Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
00:13 (GMT +7)

Chim từ quy thóc mách

Truyện ngắn. Nguyễn Văn

Bác sĩ nói nhỏ với ông Sláy: “Bà ấy muốn ăn gì, uống gì, ông cứ đáp ứng. Đừng kiêng....”. Ông hiểu, đó là cách thầy thuốc cho biết tình trạng sức khỏe bà Mạy đã rất xấu. Dù đã chuẩn bị tâm lí, nhưng ông vẫn thấy bàng hoàng. Ông tính đưa bà về quê dưỡng bệnh. Ở đó bà được hít thở không khí trong lành và tránh được sự ồn ào đô thị, lại được họ mạc, xóm làng thường xuyên thăm hỏi động viên, sẽ tốt hơn cho bà. Và, nếu “Trời gọi”, thì sau khi phần hồn bà về cõi Phật, cõi Tiên, phần xác của bà sẽ được cất giữ tại mảnh đất mà bà đã chào đời...

Bà Mạy về quê được một tháng, thì mất. Ông Sláy vẫn ở lại quê để hương khói cho bà. Sự ra đi của bà Mạy, khiến ông vô cùng thương tiếc. Vì thế, ông đã làm nhiều việc, thậm chí vượt ra ngoài tục lệ. Ví như, hằng ngày ông ra nơi bà yên nghỉ, thắp hương cắm lên mộ, rồi ở đó hàng giờ, thì thầm như trò chuyện với bà. Khi ở nhà, ông chăm bón cho những cây bà đã trồng, hoặc mang những cái soỏng, cái dậu do bà đan ra rửa sạch, phơi khô rồi treo lên cao, như cất giữ những kỉ vật. Hơn một năm ở quê, cuộc sống của ông Sláy có nhiều thay đổi. Từ người thành thị, ông đã thành lão nông. Bây giờ, mỗi khi thấy lòng trống trải, ông lại ra thăm vườn. Mỗi sự thay đổi trên từng búp cây, phiến lá, đều khiến lòng ông vui, mà đẩy lui ưu phiền.

Một lần ông làm một thí nghiệm, bằng cách nhìn lâu, nhìn sâu vào một điểm được đánh dấu trên thân cây cam già. Ít lâu sau, tại điểm ấy, mọc ra một cái mầm mập mạp. Từ cái mầm ấy, ông bảo: Khi ta nhìn vào cái cây, thì giữa ta với nó, có sự tương tác. Một chiều, cây cho ta cảm thức về nó, từ đó trong ta có sự biến đổi về tâm sinh lí; chiều kia, ta truyền cho cây một năng lượng từ mắt mình. Khi năng lượng ấy tích tụ tới độ nào đó, nó sẽ kích thích cây nảy mầm… Chẳng hiểu chuyện đó có đúng vậy không, nhưng cây cam già mọc một cái mầm mập mạp thì là thật.

Bây giờ thì ông Sláy quyết định về sống ở quê. Ông bảo, về quê là theo tiếng gọi của quê hương, là tâm nguyện được gần gũi chăm sóc phần mộ của bà và ở đó ông có niềm vui với điền viên, mà ở đô thị ông không có được.

***

Ông Sláy xuống thành phố để chuyển các sinh hoạt của mình về quê và làm thủ tục sang tên ngôi nhà của mình cho con. Về ngôi nhà này, ông muốn cho cái Slao, vì trong bốn đứa con, nó là đứa có hoàn cảnh đặc biệt.

Slao là con thứ hai của ông bà. Trên nó có anh, dưới nó còn hai em trai. Nó lấy chồng là người cùng thành phố. Gần đây, chồng nó dính vào rượu chè, gái gú, rồi đánh vợ chửi con. Hạnh phúc gia đình đổ vỡ, nó quyết định li hôn. Vậy là sau mười lăm năm đi làm dâu, nó tay trắng dắt hai đứa con đang tuổi ăn học ra khỏi nhà chồng. Bà Mạy bảo ông: “Bây giờ mình không cưu mang con, thì nó dựa vào ai?”. Ông gật đầu để mẹ con nó sống cùng. Năm năm nay, mẹ con nó sống với ông bà; nó thì gồng mình lên để kiếm tiền nuôi con ăn học.

Tận đáy lòng mình, ông rất thương cái Slao. Nó có tư chất lại được học hành tử tế, nhưng đã không có may mắn như các bạn cùng lứa. Ngày còn tại nhiệm, với cương vị của mình, ông ngỏ lời đâu mà chẳng tìm được cho nó một chỗ làm việc; rồi từ đấy nó có được cuộc sống ổn định và một địa vị xã hội nào đó. Nhưng rồi ông lại nghĩ, mình nhờ người ắt có lúc người nhờ lại. Chỉ e việc người ta nhờ liên quan đến pháp luật, thì ông không giúp được, rồi mang tiếng vô ơn. Nghĩ thế, ông để con tự vận động. Nhưng rồi ông nhận ra, lớp tuổi cái Slao, không phải đứa nào thiếu sự bao bọc của cha mẹ, cũng tự vào đời được dễ dàng. Khi nhận ra điều đó, thì cơ hội để ông lo cho nó không còn nữa. Bây giờ thì nó đã bước sang nửa sau của đời người, mà vẫn chỉ hai bàn tay trắng… Vì vậy mà ông muốn ưu tiên cho nó căn nhà.

Ban đầu ông định sang tên luôn căn nhà cho cái Slao, rồi thông báo cho các con biết sau. Nhưng ông ngại làm thế sẽ gây cho các con ghen tị, thậm chí xảy ra sự tranh giành. Ngày còn tại nhiệm, ông đã chứng kiến nhiều cảnh như vậy. Trong những cuộc tranh giành ấy, mọi thứ, từ những lời tục tĩu, cho đến nắm đấm và cả những mưu mô hiểm độc… đều được người ta dùng. Cuộc nào cũng thừa sự khốc liệt, lại thiếu tình thân. Kết cục là, nhẹ thì từ mặt nhau, nặng thì thành án hình sự.

Vì vậy ông dự định sẽ họp các con, nói với chúng rằng, về lí thì ai cũng có phần, nhưng về tình, thì anh em nên nhường nhịn nhau; người có hoàn cảnh khá, nên nhường người khó khăn; người muốn được ưu ái, cần có lời xin người khác… Ông tin rằng các con sẽ vui vẻ nhường cả căn nhà cho cái Slao. Như vậy, khi mẹ con cái Slao được ngôi nhà, chúng sẽ thấy mọi người đã ưu ái mình. Những người đã nhường nhịn cái Slao, thì có được niềm vui bởi hành vi đó…

***

Đứng trước ngôi nhà mặt phố, mà ông Sláy sững sờ. Nhà của ông là cấp 4 đã cũ, sao giờ lại là nhà ba tầng mới xây? Ông còn đang ngơ ngác, thì cái Kiều, cháu ngoại ông, từ trong nhà đi ra. Nó reo lên:

- Ông đã về!

Kiều dắt ông vào nhà, rối rít hỏi ông về sức khỏe, về chuyện đi đường... Trái với sự vồn vã của nó, ông chỉ im lặng quan sát ngôi nhà, rồi hỏi:

- Ai xây nhà này? Tiền đâu để xây? Sao không ai nói với ông về chuyện này?

Cái Kiều không trả lời ông. Nó đi pha cốc nước chanh đường:

- Ông uống đi cho đỡ mệt…

Tâm trạng ông lúc đó thật nặng nề. Cái ông cần lúc này là câu trả lời về ngôi nhà, chứ không phải bất cứ thứ gì. Ông giục:

- Cháu nói đi, chuyện này là sao?

Cái Kiều cất giọng run run:

- Sau khi ông kí sang tên ngôi nhà cho mẹ cháu, mẹ cháu lại sang tên cho cậu Kiệm, bạn trai của cháu. Tiền xây nhà này là của bố mẹ Kiệm. Bây giờ, về danh nghĩa thì là nhà của Kiệm, nhưng chủ thực tế, là mẹ con cháu. Sang năm, cháu và Kiệm kết hôn, chúng cháu sẽ sống cùng mẹ và em ở đây…

Ông Sláy choáng váng, cảm giác như mình đang rơi tự do trong một vực thẳm. Trong khoảnh khắc ấy, ông ý thức được, mình đã bị con cháu lừa, đẩy ra khỏi ngôi nhà của mình. Ông cố nén giận, hỏi:

- Ông kí cho nhà mẹ cháu bao giờ? Hôm trước cháu chỉ xin ông cho mẹ cháu mượn nhà trong vòng một năm, để thế chấp vay tiền. Sao bây giờ lại là chuyện sang tên?

Cái Kiều giọng lí nhí:

- Dù sao thì ông cũng đã kí cho nhà mẹ cháu rồi…

Ông Sláy lại hỏi:

- Vậy là cháu đã làm giả tờ giấy ông cho nhà mẹ cháu, rồi để lẫn trong tập hồ sơ thế chấp vay tiền, lừa ông kí. Đúng không?

Cái Kiều im lặng. Ông buồn rầu:

- Mẹ cháu đâu?

- Dạ, mẹ cháu đi lấy hàng cũng sắp về rồi ạ.

Cùng lúc ấy, Slao về đến nhà. Cô chào hỏi bố, nhưng vì cơn giận đang ngùn ngụt trong lòng, ông không nói gì. Đoạn ông hỏi Slao:

- Mẹ con chị đã lừa tôi kí giấy sang tên ngôi nhà này cho chị. Đây là tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chị có hiểu không?

Slao lúng túng:

- Việc này… Thật ra…

Những lời ấp úng và vô nghĩa của Slao, không làm cho ông nhẹ lòng. Ông cảm thán:

- Tôi thật không ngờ! Bảy mươi tuổi rồi và đã tiếp xúc với đủ loại người, vậy mà sắp đến ngày xuống lỗ, còn bị lừa! Đau đớn hơn, người lừa mình, lại chính là những người ruột thịt mà mình hết mực tin yêu!

Slao hốt hoảng:

- Con xin lỗi bố! Chuyện này do con…

Cái Kiều cầm hai tay ông Sláy lắc lắc:

- Ông bình tĩnh đi! Cháu biết trước sau rồi ông cũng về sống ở quê. Ngôi nhà này rồi ông cũng sẽ cho các con. Bây giờ bác cả và các cậu, ai cũng có nhà rồi, nên họ cũng sẽ cho mẹ cháu. Vậy có gì to tát lắm đâu mà ông phiền lòng đến thế?

Nghe cháu nói thế, ông Sláy cảm thấy như trong lòng mình có đống lửa, được đổ dầu vào. Ông nói:

- Đúng là tôi sẽ về sống ở quê. Ngôi nhà ở thành phố, tôi sẽ cho các con. Nhưng đến tận bây giờ, tôi còn chưa mở miệng nói với ai. Vậy mà các người đã lừa tôi, để giật lấy nó…

Ông Sláy nói rồi xách túi hành lí, bước ra khỏi nhà. Slao cuống quít:

- Con xin bố, bố đừng đi! Mà bố đi đâu bây giờ?

Ông Sláy cười chua chát:

- Tôi còn gì trong ngôi nhà này, mà ở lại? Tôi đi đâu ư? Mẹ con chị còn lo cho tôi sao?

Nói rồi ông Sláy xách túi, bước ra khỏi nhà, hòa vào dòng người xuôi ngược.

***

Ông Sláy đi rồi, Slao trách con:

- Con với Kiệm làm thế, là khổ mẹ rồi!

Cái Kiều nói:

- Mẹ cũng bình tĩnh đi… Hồi ở trường, một bữa nọ mâm cơm chúng con có bốn đứa; đồ ăn gồm rau, canh và một đĩa đậu phụ. Trong đĩa đậu phụ ấy, lại duy nhất có một miếng thịt. Nửa đầu bữa ăn, cả bốn đứa chỉ gắp đậu phụ, miếng thịt vẫn còn đó. Xem ra, ai cũng giữ ý, không đụng vào miếng thịt. Sau đó một cậu gắp miếng thịt ấy ăn luôn. Ba đứa còn lại nhìn mặt cậu ta, chê trách. Cậu ấy thấy vậy, hỏi: “Nếu tôi không ăn miếng thịt ấy, các bạn có ăn không?”. Cả ba chúng con đều trả lời “không bao giờ”. Cậu ấy cười lớn: “Vậy thì đằng nào nó cũng thuộc về tôi…”. Từ chuyện trên, mẹ nghĩ xem, căn nhà của ông chẳng phải rồi cũng diễn ra như thế hay sao?

Slao hỏi:

- Vậy là con học theo cách của anh chàng gắp thịt?

Đoạn chị nói tiếp:

- Thật ra, thèm và ăn một miếng ngon, thì không xấu, vì đó là bản năng sinh vật trong con người. Nhưng ở con người, ngoài bản năng, còn phải có nhân cách; nếu không, thì xã hội này chỉ thấy sự giành giật. Như con đã nói, nửa đầu của bữa, ai cũng muốn ăn miếng thịt ấy, nhưng đều ngại. Đó chính là sự chế ngự của nhân cách với bản năng trong mỗi người. Nhưng rồi một người, khi bản năng chiến thắng nhân cách, anh ta đã nhanh tay lấy miếng thịt… Vậy nên người ta mới nói, nhìn cách ăn mà biết nhân cách của con người...

Ngừng giây lát, chị nói:

- Bây giờ trở lại chuyện ngôi nhà. Trong chuyện này, trước hết là lỗi của mẹ. Lẽ ra mẹ phải ngăn cản các con, thì ngược lại, mẹ đã đồng tình để các con làm thế… Còn điều này nữa, có thể ngôi nhà của ông sẽ vĩnh viễn thuộc về cậu Kiệm. Vậy là cái tài sản mà cả đời ông bà dành dụm mới có, bỗng chốc biến mất. Mẹ không nghi ngờ cậu Kiệm, nhưng cuộc đời đã dạy mẹ rằng, khi ta tốt bụng hoặc dễ dãi một cách nông nổi với ai đó, là chính ta đã kích hoạt lòng tham và thói ích kỉ vốn tiềm ẩn trong người họ. Từ đấy, người ta có thể làm tất cả, để đạt được điều họ muốn…

***

Mỗi lần đi xa về, ông Sláy lại ra mộ bà Mạy thắp hương và trò chuyện với bà. Hôm ấy trong khi ông đang kể về chuyện ngôi nhà, thì bất chợt ngôi mộ rung lên. Thoạt đầu ông nghĩ mình lầm, nhưng những ngọn cỏ trên mộ vẫn còn rung và mấy cục đất vẫn đang lăn xuống chân mộ, thì ông tin đó là sự thật. Ông thoáng nghĩ, phải chăng chuyện ngôi nhà có liên quan đến chuyện này?

Tối ấy ông Sláy đi nghỉ sớm. Ông nằm duỗi, hít sâu, thở nhẹ để vào giấc ngủ, nhưng cứ trằn trọc không ngủ được. Ông rơi vào cái vòng luẩn quẩn: Khó ngủ thì sinh nghĩ ngợi; càng nghĩ ngợi lại càng khó ngủ... Ông cố gạt bỏ mọi suy nghĩ, nhưng kí ức cứ ào về, gợi ông nhớ lại từ thời trẻ của mình.

Vào tuổi mười lăm, ông đang học trường xã, thì có giấy gọi đi học bổ túc văn hóa công nông ở dưới xuôi, do Nhà nước nuôi. Ông mừng lắm. Rồi đây ông sẽ được học nhiều, biết nhiều và làm được nhiều việc. Cả bản Nậm Cắt quê ông cũng vui lây với ông. Hôm ông lên đường, bà con bảo: “Sláy đi học rồi về xây dựng quê nhà, nhá”. Chỉ có Mạy chẳng rõ là vui hay buồn. Miệng cô thì luôn cười, nhưng đôi mắt lại như giấu giếm điều gì. Phải đến khi chỉ có hai người, Mạy mới thủ thỉ: Anh nhớ viết thư về cho em nhá…

Học xong cấp Ba, ông lại được chọn đi học đại học Luật. Sau khi tốt nghiệp, nhớ lời bà con dặn, ông xin được về quê làm việc. Người điều phối sinh viên bảo: Quê anh hiện giờ, mọi mặt đời sống vẫn đang được điều chỉnh rất hiệu quả bằng đạo đức, văn hóa… chưa cần phải có tới cử nhân luật. Tuy buồn vì nguyện vọng không đạt, nhưng ông biết người điều phối đã nói đúng. Từ bao đời nay cuộc sống quê ông vẫn yên bình. Ở đó, mọi người sống lương thiện và thân thiện; không hề có chuyện giành giật hay lừa gạt. Ở đó, ngày cũng như đêm, mọi nhà, “bếp luôn đỏ lửa, cửa luôn mở rộng”; chưa từng có trộm cắp hay bạo lực… Ở nơi như thế, đúng là chưa cần đến cử nhân luật, mà ông thì muốn được làm việc thật nhiều. Ông cầm quyết định và khoác ba lô về Tòa án nhân dân thành phố Đại Lâm. Đây là tỉnh lị tỉnh nhà, nhưng tỉnh bây giờ to hơn tỉnh ngày trước, nên ông phải xa nhà. Tại đây, ông được bổ nhiệm thẩm phán và cũng tại đây, ông đã gặp lại bà Mạy, đang là cán bộ Hội Phụ nữ tỉnh rồi hai người nên vợ nên chồng. Mấy năm sau, ông được điều động lên công tác ở Tòa án nhân dân tỉnh. Từ đây từng bước ông cống hiến và thăng tiến. Chức vụ cao nhất ông giữ cho đến ngày về hưu, là Chánh án cấp tỉnh. Nhìn lại hành trình đã qua, ông thấy tự hào, vì mình đã góp phần nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng và khi trả mũ, áo cho dân, ông vẫn giữ được thanh danh của vị quan tòa chế độ mới.

Thật ra cũng có lúc ông thấy lòng mình đượm buồn. Có người bảo rằng, thấy ông là thấy cảnh tù tội. Ông nghĩ: Bổn phận của ông là định tội người phạm tội. Nếu mọi người sống như người dân quê ông, thì sao họ phải tù tội? Vậy đó, cả đời ông luôn nghĩ tốt về người quê mình. Từ hôm biết con cháu lừa ông để chiếm đoạt ngôi nhà, ông mới ngộ ra: Đời sống thời thị trường, có thể làm thay đổi lối sống truyền thống. Với lối sống ấy, ở đâu cũng có thể xảy ra tội phạm, kể cả ngay trong chính gia đình ông…

Ông đang mải nghĩ, thì có tiếng bước chân nhè nhẹ trên sàn nhà. Kiểu đi ấy, là của bà Mạy. Bà đến nơi ông nằm: “Ông ngủ chưa?”. Ông cựa mình: “Chưa! Khó ngủ quá!”. Bà bảo: “Vậy thì ông dậy đi, chúng mình nói chuyện”.

Ông bà ngồi đối diện qua bàn nước. Ông rót hai chén chè nóng, đặt trước bà một chén. Bà bảo: “Em không uống chè, ông cho em cốc nước trắng”. Bà nhận từ ông cốc nước sôi đã nguội, rồi bảo: “Ông đốt hương đi, cho đỡ lạnh”. Ông đến bàn thờ, đốt mấy nén hương, vái mấy vái, rồi trở lại bàn nước. Bà cầm cốc nước: “Em muốn nghe lại chuyện ngôi nhà…”. Ông Sláy tợp ngụm nước, rồi lại kể với bà từ ý định của mình đến sự thật mà ông đã thấy. Bà thở dài: “Bây giờ ông định thế nào?”. Bà đã hỏi, thì ông phải trả lời, nhưng chuyện phức tạp, không thể bằng mấy lời mà rõ được. Hơn nữa, chính ông cũng đang tự mâu thuẫn với mình. Vì vậy ông chỉ nói gọn: “Chuyện đã đến nước này, thì nên thôi…”. Bà trầm ngâm: “Vậy là ông chịu mất một tài sản vào tay người ngoài, trong khi con cháu mình lại rất khó khăn?”. Ông thì thầm: “Nhưng tôi cũng đành bó tay…”. Bà thở dài: “Cả đời ông đã nhân danh công lí, mà mang lại lẽ phải cho bao người. Bây giờ bản thân có việc, sao ông không dựa vào pháp luật để giải quyết cho mình?”. Ông chậm rãi: “Chuyện không đơn giản vậy đâu…”. Bà chất vấn: “Là do mình thất lí, hay do việc thực thi công lí?”. Bà hỏi thế, khiến ông lúng túng. Nhưng nhờ bản lĩnh nghề nghiệp, ông đã xoay chuyển tình thế, bằng cách hỏi lại bà: “Vậy ý bà thế nào?”. Bà hạ giọng: “Ý em là phải nhờ pháp luật xử lí hành vi lừa đảo, để giáo dục chúng nó. Nếu đòi lại được ngôi nhà, rồi cũng cho con cháu, nhưng cho phải ra cho, chứ không phải cướp…”.

Vậy là bà muốn đi đến tận cùng câu chuyện. Nhưng ông là người trong nghề, hiểu được sự tình, nên ông còn nhiều phân vân.

Điều thứ nhất, ông phân vân về dư luận xã hội. Xưa nay, đưa một vụ việc ra pháp luật, người ta gọi là kiện. Dù ai cũng biết, khi gặp việc mà người ta không tự giải quyết được, thì nhờ đến pháp luật, là con đường văn minh nhất. Nó hơn ngàn vạn lần kiểu chửi bới hoặc dùng nắm đấm với nhau. Thế nhưng người đời vẫn dị ứng với việc kiện tụng. Vậy mà bây giờ ông lại làm cái việc ấy, hơn thế, lại là kiện con, cháu mình, thì người đời sẽ dè bỉu ông thế nào. Xét vậy thì có đòi được cái nhà, mà mất đi hình ảnh tốt đẹp của mình, liệu có đáng?

Điều nữa ông phân vân, là về pháp lí. Ngôi nhà của ông đã qua hai lần chuyển chủ. Lần thứ nhất chuyển từ ông sang cái Slao, là có yếu tố lừa đảo. Nhưng chuyển lần thứ hai, từ cái Slao sang cậu Kiệm, thì có sự thỏa thuận. Bây giờ, giấy trắng, mực đen, dấu đỏ còn đó, Tòa bảo: “Án tại hồ sơ”, thì mình cãi sao? Mà giả dụ rằng, được Tòa tuyên vô hiệu các giao dịch đã diễn ra, tài sản của ai trả lại người ấy, thì ông cũng chẳng có tiền để trả lại khoản chênh lệch giữa ngôi nhà hiện tại với nhà cũ của ông. Ấy là giả sử vậy thôi, chứ chuyện đòi lại ngôi nhà trở về chủ cũ, đâu dễ? Bởi vậy, nếu không tỉnh táo, ông sẽ chuốc thêm thua thiệt.

Điều thứ ba ông băn khoăn là…

Từ nãy bà vẫn ngồi yên lặng chờ ý kiến ông. Đến đây bà bảo: “Thôi, ông cứ suy nghĩ cho chín, hôm khác mình nói chuyện tiếp. Nhưng lần sau em cần biết rõ là ông sẽ làm gì để có lại ngôi nhà? Nếu ông không làm, thì em sẽ làm theo cách của em…”. Nói rồi bà vụt biến mất. Ông bàng hoàng trước sự ra đi của bà. Phải một lúc sau, ông mới ngơ ngác tự hỏi, đây là chuyện thực hay mơ? Rồi như người mộng du, ông xem bàn nước, thì chỉ có một cái chén ông đã dùng hồi tối; ông đến bàn thờ, không thấy nén hương nào có lửa; ông vào phòng ngủ của bà, vẫn lạnh lẽo như mọi ngày; ông bước nhanh ra cửa, chỉ thấy màn đêm dày đặc… Ông thất vọng trở vào, với tâm trạng của người vừa mất thứ gì vô cùng quí giá. Lúc này trời đã rất khuya. Đôi chim từ quy từ hai phía chân trời đã tới rất gần nhau. Chợt con ở ngọn núi sau nhà “nói”: “Mất nhà đất”, con kia đáp: “Đất giờ đắt”. Con ở sau nhà lại “nói”: “Cháu lừa cướp”, con kia đáp: “Thế thì xót”… Cứ như thế đôi chim “nói” về chuyện nhà ông. Ông cảm thấy, vừa như chúng thóc mách lại vừa như cảm thông với ông. Bất giác ông buông tiếng thở dài.

Bây giờ thì ông không ngủ được nữa. Ông nghĩ, nếu đúng là bà đã hẹn, dù chỉ là trong giấc mơ, thì ông phải có câu trả lời. Vậy là ông lại nghĩ tiếp về điều mình còn trăn trở. Đó là, ai sẽ làm việc tố tụng? Dĩ nhiên ông là chủ ngôi nhà, thì ông phải kí đơn khởi kiện. Nhưng đơn từ chỉ là việc mở đầu, còn nhiều việc quan trọng trong quá trình tố tụng, phải có người thực hiện. Giá như là chuyện khác, thì ông sẽ tự bảo vệ mình. Nhưng trong việc này thì ông không thể. Mặt mũi nào mà ông đứng ra tranh cãi với con cháu mình trước công đường về chuyện tài sản? Làm thế khác nào vạch áo cho người xem lưng, khác nào phơi bày sự suy đồi của gia tộc mình trước thiên hạ? Vậy nên phải có người thay ông làm những việc mà ông không nên làm.

Vậy là ông quyết định sẽ tìm người giúp mình. Ông biết nơi cung cấp loại dịch vụ này, là các Văn phòng Luật. Những năm gần đây loại hình này xuất hiện nhiều như nấm mùa xuân. Như vậy, việc tìm người giúp mình, xem như đã ổn.

Tổng hợp chung lại, về dư luận, đúng là đáng ngại, nhưng đòi nhà rồi lại cho con, thì người đời sẽ hiểu. Có ngại chăng, là chuyện pháp lí. Nhưng trong chuyện này, ông có sự thật, vả lại nếu tìm được luật sư giỏi, thì khả năng đòi lại được nhà cũng không nhỏ. Vậy là ông đã có câu trả lời bà.

Chuyện tưởng đã xong. Nhưng sao ông vẫn thấy lòng mình bất an? Hình như do những chuyện mà ông nghe được, từ trên chuyến xe hôm ở thành phố về, đã ám ảnh ông.

Hôm ấy, ở hàng ghế trước ông, là hai người đàn ông trung niên. Họ nói với nhau nhiều chuyện, nhưng ông chỉ còn nhớ chuyện vụ án. A nói: Ông Tạ (“bị” đơn) quá giỏi. Trước ngày xử vụ tranh chấp giữa ông ấy với ông Tấn (“nguyên” đơn), ai cũng bảo ông Tạ sẽ thua. Vậy mà bất ngờ, người thua lại là ông Tấn… B thủ thỉ: Có lần tôi nói với ông Tạ rằng: Em là em anh, nhưng nếu em ngồi ghế chủ tọa phiên tòa, em sẽ xử anh thua, anh Tấn thắng, vì anh thất lí hoàn toàn... Ông ấy cười, bảo tôi: Chú còn ngây thơ lắm! Anh thất lí, nhưng có thứ khác mạnh hơn lí. Vậy nên, anh phải mang thứ mình mạnh ra để “chọi”, chứ dùng lí để mà chết à? Nói riêng với chú, trong vụ này, người anh ngại nhất là tay Luật sư bên “nguyên”. Vì mình đuối lí, mà hắn chơi tới bến, thì chủ tọa phiên tòa có “thương” mình, cũng không giúp được. Lúc đầu hắn tỏ ra tự tin và trung thành với thân chủ của mình lắm. Anh nghĩ, ở đời “ăn cây nào, rào cây ấy”, cũng là lẽ thường. Rồi anh lại nghĩ: Người ta “rào cây” là vì lợi ích. Nếu “nhổ” cây đi, mà có lợi ích lớn hơn, thì họ “rào” làm gì nữa? Thế là anh bảo luật sư của mình cho hắn ngửi thử “mùi đồng”. Quả là cái mùi ấy đã làm hắn dịu giọng. Vậy là, trên công đường hôm ấy, vẫn ghế ai người đó ngồi, nhưng tất cả họ là người của anh. Chú hiểu chưa?

Ông Sláy thấy lòng mình nhói đau, mà không dám lộ ra người thụ lí vụ ấy, từng là thuộc cấp của mình. Hai người đàn ông vẫn tiếp tục trò chuyện, nhưng ông Sláy không để ý đến chuyện của họ nữa. Hình như ông bị say xe và mệt.

Ông biết bức tranh toàn cảnh về hoạt động tư pháp hoành tráng và rực rỡ. Câu chuyện của hai người đàn ông trên xe, nếu có thật, cũng chỉ là một mảng nhỏ trong bức tranh ấy. Vậy mà ông vẫn thấy lòng mình xao động và giảm bớt tự tin. Vậy là ông quyết định khép lại vụ ngôi nhà. Tối ấy ông thắp mấy nén hương trên bàn thờ, thành tâm khấn bà và nói rõ quyết định của mình, xin bà ủng hộ. Đêm ấy ông thấy lòng mình thanh thản, cũng là một đêm ông có được giấc ngủ không gián đoạn và không mộng mị.

***

Một chiều nọ, ông Sláy đang đọc một cuốn tiểu thuyết về tâm lí xã hội, thì cái Kiều và một cậu trai, chừng hai lăm, hai bảy tuổi tới. Hai đứa tíu tít hỏi về sức khỏe, về sinh hoạt của ông. Cuộc chào hỏi giữa ba người khá vui vẻ, như chưa từng xảy ra chuyện gì không vui. Chợt cái Kiều nói:

- Thưa ông, đây là Kiệm, bạn cháu. Hôm nay chúng cháu về thăm ông và có đôi chuyện thưa với ông…

Kiệm tiếp lời Kiều:

- Thưa ông, trước hết chúng cháu thành thực xin lỗi ông về chuyện ngôi nhà. Thật ra, chúng cháu làm vậy, là do suy nghĩ nông cạn, chứ không nhằm giành giật hay tước đoạt ngôi nhà đâu ạ. Hôm nay cháu đã làm lại giấy tờ ngôi nhà trở lại tên ông và gửi lại ông...

Kiệm lấy từ túi xách ra một tập giấy, trong đó có giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng nhà và giấy chuyển quyền sở hữu nhà, mang tên ông Cao Sinh Sláy, đưa cho ông. Ông Sláy cầm tập giấy, xem lướt rồi đặt lên bàn. Ông chưa nói gì. Kiệm nói tiếp:

- Việc thứ hai chúng cháu thưa với ông là, Kiều và cháu yêu nhau đã mấy năm. Hôm nay chúng cháu về báo cáo ông và nếu được ông ưng thuận, chúng cháu xin phép cuối năm nay sẽ tổ chức thành hôn…

Ông Sláy nghe xong, bảo:

- Bây giờ cũng muộn rồi, ông cháu mình đi làm bữa chiều. Cơm nước xong, ta sẽ nói chuyện tiếp. Ông muốn chuẩn bị một tâm thái phù hợp để đón nhận chuyện của các cháu.

Kiều và Kiệm nháy nhau: “Vậy là ông ok rồi!”. Hai đứa mỉm cười hạnh phúc.

Thái Nguyên, tháng 8/2021

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Ơi những ngày thu

Văn xuôi 18 giờ trước

Vị giác

Xem tin nổi bật 1 ngày trước

Tháng chín...

Văn xuôi 1 ngày trước

Dành cho các em nhân dịp Tết Trung thu

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Mùa thu tươi đẹp đã về

Văn xuôi 2 ngày trước

Son môi

Xem tin nổi bật 4 ngày trước