộc chơi, người hô thai xốc ống bài, rút ra một con trong 27 con bài và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, người hô thai hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Các câu hát thường ca ngợi về quê hương, đất nước, ca ngợi tình phụ tử, tình phu thê… Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ ba tiếng “cốc, cốc, cốc” để người hô thai mang con bài đến. Nếu là chòi trung tâm trúng thì đánh ba tiếng trống “tum tum tum!”. Tuy nhiên, điều thú vị là việc suy đoán con bài đúng không phải dễ dàng. Đôi khi người chơi tưởng là đúng nhưng thực tế lại sai vì người hô thai đã thay đổi câu rao một cách linh hoạt. Do đó, người hô thai là cội nguồn của sự hấp dẫn trong nghệ thuật bài chòi.

Người hô thai đang rao những câu vè để các người chơi đoán. Một trong những nét độc đáo của bài chòi chính là ở những câu rao bài, được vần vè như những câu ca dao. Mỗi con tương ứng với những câu rao rất thú vị.

Ban đầu trong ống có 27 thẻ bài nhưng bớt dần theo mỗi lần rút thẻ cho đến khi có một chòi nào trúng được ba lần, tức là bài đã tới thì mới chấm dứt ván bài. Lúc đó chòi nhỏ nếu thắng sẽ được xổ một hồi mõ dài còn chòi trung ương thắng thì báo một hồi trống. Khi đó, người hô thai cầm lá cờ nhỏ, bưng khay rượu tới trao phần thưởng cho người trúng. Lá cờ đuôi nheo bằng giấy cũng được cắm lên chòi để đánh dấu một lần thắng.

Kết thúc một lượt chơi, Ban Tổ chức sắp xếp lại các con bài để sử dụng cho lần chơi mới. Cuộc chơi cứ thế tiếp tục cho đến khi vãn khách. Ban Tổ chức, những người rao, phát bài, thu - chung tiền và cắm cờ phần lớn là những bậc cao niên, trưởng lão của làng.

Một bậc cao niên cho tôi biết: “Hội bài chòi đã diễn ra đều đặn từ hàng trăm năm nay, thường là vào 10 ngày Tết âm lịch. Mỗi hội bài chòi được chia thành chín cờ, mỗi cờ là một ván, khi kết thúc cờ được cắm cho một chòi thắng trong ván đó. Nét độc đáo nhất của hội bài chòi chính là những câu rao để đánh đố người chơi về các con bài. Chẳng hạn, “Ra đi mạ có dặn rồi; Khi mô em khóc thì đưa qua bác bôồng (bồng)!” - con Bồng; “Không ăn trầu, cũng chẳng đánh son; Rứa mà cái chi cứ đỏ lói lói…” - con Mỏ…”.

Điểm thú vị của hội bài chòi là người chơi không phải đến để ăn thua vì số tiền cược rất nhỏ. Điều vui thứ nhất là các các em nhỏ được biết đến một thú chơi giải trí lành mạnh và thuần Việt. Điều vui thứ hai là các cụ già, kể cả người chơi lẫn người tổ chức trò chơi được sống lại thời đại mình với những câu rao đậm chất làng quê Việt Nam ngày xưa. Điều vui thứ ba là các bạn trẻ yêu nhau có thể ngồi chung một chòi để cùng giúp nhau giải mã các câu rao của người hô thai (nghĩa là người rao) khiến tình cảm càng được vun đắp, mặn nồng thêm.

Một tin mừng là vào ngày 7-12-2017, Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ của Việt Nam đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nguyễn Văn Toàn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy