Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
00:18 (GMT +7)

Chiêng làng, chiêng phố

VNTN - Bảo tồn không gian văn hóa là bảo tồn hồn cốt của di sản. Nhưng điều này không hề đơn giản, nếu những người làm văn hóa không thật sự hiểu biết đầy đủ. Tây Nguyên với bảo tồn cồng chiêng được đánh giá và ghi nhận là một trong những nơi làm rất tốt vấn đề này. Tuy vậy, dưới góc nhìn của một người hiểu biết về văn hóa, nó vẫn còn rất nhiều vấn đề cần điều chỉnh. Bài viết này là một gợi ý cho rất nhiều địa phương trong thời gian qua còn rất lúng túng với việc bảo tồn và phát triển di sản, khiến di sản méo mó và biến dạng.

Đang có nhiều cách “quẫy cựa” từ cả phía chính quyền và người dân Tây Nguyên, những chủ thể của chiêng để cồng chiêng và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, để trở lại là chính nó. Muốn để được như xưa thì đúng là rất khó và không thể. Bởi cuộc sống không đứng yên, nó luôn phát triển từ đúng quy luật tới cả phá quy luật. Vấn đề quan trọng là, ứng xử với nó thế nào trong tiến trình phát triển hợp lý ấy.

Không gian cồng chiêng

Đơn giản nhất nó là toàn bộ không gian sống của người Tây Nguyên. Không gian ấy gồm có: Làng và rừng.

                                    img-7203-1690863879.JPG
Không gian cồng chiêng Tây Nguyên 

Làng là những ngôi nhà sàn quần tụ quanh ngôi nhà rông. Có những khoảng sân nối nhà này với nhà kia. Có giọt nước, có khu nhà mồ. Xa hơn về phía rừng thưa có nhà rẫy. Và xa nữa là rừng già, rừng nguyên sinh. Nó là làng của ma. Bí ẩn, thăm thẳm và linh thiêng.

Chiêng được sử dụng trong không gian làng ấy. Nó, ban đầu là thế giới tâm linh. Nó tham gia vào toàn bộ đời sống của con người từ khi sinh ra (lễ thổi tai) cho tới khi chết đi, hóa thân vào đất vĩnh viễn (lễ Pơ thi - bỏ mả). Nó cũng tham gia vào thế giới vạn vật bởi người Tây Nguyên quan niệm vạn vật hữu linh. Tức là thế giới tự nhiên, thế giới của rừng, trong phần liên quan tới đời sống của họ.

Thi thoảng chúng ta lại mang chiêng lên phố đánh, thậm chí lên sân khấu, cũng được thôi, nhưng khi ấy ta đã chuyên nghiệp hóa chiêng, ta đã bứng chiêng ra khỏi không gian của nó. Nó lại trở thành những chiếc chiêng nhạc cụ. Và nếu thế, các đoàn nghệ thuật với những nghệ sĩ chuyên nghiệp giỏi hơn rất nhiều, đưa nghệ nhân lên đấy, y như bắt cá từ sông vào chậu, nếu như không muốn nói, đặt cá lên thớt...

Làng bây giờ cũng nhiều đổi thay.

Là vừa do sự phát triển tự phát, vừa là thực hiện chủ trương nông thôn mới, nên về kinh tế có thể có những sự tăng trưởng nhất định, nhưng văn hóa, có vẻ như đang chạm đến sự nhạy cảm của làng. Làng, cái làm nên những bí ẩn, làm nên tầng tầng ký ức, cái mà nó khiến cho những người con của nó dù có đi chân trời góc biển cũng đau đáu để trở về, giờ không còn như xưa.

Và ngay cái không gian của chiêng ấy, có vẻ như nó cũng không còn toàn vẹn. Nó mất đi cái hồi hộp, cái đắm say, cái nhịp thở... làm nên hồn cốt của lễ hội. Nó chỉ là sự trách nhiệm, nghĩa vụ, sự quán tính, bắt buộc... Chiêng và làng không còn quyện vào nhau như nó từng đã thế, hàng mấy trăm năm đã thế...

Năm 2005, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại”.

Nó có mấy điều cần nói cho rõ.

Thứ nhất là cái được công nhận này, một mặt nó chứng minh đây là của hiếm và quý, nhưng mặt nữa, nó là sự báo động rằng nó cũng đang bên bờ của... biến mất. Nên mới phải công nhận để mà giữ.

Và hai, nhiều người hay nhầm và tách cồng chiêng ra. Không phải thế. Ở đây chính là cái không gian văn hóa cho cồng chiêng tồn tại và phát triển, chứ bản thân cồng chiêng, nó lại không phải do người Tây Nguyên làm ra, mà họ đi đổi, đi mua về.

Và cồng chiêng nó vĩ đại chính là ở chỗ này.

Không gian cồng chiêng bắt nguồn từ làng và chỉ gắn với làng, nó như một mối quan hệ nhân quả, làng sinh ra chiêng và chiêng trở lại làm nên một bản sắc làng Tây Nguyên. Chiêng, vốn dĩ nó chỉ là chiêng, sau này chúng ta nâng tầm văn hóa cho nó, và cũng may là nó xứng đáng, nó hòa nhập chứ không khập khiễng như một số nơi chúng ta phong những khập khiễng làng văn hóa, nhà rông văn hóa...

                                    chieng-nu-tay-nguyen-anh-vch-1690863879.JPG
Chiêng nữ Tây Nguyên 

Không gian văn hóa cồng chiêng là một tổ hợp các yếu tố bền chặt quyện vào nhau không thể tách rời. Đấy là làng nhà sàn với nhà rông, những cái sân đất hoặc chái cầu thang, những đống lửa và rượu cần, những tù đọng và khát vọng, những phân đoạn và miên man, những cố định và vươn tới... Với người Êđê, M'nông... thì còn là ghế K'pan. Rồi là chiêng, tất nhiên. Có những bộ chiêng giá bằng voi, bằng trâu trắng, rồi là người chơi. Người chơi là chủ thể của một cuộc chơi chiêng, và phía sau người chơi chiêng là người chỉnh chiêng.

Chưa hết, trên hết, chiêng còn mang ý nghĩa tâm linh đối với cộng đồng hoặc từng cá nhân. Thực ra chúng ta tưởng là nghệ nhân chơi chiêng, nhưng thực ra là họ đang thực hiện nghi lễ. Có nghi lễ vui và nghi lễ buồn, có nghi lễ mở và nghi lễ linh thiêng, có nghi lễ ngẫu hứng và nghi lễ quy luật... và điều quan trọng nữa, với chiêng, ai cũng là chủ trong không gian ấy, không có ai là người diễn, ai là người xem.

Tất cả là chủ thể của cái không khí lễ hội hừng hực mê đắm đang diễn ra, dẫu có thể có người chả làm gì cả, chỉ ngồi ôm cần, hoặc thậm chí là... ngủ, nhưng từng chi tiết, từng thành viên, từng khoảnh khắc trong cái không gian sôi đặc hỗn độn và thời gian miên trải kia đều gắn chặt với nhau, tạo nên cái mà bây giờ chúng ta gọi là không gian văn hóa cồng chiêng để mà UNESCO đã phải công nhận nó là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Và cồng chiêng

Cư dân bản địa Tây Nguyên sử dụng cồng chiêng nhưng bản thân họ không đúc được cồng chiêng. Những bộ cồng chiêng hiện nay người Tây Nguyên sử dụng xét về nguồn gốc có chiêng Yoăn là chiêng do người Kinh đúc; chiêng Lào (được mua từ Lào) là loại cồng chiêng quý, hiếm nhất; chiêng Kur là cồng chiêng có xuất xứ từ Campuchia.

Những bộ cồng chiêng sau khi mua về, tùy theo từng dân tộc, từng nhóm địa phương, các nghệ nhân chỉnh chiêng sẽ chỉnh lại thang âm theo yêu cầu biên chế của từng bộ chiêng. Mỗi bộ cồng chiêng thường có 2 phần: phần tiết tấu được thể hiện bằng những chiếc cồng (có núm); phần giai điệu được thể hiện bằng những chiếc chiêng (không có núm). Ngoài ra, biên chế đủ để thể hiện âm nhạc cồng chiêng còn có lục lạc, chũm chọe, phổ biến có thêm cả trống.

Người Tây Nguyên biên chế các loại cồng chiêng thành những bộ có tên gọi riêng để phục vụ cho những công việc, những lễ hội cụ thể. Thông thường, một bộ chiêng chỉ được sử dụng trong những nghi lễ có cùng tính chất: Chiêng tơnăh, kơđơ mỗi bộ có từ 8 - 9 chiếc (thường 3 cồng, 5 chiêng) được biên chế với 1 trống có đường kính mặt trên dưới 1 mét, chỉ dùng trong những lễ hội vui; Chiêng aráp mỗi bộ có từ 12 - 13 chiếc trở lên. Trong vùng người Bahnar hoặc Jrai ở phía tây Trường Sơn, bà con có thể dùng bộ cồng chiêng này trong mọi lễ hội (vui hoặc buồn) nhưng người ta phân biệt được tính chất và loại hình các lễ hội bằng những bài chiêng khác nhau.

Nhưng ở vùng Cheo Reo Phú Bổn, người Jrai thường chỉ dùng chiêng Aráp trong những nghi lễ liên quan đến tang ma (khi có người chết hay trong lễ bỏ mả). Bộ chiêng Mơtrum (trum) Kơbâo gồm 3 cồng có núm biên chế cùng 1 hoặc 2 trống vỗ, chỉ dùng trong những lễ hội có trâu làm vật hiến sinh. Nhiều gia đình, dòng họ giàu có người Jrai còn có những bộ chiêng riêng để sử dụng trong tất cả những nghi lễ của gia đình, dòng họ.

Nói thế để thấy, không phải lúc nào và ở đâu cũng có thể mang chiêng ra chơi cả, việc tổ chức các lễ hội riêng lại càng ít thấy. Chiêng là môn nghệ thuật tập thể, có tính cộng đồng, cần phải đông người. Để có một cuộc chơi chiêng cần hội đủ ít nhất 3 thành phần là người chỉnh sửa âm thanh (lên dây chiêng), người chơi chiêng và người xoang.

Và chiêng phố

Một nhóm cán bộ văn hóa tỉnh Gia Lai, yêu mến văn hóa Tây Nguyên, yêu mến chiêng, đã nghĩ cách.

Ấy là thành phố Pleiku có một cái quảng trường. Và may thay, có một góc quảng trường người ta trồng cây khá dày, như rừng.

                                    xoang-va-chieng-ia-grai-1690863881.JPG
Xoang và chiêng Ia Grai

Thế là xin ý kiến, được đồng ý mừng húm, rồi chạy đi vận động kiếm tiền, rồi mời nghệ nhân ở buôn làng lên, giao cho họ khu đất... như rừng ấy, bảo họ coi như đấy là làng mình, và chơi chiêng ở đấy. Tất nhiên là không thể như làng họ, bởi ai cũng thấy rõ điều hiển nhiên ấy, huống gì bà con, những người rất nhạy cảm với những gì liên quan tới văn hóa và bản sắc của họ. Nhưng thôi, vì cái chung, cái lớn hơn, là truyền bá văn hóa chiêng đến với, người “phố”, và điều quan trọng nữa là, đây là cách để bà con dân làng có dịp mang chiêng ra sử dụng.

Việc của những người tổ chức là... kiếm tiền.

Và họ kiếm được. Có một vài tài trợ nhỏ, họ chắt chiu để mỗi nghệ nhân được mời lên chơi chiêng mỗi đêm như thế sẽ được bồi dưỡng hai trăm năm mươi ngàn. Rồi thời gian gần đây, cái khó ló cái khôn, họ đặt một cái gùi ở đấy, những người tới thưởng thức chiêng, tham dự chiêng, có lòng thì... mở ví tặng thêm. Thế mà mỗi đêm cũng có thêm vài ba triệu trong gùi, tất cả chia cho bà con. Cứ thế cái món chiêng hàng tuần (tối thứ 7) ở quảng trường thành phố Pleiku vừa giáp năm.

Có hai điều nhận ra từ những đêm chiêng phố này.

Một là té ra lực lượng chơi chiêng dưới buôn làng ngày càng trẻ tới... rất trẻ. Tôi là một trong những người cũng yêu mến và quan tâm văn hóa Tây nguyên, có nghiên cứu chút chút, nhưng cũng không tin lắm cái sự gọi là truyền nghề giữa các nghệ nhân già với lớp trẻ. Nhưng quan sát một năm nay, tôi đã bị thuyết phục hoàn toàn khi ngày càng thấy nghệ nhân chơi chiêng và xoang (múa) vô cùng trẻ. Có những cháu mới học lớp ba lớp bốn. Số đang là học sinh Trung học phổ thông rất đông. Và hai là, những người “phố” quan tâm chiêng cũng rất nhiều. Mỗi đêm như thế cũng tới bốn năm trăm người, có người xem, có người tham gia, cùng vào xoang với bà con. Nhiều ông bố bà mẹ mang theo con tới, vừa cho chúng tham gia như cách thư giãn, vừa như một cách ngoại khóa, cho các cháu hiểu thêm về văn hóa Tây Nguyên.

Thì rõ ràng đã có một không gian chiêng khác, một không gian tận dụng, không gian bị bứng khỏi không gian để chiêng có thể hoạt động... gần giống thế, một cách áp dụng có thể chấp nhận được trong hoàn cảnh hiện tại, chứ rõ ràng nó hoàn toàn không phải là không gian làng Tây Nguyên của chiêng.

Biết làm sao?

May là vẫn còn những con người tâm huyết, và còn được một chỗ trên phố khả dĩ gần với không gian làng.

Thế là chiêng. Chiêng phố.

Văn Công Hùng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy