Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
10:03 (GMT +7)

Cho ai đó nhoẻn cười

VNTN - Những bức tranh, ảnh treo ở hành lang Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng khiến tôi suy nghĩ và mạnh dạn đề xuất ý tưởng này.


Đà Nẵng là thành phố đáng sống nhất nước. Tôi có 3 ngày ở đây để đi, nghe, nghĩ, cảm nhận và đồng ý với nhận xét đó.

Đà Nẵng có đường Trần Phú rợp cây xanh kề bên biển mênh mông, chiều chiều các cụ ngồi bình thản bên bàn cờ tướng bình yên tự tại. Đà Nẵng có bãi biển Phạm Văn Đồng được mệnh danh đẹp nhất hành tinh, mà giá dịch vụ cho mỗi lần gửi xe, tắm biển chỉ có 5 nghìn đồng; Đà Nẵng có đàn chim bồ câu sà vào tay con trẻ. Nét an sinh đáng yêu tràn ngập cuộc sống của người khỏe, và đặc biệt cả với người bị bệnh trọng.

Báo Văn nghệ Thái Nguyên đã có bài viết về Bệnh viện chữa bệnh ung thư miễn phí cho người nghèo, có địa chỉ tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Tuy nhiên, khi tận mắt nhìn thấy Bệnh viện, tôi không khỏi choáng ngợp bởi sự hiện đại, sạch sẽ như đang ở một khách sạn có sao có hạng nào đó. Đặc biệt hơn là trái tim ân tình của những con người ở đây dành cho nhau. Tôi ấn tượng với tô cháo miễn phí mà ông Mai Ông Thao, 79 tuổi, ở Thị trấn Chư Ti, Đức Cơ, Gia Lai đang bưng trên tay. Ông đưa tôi xem tấm phiếu ăn: 3 bữa phát cháo miễn phí, phân biệt các bữa bằng màu phiếu. Tô cháo có thịt xay, cá tươi, củ quả đặc sánh. Đang xếp hàng lấy cháo, chị Nguyễn Thị Lan ở Điện Bàn (Quảng Nam) chăm chồng bị K vẫn sẵn sàng tiếp chuyện tôi. Chị bảo đã ở Bệnh viện này 3 tháng rồi, có thể ở phòng bệnh cùng chồng hoặc ra nhà lưu trú, ở đó có ti vi, điện nước nóng lạnh thoải mái.

Một tác phẩm treo tại hành lang bệnh viện

Theo chân anh Trần Văn Nhân, phụ trách khu nhà lưu trú và bếp ăn từ thiện lên thăm các phòng điều trị, tôi ngạc nhiên hơn khi thấy các phòng của bệnh nhân đều có giường nệm Kim Đan, điều hòa nhiệt độ, thiết bị y tế đặt cạnh giường. Hành lang rộng, gạch men sáng loáng không một gợn bẩn. Tôi để ý thấy dọc hành lang bệnh viện có treo những tấm tranh, bức ảnh nghệ thuật, thứ tôi chưa nhìn thấy ở bất cứ bệnh viện nào.

Đến gần những tác phẩm đó, tôi thấy dưới mỗi bức tranh, ảnh đều in kèm một câu châm ngôn, khuyên con người cần lạc quan, hy vọng vào cuộc sống. Tôi ghi vội vào sổ tay được mấy câu thế này: “Mỗi ngày có thể không phải là ngày tốt nhưng chắc chắn có điều gì đó tốt đẹp mỗi ngày. Vì vậy, hãy mỉm cười và đón nhận ngày mới với thái độ hào hứng tích cực” (đề ở bức phong cảnh); “Hãy năng động, sáng tạo, mơ những gì mình muốn mơ, làm những gì mình muốn làm, đến những nơi mình muốn đến” (đề ở bức ảnh phiên chợ vùng cao). “Hãy tự tay mình mở cánh cửa ngày mới, cánh cửa của niềm tin, hy vọng... hãy yêu đời, lạc quan, không ngừng yêu cuộc sống, hãy trân trọng những phút giây mà cuộc sống cho ta (đề dưới bức tranh thiên nhiên tươi đẹp). Thấy tôi hí húi ghi chép, anh Nhân bảo: 10 tầng của bệnh viện này đều treo những tác phẩm kèm những dòng chữ động viên bệnh nhân như vậy. Đây là kết quả của Dự án “Một bức tranh - Nhiều niềm hy vọng” được tổ chức sau đợt khảo sát tâm lý bệnh nhân xem họ thích cái gì. Hưởng ứng dự án này, các nghệ sĩ đã mang tác phẩm của họ đến, in sẵn những câu châm ngôn và treo lên tường. Tất cả đều làm bằng trái tim thiện nguyện, không có một chút lợi ích kinh tế, như phương châm của bệnh viện này là “không lợi nhuận”.

Người nhà bệnh nhân xếp hàng nhận cháo miễn phí tại Bệnh viên Ung thư Đà Nẵng

Từ những gì nhìn thấy ở bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, tôi nghĩ đến những bức tranh, bức ảnh do các nghệ sĩ của Thái Nguyên mình dày công sáng tác, công bố xong có khi xếp vào chân cầu thang, bỏ trong kho, thậm chí bị quên lãng. Sao ta không học tập Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, tặng cho các bệnh viện những tác phẩm chứa bao ý tưởng tốt đẹp này như một món quà tinh thần cho người bệnh?

Tôi tin rằng, nếu Hội Văn học nghệ thuật khởi xướng, các nghệ sĩ ở chi hội Nhiếp ảnh, Mỹ thuật; các câu lạc bộ của tỉnh, của thành phố, của các huyện sẽ sẵn sàng tặng tác phẩm phù hợp cho các bệnh viện, trường học. Tôi cũng tin rằng, nếu được đặt vấn đề, lãnh đạo các bệnh viện cũng sẵn sàng hưởng ứng. Bởi cả nghệ sĩ và bác sĩ đều hướng tới mục đích là làm cho người bệnh chóng khỏe. Liều thuốc tinh thần do nghệ thuật mang lại cũng quan trọng không kém liều thuốc họ được tiêm, uống hàng ngày.

Riêng mình, tôi muốn được góp chút công sức nào đó, có thể nhỏ như một chiếc đinh vít, ghim một niềm vui lên tường, cho ai đó nhoẻn cười.

Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy