Chợ Thụt Hàm Yên
Trong danh sách những điểm vui chơi đầu xuân, địa danh chợ Thụt (Tuyên Quang) dường như còn xa lạ với nhiều người. Ấy vậy mà phiên chợ đầu năm 2018, nơi này đã thu hút hàng vạn lượt người đến. Có lẽ sự dân dã, mộc mạc của người dân ở đây đã làm nên sức hấp dẫn đó.
Chợ Thụt nằm ở Thôn Thụt, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Theo trí nhớ của người dân, thì từ xa xưa, nơi này là đoạn hõm của sông Lô, thuyền bè khó neo đậu do dòng nước xoáy đẩy lên thụt xuống. Địa danh thôn Thụt và chợ Thụt ra đời từ đó.
Điểm độc đáo là chợ chỉ họp mỗi năm một lần, vào ngày mùng 1 và mùng 2 tháng 2 âm lịch. Cũng như chợ Viềng mua may bán rủi, người ta truyền tai nhau đến chợ Thụt sẽ gặp may mắn, nhất là về đường tình duyên. Bởi thế, chợ Thụt còn có tên là chợ Tình hoặc chợ Cầu May. Không biết có phải vì thế chăng mà phiên chợ năm 2018 này, dù đêm trước trời mưa to, đường vào chợ lầy lội trơn trượt nhưng dòng người vẫn như nước chảy về chợ Thụt?
Hai bên đường vào chợ, đồng bào địa phương bày bán sản vật do mình làm ra. Phù Lưu được coi là “thủ phủ” của cam sành Hàm Yên - một loại cam nước thì ngọt, mùi thì thơm. Những “núi” cam rải vàng hai bên lối đi. Dù đã cuối mùa nhưng giá bán ở đây chỉ bằng nửa so với giá cam bán ở Thành phố Tuyên Quang. Và nhót chín đỏ mọng như môi thiếu nữ, táo đầu nhọn vàng ươm bày la liệt. Bánh trái thì vô cùng đa dạng: Bánh nẳng, bánh dợm, bánh chưng, bánh rán, bánh giò… Đặc biệt, người ta bán bánh hình con dê ngộ nghĩnh với 2 chiếc sừng tí xíu, đôi mắt đen lay láy.
Nhìn khách thích thú quan sát mâm bánh dê, chị Nguyễn Thị Mai khoe: Nhà mình làm loại bánh này từ đời ông đời cha. Mỗi phiên chợ mình bán được trên một nghìn “con”. Bánh làm bằng bột nếp, bột tẻ và bột gấc. Muốn các con dê đều nhau, trước khi nặn phải chia bột thành từng nắm, nặn thân trước, đến chân, sừng và lắp mắt bằng hạt đỗ đen, rồi cho vào chảo mỡ rán vàng lên. Theo quan niệm xa xưa, đến chợ Thụt ăn bánh dê sẽ gặp may mắn, nhất là về tình yêu đôi lứa. Bởi thế, hàng “bánh dê” rất đắt khách, người bán không nói thách, người mua không mặc cả.
Bánh dê bán ở chợ Thụt
Phiên chợ Thụt cũng là dịp để các thôn trong xã Phù Lưu khoe với du khách đặc sản vùng miền. Thôn Ma Long có dưa hấu và măng khô, thôn Bưa có thịt treo gác bếp và trứng gà ri, thôn Phù Yên có đậu xanh và bí đỏ, thôn Khâu Lình có gừng núi và chanh tươi…
Làm nên sắc màu độc đáo cho phiên chợ là trang phục của đồng bào Dao. Diện bộ quần áo thêu hoa văn cầu kỳ, dây xà tích bằng bạc kêu lóc - xóc trên cổ, các bà các mế đi thành tốp, nói cười rúc rích. Họ rủ nhau mua chung súc vải hoặc sắm luôn bộ cánh may sẵn bán ở chợ. Bà Đặng Thị Pống ở xóm Sơn Đức, xã Hồng Đức chỉ cho chúng tôi xem những mũi thêu cầu kỳ trên chiếc áo bày bán. Bà bảo: Quần áo này bà làm hoàn toàn thủ công. Riêng thêu khoảnh ngực áo mất 4 ngày mới xong. Nếu cắt khâu hoàn chỉnh một bộ quần áo gồm áo ngoài, áo trong và quần dài mất khoảng 20 ngày. Trừ chi phí, thu nhập của nghề chỉ bằng đi làm nương. Nhưng gia đình làm nghề này nhiều đời rồi, không bỏ được.
Chợ bán các dụng cụ phục vụ cuộc sống do người dân tự gia công
Phụ nữ Dao ở đây có nước da trắng, đôi mắt tròn to. Những người lớn tuổi đều nhuộm răng đen và rất tự hào về bộ răng “nhưng nhức hạt na” của mình. Bà Nguyễn Thị Nhoi, 72 tuổi, ở thôn Ba Trãng, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) ngừng nhai trầu, hồ hởi kể rằng: 18 tuổi bà đi lấy cây rừng về ngậm, cả tháng trời răng mới đen, rồi ăn trầu nữa, răng bây giờ vẫn chắc lắm. Theo quan sát hầu hết phụ nữ ăn trầu trong vùng còn nhiều, bằng chứng là mặt hàng cau, vỏ, vôi (những nguyên liệu để ăn trầu) bày bán rất nhiều. Trên đường vào chợ liên tục gặp những nụ cười lộ hàm răng đen nhánh, có chị chừng tuổi 40 cũng nhuộm răng và ăn trầu.
Theo dòng người, len chân về hướng đua ngựa và chọi ngựa - một hoạt động thu hút đông người xem nhất phiên chợ Thụt. Sau khi mua được vé vào sân thì đã có hàng nghìn người ngồi kín hai bên sườn núi, trên những bậc đất trơn trượt, hào hứng xem các tuấn mã dũng mãnh trên đường đua. Đấy là những nài ngựa giàu kinh nghiệm đến từ các tỉnh Lào Cai và Sơn La áp đảo các tay đua Tuyên Quang, giành giải cao nhiều năm nay. Nhưng ở phần thi chọi ngựa, các chú ngựa Phù Lưu lại hoàn toàn chiếm ưu thế. Một “nàng” ngựa cái xinh đẹp được dắt ra giữa xới, các “chàng” ngựa đực cố gắng dành nàng bằng những thế võ thông minh, đặc sắc. Người xem trầm trồ trước cú ghì đối phương sát đất, cú ngậm bờm kiên quyết, cú đọ vó côm cốp… của những chàng ngựa ngày thường chỉ biết cúi đầu nhẫn nại thồ hàng, cày kéo.
Đua ngựa và chọi ngựa là môn thể thao dân tộc mới được tổ chức ở phiên chợ Thụt từ 5 năm nay. Được biết, xới đua này do anh Đàm Văn Biên, dân tộc Tày, người dân ở đây đầu tư. Khác với chọi trâu, những con ngựa dù thắng hay thua cũng được chủ chăm sóc ân cần, yên tâm ve vẩy chiếc đuôi dài gặm cỏ non, trở về với công việc đồng áng thường nhật, không lo bị xẻ thịt bán giá cao. Điều này khiến những người xem đua ngựa, chọi ngựa thấy lòng nhẹ nhàng hơn, chợ xuân như tươi tắn hơn.
Một pha chọi ngựa
Phiên chợ Thụt thực sự độc đáo và mang đậm bản sắc dân tộc vùng Đông Bắc. Giá như ban tổ chức bố trí người điều hành giao thông để tránh ùn tắc, quản lý việc trông giữ xe, không để xảy ra hiện tượng thu tiền tùy tiện; giá như ban tổ chức cuộc đua ngựa và chọi ngựa sử dụng bài hát và bản nhạc Việt Nam thay vì dùng nhạc của Trung Quốc làm nhạc nền cho cuộc đua; cung cấp nhiều hơn cho người xem thông tin về những con tuấn mã và thành tích của chủ ngựa… thì phiên chợ Thụt sẽ đáng nhớ hơn.
Ngô Minh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...