Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
21:09 (GMT +7)

Chợ quê muôn nẻo tìm về

Chợ miền núi. Ảnh: Đỗ Anh Tuấn

VNTN - Chợ quê tôi nằm bên lối xuống bến sông. Những người bên kia sông cũng thường xuyên sang chợ bên này, có thể vì chợ quê bên ấy xa hơn, hoặc do thói quen, họ tới vì các mối quan hệ mật thiết giữa đôi bờ từ bao đời nay. Chợ có tự bao giờ? Chẳng còn ai nhớ nữa. Những cụ cao niên cho biết, từ khi các cụ sinh ra, chợ đã nhộn nhịp từ lâu lắm rồi. Những ngày xa xưa, dân thưa, đời sống khó khăn nên hàng hóa cũng nghèo nàn. Chợ chỉ họp theo phiên, tháng độ mấy lần. Những ngày họp chợ thực sự là những ngày hội. Các bà, các mẹ, các chị em người dân tộc Sán Dìu bản địa, người Hoa từ bên kia sông, họ mang trên mình những bộ trang phục, đồ trang sức cổ truyền, trao đổi với nhau bằng tiếng nói của dân tộc mình. Chỉ khi nào gặp người Kinh, họ mới nói tiếng phổ thông. Sau này khu công nghiệp Gang Thép mở ra bên cạnh, người đông dần lên, chợ chuyển sang họp hàng ngày. Nhưng vào những ngày phiên thì luôn đông đúc hơn, do người từ các vùng lân cận vẫn nhớ đúng phiên mà về. Bây giờ chẳng còn phiên nữa, ngày nào chợ cũng nhộn nhịp cả. Tuy vậy chợ vẫn theo thói quen xưa cũ họp từ mờ đất, người mua bán nhanh nhanh chóng chóng để còn về ra đồng chăm chút ruộng lúa đồng rau, nên chưa đến chín giờ đã vắng tanh. Chỉ còn những nhà có vị trí dọc con đường trục chính qua ngõ chợ là bày hàng phục vụ cả ngày, đoạn đường ấy nay thành con phố nhỏ.

Chợ quê. Ảnh: Duy Anh

Tôi xa quê mấy chục năm, ngày trở về không khỏi ngạc nhiên khi thấy xã đã thành phường, xung quanh chợ trở thành làng đào có thương hiệu, vang tiếng trong cả nước. Điều đặc biệt nhất là, mặc cho tất cả đổi thay, nhưng riêng chợ quê thì vẫn thế. Có phải vì chợ muốn làm bến đỗ, gọi những người đi xa tìm về, để họ nhận ra ngay vị quê hay không?

Có nhiều cụ già tóc như mây trắng sáng nào cũng ra chợ. Họ tha thẩn khắp cái chợ con con như để kiếm tìm và ghi dấu những ký ức một thuở, để chúng mãi in sâu trong tim họ. Rất có thể, ngôi chợ này xưa là nơi cụ ông gặp cụ bà, sau những cái nhìn, lời mời gọi, trả giá, có khi cãi cọ cũng nên, mà về sau họ kết tóc xe duyên về chung tay chung gối. Nay một người đã về cõi khác, để lại một người sáng sáng thẫn thờ ra chốn chợ cũ, lần tìm những kỷ niệm xa xăm ẩn sau từng cây cột, góc quán. Cũng có thể nơi đây, năm xưa trước lúc lên đường chiến đấu, cụ bà ra tiễn cụ ông. Ngày ấy là cô gái tiễn chàng trai, tay nắm bàn tay hẹn ngày trở lại. Nhưng rồi chàng trai đi mãi chẳng bao giờ về, để lại ảnh hình cứ ẩn hiện nơi chia tay, bến hẹn này. Có những cụ tuổi đã ngoài chín mươi, sống cùng con cháu, nhà cách chợ dễ đến gần hai, ba cây số, mà cứ thoắt cái đã xăm xăm thẳng hướng tới chợ. Cụ đi đâu? Có thể cụ đi tìm lại chính mình - là cô gái má đỏ môi hồng, là cô hàng xén hơn ba phần tư thế kỷ trước trong một góc chợ quê này chăng? Mãi rồi con cháu, người nhà cũng bớt nỗi lo đi tìm cụ. Cụ có lẫn đâu, cụ đi rất nhanh mà chẳng phải mất công tìm/nhìn đường. Đi như có ai đang dẫn dụ về nơi hẹn ngày xưa…

Chúng tôi thuộc thế hệ hậu sinh, nơi chia tay trước lúc lên đường làm nhiệm vụ, hay thoát ly công tác đã là những bến xe, trường học nơi trung tâm thành phố. Nhưng những kỷ niệm về mái chợ quê vẫn luôn vỗ về, ẩn hiện trong mỗi giấc mơ tôi suốt nhiều năm tháng xa quê. Các bà, các mẹ đã đi từ mái chợ thân thương này, mang về cho chúng tôi những thức quà, thỏa mãn khát khao con trẻ, là mảnh bánh đa, lát bánh đúc, chiếc kẹo vừng... Người lớn thì lo toan những cuộn lá dong, cân hành, bó rau cải về muối dưa. Đó là niềm vui xen lẫn chút âu lo của họ trong những ngày cận Tết…

Tháng Chạp sang, các nhà vườn quanh chợ giờ là nơi trồng, ghép đào có tiếng. Những thân đào sau cả năm trăn trở cùng người, đang hứa hẹn một mùa hoa thắm. Con đường qua ngõ chợ quê cũ cũng sắp được nâng cấp, bộ mặt đô thị sẽ khang trang hơn. Nghe đâu trong quy hoạch, có phương án dời chợ ra chỗ khác. Đó là sự đổi thay tất yếu, rồi một ngày cái chợ quê có lịch sử cả trăm năm này sẽ di dời theo kế hoạch. Song trong mỗi chúng tôi và tất thảy những người được lớn lên bên mái chợ quê, dấu ấn về những góc quán đơn sơ, hàng cây cột già nua, không khí rộn rịp bán mua, những bóng cây xưa cũ,… nơi ghi dấu một khoảng trời ký ức tựa miền cổ tích của ấu thơ, sẽ còn mãi…

Nguyễn Minh Trọng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước